‘Squid Game’ phơi bày cuộc khủng hoảng nợ cá nhân ở Hàn Quốc

Tại đất nước cho vay tiền dễ dàng như mua tách cà phê, những người gặp khó khăn tài chính như anh Choi có thể dễ dàng rơi vào vòng xoáy nợ nần.

‘Squid Game’ phơi bày cuộc khủng hoảng nợ cá nhân ở Hàn Quốc

Squid Game, được phát hành vào ngày 17/9, đang trên đà trở thành chương trình được xem nhiều nhất từ ​​trước đến nay của Netflix.

Bộ phim kể về một sân chơi mà trong đó 456 người ở Hàn Quốc. Đối mặt với nợ nần chồng chất và sự tuyệt vọng, họ đánh cược mạng sống để giành giải thưởng 38 triệu USD.

Bộ phim thu hút khán giả toàn cầu với nội dung pha trộn giữa yếu tố bi kịch và những bình luận xung quanh sự thất bại của chủ nghĩa tư bản kiểu Hàn Quốc.

Đặt bộ phim ra xã hội Hàn Quốc, những gì xảy ra trên phim là hoàn toàn có thật khi khoản nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc đã tăng trong những năm gần đây, hiện tương đương với hơn 100% GDP – mức chưa từng thấy ở các quốc gia châu Á.

Theo New York Times, chính hàm ý về sự bất bình đẳng đang diễn ra trong xã hội Hàn Quốc là một trong những yếu tố giúp bộ phim nổi tiếng quốc tế.

Khủng hoảng nợ cá nhân

The Guardian mô tả lại tình cảnh của Choi Young-soo (35 tuổi). Anh hiện sống trong con hẻm tồi tàn ở quận Gangnam giàu có của Seoul.

Đó là thời điểm duy nhất mà shipper đồ ăn thời vụ này dám rời khỏi nhà trọ giá rẻ tí hon mà anh ở chung với khoảng 30 người khác. Anh cho biết những phòng trọ “chỉ lớn hơn quan tài một chút”.

Choi nằm trong số những người dân Hàn Quốc rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhóm đối tượng này ngày một phát triển trong lòng xã hội Hàn Quốc, nơi mà việc vay tiền dễ dàng như mua tách cà phê.

“Tôi cảm thấy dường như người khác có thể ‘đánh hơi’ được rằng tôi là một kẻ thất bại. Bởi vậy, tôi chỉ ra ngoài vào ban đêm để hút thuốc và ngắm những con mèo hoang”, anh nói.

Nợ nần đi đôi với sự chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng đáng kể ở xứ kim chi. Mức chênh lệch này trở nên trầm trọng hơn do tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao, và giá bất động sản ở những thành phố lớn vượt quá khả năng của hầu hết người lao động bình thường.

Như bộ phim đã minh họa, các lý do như bị mất việc đột ngột, đầu tư sai lầm hoặc đơn giản do vận rủi có thể buộc một người trở thành con nợ cố gắng sống qua ngày.

Sự nổi tiếng của Squid Game là bằng chứng cho thấy nhiều người có chung trải nghiệm khốn khổ nợ nần chồng chất.

Tuy nhiên, việc bộ phim lấy bối cảnh Hàn Quốc không phải sự tình cờ, theo ông Lee In-cheol, CEO Viện nghiên cứu Kinh tế Real Good.

“Tổng số nợ của người Hàn Quốc đã vượt quá 5% GDP. Điều đó đồng nghĩa rằng bạn vẫn không thể trả nợ ngay cả khi tiết kiệm từng đồng kiếm được trong cả năm. Và số người gặp vấn đề về nợ nần đang tăng lên theo cấp số nhân”, ông nói.

Để cải thiện tình hình, gần đây, ủy ban dịch vụ tài chính và dịch vụ giám sát tài chính của quốc gia đã can thiệp để ngăn chặn thêm nhiều người Hàn Quốc rơi vào cảnh nợ nần.

