Quản lý cảm xúc để thay đổi cuộc sống của bạn

Hãy đặt câu hỏi phản biện trước những sự thật tưởng như là hiển nhiên để có thể biết tức giận, bất bình trước những bất công rồi từ đó biết lên tiếng bảo vệ cho sự công bằng. Và hãy biết xấu hổ khi một lần không thực hiện đúng trọng trách dẫn đến một quyết định sai lầm để dũng cảm sống đúng là mình và để sau này không phải nói rằng “tôi rất ân hận”.

Có vẻ như xã hội phát triển, nhịp sống nhanh hơn, nhiều tương tác hơn thì những vấn đề liên quan đến cảm xúc cũng xuất hiện nhiều hơn và người ta cần học cách quản lý nó. Còn một lý do nữa mà quản lý cảm xúc là một chủ đề nóng bởi cảm xúc là thứ tác động ngay đến hành động tiếp theo của chúng ta.

Vậy thế nào là quản lý cảm xúc? Quản lý cảm xúc liệu có phải là giết chết cảm xúc tiêu cực hay có phải là không thể hiện cảm xúc? Có một câu nói rằng, “Bạn không thể quyết định là bạn cảm thấy như thế nào nhưng bạn có thể quyết định là mình làm gì với cảm xúc đó” vậy thì liệu có phải “quản lý cảm xúc” là chỉ khi có cảm xúc rồi thì học cách quản lý nó hay quản lý cảm xúc còn là chủ động tạo ra những cảm xúc cần thiết?

Để quản lý được cảm xúc, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một câu chuyện. Chuyện này xảy ra trong một toa tàu với một người đàn ông đi cùng 3 đứa trẻ. Cùng trong toa có thêm một số hành khách khác. Tàu chuyển bánh được một lúc thì những đứa trẻ bắt đầu la hét, đánh nhau, dành nhau đồ chơi v.v. gây ra rất nhiều tiếng ồn ào. Trong khi đó người đàn ông là cha của 3 đứa trẻ thì chỉ nhắc nhưng khi những đứa trẻ không nghe thì người cha cũng không làm gì thêm. Hành khách rất khó chịu. Lúc đầu họ quay sang nhìn và có ý nhắc người cha, một số người hắng giọng, trở mình trên ghế, lấy khăn bịt qua đầu để che cả tai v.v. Sau một hồi tỏ thái độ và không thấy có chuyển biến, những đứa trẻ vẫn tiếp tục la hét, một hành khách đứng phắt dậy, tiến đến chỗ người cha và lớn tiếng rất tức giận “ông có nhận thấy là các con mình đang làm phiền người khác không? ông cố tình để con mình làm loạn lên. Nếu ông không quản lý được con chúng tôi buộc sẽ phải mời người quản lý trên tàu đến để giải quyết”. Ngay lập tức, những người khác cũng nhao nhao lên tiếng tỏ vẻ bất bình. Người cha, ngước mắt lên và chậm rãi nói: tôi rất xin lỗi đã làm phiền các vị. Vợ tôi mới mất vì tai nạn cách đây 5 ngày và giờ tôi đang phải đưa các cháu về gửi bà Ngoại một thời gian. Các cháu đang bị khủng hoảng vì Mẹ ra đi đột ngột và bản thân tôi cũng vậy nên tôi không biết phải làm thế nào. Người hành khách vừa lên tiếng gay gắt sững lại vài giây rồi quay về chỗ ngồi và quay lại với một túi bánh nhỏ đưa cho lũ trẻ. Những người còn lại trên toa tàu cũng thay đổi hẳn thái độ, khi những đứa trẻ la hét, một vài người đến gần, bày một số trò cho chúng chơi cùng v.v.

Câu hỏi đặt ra là điều gì đã làm thay đổi cảm xúc của những người hành khách từ tức giận sang yêu thương và sẻ chia? Đó là vì họ đã có những câu chuyện khác lý giải hành vi làm ồn của tụi trẻ. Lúc mới lên tàu, khi chứng kiến lũ trẻ la hét, câu chuyện mà những hành khách khác có trong đầu có thể là “lũ trẻ hư, người cha quá nuông chiều, không tôn trọng những người xung quanh” chính cái chi tiết “không tôn trọng” trong câu chuyện họ phát triển trong đầu đã làm cho nhóm hành khách này thấy bị xúc phạm và tức giận. Sau khi nghe giải thích của người cha, họ có một câu chuyện khác, một câu chuyện về những đứa trẻ đang trải qua khủng hoảng và cần được giúp đỡ, và câu chuyện này đã tạo ra trong họ cảm xúc thương cảm và muốn làm gì đó giúp.

Như vậy là cảm xúc tạo ra bởi những câu chuyện chúng ta tự kể trong đầu khi chứng kiến những hành động hoặc trải qua những sự kiện nhất định nào đó. Những sự kiện, con số, những gì xảy ra là khách quan nhưng cách chúng ta chọn chi tiết và sắp xếp chúng lại rồi đặt cho những chi tiết đó một ý nghĩa nào đó thì lại là chủ quan của chúng ta. Điều đó lý giải vì sao cùng trải qua một sự việc nhưng cảm xúc của mọi người lại có thể rất khác nhau. Ví dụ cùng đọc tin về việc xả lũ ở miền Trung làm hàng chục người chết và mất tích nhưng có thể có những người hoàn toàn không bị tác động gì (câu chuyện họ có chỉ là việc xảy ra ở miền Trung, đâu phải Hà Nội), có những người thấy thương cảm, muốn làm gì đó cho để giúp những nạn nhân (vì trong câu chuyện của họ có nước mắt của những người mất đi người thân), có những người sẽ thấy tức giận với những đơn vị xây nhà máy thủy điện và quản lý đập (câu chuyện của họ có cả những thông tin về việc xả lũ đúng vào ngày mưa ngập, xả lũ đột ngột nên người dân không kịp xoay sở, xây đập tràn lan).

Có lẽ quản lý cảm xúc theo kiểu “làm gì khi nóng giận” v.v đã được nói tới nhiều rồi, chia sẻ nhiều rồi. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn đưa thêm một cách nhìn nữa về quản lý cảm xúc là hãy biết chắt lọc thông tin cho những câu chuyện tự kể để tạo ra những cảm xúc đúng đắn cho những hành động phù hợp. Hãy tìm ý nghĩ của mỗi thực hành văn hóa để xúc động trước cái đẹp của những nền văn hóa khác nhau và hành động tiếp theo là bảo vệ cái đẹp, tôn vinh sự đa dạng. Hãy đặt câu hỏi phản biện trước những sự thật tưởng như là hiển nhiên để có thể biết tức giận, bất bình trước những bất công rồi từ đó biết lên tiếng bảo vệ cho sự công bằng. Và hãy biết xấu hổ khi một lần không thực hiện đúng trọng trách dẫn đến một quyết định sai lầm để dũng cảm sống đúng là mình và để sau này không phải nói rằng “tôi rất ân hận”.

Theo BÍCH TÂM / DIỄN NGÔN

Tags: , ,