Quan hệ ngoại giao Trung – Nhật sau 45 năm bình thường hóa

Tình cảm của người dân ở hai nước đối với nhau đều bị suy giảm đến mức nghiêm trọng, và hơn 80% người dân mỗi nước đều không tin tưởng và cũng không có thiện ý với bên kia. Tình trạng này bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn năm 1990, và trở nên rõ rệt khi bước vào thế kỷ 21.

Bài viết của tác giả Shin Kawashima, Giáo sư tại Đại học Tokyo. Bài viết đăng tên “The Diplomat”.

Vào ngày 29/9/1972, Nhật Bản đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Đã 45 năm trôi qua kể từ cột mốc lịch sử đó, mối quan hệ song phương đã chứng kiến một số thay đổi to lớn. Các tuyên bố mang tính lịch sử sau nhiều năm đã đánh dấu những thay đổi này: Hiệp định Hòa bình và Hữu nghị Trung-Nhật năm 1978, Tuyên bố chung Trung-Nhật năm 1998 và Tuyên bố chung Trung-Nhật về Sự nâng cấp lên một “Mối quan hệ đối tác toàn diện cùng có lợi dựa trên những lợi ích chiến lược chung” vào năm 2008.

Cùng với Tuyên bố chung Trung-Nhật năm 1972, những tuyên bố nói trên đã dựng nên 4 văn bản nền tảng của mối quan hệ Trung-Nhật. Thêm vào đó là sự đồng thuận 4 điểm vừa được nhất trí giữa hai chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình, một văn bản khác được cho là đề ra những điều khoản cơ bản cho mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc châu Á đã thay đổi rõ rệt trong 45 năm qua. Thứ nhất, thời điểm năm 2010 khi GDP của Trung Quốc vượt qua GDP của Nhật Bản chắc chắn là một khoảnh khắc có ý nghĩa quan trọng. Mặc dù GDP bình quân đầu người của Nhật Bản vẫn vượt Trung Quốc, song rõ ràng có một hạn chế đối với sự tăng trưởng trong sức mạnh kinh tế của Nhật Bản, và sự khác biệt trong GDP bình quân đầu người giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục được thu nhỏ lại trong tương lai gần. Điều này tạo ấn tượng về một sự thay đổi cán cân quyền lực giữa hai quốc gia này.

Thứ hai, bối cảnh quốc tế cũng có nhiều thay đổi. Việc bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật diễn ra trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Khi một cuộc xung đột nội bộ bắt đầu bao trùm Khối phương Đông giữa Trung Quốc và Liên bang Xô viết, Trung Quốc đã bắt đầu vươn tay sang Mỹ; một sự thay đổi mà xét trên khía cạnh nào đó cũng đã góp phần củng cố sự bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Sau này, Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã, nhưng tại Đông Á, Mỹ và Trung Quốc lại trở mặt nhau, thể hiện những đường lối đối đầu từ Bán đảo Triều Tiên cho tới Eo biển Đài Loan.

Thứ ba, cũng đã có những thay đổi về hoàn cảnh trong nước và những mối quan hệ liên xã hội giữa hai quốc gia. Vào thời điểm bình thường hóa quan hệ năm 1972, mặc dù sự thừa nhận những hạn chế trong tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Nhật Bản đã trở nên rõ rệt, song xã hội Nhật Bản tiếp tục được tận hưởng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, và hệ tư tưởng chung của giới trí thức Nhật Bản cũng không theo tư tưởng thiên tả hay tự do. Những cảm nhận về Trung Quốc thì khá tích cực, và trên thực tế cảm tình đó đã đạt tới đỉnh điểm trong giai đoạn 1980. Tuy nhiên, hiện nay, những giá trị trong xã hội Nhật Bản đã có sự chia rẽ lớn lao, và tư tưởng xã hội phần nào trở nên bảo thủ hơn so với trong quá khứ.

Sự thay đổi ở Trung Quốc còn rõ rệt hơn. Năm 1972, Trung Quốc đang ở giữa giai đoạn Cách mạng Văn hóa. Vậy tại sao Trung Quốc lại cần một sự xích lại gần một nước Mỹ tư bản, hay cần bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản? Bằng cách giới thiệu những chính sách và thuyết phục công chúng, Nhà nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có thể chỉ đạo một chính sách ngoại giao với lô-gích khác biệt so với các chính sách nội địa của mình. Tuy nhiên, trong xã hội Trung Quốc hiện đại, với sự thịnh vượng và chất lượng đời sống ngày càng phát triển, tầm nhìn của người dân Trung Quốc đã nhanh chóng thay đổi.

