⠀
Quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ: 6 thập kỷ ganh đua khốc liệt
Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đông dân nhất thế giới, hai người khổng lồ Châu Á, láng giềng của nhau, được dư luận các nước gọi là ‘Rồng và Voi’.
Ngược dòng lịch sử từ khi lập quan hệ ngoại giao năm 1950 tới nay, hai nước có nhiều ân oán, mâu thuẫn xung đột nhiều hơn là hữu nghị, hòa dịu.
Ấn Độ giành độc lập từ Anh năm 1947 và năm 1949 nước CHND Trung Hoa ra đời, ngay sau đó hai nước lập quan hệ ngoại giao ngày 1/4/1950.
Đến năm 1954, hai nước ký hiệp ước ‘5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình’. Đồng thời, hai nước cũng ký kết Hiệp định Pancasila, tức Hiệp định thông thương giữa Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc với Ấn Độ, nhằm giữ ổn định vùng biên giới giữa hai nước.
Nhưng chẳng bao lâu tranh chấp biên giới xảy ra. Năm 1960, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tới Ấn Độ gặp Thủ tướng Jawaharlal Nehru để giải quyết tranh chấp, nhưng không thành công.
Năm 1962, Trung Quốc đưa quân tấn công Ấn Độ và đánh chiếm vùng đất rộng lớn tới 120.000 Km2 dọc 2000 km đường biên giới hai nước. Quan hệ hai nước từ đó trở nên căng thẳng, thậm chí thù địch. Bởi vậy, lãnh đạo hai nước rất ít thăm lẫn nhau và trao đổi hợp tác kinh tế cũng rất hạn chế.
Sau khi tiến hành cải cách mở cửa, tiềm lực đất nước và tiềm lực quân sự của Trung Quốc tăng lên mạnh mẽ, các cuộc xung đột biên giới theo đó cũng tăng lên, càng làm Ấn Độ cảnh giác và hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc.
Bởi vậy, đối với tất cả các tổ chức quốc tế nào do Trung Quốc khởi xướng và chủ trì, Ấn Độ đều cảnh giác như Nhóm nước thị trường mới trỗi dậy (BRICS) hay còn gọi là “Hòn gạch vàng”, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
SCO được thành lập năm 2001 tại Thượng Hải do Trung Quốc khởi xướng, mãi tới năm 2005 Ấn Độ xin làm “Quan sát viên”, tới năm 2015 mới xin gia nhập và năm 2017 trong Hội nghị thượng đỉnh lần này mới được công nhận là thành viên chính thức.
Những nỗ lực hòa dịu
Kể từ cải cách mở cửa của Trung Quốc và công cuộc đổi mới kinh tế của Ấn Độ, hai nước đã áp dụng những biện pháp hòa dịu.
Tháng 12/1988, Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi thăm Trung Quốc để hòa dịu quan hệ hai nước. Tiếp đó năm 1996, lãnh đạo Giang Trạch Dân trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Trung Quốc thăm Ấn Độ kể từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao. Ấn Độ cũng có chuyến thăm đáp lễ.
Đáng lưu ý là chuyến thăm Trung Quốc tháng 6/2003 của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee, hai bên đã ký kết Tuyên bố chung về nguyên tắc quan hệ và hợp tác toàn diện, xây dựng Quan hệ đối tác hợp tác mang tính xây dựng lâu dài.
Tiếp đó là chuyến thăm Ấn Độ tháng 1/2005 của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, hai bên ký kết Tuyên bố chung về xây dựng Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược và ký Hiệp định về nguyên tắc chỉ đạo chính trị giải quyết vấn đề biên giới Trung-Ấn, ngoài ra còn đề xướng tổ chức “Năm hữu nghị và du lịch Trung-Ấn” vào năm 2006 và 2007.
Kể từ đó, quan hệ hai nước ấm dần, nhất là hợp tác kinh tế buôn bán và du lịch. Kim ngạch buôn bán hai nước được tăng lên đáng kể, từ 3.2 tỉ vào năm 2001 tăng lên đạt 76 tỉ USD năm 2012.
Trong chuyến thăm Ấn Độ từ 19/5 tới 22/5 / 2013 của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai bên cam két nâng kim ngạch lên 100 tỉ USD vào năm 2015.
Tuy nhiên, mấy năm qua kim ngạch buôn bán sóng phương đều sụt giảm, như năm 2015 chỉ đạt 71 tỉ USD, năm 2016 số liệu thống kê của Ấn Độ chỉ đạt 69 tỉ USD (số liệu của Trung Quốc là 71 tỉ USD). Hiện nay, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu thứ 7, là đối tác nhập khẩu thứ 27 của Ấn Độ.
