Robert Schumann – hạnh phúc và bi kịch của một thiên tài

Robert Schumann (1810-1856) được ghi nhận là một trong những nhà tiên phong của chủ nghĩa lãng mạn. Âm nhạc của ông thể hiện rõ khuynh hướng triết học tiên tiến của văn hóa Đức nửa đầu thế kỷ 19. Qua đời trong tâm trạng hoang mang bệnh tưởng, mặc dù mới ở tuổi 46, song Schumann đã kịp để lại cho nhân loại một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, với nhiều tác phẩm đỉnh cao. Đặc biệt, mối tình của ông với nữ nghệ sĩ piano Clara Wieck hiện vẫn được xem là mẫu mực của “tình nghệ sĩ”.

Robert Schumann được sinh ra trong một gia đình làm nghề xuất bản sách. Ông bố của Robert là một người có hiểu biết, ông khuyến khích những ham muốn nghệ thuật của con trai. Cậu bé Robert đã biết chơi đàn piano và sáng tác âm nhạc khi được 7 tuổi.<

Năm 1828, khi đang là sinh viên luật của trường Đại học Tổng hợp Leipzig, nhân một sự tình cờ, Schumann được làm quen với Giáo sư Friedrich Wieck, một nhà sư phạm piano tài năng. Vốn si mê âm nhạc từ nhỏ, lại được Friedrich Wieck tận tình hướng nghiệp, Schumann nhanh chóng khẳng định được khả năng biểu diễn piano của mình. Trong khi mọi việc đang diễn ra suôn sẻ, một sự cố “kỹ thuật” đã xảy đến với chàng nghệ sĩ trẻ. Vì muốn thuận tiện hơn trong việc biểu diễn, Schumann đã tự chế ra một loại máy nhằm kéo dài các ngón tay. Việc thất bại, hậu quả thu về là Schumann bị… hỏng ngón tay và không còn cơ hội tiếp tục nghề biểu diễn piano nữa. Từ đây, Schumann chuyển toàn bộ hoạt động của mình sang lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu phê bình âm nhạc.

Trong thời gian Schumann theo học tại tư gia của Friedrich Wieck, ông đặc biệt chú ý tới Clara Wieck, cô con gái nhỏ của thầy mình. Clara sớm bộc lộ tư chất nghệ thuật, lại được học hành bài bản. Bởi vậy, năm lên 9 tuổi, cô đã có buổi công diễn piano đầu tiên. Ở tuổi 11, 12, cô không chỉ học thêm thanh nhạc, violon mà còn thử sức trong việc sáng tác. “Duyên nợ” đầu tiên giữa Schumann và Clara chính là việc ông sáng tác bản giao hưởng giọng sol thứ phục vụ cho buổi hòa nhạc nhằm “lăngxê” cô bé Clara Wieck khi ấy mới 13 tuổi. Bản giao hưởng bị khán giả đón nhận… hờ hững, song bù lại, nó đã lưu dấu ấn trong trái tim thơ ngây của Clara một sự tin yêu.

Khi Clara bước vào tuổi 14, tình cảm mà Schumann dành cho cô đã ngày càng trở nên hối thúc. Ông viết thư cho cô: “Ngày mai, vào lúc 11 giờ, anh sẽ chơi khúc adagio trong “Variations” của Chopin và chỉ chăm chú nghĩ về em. Anh cũng cầu xin em làm như vậy. Có thế, về tinh thần, chúng ta sẽ thấy luôn ở bên nhau”.

Tình cảm giữa đôi bạn trẻ ngày một tiến triển. Và đến tháng 11/1835, khi Clara bước vào tuổi 16, Schumann đã có thể viết trong nhật ký của mình, rằng Clara đã đón nhận tình yêu của ông, đã trao gửi nụ hôn đầu đời cho ông.

