⠀
Sống xanh có thật sự khó như bạn nghĩ?
Tháng 2/2018, tôi vô tình xem đoạn video dài gần 10 phút trên YouTube, quay lại cảnh các chuyên gia rút một vật thể từ chiếc mũi của rùa.
Chú rùa đau đớn đến mức khi các nhà nghiên cứu cố gắng rút chiếc ống và chú đã nhiều lần rụt đầu lại như thể “xin cám ơn, đừng rút nữa, đau lắm”.
Máu chảy ra từ hốc mũi nhưng không có thuốc gây tê để giảm đau. Thậm chí chú còn kêu la thảm thiết sau mỗi lần chuyên gia dùng lực rút chiếc ống ra ngoài.
Các bạn có đoán được chiếc ống đó là gì không?
Ống hút nhựa chúng ta sử dụng hàng ngày đó.
Mỗi sáng tỉnh dậy, bạn dùng bàn chải, kem đánh răng, sữa rửa mặt, toner, dưỡng ẩm,…
Bạn biết nó được làm từ gì không? Nhựa đấy!
Tất cả những món ấy khi thải ra môi trường sẽ huỷ hoại biết bao sinh vật biển, biến đại dương thành bãi rác khổng lồ và thu hẹp diện tích sống của con người.
Tôi không ngờ một vật vô tri vô giác được xem tiện lợi với con người lại ảnh hưởng đến các sinh vật biển như thế.
Vậy nên tôi đã quyết định thay đổi.
Tháng 3/2018, tôi bắt đầu hành trình sống xanh.
Mang túi vải khi đi siêu thị, chuyển đổi ống hút, ly tách bằng các sản phẩm làm từ inox hoặc tre, hạn chế mua các loại nước uống đóng chai, thay bằng một chiếc bình inox chứa đầy nước.
Nhiều người bảo, khát thì vào cửa hàng tiện lợi mua, uống xong thì vứt chai, không cần phải mang theo bên người. “Bởi đó là hành động rườm rà, bất tiện và kém sang”, họ nói.
Đúng là việc hạn chế dùng đồ nhựa thật khó. Nhưng tôi vẫn quyết tâm thay đổi để không còn thấy những cảnh đau lòng tương tự như chú rùa biển gặp phải.
Có thể bạn chưa biết, trung bình mỗi ngày, mỗi người Việt Nam thải ra 1,2kg rác. Nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người, thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày.
Trong số đó, 16% là rác thải nhựa, vị chi mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa bị thải ở Việt Nam và chủ yếu là đi ra đại dương. Và những rác thải nhựa này sẽ đi vào cơ thể bạn bất kỳ lúc nào khi bạn ăn phải những loài sinh vật dưới biển bị ô nhiễm.
Sống xanh đã thay đổi cuộc sống của tôi
Điều đầu tiên, tôi hạn chế mua những sản phẩm đóng gói và luôn mang theo túi vải khi đi chợ, siêu thị.
Ít ai biết những chiếc túi được gắn mác “thân thiện với môi trường” ở các trung tâm thương mại thực chất là được làm từ nhựa và phụ gia phân huỷ, sau khi phụ gia tan rã thì nhựa vẫn ở lại. Và cho có “thân thiện” đến mức nào nhưng việc chỉ dùng một lần thì thật sự quá lãng phí.
Điều thứ hai, tôi chọn mua những sản phẩm có thể refill (làm đầy) sau khi hết. Nó sẽ hạn chế việc thải đi những chai lọ dùng một lần.
Hiện nay, có vô số cửa hàng cho phép bạn refill sản phẩm với giá thành rẻ hơn khi mua chai lọ mới. Ví dụ điển hình là nước giặt, nước xả vải. Các hãng thường tung ra các sản phẩm đóng gói trong túi với giá thành rẻ hơn để khuyến khích người dùng sử dụng lại chai lọ trước đó.
Bạn cũng có thể tìm đến một số cửa hàng mà ở khi tới chỉ cần mang theo vật cụ để đựng và đổ đầy chúng mà không phải thải ra bất kì bao bì nhựa nào.