Khó tháo gỡ tình trạng lạnh nhạt
Hợp tác kinh tế buôn bán tăng lên, nhưng vấn đề tranh chấp biên giới không có chuyển biến đáng kể, các vụ đối đầu liên tục xảy ra.
Hai bên đã tiến hành tới 17 vòng đàm phán về biên giới, nhưng chưa đạt được kết quả nào. Ngay trước chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập ngày 17/9/2014 – chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ Trung Quốc tới Ấn Độ sau 8 năm, báo chí Ấn Độ đưa đậm nét tin từ tháng 1 tới tháng 8/2014, quân đội Trung Quốc có tới 334 vụ ‘xâm nhập vào đất Ấn Độ’, trong đó vụ xảy ra ở Khu vực Ladakh bị Ấn Độ cáo buộc có tới hơn 200 lính Trung Quốc ‘vượt biên’.
Ngay khi ông Narendra Modi làm Thủ tướng vào tháng 5/2014, phía Trung Quốc có nhiều cử chỉ ngoại giao hòa dịu, nhất là năm 2014 là nhân kỉ niệm 60 năm hai nước ký Hiệp ước 5 nguyên tác cùng tồn tại hòa bình, hy vọng tân Thủ tướng Modi thăm Trung Quốc.
Tuy nhiên sau khi thăm các nước Nhật Bản, Mỹ, Australia và một số nước khác, mãi tới tháng 11/2014 ông Modi mới thăm Trung Quốc kết hợp tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh.
Dư luận các nước cho rằng kể từ khi lập quan hệ ngoại giao năm 1950 tới nay, quan hệ “Rồng và Voi” giữa hai người khổng lồ Châu Á, mâu thuẫn, xung đột nhiều hơn là hòa dịu, hợp tác, nhất là phía Ấn Độ luôn cảnh giác đối với Trung Quốc.
Những vấn đề tiềm tàng tồn tại từ lâu nay giữa hai nước là những vấn đề lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia chưa thể dung hòa. Phía Ấn Độ luôn lên án Trung Quốc xâm chiếm đất đai, nhất là hiện nay tranh chấp bang Aranuchal Pratesh (Trung Quốc gọi là khu vực Tạng Nam).
Ngoài ra, thực lực kinh tế, quân sự Trung Quốc tăng lên cũng là mối đe dọa đối với Ấn Độ, nhất là tìm cách chiếm lĩnh những thị trường truyền thống của Ấn Độ trong khu vực và thế giới. Bắc Kinh chỉ trích New Delhi dung túng cho các phần tử li khai Tây Tạng, bao gồm lãnh tụ tinh thần lưu vong Dalai Lama.
Trung Quốc chững lại, Ấn Độ vươn lên
Những năm qua, trong khi kinh tế thế giới kể cả Trung Quốc không mấy sáng sủa thì bức tranh kinh tế Ấn Độ lại tỏa sáng.
Năm 2015 GDP Ấn Độ tăng trưởng tới 7.5%, lần đầu tiên vượt mức tăng của kinh tế Trung Quốc. Dự kiến giai đoạn 2015-2020, Ấn Độ vẫn duy trì được mức tăng GDP đạt trên 7%.
Hiện nền kinh tế Ấn Độ lớn thứ 7 thế giới, và lớn thứ ba thế giới xét theo sức mua tương đương (PPP).
Ấn Độ đã gia nhập ‘Câu lạc bộ GDP trên 1.000 tỉ USD’, dự kiến tới năm 2030 trở thành thực thể kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đe dọa vị trí nền kinh tế số 2 toàn cầu của Trung Quốc hiện nay..
Bởi vậy, cuộc cạnh tranh về thị trường, về kinh tế, nhất là thị trường khu vực và thế giới giữa Trung-Ấn sẽ tăng lên, mâu thuẫn mới theo đó cũng tăng lên.
Cho dù hai nước có lúc hòa dịu, tăng cường hợp tác, nhưng những vấn đề tiềm tàng như chủ quyền lãnh thổ, dân tộc từ lâu nay chưa thể giải quyết, cộng với vấn đề mới nảy sinh sẽ làm quan hệ hai nước không ổn định lâu dài.
Mối quan hệ ‘Rồng và Voi’ chưa thể hợp tác ổn định lâu dài và khó dung hòa, nhất là cả hai nằm gần kề nhau ở Châu Á.
Theo TRÍ THỨC TRẺ
Tags: Trung Quốc, Ấn Độ, Quan hệ Trung - Ấn