Giáo sư Friederich Wieck là người biết chuyện hơi muộn, song lại là người phản đối kịch liệt nhất mối quan hệ giữa anh chàng học trò giỏi giang với cô con gái cưng của mình. Ông không tin Schumann có thể đảm bảo cho Clara một cuộc sống sung túc sau này, cũng như không trông cậy lắm về mặt sức khỏe của Schumann (sau này thực tế đã chứng minh: sự lo lắng của người cha là hoàn toàn chính xác). Và sự việc bị đẩy đến đỉnh điểm khi Wieck buộc Clara phải trả lại tất cả thư từ mà Schumann gửi cho cô, nếu không muốn Schumann bị… bắn chết!

Nhận được những lá thư do Clara lén trả lại, Schumann vô cùng đau khổ. Ông bí mật gửi tặng Clara một bản nhạc mới ông viết tặng riêng cô, song ông đã “không nhận được bất kỳ sự hồi âm nào”.

Clara bề ngoài làm như đã “dứt tình” với Schumann, kỳ thực ngọn lửa thương yêu vẫn ngày đêm âm ỉ. Năm 1836, Clara đem tác phẩm này của Schumann đi biểu diễn ở Leipzig. Schumann biết chuyện, đã bí mật tới dự. Sau này, trong thư gửi Schumann, Clara đã thổ lộ: “Anh có đoán được rằng, em chơi tác phẩm này là để anh thêm hiểu nỗi lòng của em với anh không? Em đã bị cấm làm điều đó, nên chỉ còn cách này để công khai tình cảm của mình”.

Sau buổi biểu diễn, Clara nhờ người nhắn với Schumann rằng, cô yêu ông và khẩn cầu ông hãy gửi lại cô những bức thư mà hơn một năm trước, vì lệnh cha, cô đã trả lại ông. “Được lời như cởi tấm lòng”, Schumann nhắn lại với Clara: Ông vẫn giữ lại những bức thư ấy nhưng sẽ gửi cho cô nhiều bức thư… mới. Kèm lời nhắn nhủ ấy, ông nhờ người chuyển tới Clara một bó hoa.

Trong lá thư đầu tiên gửi Clara khi hai người nối lại quan hệ với nhau, Schumann yêu cầu người tình chỉ cần hồi đáp cho ông đúng một từ “vâng”. Và đây là thư trả lời của Clara: “Chỉ mỗi một từ “vâng” ư? Đó là một từ ngắn ngủi nhưng thật ý nghĩa đối với em. Tất nhiên, một trái tim khi đang tràn ngập tình yêu thương hẳn khó nói lên lời. Từ thẳm sâu tâm hồn mình, em muốn thì thầm với anh mãi mãi: Vâng!”.

Khi nhận thấy con gái mình vẫn bướng bỉnh không tuân lời cha, ông Wieck cố tìm mọi cách trì hoãn cuộc hôn nhân… Ông giới thiệu những người đàn ông khác đến với Clara, viết thư nặc danh gửi Clara, bịa đặt chuyện Schumann mắc chứng hung bạo. Thậm chí, ông còn tuyên bố nếu Clara không chối từ Schumann, ông sẽ tước quyền thừa kế của cô. Sự thể đã buộc Schumann phải gửi tới ông bố vợ tương lai một văn bản yêu cầu ông hãy “trả tự do cho con gái”. Bức thư lời lẽ khá nặng nề. Chính vì thế mà sau đấy, Schumann đã lại có thư an ủi Clara: “Ông ấy, dù thế nào thì rồi cũng sẽ là cha của anh. Anh hứa với em là ngay sau khi chúng ta thành hôn, anh sẽ làm tất cả để giảng hòa với ông ấy”.