Còn vố số những bất đồng khác, và sự ra đời của 4 văn bản nền tảng của mối quan hệ Trung-Nhật được liệt kê trên đây chính là để đối phó với những thay đổi đó. Tuy nhiên, nếu hỏi rằng liệu 4 văn bản này, cùng với bản đồng thuận 4 điểm sau đó, liệu có thực sự hoạt động hiệu quả như một nền tảng cơ bản cho mối quan hệ Trung-Nhật hay không, thật khó có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn. Có hai vấn đề lớn cần nói đến:

Thứ nhất, dù Trung Quốc và Nhật Bản đã xây dựng một mối quan hệ kinh tế mật thiết, song cũng tồn tại những mâu thuẫn cơ bản trong lĩnh vực an ninh. Đây là một đặc điểm riêng biệt ở Đông Á. Sự chia rẽ trong quan điểm về các vấn đề Triều Tiên và Đài Loan vẫn tiếp tục tạo ra mâu thuẫn trong các vấn đề an ninh và sự đối đầu trực tiếp giữa các khối xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa tự do trong chính sách an ninh cũng tiếp diễn. Hiện nay, các vấn đề lịch sử và lãnh thổ cùng với chủ quyền của Đài Loan là 3 mối quan ngại lớn nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, rõ ràng là những vấn đề đó có quan hệ mật thiết với sự đối kháng trong quan hệ giữa hai nước xung quanh các khía cạnh an ninh.

Thứ hai, cũng có vấn đề về cảm nhận chung của công chúng ở hai nước. Tình cảm của người dân ở cả Trung Quốc và Nhật Bản đối với nhau đều bị suy giảm đến mức nghiêm trọng, và hơn 80% người dân mỗi nước đều không tin tưởng và cũng không có thiện ý với bên kia. Tình trạng này bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn năm 1990, và trở nên rõ rệt khi bước vào thế kỷ 21. Đơn giản là vì có một sự thay đổi trong cán cân quyền lực giữa hai nước, và nguyên nhân của sự thay đổi trong thái độ nói trên là bởi cả Nhật Bản và Trung Quốc đều trải qua những thay đổi trong nhận thức về bản thân, và trong cách họ nhìn nhận về nước khác. Tình cảm tiêu cực của công chúng đã ảnh hưởng đến cả hai chính phủ, như một sự phản ánh ý muốn của người dân, và điều đó bắt đầu hạn chế những lựa chọn chính sách của các chính phủ này.

Nếu có một điều gì đó có tiềm năng tạo đột phá trong tình trạng hiện nay thì đó chắc chắn là điểm mấu chốt thứ hai này: Những năm vừa qua đã chứng kiến lần lượt những điểm cộng trong tình cảm song phương, trước tiên là ở thế hệ trẻ, và đây là một khía cạnh đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta đơn giản chỉ cần xúc tiến các trao đổi nhân sự và sự thấu hiểu lẫn nhau bằng một cách tiếp cận không mục tiêu, không hệ thống. Hai nước cần xúc tiến các trao đổi về con người, văn hóa bằng một hình thức nào đó không bị chi phối bởi chủ trương chính trị.

Điểm cuối cùng cần bàn đến, đó là sự thay đổi lớn nhất trong 45 năm qua chính là sự tăng trưởng và sự mở rộng các mối quan hệ xã hội. Số lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Nhật Bản (và ngược lại) đã tăng đáng kể, và sự tương tác hàng ngày đã trở nên khăng khít xét trong mối quan hệ kinh tế, du lịch và các khía cạnh khác. Sự tương tác giữa các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Nhật Bản cũng trở nên thường xuyên. Đặc biệt tại Nhật Bản, việc chứng kiến trẻ em các sắc tộc của Trung Quốc ở các trường phổ thông và trường mầm non, hay trường tiểu học, là điều rất bình thường, và tại các trường đại học cũng vậy, và họ không chỉ đơn thuần là các du học sinh tham gia khóa học ngắn hạn tại đất nước này. Số lượng những người dân tộc thiểu số ở Trung Quốc cư trú tại Nhật Bản đang gia tăng nhanh chóng. Và với các hiện tượng xã hội mới này, chúng ta nên nỗ lực cân nhắc xem liệu có thể tìm ra một con đường mới cho mối quan hệ Trung-Nhật trong tương lai hay không.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,