Quyền không suy nghĩ: Những điều bị hủy hoại khi bạn lo nghĩ quá nhiều

“Quyền không suy nghĩ” không phải là bảo chúng ta nên cao chạy xa bay khỏi một vấn đề hay trốn tránh trách nhiệm. Nó cũng không phải là một chủ trương để biện minh cho sự sơ suất thuộc về trí tuệ hay sự vô tâm. Quyền không suy nghĩ, diễn đạt khác đi thì sẽ là quyền rũ sạch suy nghĩ.

Quyền không suy nghĩ: Những điều bị hủy hoại khi bạn lo nghĩ quá nhiều

Khi tôi đọc lên danh sách các quyền muốn tận hưởng thường ngày, thật bất ngờ là phản ứng của mọi người về “quyền không suy nghĩ” rất nồng nhiệt. Đó là một phản ứng chứng minh rằng chúng ta đang sống trong vướng bận bởi từng ấy điều cần phải suy nghĩ. Từ lúc mở mắt vào buổi sáng cho đến khi ngủ, chúng ta hầu hết là theo phản xạ, và đôi khi là hạ quyết tâm ngồi xuống chống cằm để làm một việc gọi là “suy nghĩ”. Suy nghĩ dẫn đến lựa chọn, và sự lựa chọn đi kèm với trách nhiệm theo một cách nào đó.

Có nhiều ý nghĩa khác nhau xuất hiện khi bạn tìm kiếm từ “suy nghĩ” trong từ điển. Ý kiến cảm nhận trong lòng, tấm lòng mong muốn, quan niệm, ý muốn nghiên cứu, sự nhận thức, ký ức, trí nhớ, sự cân nhắc, ý đồ, mục đích, ham muốn, sự cho là vậy, xem như, giác ngộ. Không ngờ lại có nhiều nghĩa đến vậy ẩn trong một từ “suy nghĩ”. Tất nhiên là sự diễn giải xuất hiện đầu tiên được sử dụng nhiều nhất.

“Nói cho tôi biết suy nghĩ của bạn là gì.”

Nhiều lúc trong tôi hiện lên ý nghĩ dường như cả thế giới đang vang vọng lời này. Một cảnh thú vị đã xuất hiện trong bộ phim điện ảnh Hollywood Câu chuyện tình đặc biệt của tôi (Definitely, Maybe – phát hành tại Việt Nam với tên Mảnh ghép tình yêu). Nhân vật chính Will tham gia hoạt động tình nguyện trong chiến dịch tranh cử của New York để giúp Clinton trở thành tổng thống. Anh ta là một người trẻ có ngoại hình cao ráo với đầu óc sáng suốt, đầy sự vững tin và tham vọng chính trị. Một ngày nọ, Will hỏi April là người phụ trách photo tài liệu tại văn phòng.

“Tại sao cô ủng hộ Clinton?”

“Tôi không ủng hộ. Đây là việc làm thêm của tôi. Vì thu nhập ở đây tốt hơn so với việc trông trẻ.” April hững hờ trả lời.

Không thể nào, một người thế này mà lại ở trong chiến dịch tranh cử ư? Một người đầy tham vọng mơ ước trở thành tổng thống như Will bàng hoàng hỏi lại:

“Cô ủng hộ Đảng Dân chủ đúng không?”

“Tại sao tôi nhất định phải ủng hộ Đảng Dân chủ hay Cộng hòa?”

“Vậy cô không thuộc đảng phái nào?”

“Không. Tôi không ở phía nào cả. Tại sao tôi nhất định phải có ý kiến nhỉ? Tên lửa, thuế… Đầy những thứ tôi không biết.”

Will cố gắng xác nhận một lần nữa với vẻ mặt khó tin:

“Thế còn nhân quyền, quyền phá thai của phụ nữ thì sao? Quyền lợi trên chính cơ thể cô. Bill Clinton quan tâm nhiều đến nhân quyền của người da đen và phụ nữ. Ông ấy cũng đã cải cách bảo hiểm y tế khi còn là Thống đốc bang.”

April giả vờ ngáy và ngủ gật trước bài diễn thuyết một tràng dài của Will. Liền sau đó, Will tung một đòn cuối cùng và kết thúc cuộc trò chuyện:

“Cô thật sự không là ai cả.”

Không phải vì April thật sự đã sống không chút suy nghĩ nên mới có phản ứng như thế. Cô ấy chỉ là không thích các chính trị gia theo đuổi tham vọng. Và cô chỉ ghét chủ nghĩa nghiêm túc lẫn tính hai mặt của những người đưa ra các chủ đề hoành tráng và hành động như thể họ chịu mọi trách nhiệm với Trái đất này. Nhưng April bỗng nhiên lại bị xem như một người “không là ai cả” chỉ vì cô trì hoãn biểu lộ ý kiến về những gì cô ấy không thật sự biết, và tỏ ra mệt mỏi với việc không có ý kiến.

Giống như April, tôi cảm thấy nặng nề khi phải đối mặt với những người tự cho rằng họ đang làm những việc đầy chính nghĩa và đúng đắn. Nếu phải đưa ra ba điều đáng sợ nhất trên thế giới này thì tôi thường trả lời là bọ chét, sự ngu đần và người tự cho rằng mình là chính nghĩa.

