⠀
Quá trình Việt Nam phân định biển với các nước láng giềng từ 1982-2015
Bài viết phân tích và luận giải quá trình phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia hữu quan trong khu vực biển Đông và vịnh Thái Lan giai đoạn 1982 – 2015. Trên cơ sở đó, để nhìn nhận lại những thành tựu và những mặt chưa đạt được trong quá trình đàm phán phân định biển, từ đó đúc rút những bài kinh nghiệm bổ ích để vận dụng vào các giai đoạn phân định biển tiếp theo được tốt hơn.
Tác giả: TS. Nguyễn Thanh Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng.
Phân định biển là nội dung quan trọng trong chính sách biển của các quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, đảo trên thế giới và khu vực. Phân định biển giữa các quốc gia có vùng biển tiếp giáp nhau là nhằm tạo ra đường biên giới trên biển rõ ràng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển các lĩnh vực kinh tế biển. Quan điểm nhất quán trước sau như một của Việt Nam trong quá trình phân định biển với các quốc gia có vùng biển tiếp giáp trong khu vực Biển Đông, đó là các bên phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là những quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các Tuyên bố của khu vực về Biển Đông như DOC. Vận dụng hệ thống quy chế pháp lý quốc tế để đàm phán giải quyết mọi bất đồng, mâu thuẫn về quan điểm chủ quyền và tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán về biển đảo trong khu vực bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia có liên quan. Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện thành công nhiệm vụ phân định biển và giải quyết mọi tranh chấp chủ quyền về biển đảo thông qua đàm phán trực tiếp bằng biện pháp hòa bình với các quốc gia có vùng biển tiếp giáp.
Phân định biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Biển Đông là một quá trình lâu dài và phức tạp, do quan điểm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán giữa các quốc gia còn nhiều sự khác biệt. Để có đường biên giới trên biển rõ ràng, hòa bình chúng ta đã nỗ lực kiên trì, kiên quyết đàm phán với các quốc gia hữu quan về phân định biển dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế, luất biển quốc tế nhất là các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế.
Phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc
Ở vịnh Bắc Bộ, tình hình tranh chấp chấp chủ quyền và tình trạng ngư dân của hai nước Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên vi phạm đánh bắt hải sản trái phép diễn ra trong một thời gian dài trước khi hai bên ký kết hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, đã làm ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ giữa hai nước và môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực. Do đó, trên thực tế hai nước đều có nhu cầu tiến hành hợp tác đàm phán để phân định vịnh Bắc Bộ nhằm đạt được hai mục tiêu cơ bản và lâu dài như sau: Một là xác định đường phân giới rõ ràng, phân chia vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước. Hai là việc giải quyết vấn đề này sẽ tạo cơ sở và động lực thúc đẩy quá trình xây dựng lòng tin, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Đồng thời, qua đó làm cơ sở cho việc tiếp tục phân định biển giữa hai nước ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.
Từ năm 1982 đến năm 2015, Việt Nam đã giải quyết được 2 trong 3 vấn đề biên giới với Trung Quốc đó là: hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên bộ, phân định vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở vịnh Bắc Bộ và hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ, chỉ còn lại vấn đề đàm phán phân định biển khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ là chưa giải quyết xong.
Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991, ngày 19/10/1993, hai nước đã tiến hành ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nội dung của thỏa thuận đã quy định hai bên sẽ áp dụng luật quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, theo nguyên tắc công bằng và tính đến những đặc điểm cấu tạo địa lý trong vịnh Bắc Bộ để đi đến một giải pháp công bằng. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc vận dụng những quy định của UNCLOS làm cơ sở pháp lý để phân định vịnh Bắc Bộ. Việt Nam phê chuẩn UNCLOS vào ngày 23/6/1994 và Trung Quốc phê chuẩn vào ngày 15/6/1996, được xem là điều kiện thuận lợi để hai nước tiến hành đàm phán phân định vịnh Bắc Bộ. Như vậy, cho đến năm 1996 khi cả hai nước đã là thành viên chính thức của UNCLOS, thì UNCLOS mới thực sự trở thành cơ sở pháp lý chung, để hai nước vận dụng vào quá trình đàm phán và giải quyết những vấn đề liên quan đến phân định vịnh Bắc Bộ.
