‘Rừng lặng’ – tương lai đau đớn chờ đợi các cánh rừng ở Việt Nam

Những năm gần đây, các nhà bảo tồn quốc tế đã nhắc đến khái niệm “rừng lặng” (silence forest), nghĩa là những khu rừng bị săn bắn, tận diệt đến mức tĩnh lặng, không còn tiếng thú và ít tiếng chim. Hiện tượng này dường như đã xảy ra ở nhiều cánh rừng khiến thú rừng trở nên khan hiếm.

Rừng lặng chính là tương lai không xa của các cánh rừng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung nếu không có những hành động quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người tiêu dùng.

Những năm qua, các nhà nghiên cứu và cơ quan truyền thông đã thông tin nhiều về việc tiêu thụ thịt thú rừng ở Việt Nam với xu hướng ngày càng gia tăng. Mặc dù, các cơ quan quản lý đã ban hành các quy định về cấm buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã nhưng thực khách vẫn có thể tìm thấy những quán đặc sản thịt thú rừng ở bất cứ địa phương nào trên cả nước.

Cộng đồng quốc tế vẫn xem Việt Nam là một “điểm nóng” về buôn bán động vật hoang dã, một “trung tâm trung chuyển” động vật hoang dã phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất lậu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các thị trường khác. Theo nghiên cứu của ba tác giả Milica Sandalj, Anna Treydte và Stefan Ziegler thực hiện vào năm 2015 với sự hỗ trợ của WWF-Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 3.500 – 4.000 tấn thịt thú rừng đi qua thị trường Việt Nam, khoảng một nửa số lượng này được tiêu thụ trong nước với 80% dưới dạng “đặc sản thịt rừng”.

Nghiên cứu cho thấy, 85% trong tổng số 329 người được hỏi ở Huế từng ăn thịt thú rừng ít nhất một lần trong đời; 68% người có sử dụng thịt thú rừng trong vòng 12 tháng kể từ ngày được hỏi. Trong số những người không ăn thịt thú rừng thì có đến 55% là do “không có cơ hội”, 15% do “quá đắt” và 14% do “không thích”. Chỉ có 7% không ăn thịt thú rừng vì “không rõ nguồn gốc”. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhóm những người có thu nhập và trình độ học vấn cao lại có xu hướng ăn thịt thú rừng nhiều hơn, thường xuyên hơn, một phần do có đủ khả năng tài chính, hoặc chứng tỏ đẳng cấp, phần khác do niềm tin vào tác dụng bồi bổ và công hiệu tăng cường sức khỏe của thịt thú rừng.

Việc tiêu thụ thịt thú rừng ảnh hưởng gì đến môi trường?

Phần lớn, thịt thú rừng tiêu thụ tại Việt Nam có nguồn gốc từ các loài động vật bản địa bị săn, bắn, bẫy từ rừng, trong đó có cả rừng thuộc khu bảo tồn, vườn quốc gia, nơi hành vi săn, bắt động vật hoang dã bị cấm và kiểm soát nghiêm ngặt hơn các nơi khác. Một phần khác được nhập lậu từ các nước lân cận.

Để đáp ứng nhu cầu thịt thú rừng trên thị trường, các thợ săn phải săn bắn đến cạn kiệt các loài thú trong khu rừng. Hiện tượng săn bắn đến mức tận diệt đã xảy ra ở nhiều nơi. Có những “tụ điểm” thu mua thú rừng và khu nhà hàng đặc sản thịt rừng được bày bán công khai. Điều này dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của một số loài, trong đó có những loài nguy cấp như bò tót, voọc… Ngoài ra, sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng cá thể của một số loài có thể dẫn đến nguy cơ mất cân bằng tự nhiên. Một số loài có hại có thể phát triển mạnh do không có thiên địch. Một số loài khác, đặc biệt là thú ăn thịt đang đứng trước nguy cơ chết đói do không kiếm được thức ăn.

Không chỉ có các nước kém phát triển và đang phát triển như các nước châu Phi, Nam Á, Việt Nam… mới ăn thịt thú rừng. Hàng năm, rất nhiều quốc gia có nền kinh tế, giáo dục, y tế phát triển như Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản… cũng tiêu thụ một số lượng lớn thịt rừng. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn trong cách săn bắn và tiêu thụ thịt rừng ở châu Âu so với Việt Nam, bao gồm cả mục đích săn bắn, các loài được phép săn bắn và quan trọng hơn là quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt, hạn chế tối đa khả năng lây bệnh cho người và lan ra cộng đồng.

Thịt rừng ở Việt Nam thường được dân buôn thu gom từ nhiều nguồn. Người ta sử dụng các chất hóa học để chống thối rữa, đông lạnh, sau đó chuyển đến các nơi tiêu thụ. Nó không còn là đặc sản nữa mà là một loại thực phẩm chưa qua kiểm dịch. Người ăn sẽ không tránh khỏi các loại chất độc hóa học đã ngấm vào từng miếng thịt rừng được ướp đủ thứ gia vị để giấu đi mùi thật. Nguy hiểm hơn, có những bằng chứng cho thấy, mối liên quan giữa việc ăn thịt thú rừng với nguy cơ nhiễm các loại bệnh có khả năng lây lan cao, dẫn đến đại dịch khu vực hoặc thậm chí toàn cầu như Ebola, SARS, H5N1. Vì thế, việc sử dụng thịt rừng một cách bừa bãi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người trực tiếp tiêu thụ mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Tăng cường thực thi pháp luật kiểm soát tình trạng săn bắn động vật hoang dã

Tăng cường thực thi pháp luật để hạn chế, kiểm soát tình trạng săn bắn, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm là yêu cầu cấp thiết. Ngoài ra, tỷ lệ người dân đã ăn thịt thú rừng khá cao trong các nhóm được khảo sát cũng cho thấy, các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông, các nhà giáo dục và hoạt động môi trường cần đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường, đồng thời cảnh báo các nguy cơ có thể gặp phải khi sử dụng sản phẩm động vật hoang dã không rõ chất lượng, nguồn gốc.

“Đừng góp phần biến rừng Việt Nam thành rừng lặng”. Hãy để rừng Việt Nam là nơi phục hồi sự sống. Nếu bạn là người có thói quen sử dụng động vật hoang dã và nếu bạn chưa nghĩ đến những lợi ích thiên nhiên, thì ít nhất bạn hãy nghĩ đến sức khỏe của chính bạn và những người xung quanh. Đó chính là thông điệp mà bài viết muốn chia sẻ tới cộng đồng.

Theo TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG / WWF (2016)

Tags: