SBC – khắc tinh của tội phạm hình sự những ngày đầu giải phóng

“Hình ảnh các chiến sĩ SBC rượt đuổi cướp trên phố; đấu súng với những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm trở nên quá quen thuộc với người dân thành phố”.

Sau ngày 30/4/1975, toàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 3 triệu dân nhưng số vụ phạm pháp hình sự trung bình mỗi năm lên đến 13.000 vụ. Trong khi đó quân số của Phòng Trị an – Hình sự (nay là Phòng CSĐT tội phạm về TTXH – PC45) chưa đầy 200 cán bộ, chiến sĩ. Còn hiện nay, với một thành phố hơn 8 triệu dân nhưng số vụ phạm pháp hình sự trung bình mỗi năm chỉ trên dưới 6.000 vụ.

So sánh như vậy để thấy được rằng, những năm đầu sau ngày giải phóng, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là vô cùng phức tạp. Nhưng bằng nhiệt huyết và sự nỗ lực tối đa, cán bộ chiến sĩ Công an TP Hồ Chí Minh đã góp phần xây dựng hình ảnh TP Hồ Chí Minh thân thiện, an toàn và ổn định.

Sở dĩ TP Hồ Chí Minh phức tạp vì thời điểm này có gần 11.000 tên tội phạm hình sự từ các nhà tù chế độ cũ thoát ra, hầu hết là kẻ giết người, cướp tài sản, cướp giật. Đó là chưa kể hàng chục ngàn tên du đãng, kẻ bụi đời, nghiện ngập, gái mại dâm…có mặt ở khắp các ngõ hẻm.

Những địa bàn như Công viên 23/9, chợ Bến Thành, chợ Cầu Muối, công viên Hoàng Văn Thụ, tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai -Tao Đàn… đều là hang ổ của bọn tội phạm. Những tên cướp khét tiếng trước 1975 như Điền Khắc Kim, Võ Tùng Hội, Tiêu “mù”, Phạm Bá Y, Bùi Văn Đắc, Nguyễn Văn Tân… đã gây dựng lại thanh thế bằng những vụ cướp, giết rất manh động và tàn bạo.

Sau khi rà soát lại từ nhiều nguồn tài liệu, Ban An ninh Sài Gòn – Gia Định (Công an TP Hồ Chí Minh ngày nay) chỉ đạo Phòng Trị an – hình sự phối hợp cùng Công an các quận, huyện lập danh sách hơn 19.000 đối tượng hình sự và lần lượt bắt đưa đi tập trung cải tạo. Tính từ 30/4/1975 đến hết năm 1975, lực lượng An ninh TP Sài Gòn – Gia Định điều tra làm rõ 5.305/6.959 vụ hình sự, truy quét, triệt xóa nhiều băng nhóm trộm, cướp chuyên nghiệp, khét tiếng, trong có băng cướp máu lạnh do Đoàn Đình Hùng (tức Hai Sang) cầm đầu đã gây ra 94 vụ giết người, cướp tài sản.

Theo thống kê, từ năm 1975-1978, cứ 40 phút TP Hồ Chí Minh lại xảy ra 1 vụ cướp, trong hơn 3 năm đã cướp đi sinh mạng của 170 người, 200 người bị thương. Tài sản bị thiệt hại gồm 1.200 lượng vàng, 15 xe ôtô, 70 viên kim cương, 370 xe gắn máy… bị thương hàng chục người.

Đặc biệt hơn, bọn tội phạm còn nhắm tới giới nghệ sĩ và trí thức như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ, bắn chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga. Những vụ việc ấy không chỉ gây chấn động dư luận, hoang mang cho người dân mà còn đè nặng đôi vai của những người làm công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trước tình thế đó, tháng 3/1978, đồng chí Trịnh Thanh Thiệp, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (từ năm 1977, Phòng Trị an – Hình sự được đổi thành Phòng Cảnh sát hình sự) đề xuất Ban giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh thành lập Đội Săn bắt cướp (gọi tắt là Đội SBC) trên đường phố. 72 chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, giỏi võ thuật, bắn súng, lái xe được tuyển chọn trong toàn lực lượng vào Đội SBC do đồng chí Phan Thanh (Ba Tung) làm Đội trưởng.