Việt Nam đưa ra quan điểm là cần phải căn cứ luật pháp và thực tiễn quốc tế, hoàn cảnh khách quan của vịnh Bắc Bộ để phân định nhằm tìm kiếm một giải pháp công bằng. Tỷ lệ diện tích mà hai bên chấp nhận được đã phản ánh quá trình kiên trì đàm phán của hai bên, không phải là tiền đề của việc phân định, công bằng không đồng nghĩa với việc chia đôi. Việt Nam đề nghị dùng phương pháp đường trung tuyến có điều chỉnh. Phương pháp này là phổ biến trong thực tiễn quốc tế, phù hợp với UNCLOS. Theo phương pháp này, một đường trung tuyến ban đầu đã được vạch ra có tính đến hiệu lực của tất cả các đảo, đặc biệt là đảo Bạch Long Vĩ, có sự điều chỉnh cần thiết theo hiệu lực pháp lý và sự quan tâm của mỗi bên. Căn cứ vào những quy định của UNCLOS, các nguyên tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế được công nhận, trên cơ sở suy xét đầy đủ mọi hoàn cảnh hữu quan trong vịnh Bắc Bộ, theo nguyên tắc công bằng, trải qua một thời gian dài thương lượng, hai bên đã đi đến thống nhất ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000.
Như vậy, việc Việt Nam ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc đã tạo nên một cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý biên giới, lãnh thổ, thực hiện mục tiêu xây dựng biên giới Việt Nam và Trung Quốc thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài và tạo động lực thúc đẩy, tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ đã xác định đường biên giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa sông Bắc Luân và phân định rõ ràng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và phạm vi thềm lục địa của hai nước ở Vịnh. Hai bên đã tiến hành đàm phán về nghề cá song song và độc lập với đàm phán về phân định vịnh Bắc Bộ.
Ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ được thể hiện: Sau quá trình đàm phán kéo dài 27 năm từ năm 1974 đến năm 2000, Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ đã được nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký kết. Việc ký kết hai Hiệp định là sự kiện quan trọng đối với Việt Nam cũng như quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, tạo thuận lợi cho việc quản lý và duy trì sự ổn định trong vịnh Bắc Bộ. Qua đó, góp phần tăng cường sự tin cậy giữa hai bên đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác mọi mặt giữa hai nước Việt – Trung.
Cùng với việc giải quyết các vấn đề khác về biên giới, lãnh thổ, việc ký hai Hiệp định này đã góp phần tích cực vào việc củng cố hoà bình và ổn định xung quanh Việt Nam, tạo điều kiện cho nước ta tập trung sức lực vào việc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước. Việc ký kết và phê chuẩn hai Hiệp định về vịnh Bắc Bộ đã mở ra một trang mới trong lịch sử xác định biên giới, phạm vi chủ quyền và tạo ra được một khuôn khổ hợp tác nghề cá cho hai nước ven bờ Vịnh. Đó là những nhân tố tích cực và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường và củng cố sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX và cũng là tiền đề quan trọng để hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giải quyết những bất đồng trên biển trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Từ năm 2001 đến năm 2004, hai bên đã tiến hành đàm phán Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá để xác định ranh giới các vùng biển, số lượng tàu thuyền và chế độ pháp lý của các vùng đánh cá chung và vùng dàn xếp quá độ.
Quá trình phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ngoài cửa vịnh Bắc Bộ vẫn còn tiếp tục đàm phán và vấn đề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do quan điểm của hai nước có nhiều sự khác biệt, đặc biệt là quan điểm về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển. Tuy nhiên, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của một số công ước quốc tế về biển, đặc biệt là UNCLOS. Chính vì vậy, chúng ta tiếp tục kiên trì đàm phán với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc cũng phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế, đặc biệt là những quy định của UNCLOS để giải quyết vấn đề phân định biển.
Phân định biển giữa Việt Nam và Philippines
Philippines vốn là nước không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bởi vì, Hiệp định Paris ký năm 1898 giữa Mỹ và Tây Ban Nha, đã quy định Tây Ban Nha bàn giao Philippines cho Mỹ quản lý. Hiệp định xác định phạm vi lãnh thổ quần đảo Philippines trên bản đồ kèm theo thì lãnh thổ của Philippines không bao gồm một đảo nào nằm trong quần đảo Trường Sa.