Điều tiếp theo, hạn chế mua những món đồ mà mình không thật sự cần thiết, đặc biệt là quần áo.
Trong tủ quần áo của tôi chỉ có vài chiếc áo thun, áo sơmi đơn giản, một chiếc quần jeans và quần tây đen.
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí mua sắm, điều này còn giúp tôi không phải nhức đầu khi phải lựa chọn quần áo.
Một điều tôi học được là khi mọi thứ ít đi, bạn sẽ chăm chút, bảo quản chúng tỉ mỉ hơn. Trong khi đó, nếu có nhiều áo quần, mọi người sẽ có tâm lý sử dụng lãng phí, sơ sài và nhanh chóng vứt đi khi nghĩ rằng không còn phù hợp.
Đối với các tín đồ shopping thì điều này thật khó khăn. Tôi từng như họ và đã tìm được một cách. Trước khi mua một món đồ mới, tôi luôn tự hỏi: Ở nhà mình có chưa? Thật sự mình có cần không? Mình sẽ xài chúng được bao nhiêu lần? Những câu hỏi này đã giúp tôi khước từ việc dạo chơi ở các trung tâm thương mại, và mang về những túi to, túi nhỏ đầy ắp các sản phẩm không cần thiết.
Lối sống xanh giúp tôi tiết kiệm chi phí trong hơn 1 năm qua. Và điều quan trọng hơn, lượng đồ nhựa mà tôi thải ra được giảm một cách đáng kể.
Tôi đã từ bỏ thói quen ăn các thực phẩm được chứa trong các hộp nhựa. Việc này đã giúp tôi thoát khỏi các căn bệnh về tiêu hoá và hô hấp. Từ đó, thần thái, da vẻ cũng trở nên tươi tắn và khoẻ khoắn hơn.
Những lần đầu thực hiện lối sống xanh, bạn bè bảo tôi giống cụ già khó tính, khi lúc nào cũng lỉnh kỉnh đồ bên người.
Nhưng một lần, hai lần, ba lần và dần đám bạn quen được việc không sử dụng đồ nhựa của tôi. Những lần sau, mỗi lần tụ tập đi chơi mọi người đều chọn những nơi không có đồ nhựa. Thậm chí, các bạn còn tự trang bị ống hút inox và bình cá nhân.
Không chỉ nhận những lời trêu chọc từ bạn bè. Những lần đầu từ chối túi nylon, người bán hàng tỏ vẻ ngạc nhiên và nghĩ rằng tôi làm màu. Sau đó, khi giải thích về tác hại của việc sử dụng đồ nhựa một lần, họ tỏ ra vui vẻ và hài lòng. Cô bán rau bảo: “Làm vậy là hợp lý đó con, chứ nhiều người xin thêm túi rồi về cũng vứt, vừa lãng phí lại còn hại cho sức khoẻ”.
Mẹ tôi phần nào ảnh hưởng lối sống không dùng nhựa một lần của con trai. Mẹ đi chợ thường xuyên mang theo giỏ xách và rủ rê thêm các cô hàng xóm thực hiện cùng để bảo vệ sức khoẻ gia đình khỏi tác hại của nhựa.
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Nếu bạn thật sự quan tâm đến sức khoẻ của bản thân, gia đình thì hãy đọc tiếp đoạn sau đây, bởi tôi sẽ hướng dẫn một tips nhỏ nhưng cực kỳ hữu ích. Đó là phân loại rác.
Thứ nhất, phân loại rác là gì? Rác sẽ được chia thành 3 nguồn chính: rác hữu cơ, rác vô cơ, rác tái chế.
– Rác hữu cơ là những thực phẩm bỏ đi, chúng sẽ tự phân huỷ.
– Rác vô cơ là những loại chỉ sử dụng được một lần.
– Và cuối cùng, rác tái chế là những bao bì có thể tái sử dụng.
