Sự biến dạng của đồng bằng sông Cửu Long: Bi kịch hiện hữu

Sự trù phú của miền Tây chỉ còn trong câu hát, điệu hò. Sẽ chẳng còn phù sa, chẳng còn nguồn tài nguyên trù phú, chỉ còn hạn – mặn, sạt lở nghiêm trọng kéo dài.

Bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về Biến đổi khí hậu.

Tôi có thói quen lân la với người già khi làm những nghiên cứu về khí hậu, môi trường. Với tôi, họ là kho tàng giàu có nhất về những gì từng xảy ra.

Sau đợt hạn, mặn khốc liệt năm 2016, tôi làm nghiên cứu về khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân miền Tây, đồng bằng Sông Cửu Long. Hầu hết những nơi tôi từng qua, từ Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ tới Mũi Cà Mau, người già đều cho tôi thấy một nỗi lo mà họ cảm nhận đã rất gần.

Đồng bằng sông Cửu Long xưa kia vốn dĩ được thiên nhiên ưu đãi về sản vật tự nhiên nên cây gì cũng tốt tươi, tôm cá đầy đồng, chỉ cần quăng lưới, thả câu là có ăn. Sự giàu có của tự nhiên hình thành nên tính cách hào sảng và vô tư của con người.

Bây giờ thì đã khác. Sự trù phú của miền Tây chỉ còn trong câu hát, điệu hò. Sầu muộn hằn rõ trên đuôi mắt nheo nheo của một cụ bà mà tôi gặp ở Tân Thới Đông, Tiền Giang. Cụ kể, nhà bây giờ chỉ có cụ và đứa cháu gái đang học lớp 7. Chị nó vừa xong lớp 9 đã đi Bình Dương làm công nhân cùng mẹ. Ba nó đi thợ hồ ở đâu không biết.

Ở Tiểu Cần, Trà Vinh, tôi gặp cụ bà hơn 60 tuổi và cô con gái ngoài 30 trong căn nhà lá tềnh toàng mép bờ kênh. Căn nhà chỉ chực sập xuống dòng nước. Giữa trưa nắng, họ nhìn mãi ra khoảng không trắng lóa. Một hồi lâu, cụ chỉ con gái: “Nó đó, nghe theo người ta lên Bình Dương làm việc, rồi chủ công ty bỏ trốn, nó lại phải về nhà mà chẳng có việc gì”. Là bởi trồng lúa thì vụ được vụ mất. Nếu có được mùa, chi phí thủy lợi, làm đất, giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật “ăn” hết phần lời. Tính ra, mỗi công đất chỉ còn lời được 90.000 đồng mỗi vụ. Số tiền này không thể đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong vài ngày. Còn nếu mất mùa, coi như mất trắng.

Nhiều mô hình sinh kế cũng đã được đưa về đồng bằng trong nỗ lực giúp nông dân sống được trên mảnh đất của chính mình, nhưng điệp khúc được mùa mất giá không ngừng lặp lại suốt nhiều năm. Thứ duy nhất còn đeo đẳng người miền Tây là những món nợ ngân hàng ngày một nặng trĩu. Một ngày, hết hy vọng, họ bỏ ruộng vườn ra đi làm mướn. Bởi thế mà những ấp, những làng nơi tôi đi qua ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn bóng dáng người già, phụ nữ và trẻ em. Người trẻ, khỏe đã di cư tìm công việc ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai và thậm chí các tỉnh miền núi, ra nước ngoài. Các cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc nằm trong số đó. Cá biệt như ấp Xóm Biển ở mũi Cà Mau. Cả ấp bỏ đi hết, chỉ còn lại những căn nhà xệch xoạc mặc cho sóng gió mỗi ngày bóc đi từng phên lá, từng miếng mái tôn.

Hoàn cảnh mỗi nơi có thể khác nhau, nhưng nguyên nhân đều từ một. Sự suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng, sạt lở, xâm nhập mặn và những mùa lũ không về là căn nguyên chính khiến đồng bằng sông Cửu Long kiệt quệ. Những diễn biến môi trường đó không chỉ làm sinh kế của con người chết dần chết mòn mà còn làm gia tăng các mâu thuẫn cộng đồng, vốn dĩ đã rất tốt đẹp.

Gần 6 năm nay, người dân đồng bằng sông Cửu Long mòn mỏi chờ mùa lũ từ thượng nguồn sẽ về, bù đắp cho những vết thương của dòng sông và cánh đồng, bằng tôm cá và phù sa.

Nhưng lũ không về, phù sa cũng không về. Thay vào đó, mực nước biển dâng kèm sóng lớn gây sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng trầm trọng. Theo báo của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn vùng đồng bằng có đến 265 điểm sạt lở bờ sông, biển với chiều dài 450km. Khoảng cách đó tương đương quãng đường từ Hà Nội đi đến cuối tỉnh Quảng Bình. Và việc gia cố hay làm kè là bất khả thi.

Trong bối cảnh đó, thượng nguồn sông Mekong đang bị băm nát bởi các đập thủy điện nằm tại Trung Quốc, Lào và Campuchia mà đa phần vận hành bởi nhà đầu tư Trung Quốc. Hiện có 7 đập thủy điện lớn đang vận hành, 7 đập thủy điện siêu lớn đang được xây và 13 đập thủy điện siêu lớn khác đang có kế hoạch được xây tiếp bám vào dòng Mekong.

Đặc biệt, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng đập Sambor dài 82 km, chặn ngang dòng Mekong ở vị trí tỉnh Kratie, Campuchia, nơi gần Việt Nam nhất. Con đập này sẽ bức tử hoàn toàn vùng hạ lưu sông Mekong.

Mới chỉ có 7 thủy điện chặn dòng mà Mekong đã không còn mùa lũ. Nếu tất cả 27 đập thủy điện lớn cùng hoạt động, chắc chắn đồng bằng sông Cửu Long mãi mãi không còn mùa nước nổi.

Sẽ chẳng còn phù sa, chẳng còn nguồn tài nguyên trù phú, chỉ còn hạn – mặn, sạt lở nghiêm trọng kéo dài.

Những người dân mà tôi đã gặp, họ chẳng biết được mối liên quan giữa những con đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong với những giọt nước mắt đã khô trên má người già. Họ vẫn thấp thỏm ngóng mùa nước nổi sẽ quay về.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,