Giai đoạn 1970 – 1995: Năm 1971, tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp khi Philippines đã bắt đầu bộc lộ âm mưu về việc chiếm đóng một cách hình thức một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ví dụ, Philippines đưa ra yêu sách chủ quyền và quan điểm của mình cho rằng: một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vô chủ, không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ quốc gia nào khác. Thực tế lịch sử cho thấy, trong lúc Việt Nam đang tập trung nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lợi dụng tình hình đó từ năm 1971 đến năm 1973 Philippines đã đưa quân chiếm trái phép năm đảo ở phía Bắc và phía Đông Bắc của quần đảo Trường Sa là: Vĩnh Viễn, Bình Nguyên, Loại Ta, Thị Tứ và Song Tử Đông.
Cho đến tháng 02/1979, Philippines đã chính thức đưa ra yêu sách chủ quyền đối với số đảo nêu trên nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, mà Philippines gọi là nhóm đảo Kalayaan. Trong giai đoạn này, chính yêu sách chủ quyền phi lý đó của Philippines, đã làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng và phức tạp hơn trước. Để giảm bớt tình hình căng thẳng giữa hai nước, ngày 07/11/1995, hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Philippines đã bắt đầu tiến hành đàm phán. Kết quả đàm phán đã đạt được thỏa thuận về 9 nguyên tắc ứng xử cơ bản đối với vùng biển đảo có tranh chấp trong khu vực Biển Đông, trong đó có những nội dung chính: (i). Hai bên đồng ý thông qua thương lượng, hòa bình tìm kiếm các giải pháp cơ bản cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. (ii). Hai bên tự kiềm chế không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy hợp tác song phương hoặc đa phương về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, khí tượng, chống thảm hoạ, tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ, chống cướp biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ tài nguyên biển ở khu vực quần đảo Trường Sa. (iii). Bảo đảm tự do hàng hải theo thực tiễn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982. (iv). Hai bên từng bước tăng cường hợp tác và giải quyết dứt điểm tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.[1] Mặc dù, những nội dung nêu trên, không phải là cơ sở pháp lý, nhưng đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định trên biển. Vùng biển giáp ranh giữa hai nước không diễn ra xung đột vũ trang. Những nội dung nêu trên, là cơ sở để hai bên tiếp tục đàm phán và duy trì hòa bình trên vùng biển giáp ranh giữa hai nước.
Giai đoạn 1995 – 2007: Trên cơ sở đàm phán hòa bình Việt Nam và Philippines đã tiến hành thực hiện bốn cuộc khảo sát và nghiên cứu khoa học chung về biển. Lần đầu tiên vào năm 1997 và tiếp theo là các năm 2000, 2004, 2007.[2] Đây là một hình mẫu về hợp tác nghiên cứu khoa học chung về biển đang được đề nghị mở rộng thành phần và nâng lên thành một thiết chế thường xuyên. Tuy nhiên, do tình hình phức tạp của khu vực Biển Đông, quan điểm chủ quyền về biển đảo giữa hai nước còn có những khác biệt. Chính vì vậy, từ năm 2008 đến năm 2015, Việt Nam và Philippines đã không thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học chung về biển, song hai nước vẫn cam kết duy trì sự hoà bình và ổn định trong khu vực Biển Đông.
Ngày 26/10/2010, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Tổng thống Philippines Benigno S.Aquino III trong chuyến thăm Nhà nước Việt Nam. Trong cuộc hội đàm hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là nguyện vọng và lợi ích chung của các nước trong khu vực Biển Đông và điều quan trọng là cần thực hiện nghiêm chỉnh DOC, nhất trí tiến hành soạn thảo và hướng tới thông qua COC. Hai nước tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cơ bản dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nguyên tắc của luật biển quốc tế và những quy định của UNCLOS và biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp chủ quyền về biển, đảo ở khu vực.
Tóm lại, từ năm 1995 đến năm 2015, hai bên đã thể hiện được quan điểm hòa bình giải quyết các bất đồng về chủ quyền trên biển liên quan đến hai nước. Hai nước Việt Nam và Philippines đã có những thỏa thuận ở các cấp Bộ trưởng Ngoại giao, cấp Thủ tướng Chính phủ, cấp Tổng thống và Chủ tịch nước. Những thỏa thuận đó, đã góp phần giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai nước bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hữu nghị, tin cậy lẫn nhau. Đây là cơ sở thuận lợi cho vấn đề phân định biên giới trên biển giữa hai nước trong các giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, do quan điểm chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam giữa hai nước có sự khác biệt, cho nên quá trình đàm phán phân định biển giữa Việt Nam và Philippines vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hai bên vẫn cam kết giải quyết những bất đồng mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán, dựa trên những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế, nhất là những quy định của UNCLOS.
Phân định biển giữa giữa Việt Nam và Malaysia
Trên thực tế cho thấy vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia tồn tại một vùng biển chồng lấn trên thềm lục địa của hai nước rộng khoảng 2.800 km2. Khu vực này nằm ở cửa vịnh Thái Lan có độ sâu nhỏ, trung bình khoảng 50 m, địa hình đáy biển tương đối bằng phẳng. Hai nước Việt Nam và Malaysia đều là thành viên của UNCLOS, cho nên nguyên tắc chung để giải quyết phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là nguyên tắc công bằng đã được ghi nhận trong các Điều 74 và Điều 83 của UNCLOS.[3] Yêu cầu của thực tế diễn ra đó là hai bên phải tuần tự đàm phán, thu hẹp những bất đồng, nhằm tìm ra giải pháp công bằng mà hai bên có thể chấp nhận.
Trên cơ sở hai nước đều là thành viên của UNCLOS, cho nên cả Việt Nam và Malaysia đều chấp nhận áp dụng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và những quy định của UNCLOS để giải quyết phân định biển. Đầu năm 1992, trong chuyến thăm Kuala Lumpur của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, một thoả thuận về tiến hành đàm phán phân định thềm lục địa giữa hai nước đã được thông qua. Tiếp sau đó, từ ngày 03 – 05/6/1992, tại Kuala Lumpur, vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước Việt Nam và Malaysia đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Trên cơ sở nội dung của vòng đàm phán đầu tiên đó, hai nước đã từng bước nhất trí thỏa thuận áp dụng nguyên tắc dàn xếp tạm thời được quy định trong Điều 74 và Điều 83 của UNCLOS, đó là ranh giới được vạch ra và ghi rõ trên hải đồ có tỷ lệ thích hợp để xác định vị trí của nó, có trường hợp việc vẽ ranh giới ngoài hay các đường hoạch định này có thể được thay thế bằng các bản kê các tọa độ địa lý các điểm.[4] Trên cơ sở đó hai bên nhanh chóng đi đến thỏa thuận áp dụng mô hình khai thác chung cho vùng xác định trên tinh thần hiểu biết và hợp tác.[5]
Dựa trên tinh thần đó, ngày 05/6/1992, hai nước đã chính thức ký Bản ghi nhớ. Nội dung của Bản ghi nhớ ngày 05/6/1992, đã quy định phạm vi vùng xác định, và hai bên phải cử đại diện của mình để tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác trong vùng xác định và sự hợp tác khai thác đó không làm phương hại đến kết quả hoạch định phân định biển cuối cùng giữa hai nước. Qua việc ký kết Bản ghi nhớ ngày 05/6/1992, có thể thấy Việt Nam luôn là nước đi đầu trong việc áp dụng các quy định của các Điều 74 và Điều 83 của UNCLOS, không chỉ trong phân định biển mà cả trong các biện pháp khai thác chung nguồn tài nguyên biển trong vùng biển có sự chồng lấn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Bản ghi nhớ cũng không giải quyết triệt để được vấn đề phân định biển giữa hai nước Việt Nam và Malaysia. Thực tế cho thấy, hai bên cần phải tiếp tục đàm phán hòa bình và dựa trên nội dung của UNCLOS và Bản ghi nhớ để phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.
Để thực hiện nội dung của Bản ghi nhớ, Việt Nam đã cử Petro Vietnam, Malaysia cử Petronas hợp tác khai thác nguồn dầu khí ở vùng xác định. Ngày 29/7/1997, tấn dầu đầu tiên đã được khai thác tại mỏ Bunga kekwa, sự kiện này đã đánh dấu thành công lớn cho cả hai bên trong quản lý, hợp tác khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như đóng góp kinh nghiệm quý báu để giải quyết các tranh chấp khác. Do khoảng cách giữa bờ biển và các đảo của hai bên chưa tới 400 hải lý, nằm trên một thềm lục địa thuần nhất và hơn nữa yêu sách của hai bên đều dựa trên đường trung tuyến, tức là dựa trên tiêu chuẩn khoảng cách bờ biển của hai quốc gia, cho nên có thể sử dụng một đường phân định đơn nhất làm ranh giới cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước.
Việc chia đôi thuần tuý diện tích vùng chồng lấn trên biển hiện có giữa hai bên là một giải pháp phân định công bằng dễ chấp nhận. Sau một thời gian dài đàm phán, ngày 06/5/2009, Việt Nam và Malaysia đã phối hợp trình Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc. Sự kiện này đã thể hiện tinh thần hòa bình giải quyết quan điểm những bất đồng mâu thuẫn về vùng biển chồng lấn giữa hai nước và còn được xem là một mẫu mực trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông. Hợp tác phân định biển giữa Việt Nam và Malaysia đã đóng góp vào kinh nghiệm thực tiễn của thế giới và khu vực về giải quyết những bất đồng và tranh chấp trên biển.
Phân định biển giữa Việt Nam và Indonesia
Do quan điểm sử dụng nguyên tắc phân định biển và điểm cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải khác nhau, nên giữa Indonesia và Việt Nam có một vùng biển chồng lấn rộng lớn. Chính vì vậy, từ năm 1978 đến năm 2003, hai nước Việt Nam và Indonesia đã tiến hành đàm phán cấp chuyên viên để phân định thềm lục địa trong vùng biển giáp ranh giữa hai nước. Trong quá trình đàm phán, lập trường pháp lý của Việt Nam là theo nguyên tắc thoả thuận, công bằng, tôn trọng lợi ích của nhau, phù hợp với xu thế phát triển của luật biển quốc tế. Giải pháp của Việt Nam đưa ra là lấy căn cứ thềm lục địa, đó là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền ra biển, cho nên ranh giới là rãnh ngầm phân chia thềm lục địa của hai nước nằm rất gần nhóm đảo Natuna phía Bắc của Indonesia.
Trên thực tế cho thấy, đường đề nghị này tạo với đường yêu sách của Indonesia thành một vùng biển có sự chồng lấn giữa hai bên khoảng 98.000 km2.[6] Bởi vậy, tháng 10/1991, nhân chuyến đi thăm Indonesia của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, hai bên đã ký thỏa thuận chia đôi vùng còn lại, song do tình hình nội bộ Indonesia lúc đó không ổn định, không thống nhất phương pháp giải quyết phân định biển, nên thỏa thuận không được thực hiện.
Do nhu cầu của hai bên mong muốn có một vùng biển hòa bình, ranh giới được phân định rõ ràng, tạo điều kiện cho ngư dân của hai nước khai thác tốt nguồn hải sản, ngày 11/6/2003, Hiệp định phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia đã được ký kết. Đây là hiệp định đầu tiên giữa nước ta với các nước láng giềng chỉ giải quyết một vấn đề là phân định thềm lục địa. Hiệp định có hiệu lực kể từ ngày 29/5/2007, sau khi hai nước trao đổi thư phê chuẩn. Hiệp định là kết quả của một quá trình đàm phán lâu dài và khó khăn đã thể hiện nỗ lực, thiện chí và sự nhân nhượng từ cả hai bên để đi đến kết quả thích hợp mà hai bên chấp nhận được. Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam – Indonesia đã tạo thuận lợi cho hai nước thực hiện các quyền chủ quyền, quyền tài phán, quản lý và khai thác phần thềm lục địa của mình.
Ngày 28/3/2016, Việt Nam và Indonesia đã tổ chức đàm phán vòng 8 cấp chuyên viên về phân định vùng đặc quyền kinh tế viết tắt là EEZ giữa hai nước. Cuộc đàm phán được tổ chức tại Bali, Indonesia, từ ngày 22 đến 24/3/2016. Đây là vòng đàm phán tiếp theo của vòng VII về vấn đề phân định EEZ giữa Việt Nam và Indonesia từng diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam tháng 12/2015. Tại lần đàm phán mới nhất, đoàn Việt Nam do ông Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam làm trưởng đoàn. Đoàn Indonesia do ông Octavino Alimuddin, Vụ trưởng Vụ Chính trị, An ninh và các điều ước lãnh thổ, Bộ Ngoại giao Indonesia làm trưởng đoàn. Trong các buổi làm việc, hai bên tiếp tục thảo luận các phương pháp phân định Vùng đặc quyền kinh tế trên cơ sở các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và trao đổi quan điểm về nguyên tắc còn tồn tại của dự thảo các nguyên tắc và hướng dẫn đàm phán. Hai đoàn đàm phán hy vọng kết quả đạt được sau cuộc họp sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Như vậy, từ năm 2007 đến năm 2015 là giai đoạn mà Việt Nam và Indonesia khẳng định cam kết tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Hiệp định, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế. Tuy vậy, đàm phán về ranh giới biển giữa hai nước vẫn chưa kết thúc, bởi vì vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai nước vẫn chưa dược phân định.[7] Từ khi hai nước ký kết Hiệp định phân định thềm lục địa, có nhiều dấu hiệu tích cực như ngư dân của hai nước đã có một hành lang pháp lý rõ ràng, do đó trong quá trình khai thác hải sản trên vùng biển giáp ranh ít xảy ra vi phạm. Đồng thời hai bên cũng tiếp tục đàm phán để phân định vùng đặc quyền kinh tế dựa trên luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế và quy định của UNCLOS.
Phân định biển giữa Việt Nam và Thái Lan
Trong giai đoạn 1986 – 1997, hai nước đã tiến hành đàm phán phân định biên giới trên biển. Trong vịnh Thái Lan, hai nước Thái Lan và Việt Nam là hai nước có bờ biển đối diện nhau, cùng có quyền mở rộng vùng biển của mình theo quy định của UNCLOS, do đó đã tạo ra một vùng chồng lấn rộng khoảng 6.074 km2.[8] Từ năm 1992 đến năm 1996, hai nước đã tiến hành đàm phán cấp chuyên viên về phân định biển. Ngày 09/8/1997, hai nước đã ký Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước. Hiệp định công nhận đảo Thổ Chu có 32,5% hiệu lực, do đó Việt Nam được hưởng 32,5% diện tích vùng chồng lấn.[9] Thực tế cho thấy, đường phân định vừa là ranh giới thềm lục địa, vừa là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của cả hai nước. Chính vì vậy, hai bên thừa nhận quyền tài phán, quyền chủ quyền của mỗi nước, đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế theo ranh giới năm 1997.[10]
Hiệp định ngày 09/8/1997, là Hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được trong vịnh Thái Lan. Đây cũng là Hiệp định về phân định biển đầu tiên được ký kết tại khu vực Đông Nam Á sau khi UNCLOS có hiệu lực. Đồng thời cũng là Hiệp định phân chia cả thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước thành viên ASEAN có yêu sách chủ quyền trên biển. Mặt khác, Hiệp định đã góp phần chấm dứt tình trạng tranh chấp chủ quyền về biển đảo giữa hai nước diễn ra trong suốt một thời gian dài. Hiệp định này đã khẳng định xu thế có thể thỏa thuận về một đường biên giới biển hòa bình do việc phân định đồng thời thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế một cách công bằng dựa trên những quy định của UNCLOS và sự nỗ lực của hai bên.
Giai đoạn 1997 – 2015, Việt Nam và Thái Lan đã triển khai kế hoạch tổ chức tuần tra chung trên biển. Hai nước đã thiết lập kênh liên lạc cảnh báo vi phạm đồng thời triển khai hợp tác tổ chức điều tra nguồn lợi biển giữa hai nước, bắt đầu từ năm 2002, hai nước đã thực hiện tuần tra chung trên biển. Bên cạnh đó, hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Thái Lan về thiết lập trật tự trên biển, Ủy ban này đã họp nhiều vòng và có những đóng góp nhất định trong việc giữ gìn môi trường hòa bình trên biển. Đồng thời hai bên đã thỏa thuận phối hợp trong việc giáo dục ngư dân của hai nước không được xâm phạm vùng biển của nhau để đánh bắt hải sản trái phép. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình khai thác nguồn lợi thủy sản, vẫn diễn ra tình trạng vi phạm của ngư dân hai nước vượt qua đường ranh giới để tiến hành khai thác hải sản trái phép.
Phân định biển giữa Việt Nam và Campuchia
Do kiến tạo về mặt địa chất, cho nên giữa bờ biển giữa hai nước Việt Nam và Campuchia có những đặc điểm cơ bản như có trên 150 đảo lớn, nhỏ được chia thành bảy cụm và một số đảo lẻ. Ngoài một số đảo lớn như đảo Phú Quốc rộng 568 km2, đảo Phú Dự rộng 25 km2, đảo Thổ Chu rộng 10 km2 và một số đảo như Hòn Dứa, quần đảo Nam Du trên dưới 1,5 km2, các đảo còn lại đều nhỏ dưới 1 km2.[11] Trong khu vực này, hai nước có vấn đề về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Mặt khác, trong quan hệ giữa hai nước tồn tại vấn đề đường Brévié và đường Brévié không phải là cơ sở pháp lý để phân định biển.
