Quân đội Nga đã ‘lột xác’ như thế nào trong kỷ nguyên Putin?

Quân đội hiện đại mang lại cho Tổng thống Vladimir Putin công cụ đắc lực để thúc đẩy chính sách đối ngoại ngày càng quyết liệt hơn, mà cuộc khủng hoảng Ukraina là ví dụ mới nhất.

Trong những ngày sau nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Boris Yeltsin, quân đội Nga dù vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng bị phương Tây đánh giá chỉ là con hổ giấy.

Moskva phải chật vật mới có thể duy trì hoạt động của tàu ngầm tại Bắc Cực, thậm chí tai nạn tàu ngầm hạt nhân Kursk phủ bóng đen lên nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Putin.

Ở trong nước, quân đội Nga vất vả đối phó với cuộc nổi dậy ở Chechnya. Các binh sĩ Nga khi đó sinh hoạt trong điều kiện tồi tệ, nhà cửa ẩm mốc, trang bị xuống cấp, huấn luyện nghèo nàn, không có đủ quân phục đạt chuẩn.

Nhưng sau 20 năm, tình hình đã hoàn toàn khác. Dưới bàn tay của Tổng thống Putin, quân đội Nga lột xác thành một lực lượng hiện đại, có khả năng triển khai nhanh chóng với sức sát thương đáng kể trong các cuộc xung đột vũ trang chính quy, theo New York Times.

Công cụ đắc lực của ông Putin

Quân đội Nga hiện sở hữu những vũ khí dẫn đường chính xác cao, cấu trúc chỉ huy được xây dựng hợp lý, những người lính tinh nhuệ, chuyên nghiệp. Và trên hết, Nga tiếp tục là cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đội quân được hiện đại hóa đã trở thành con bài chủ chốt trong chính sách đối ngoại ngày càng quyết liệt của Tổng thống Putin.

Trong 10 năm qua, những hành động đáng chú ý của Moskva gồm sáp nhập Krym bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, can thiệp quân sự vào Syria hay dẫn đầu CSTO đưa quân vào Kazakhstan.

Lúc này, Moskva đang theo đuổi chiến dịch tham vọng bậc nhất và cũng đáng lo ngại nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đó là đe dọa sử dụng vũ lực nhằm đưa Ukraina quay trở lại không gian ảnh hưởng của Nga.

Chưa cần bắn một viên đạn, Tổng thống Putin đã có thể buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden gạt sang một bên mọi ưu tiên khác, dành tất cả nguồn lực để xem xét những yêu sách về an ninh của Điện Kremlin, điều mà từ lâu Washington luôn phớt lờ.

Quyết định sử dụng vũ lực nhằm khôi phục vị thế mà Moskva đã đánh mất sau Chiến tranh Lạnh là bước đi liều lĩnh nhất của Điện Kremlin, vốn nằm trong học thuyết an ninh được Tổng thống Putin lần đầu công bố năm 2018 khi Nga hé lộ loại vũ khí hạt nhân mới có thể bay với tốc độ gấp 20 lần âm thanh.

Nhờ cuộc đại tu toàn diện lực lượng vũ trang, Moskva giờ đây có một đòn bẩy đắc lực trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

Quân đội ngày càng hiện đại cũng giúp Điện Kremlin gửi thông điệp cảnh cáo tới Washington, khiến giới chức Mỹ phải bối rối.

Trong cuộc chiến Syria năm 2015, Nga áp đảo lực lượng nổi dậy bằng những đòn không kích ác liệt. Bước tiến của Nga cho thấy quân đội nước này cũng có khả năng triển khai những vũ khí tầm xa dẫn đường chính xác, lĩnh vực mà phương Tây được cho là đã bỏ xa Moskva từ lâu.

Quân đội lột xác

Trong số vũ khí được Nga đưa tới biên giới Ukraina có xe tăng T-72B3. Đây là loại thiết giáp trang bị hệ thống quang học tầm nhiệt, giúp chiến đấu hiệu quả vào ban đêm. T-72B3 cũng sở hữu tên lửa dẫn đường có tầm bắn xa gấp 2 lần các loại xe tăng khác.

Theo ông Robert Lee, chuyên gia quân sự Đại học King’s College, các tàu chiến Nga ở Biển Đen được trang bị tên lửa dẫn đường Kalibr, đi cùng tên lửa đạn đạo Iskander-M triển khai trên bộ, có khả năng phá hủy mọi mục tiêu trên lãnh thổ Ukraina.

Trong 10 năm trở lại đây, Không quân Nga đã mua sắm hơn 1.000 máy bay mới, theo một bài viết đăng tải năm 2020 của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Aleksei Krivoruchko. Trong số này có những tiêm kích Su-35S hiện đại nhất do Nga sản xuất. Một phi đội Su-35S hiện được triển khai ở Belarus.

Các vũ khí mới của Nga đã chứng minh sức mạnh trên chiến trường Syria. Đáng nói hơn, giới quân sự Mỹ bị bất ngờ trước năng lực quốc phòng mà Nga thể hiện.

“Thật xấu hổ khi phải thừa nhận là tôi rất bất ngờ khi hay tin tên lửa Kalibr phóng đi từ Biển Caspi, nhắm vào các mục tiêu ở Syria. Trước đó tôi thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của chúng”, tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nói.