[…] Giống như April trong phim, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cũng thường bị đặt vào hoàn cảnh phải nói lên ý kiến của bản thân, không chỉ trong phòng họp, lớp học, tiệc liên hoan, hội thảo, workshop mà còn đến cả khi phải chọn thực đơn bữa trưa. Ngay cả trong các tổ chức tôn giáo chúng ta tìm đến để dọn dẹp suy nghĩ của mình, ta vẫn bị đặt câu hỏi vào cuối cuộc gặp:

“Hôm nay thế nào? Hãy nói thoải mái những gì bạn cảm thấy.”

Những người bày tỏ một cách rành mạch ý kiến của họ ở bất cứ nơi nào thường phát huy cảm giác tồn tại rõ nét. Thế giới phức tạp, và bộ não chúng ta hoạt động còn phức tạp hơn thế gấp mấy lần. Nếu không đưa ra ý kiến khác biệt về thế giới phức tạp, bạn sẽ bị gắn nhãn. Là kẻ đầu óc rỗng tuếch, đồ khờ, người theo chủ nghĩa thờ ơ với chính trị, người theo chủ nghĩa vạn sự thái bình,… Nhưng tại sao đôi khi hiện thực được tạo ra bởi những người đầy niềm tin đẹp đẽ ấy lại diễn ra theo cách còn đáng sợ hơn những thước phim kinh dị? Chẳng phải tất cả các vụ diệt chủng khủng khiếp hay chiến tranh từng xảy ra trên hành tinh này đều được bắt nguồn từ niềm tin chính mình thái quá hay sao.

Khi tôi bị cuốn vào thứ gọi là suy nghĩ, tôi sẽ trở nên tính toán đúng sai.

Khi bắt đầu khăng khăng những gì tôi nghĩ là đúng, tôi tức giận và nổi cơn thịnh nộ với những người không đi theo suy nghĩ của tôi. Quan hệ xấu đi là điều không thể tránh khỏi. Mũi tên của sự phẫn nộ không kịp thể hiện ra bên ngoài cuối cùng, hẳn nhiên, sẽ đâm ngược vào tôi. Rốt cuộc, chính tôi là người bị hại nhiều nhất từ bão tố gây ra bởi ý nghĩ rằng tôi đúng. Bất đồng và mệt mỏi kéo theo. Đó chính là thực tế do suy nghĩ gợi lên.

Trên phim ảnh hay phim truyền hình, có một câu mà các nhân vật sống lanh lợi và thực tế thường nói với những mảnh đời tầm thường:

“Này ông bạn, làm ơn sống có suy nghĩ chút đi.”

Nhân vật nghe lời này cúi đầu, nhụt chí hệt như đang mang một tội danh lớn – thiếu tư cách như một con người. Cùng ý nghĩ như câu thoại trên, nếu nói “Làm ơn sống với suy nghĩ đúng bản chất” hoặc là “ Từ giờ hãy bỏ đi những tạp niệm, phiền não, vọng tưởng đi!” có lẽ sẽ đúng mực hơn.

Trên thực tế, việc sống mà luôn suy nghĩ không phải là điều xấu. Không phải nhờ vào suy nghĩ mà nền văn minh nhân loại đã đi được đến đây sao? Bi kịch xảy ra khi hầu hết các suy nghĩ được sinh ra từ sự giam hãm trong giới hạn của mỗi người, như ếch ngồi đáy giếng.

Rất nhiều nhà hiền triết, bao gồm cả triết gia Socrates đã từng nói, rằng nhận ra bản thân không biết gì chính là khởi nguồn của sự giác ngộ. Nhưng trong thực tế, thật dễ để bạn bị đối xử như một người không ra gì giống April trong phim, nếu vạn thành thật thú nhận “Tôi chẳng biết gì cả”. Ánh mắt của mọi người thường lướt qua một người bảo mình rằng không biết gì như thể anh ta đột nhiên biến thành người vô hình, để đổ dồn vào những người lớn giọng hoặc hay tạo nên tranh cãi […]

“Quyền không suy nghĩ” không phải là bảo chúng ta nên cao chạy xa bay khỏi một vấn đề hay trốn tránh trách nhiệm. Nó cũng không phải là một chủ trương để biện minh cho sự sơ suất thuộc về trí tuệ hay sự vô tâm. Quyền không suy nghĩ, diễn đạt khác đi thì sẽ là quyền rũ sạch suy nghĩ. Đó là quyền đặt sang một bên các giá trị sẵn có được chấp nhận một cách hiển nhiên và rà soát lại từ điểm xuất phát, nói cách khác đó là “quyền tự do khỏi thói quen suy nghĩ”.

Vào ngày xuân, dưới tán cây anh đào rạng rỡ như được thắp một ngọn đèn nhỏ, tôi muốn rũ sạch suy nghĩ của mình. Ngắm nhìn quang cảnh đẹp đẽ và lặng thinh trước vùng nước xoáy trong lòng. Để cho bộ não khổ sở bởi quá nhiều thông tin của tôi được nghỉ ngơi. và không quên rằng ý nghĩ hiện lên lúc này chỉ là ý kiến tạm thời đến từ những thông tin và nhận thức có hạn. Đây chính là những gì tôi nghĩ về “Quyền không suy nghĩ”.

Đây cũng là quyền dẫn dắt và tận hưởng những cảm xúc sâu sắc nhất thuộc về bản năng và giác quan nguyên thủy nằm ngoài logic, lý trí và sự hợp lý.

Theo TRAMDOC.VN

Tags: