Chuyện rau Hà Lan không cần rửa trước khi ăn

Tuy có đến 1/4 diện tích lãnh thổ thấp hơn mực nước biển, 1/3 diện tích chịu sự uy hiếp thường nhật của nước mặn xâm nhập và nước sông gây ngập úng, “Đất nước trũng” Hà Lan vẫn dẫn đầu nền nông nghiệp sạch, bền vững và hiệu quả.

Chuyện rau Hà Lan không cần rửa trước khi ăn

Một nông trại dùng đèn LED chiếu sáng để tối ưu quá trình phát triển của rau tại Hà Lan – Ảnh: Inhabitat

Nông nghiệp hữu cơ Hà Lan rất độc đáo và đặc thù, tuy chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ so với ngành nông nghiệp truyền thống. Nhưng rõ như ban ngày, thị trường các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Hà Lan ngày lan rộng và phát triển, đi đầu công cuộc đổi mới ngành nông nghiệp thế giới trong tương lai.

Trồng cây trong nhà với ánh sáng đèn LED

Nếu ai có dịp ghé vườn thí nghiệm công nghệ cao Brightbox tại trung tâm nông nghiệp Venlo, Hà Lan nên ăn thử những búp xà lách mơn mởn, được trồng dưới các điốt phát sáng, hay còn gọi là đèn LED.

“Các nhà khoa học sử dụng loại bông khoáng, thay cho đất trồng. Loại bông khoáng này có thể tái sử dụng”, ông Gus van der Feltz, Giám đốc toàn cầu của Philips Horticulture LED solution cho biết.

Chúng được trồng trong môi trường hoàn toàn kín, không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và tránh hầu hết các loại côn trùng phá hoại. Như vậy, các nhà nông càng an tâm hơn trong việc canh tác dù thời tiết thay đổi như thế nào, hay bất kì mùa nào trong năm. Kết quả qua nhiều khâu kiểm tra, các nhà khoa học nhận thấy, các loại rau trồng trong môi trường này đạt chuẩn cao về an toàn thực phẩm.

Nhiều du khách cho biết không nhất thiết phải rửa nó trước khi ăn. Như vậy, ngành nông nghiệp Hà Lan đã tiến thêm một bước mới. Đó là việc loại bỏ sử dụng thuốc trừ sâu và các loại hóa chất tẩy rửa sau khi thu hoạch.

Phương thức trồng cây công nghệ mới còn giúp tiết kiệm một lượng nước đáng kể. Vì như một kg cà chua được trồng theo cách này chỉ tốn khoảng 5 lít nước, thay vì 30 lít nếu trồng trong môi trường nhà kính.

Đặc biệt, khi thay đổi màu sắc ánh sáng LED: xanh, đỏ, hay trắng, mỗi loại rau có mức tăng trưởng về năng suất, kích thước khác nhau, thậm chí làm tăng hàm lượng tinh dầu trong từng loại rau và thảo mộc.

Hà Lan còn nổi tiếng với dự án “Taste of Tomorrow” (Tạm dịch Hương vị của tương lai), thử nghiệm hệ thống trồng trọt dựa trên việc bảo vệ cây trồng bền vững và những kỳ vọng nông nghiệp mà Hà Lan đặt ra năm 2030.

Nghiên cứu này tập trung vào sự đa dạng sinh học trong không gian và thời gian, từ đó dễ dàng kiểm soát tình hình cỏ dại, sâu bệnh, quản lý đất nông nghiệp bằng các ứng dụng công nghệ cao nhờ sự kết hợp công nghệ ICT, cảm biến và GPS.

Chiến lược chống lại sâu bệnh

Nông nghiệp hữu cơ Hà Lan đang hoạt động dựa trên 2 tiêu chí quan trọng: canh tác tự nhiên và thân thiện môi trường. Vì vậy, chiến lược chống lại sâu bệnh của nước này cũng được tiến hành theo tiêu chí đó.

“Chính phủ Hà Lan đang phân bổ 10% tổng ngân sách dành cho nghiên cứu nông nghiệp trong các vấn đề: canh tác hữu cơ, chu trình sản xuất khép kín, bảo vệ động vật và chất lượng nông sản”, ông Kees van Zelderen, phó chủ tịch Hội nông trại hữu cơ cho biết.

Hà Lan chọn cách tập trung vào các vấn đề: cơ cấu nông nghiệp, luân canh cây trồng, chọn lựa đa dạng giống cây, kích thích “kẻ thù” tự nhiên…để chống lại sâu bệnh. Trong trường hợp nghiêm trọng, các nhà khoa học sử dụng đến các biện pháp vật lý như nhiệt, kỹ thuật nhiệt – ánh sáng, kỹ thuật cơ khí.

Điển hình bệnh rụng lá trong những năm gần đây đe doạ sản lượng khoai tây hữu cơ ở Hà Lan, kết quả năng suất trồng của nó giảm đến 50%. Việc thay thế toàn bộ bằng giống cây trồng năng suất cao, chống chịu sâu bệnh là phương pháp tốt nhất chống lại căn bệnh và phù hợp với tiêu chí hữu cơ. Sử dụng ánh sáng cực tím để kiểm soát sâu bệnh là phương pháp vật lý được sử dụng đa phần trong các nhà kính hữu cơ, để trừ nấm botrytis trên cà chua.

Điển hình như nông trại Niek Vos được chứng nhận hữu cơ theo định hướng thị trường hiện nay, hình mẫu chung cho các trang trại hữu cơ tại Hà Lan và Tây Âu. Các hệ thống canh tác tại đây đều dựa trên việc sử dụng các loại phân hữu cơ, tránh việc sử dụng các yếu tố đầu vào như phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Sản phẩm bán ra được in nhãn hàng đặc biệt được phân bổ bởi các chứng nhận, và thường nhận được một mức giá tốt hơn trên thị trường. Một khối lượng lớn sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường hữu cơ của Đức, Scandinavia và Vương quốc Anh mỗi năm.

Niek Vos còn phát triển hơn 8 loại cây trồng khác nhau trong một năm, và không bao giờ trồng 1 loại cây trên cùng 1 mảnh đất ít nhất là 6 năm. Ông phát triển khoai tây, cỏ linh lăng, ngô, củ cải đường, lúa mì, hành tây, cà rốt và yến mạch. “Rất nhiều bệnh có thể tránh được nếu áp dụng phương pháp luân phiên cây trồng”, ông cho biết.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: ,