Tư duy quốc phòng của Điện Kremlin về quy mô lực lượng vũ trang cũng đã thay đổi. Nga hiện không còn phụ thuộc vào lính nghĩa vụ, thay vào đó lực lượng nòng cốt là 400.000 quân nhân hợp đồng được đào tạo bài bản.

Lính hợp đồng được đãi ngộ tốt hơn hẳn. Tháng 12/2021, Tổng thống Putin cho biết một trung úy quân đội có thu nhập khoảng 1.000 USD/tháng, cao hơn mức lương trung bình trong nhiều lĩnh vực khác. Ông Putin nói thêm chính phủ chi khoảng 1,5 tỷ USD trợ cấp nhà ở cho các binh sĩ.

Không chỉ nâng cấp trang thiết bị quân sự, học thuyết quốc phòng của Nga cũng đã thay đổi. Theo Dmitry Adamsky, chuyên gia an ninh quốc tế Đại học Reichman, Moskva kết hợp đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực với ngoại giao, tấn công mạng và tuyên truyền nhằm đạt được các mục tiêu chính trị.

Chiến lược kết hợp nhiều công cụ này đang được áp dụng trong cuộc khủng hoảng Ukraina.

Một mặt, Moskva gây sức ép đòi hỏi phương Tây nhượng bộ. Mặt khác, Nga triển khai binh sĩ tới biên giới Ukraina và trong lãnh thổ Belarus, có nơi chỉ cách Kiev 160 km, làm dấy lên lo ngại chiến tranh sắp nổ ra.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Nga lu loa rằng quân đội Ukraina đang chuẩn bị cho hành vi khiêu chiến ở miền Đông – nơi lực lượng ly khai tạm chiếm.

Hôm 14/1, tin tặc tấn công và đánh sập hàng loạt website của cơ quan chính phủ Ukraina. Trên một trong các website như vậy, tin tặc để lại thông điệp “hãy biết sợ và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.

“Người ta đã thấy tấn công mạng, động thái quân sự và cả sức ép ngoại giao. Tất cả được thực hiện có sự phối hợp”, ông Adamsky nói.

Vượt Mỹ về chiến tranh điện tử?

Trước khi leo thang căng thẳng ở Ukraina, Nga đã sử dụng cuộc chiến ở Syria năm 2015 làm thao trường để tập dượt chiến thuật, thử nghiệm vũ khí, giúp quân đội rèn luyện kinh nghiệm tác chiến. Các sĩ quan cấp dưới được trao nhiều trọng trách và nhiệm vụ hơn.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tuyên bố tất cả chỉ huy lực lượng bộ binh, 92% chỉ huy không quân và 62% chỉ huy hải quân có kinh nghiệm tác chiến thực tế.

“Nga chứng minh cho thế giới thấy họ có thể phát động những chiến dịch quy mô lớn, sử dụng vũ khí chính xác, vũ khí tầm xa và khả năng thu thập thông tin tình báo”, chuyên gia Adamsky nhận định.

Hiện nay, Nga sở hữu những vũ khí điện tử có khả năng can thiệp hệ thống và làm nghẽn mạng thông tin của đối phương, vô hiệu hóa máy bay không người lái. Năng lực chiến tranh điện tử của Nga thậm chí được đánh giá đã qua mặt Mỹ.

“Suốt 20 năm qua, chúng ta tập trung vào iPhone, điện thoại thông minh và các mạng lưới khủng bố, trong khi đối thủ phát triển những vũ khí đánh chặn hiệu quả, uy lực”, tướng Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, nói.

Dĩ nhiên, quân đội Nga vẫn còn nhiều hạn chế. Nền kinh tế dân sự Nga không có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, trong khi đầu tư nghiên cứu và phát triển gần như không tồn tại. Bởi vậy, tình trạng thiếu hụt linh kiện công nghệ cao là không thể tránh khỏi.

Chi tiêu quốc phòng của Nga chiếm tới hơn 11% GDP cả nước, cao gấp nhiều lần các láng giềng châu Âu, khiến ngân sách cho các lĩnh vực thiết yếu khác bị cắt giảm.

Khi quân đội Ukraina bắn rơi máy bay do thám không người lái của Nga cuối năm ngoái, họ phát hiện nhiều linh kiện điện tử và động cơ lấy từ drone dân sự do các công ty Tây Âu sản xuất.

Nga sở hữu rất ít hệ thống vũ khí hoàn toàn mới. Đa phần trang thiết bị của Nga là hàng tân trang từ các loại vũ khí cũ.

Tuy nhiên, chất lượng của từng loại vũ khí không quan trọng bằng tư duy quân sự và cách mà quân đội Nga học hỏi, phát triển qua thời gian dưới bàn tay của ông Putin, tướng Philip M. Breedlove, cựu chỉ huy quân đội NATO, nhận xét.

“Chúng ta phải dành lời khen ngợi cho họ, quân đội Nga thực sự học hỏi và thích ứng. Mỗi lần quan sát họ trong một cuộc xung đột vũ trang, tôi có thể thấy tiến bộ từng bước”, tướng Breedlove đánh giá.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,