“Đó là lý do các ngân hàng lớn ra tay hành động để hạn chế vay nợ. Nhưng liệu điều đó có thực sự giúp ích cho mọi người không, đặc biệt là giữa đại dịch Covid-19?”, ông Lee đặt vấn đề.

Thành con nợ trong chớp mắt

Tương tự gia cảnh của 456 thí sinh trong Squid Game – những người liều mạng chơi các trò thiếu nhi để giành giải thưởng 45,6 tỷ won (38,4 triệu USD), Choi bất ngờ chìm trong nợ nần.

Chỉ 2 năm trước, Choi còn là kỹ sư công nghệ thông tin cho một công ty ở Thung lũng công nghệ Pangyo. Thời gian dài tăng ca và thức khuya đã ảnh hưởng đến sức khỏe của anh. Do đó, sau một năm thảo luận và tiết kiệm tiền, vợ chồng Choi quyết định mở một quán rượu ở quê nhà Incheon.

Thế nhưng, đó lại là một quyết định họ hối tiếc cả đời, bất chấp tham vọng ban đầu rất khiêm tốn.

“Vợ chồng tôi không mong trở thành triệu phú. Chúng tôi vẫn sẽ hài lòng nếu thu nhập tương đương trước đây. Những gì tôi muốn nhất là được ngủ nhiều hơn, dù chỉ thêm 1 tiếng/ngày”, anh chia sẻ.

Bất chấp khởi đầu tích cực, doanh nghiệp của vợ chồng Choi trở thành nạn nhân của đại dịch Covid-19. Sau khi các quán bar và nhà hàng được yêu cầu đóng cửa lúc 21h để ngăn chặn dịch bùng phát, chỉ còn lác đác vị khách ghé quán của hai vợ chồng, rồi chẳng còn ai.

“Có những ngày, quán chúng tôi không một bóng khách. Hai vợ chồng đành bật nhạc thật lớn để cổ vũ tinh thần nhau, dù biết điều đó đồng nghĩa với việc tốn nhiều tiền điện hơn. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tắt loa đi”, anh kể lại.

Sau khi không thể trả được tiền thuê nhà suốt 4 tháng, hai vợ chồng tìm kiếm sự giúp đỡ. Choi cho biết mặc dù làm hồ sơ vay tiền ngân hàng rất dễ dàng, vợ chồng anh không khỏi bàng hoàng khi thấy lãi suất cao tới 4%.

Trong vài tháng tiếp theo, họ đã vay từ tất cả 5 ngân hàng cao cấp của Hàn Quốc và sử dụng nhà làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên, hai vợ chồng không còn khả năng chi trả.

Cuối cùng, họ đành chọn cách vay ở ngoài để trả các khoản nợ hiện có với lãi suất hơn 17%.

“Đến lúc đó, tôi không còn quan tâm đến lãi suất cao thế nào nữa. Tôi nhận được quá nhiều cuộc gọi và tin nhắn yêu cầu hoàn trả các khoản vay. Nó choán lấy cuộc sống của chúng tôi. Vợ tôi nói rằng cô ấy thậm chí còn nghe thấy tôi nói mớ về lãi suất trong giấc ngủ”, anh kể lại.

Trong nỗ lực tuyệt vọng thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại, vợ của Choi nhận công việc tại một nhà hàng ở tỉnh khác. Vợ chồng anh đành nhờ bố mẹ trông nom giùm hai đứa con thơ.

Choi cho biết anh đã nghe nói rất nhiều về Squid Game, nhưng không có điều kiện xem.

“Bạn phải trả tiền để xem bộ phim này và tôi chẳng quen ai cho mượn tài khoản cả. Hơn nữa, tại sao tôi lại muốn xem những người khác cũng mang khoản nợ khổng lồ? Tôi chỉ cần đứng trước gương là được”, anh nói.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,