Các trinh sát SBC được quyền chạy xe (Honda 67 xoáy nòng) với tốc độ cao, được đi vào đường cấm, được bắn hạ đối tượng có vũ khí trong lúc đối đầu… Hình ảnh các chiến sĩ SBC rượt đuổi cướp trên phố; đấu súng với những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm trở nên quá quen thuộc với người dân thành phố. Từ đó, người dân tin yêu và xem chiến sĩ SBC như người thân của mình; sẵn sàng hỗ trợ, giúp sức để các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều tên tuổi đã trở thành thần tượng của người dân thành phố như Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn, Dương Minh Ngọc… đã lập nhiều chiến công, bắt giữ hàng ngàn tên cướp đặc biệt nguy hiểm.

Lý Đại Bàng đã trở thành một huyền thoại của lực lượng SBC. Trong thời gian 10 năm làm lính SBC, đồng chí đã trực tiếp phá trên 300 vụ án, bắt giữ 400 đối tượng và cùng đồng đội khám phá gần 200 vụ án khác, bắt gần 250 đối tượng phạm tội thuộc dạng khét tiếng lúc bấy giờ.

Một trong những vụ án nổi tiếng mà Lý Đại Bàng khám phá là triệt hạ băng cướp có “hàng nóng” do Nguyễn Văn Chính và Nguyễn Chính Thắng cùng thực hiện. Bọn cướp này sẵn sàng nổ súng bất cứ lúc nào nếu như nạn nhân kháng cự và đã thực hiện 3 vụ chỉ trong thời gian ngắn trên địa bàn quận 5. Sau khi nhận nhiệm vụ phải bằng mọi giá triệt hạ băng cướp, Lý Đại Bàng cùng đồng đội rong ruổi ngày đêm trên các tuyến đường để đón lõng hung thủ. Trong một lần cùng đồng đội mai phục ở chợ Tân Thành, Lý Đại Bàng phát hiện Chính và Thắng đang tổ chức “ăn hàng”.

Tên Thắng sau khi giật túi xách của một phụ nữ đã nhảy lên xe để tên Chính nhấn ga tẩu thoát. Nhanh như chớp, Lý Đại Bàng rồ ga đuổi theo rồi nhảy sang xe của bọn cướp, tước súng của tên ngồi sau và quật ngã xuống đường. Sau khi giao tên này cho đồng đội, Lý Đại Bàng tiếp tục lên xe truy tìm tên còn lại và phát hiện hắn vừa leo lên một chiếc xích lô. Anh tung một đòn chí mạng thật mạnh vào tên cướp nhưng hắn cũng chẳng vừa, liền móc lựu đạn ra đưa lên miệng định cắn chốt để quyết ăn thua đủ. Ngay tức khắc Lý Đại Báng bóp chặt bàn tay cầm lựu đạn của tên cướp mặc cho hắn cắn tay anh, máu trào ra. Sau khi bị vô hiệu hoá quả lựu đạn, tên cướp lại cho tay vào túi quần để rút khẩu ru-lô nhưng Lý Đại Bàng cũng đã kịp thời khống chế…

Ngoài vụ án này, Lý Đại Bàng còn khoá tay các băng cướp khét tiếng khác tồn tại từ thời trước giải phóng như băng Tiêu “mù”, Nguyễn “tàn bạo”, Hoàng “Cần Thơ”, Tuấn “Côn đảo”… Năm 2010, Đại tá Lý Đại Bàng – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã qua đời khi đang là Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, đồng đội và người dân thành phố.

Nhờ sự xả thân, quên mình của các chiến sĩ SBC cộng với nỗ lực của lực lượng Công an các cấp, 10 năm sau ngày giải phóng miền Nam, tình hình tội phạm, tệ nạn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã kéo giảm đáng kể. Những tên cướp khét tiếng lần lượt sa lưới pháp luật. Tình hình an ninh trật tự ở TP Hồ Chí Minh đã chuyển biến rõ rệt. An ninh trật tự ổn định đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế, xã hội ở TP Hồ Chí Minh.

Theo MÃ HẢI / CÔNG AN NHÂN DÂN

Tags: , ,