Việc của bạn là nên hạn chế tất cả các loại rác, đặc biệt là rác vô cơ và tái chế.
Điều thứ hai bạn nên làm là trang bị những ly tách bằng inox hoặc thuỷ tinh có thể dùng lại nhiều lần. Chúng không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn ngăn được các bệnh lây qua đường ăn uống.
Tôi biết rất nhiều hàng quán khuyến khích người dùng mang theo ly của mình bằng cách giảm giá đồ uống. Bạn vừa giảm được nhựa thải ra, vừa tiết kiệm tiền, một công đôi chuyện.
Điều cuối cùng, hãy tái sử dụng những vật dụng bỏ đi. Chẳng hạn như bình đựng nước bị mất nắp biến thành lọ hoa xinh xắn, chai nhựa bỏ đi tận dụng làm ống đựng bút dễ thương
Các chuyên gia môi trường cảnh báo, lượng nhựa dưới biển hiện tại ước tính khoảng 150 triệu tấn, xấp xỉ 1/5 khối lượng cá. Với tốc độ sản xuất và tiêu dùng nhựa như hiện tại, khối lượng nhựa sẽ vượt cá năm 2050.
Không chỉ ảnh hướng đến cách sinh vật biển mà nhựa còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.
Theo các nghiên cứu, trong các vật dụng nhựa sử dụng hàng ngày có chứa chất melamin cao gấp 8 lần so với đồ sứ. Đây là nguyên nhân gây ra các bệnh như ung thư, vô sinh hay dậy thì sớm.
Giảm nhựa không hẳn là phải đi mua một chiếc túi vải mới trong khi nhà bạn có rất nhiều túi đang vứt lăn lóc.
Trước khi mua một món đồ nào đó, tôi đều tự kiểm tra lại xem nhà mình đã có chưa và không mua vội. Vì có thể bạn bè sẽ dư một vài chiếc túi, chai lọ cần thì có thể hỏi xin. Tôi chỉ mua khi cảm thấy chúng thật sự cần thiết và không mua vì cao hứng hay phong trào.
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất của việc bảo vệ môi trường là giảm bớt lượng rác thải chứ không hẳn là chỉ giảm nhựa.
Ngoài ra, theo tôi việc giảm khí thải cũng rất cần thiết. Khi tình trạng ô nhiễm ở các thành phố lớn đang ở mức báo động. Tại Hà Nội, nồng độ bụi đo được cao gấp nhiều lần so với các tiêu chuẩn đề ra. Không khí ô nhiễm nặng nề hơn vào giờ tan tầm, khi các phương tiện cá nhân “đua nhau” về nhà sau một ngày dài.
Để giảm bụi bẩn và khí thải từ xe cộ vào giờ cao điểm, cách duy nhất là dùng các phương tiện công cộng. Tôi đã xung phong đi làm bằng xe buýt một vài ngày trong tuần.
Đi xe buýt không những giúp tôi giảm được chi phí đi lại, bảo vệ mình trước những ô nhiễm của môi trường mà còn rèn luyện cho đôi chân khoẻ hơn bằng thói quen đi bộ hàng ngày từ nhà ra trạm xe buýt.
Tôi cũng dần tập thói quen đi bộ khi di chuyển trong khoảng cách gần.
Đối với nhiều người, xe buýt không phải là giải pháp phù hợp để có thể thay thế cho xe máy. Khi phương tiện công cộng ở nước ta chưa phát triển và người Việt chưa có thói quen đi bộ.
Với sự phát triển của tàu điện trong tương lai, tôi nghĩ mọi người sẽ mặn mà hơn với các phương tiện công cộng và đẩy lùi được nhiều vấn đề về môi trường mà các đô thị lớn đang gặp phải.
Sống xanh không hề khó, cái khó nhất là bắt đầu nghĩ tới nó và bắt tay vào thực hiện. Một khi đã quyết tâm, thì chút bất tiện hay mất công cũng có sao đâu.
Theo THIÊN ANH / TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Bảo vệ môi trường, Phong cách sống