Từ chối khói thuốc: Một quyền cơ bản trong xã hội văn minh

Nhiều người chưa ý thức hút thuốc lá không chỉ làm hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người xung quanh. Rất nhiều người bị “hút thuốc lá thụ động” cũng không biết mình bị nguy cơ cao do sống trong môi trường có khói thuốc lá.

Quyền được từ chối khói thuốc

Tác giả: ThS.BS Trần Ngọc lưu Phương.

Theo công bố của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hóa chất, trong đó hơn 250 chất có hại cho sức khỏe, bao gồm ít nhất 69 chất có khả năng gây ung thư. Hút một điếu thuốc đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống.

Khi sống trong môi trường có người hút thuốc lá, chúng ta sẽ bị hít phải không khí có khói thuốc lá cũng gồm những chất độc hại như người hút thuốc lá. Chưa kể hóa chất độc hại này tồn tại rất lâu trong không khí nhiều giờ sau khi đã hết hút thuốc, đặc biệt là trong phòng lạnh, phòng đóng cửa, dù chúng ta không còn ngửi thấy mùi thuốc lá. Vì vậy, việc người không hút thuốc lá, nhất là trẻ em, khi hít khói thuốc lá cũng bị ảnh hưởng sức khỏe không kém gì người hút thuốc lá chủ động.

Tại Việt Nam, hút thuốc lá thật sự là vấn nạn. Người ta hút thuốc ở mọi nơi, mọi lúc. Dù truyền thông đã tuyên truyền mạnh về tác hại của hút thuốc lá nhưng nhiều người chưa ý thức được hết tác hại. Có người đơn giản nghĩ hút thuốc lá chỉ ảnh hưởng đến phổi. Nhiều người chưa ý thức hút thuốc lá không chỉ làm hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người xung quanh. Rất nhiều người bị “hút thuốc lá thụ động” cũng không biết mình bị nguy cơ cao do sống trong môi trường có khói thuốc lá.

Từ ngày 1/5/2013, Việt Nam áp dụng Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Ngoài việc cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, tăng mức xử phạt, quy định cụ thể các nơi cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá, người dân còn được quyền phản ảnh, tố cáo với chính quyền xử lý hành vi của những người cố tình hút thuốc lá nơi bị cấm. Đây là biện pháp tốt và kịp thời để huy động toàn dân cùng phòng chống tác hại của thuốc lá.

Việc phòng chống hút thuốc lá phải đi từ nhiều mũi giáp công: giáo dục kiến thức để người hút thuốc lá biết tác hại của thuốc lá với sức khỏe của mình và người khác; người không hút thuốc cũng cần phải biết tác hại khi mình sống trong môi trường có khói thuốc lá, bởi họ sẽ là những người lên tiếng bảo vệ cho môi trường sống trong lành của cộng đồng trước những người hút thuốc lá; có chế tài, xử phạt rõ ràng; truyền thông đại chúng, nhất là phim ảnh, không nên gián tiếp cổ xúy cho việc hút thuốc lá…

Luật đã trao cho mọi người quyền được yêu cầu người khác không được hút thuốc nơi cấm, thậm chí quyền được phản ảnh để cơ quan chức năng xử phạt người hút thuốc không đúng chỗ, đó là cơ hội để mọi người tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng. Cái lập luận “hút thuốc là quyền của tôi” không còn đứng vững, nếu cái quyền đó thực hiện không đúng chỗ. Nhưng để có thể chấm dứt nạn hút thuốc không đúng chỗ, phạt chỉ là giải pháp cuối cùng. Cái quan trọng nhất là làm sao để người dân mạnh dạn lên tiếng trước người hút thuốc không đúng nơi. Muốn vậy, họ cần được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, đó là việc giám sát, xử phạt thật nghiêm. Các phản ảnh, tố cáo phải được xử tới nơi tới chốn, không đùn đẩy, cũng không được để xảy ra tình trạng kiện mà không có xử. Quy định phòng chống tác hại của thuốc lá là một bước tiến. Đừng để nó lặp lại những tồn tại mà công tác phòng chống thuốc lá những năm qua đã gặp phải.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: , ,