Sau bao khó khăn tưởng không thể vượt qua, cuối cùng Schumann và Clara cũng đến được với nhau. Hôn lễ của họ cử hành ngày 12/9/1840 mà không có mặt người cha của Clara.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc đến nay vẫn phân chia sự nghiệp sáng tác của Schumann ra làm hai giai đoạn. Và giai đoạn từ 1840 trở đi, khi ông chung sống với Clara là một giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt đối với cuộc đời nhà soạn nhạc thiên tài. Nếu như đầu những năm 30 của thế kỷ 19 là giai đoạn Schumann sáng tác chủ yếu cho đàn piano thì từ cái mốc 1840 trở đi, Schumann tập trung sáng tác ca khúc. Đã có tới 130 ca khúc ra đời trong một khoảng thời gian rất ngắn, trong đó có những ca khúc nổi tiếng ông phổ thơ H.Heine như “Vòng quanh các bài hát”, “Tình yêu của người thi sĩ”. Không những vậy, chỉ trong bốn ngày cuối tháng giêng năm 1841, Schumann đã phác thảo xong bản giao hưởng đầu tiên của mình, và một tháng sau, bản giao hưởng chính thức ra đời với một cấu trúc hoàn chỉnh. Schumann đặt tên cho tác phẩm là “Giao hưởng mùa xuân”. Đây không chỉ là một kiệt tác nghệ thuật mà còn là một kiệt tác tình yêu, bởi, như Schumaan đã tiết lộ, cảm hứng để ông sáng tác bản giao hưởng này hoàn toàn bắt nguồn từ bầu không khí tràn ngập hạnh phúc khi ông được chung sống cùng Clara.

Nếu ai đó từng nhận xét rằng, những thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật của Schumann có liên hệ chặt chẽ với cuộc hôn nhân của ông, thì bản thân Clara cũng đã thừa nhận trong nhật ký của mình, cuộc hôn lễ giữa cô và Schumann là khoảnh khắc đẹp nhất trong đời cô.

Những năm cuối đời, một tai họa khôn lường đã đổ ập xuống đầu người nhạc sĩ kiệt xuất: Schumann mắc chứng trầm cảm nặng. Văng vẳng trong đầu ông là những tiếng nức nở, đôi khi còn cả những tiếng gào thét đau đớn. Căn bệnh mất ngủ hành hạ ông. Thậm chí, ông luôn bị ám ảnh rằng mình sẽ chết khi đang ngủ. Rồi khi “cơn” lên, ông quậy phá “tưng bừng”. Sợ bệnh tình có thể gây nguy hại cho Clara, ngày 26/2/1854, Schumann đã nhảy xuống sông Rhine tự tử. Được ngư dân cứu sống, Schumann yêu cầu chuyển ông tới bệnh viện tâm thần ở Endenich, gần Bonn, và yêu cầu không để Clara vào thăm. Tại bệnh viện, Schumann thường xuyên mắng chửi các bác sĩ. Ông đốt tất cả những tác phẩm mới viết vì cho rằng chúng chưa hoàn hảo.

Ngày 29/7/1856, Schumann trút hơi thở cuối cùng trong tình cảnh không người thân thích ở bên. Chỉ trước khi Schumann mất hai ngày, Clara mới được phép vào thăm chồng. Thời gian đó, bà đang thực hiện một số hợp đồng lưu diễn ở xa.

Sau khi Schumann qua đời, Clara một nách nuôi 8 người con bằng các buổi trình diễn âm nhạc của mình. Bà tận tụy, hết mình trong việc công diễn, truyền bá tác phẩm của chồng và chỉ chịu rời sàn diễn ở tuổi 72. Bà ra đi năm 77 tuổi và trước khi chết, nguyện ước của bà là được nghe một bản nhạc của chồng lần cuối.

Sinh thời, Schumann từng ghi trong nhật ký của mình: “Clara đã sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc tinh tế hơn nhiều so với những gì cô viết trước đấy. Nhưng việc chăm nuôi 8 đứa con, cộng với một ông chồng luôn sống trong thế giới huyễn tưởng, khiến cô không thể duy trì việc sáng tác đều đặn. Tôi đã rất bối rối khi nghĩ rằng, có thể có bao ý tưởng sâu sắc trong đầu cô ấy đã không bao giờ được viết ra”. Qua trích đoạn nhật ký này, ta có thể thấy Schuman đã yêu thương, trân trọng vợ biết nhường nào. Nó cũng nói lên một sự thật về đức hy sinh lớn lao cho gia đình của Clara…

Theo TRẦN TRỌNG NGHĨA / VĂN NGHỆ CÔNG AN

Tags: , ,