Từ năm 1913 và nhất là từ những năm 1930, giữa chính quyền thuộc địa Nam Kỳ và chính quyền bảo hộ Campuchia đã nảy sinh tranh chấp gay gắt về quyền thu thuế đánh cá và quyền đặc nhượng khai thác tài nguyên ở các đảo ven bờ Campuchia nhưng thuộc Nam Kỳ. Để tạm thời giải quyết vấn đề quản lý các đảo, và do không thể có đủ các thủ tục pháp lý để giải quyết việc phân định chủ quyền trên một số đảo giữa hai bên, năm 1939, Toàn quyền Đông Dương G. Brévié đã vạch một ranh giới mà lịch sử sau này gọi là đường Brévié. Toàn quyền trao quyền hành chính và cảnh sát trên các đảo ở phía Tây Bắc đường này cho phía Campuchia, còn các đảo ở phía Đông Nam đường này vẫn thuộc quyền quản lý của Nam Kỳ. Sau năm 1954, Campuchia và Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đều cho rằng đường Brévié đã hết hiệu lực và bắt đầu tranh giành quyền kiểm soát lại các đảo. Tình hình này làm cho vùng biển vốn bất ổn lại càng trở nên phức tạp hơn, đồng thời làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nhà nước. Tình hình ngày càng trở nên phức tạp hơn và vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển giữa hai nước đã làm nảy sinh những bất đồng mâu thuẫn và ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Từ năm 1954 đến năm 1980, Campuchia liên tục có những hành động làm phức tạp thêm tình hình trên biển, như tiến hành bắt phạt và tịch thu ngư lưới cụ của ngư dân Việt Nam với mục đích để thể hiện yêu sách chủ quyền của mình trên vùng biển có tranh chấp với Việt Nam.
Trước những diễn biến phức tạp trên vùng biển, nhằm thiết lập một cơ chế quản lý chung, ngày 07/7/1982, hai nước đã ký Hiệp định về Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia. Hiệp định quy định lấy khu vực vùng nước lịch sử năm giữa vùng biển hai nước và sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp để hoạch định đường biên giới giữa hai nước.[12] Đây là lần đầu tiên hai nước thừa nhận chủ quyền của các bên đối với các đảo trên vùng biển giáp ranh giữa hai nước. Hiệp định đã nâng đường Brévié từ ranh giới quản lý hành chính cảnh sát thành đường phân chia chủ quyền biển đảo giữa hai nước, nhưng cũng xác nhận giữa hai nước chưa có đường biên giới biển chính thức do hai bên chưa ký được hiệp định phân định biển.
Hiệp định cũng quy định hai nước đồng ý tạo ra một Vùng nước lịch sử chung căn cứ vào điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế và quốc phòng của môi nước. Vùng nước lịch sử chung được giới hạn bởi các bờ biển Hà Tiên của Việt Nam và Kampot của Campuchia, đảo Phú Quốc và các đảo khác ở ngoài khơi. Vùng nước lịch sử chung được hai bên coi như đặt dưới chế độ nội thủy và được quản lý chung về đánh cá, hai bên tiến hành tuần tra và kiểm soát trong khi chờ đợi việc giải quyết đường biên giới trên biển trong vùng nước lịch sử. Đây có thể coi là hình mẫu quản lý chung về đánh cá đầu tiên trong khu vực. Trên cơ sở của Hiệp định về Vùng nước lịch sử đã ký kết, ngày 31/7/1982 Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã ra tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng bao gồm các đảo nằm xa bờ như đảo Vai. Tháng 3/1999, tại cuộc họp vòng 1 của Ủy ban liên hợp, phái đoàn của Việt Nam đã đưa ra sơ đồ đường trung tuyến trong vùng nước lịch sử để hai bên lấy đường này làm cơ sở đàm phán phân định, điều chỉnh làm đường phân định biên giới trên biển giữa hai nước. Đây được xem là giải pháp hợp lý để hai bên tiếp tục làm cơ sở đàm phán phân định biên giới trên biển.
Tuy vậy, đến tháng 8/1999, tại vòng 2 của cuộc họp Ủy ban liên hợp, về phía Campuchia vẫn chưa nhất trí về đường trung tuyến mà Việt Nam đã vạch ra ở vòng 1, đồng thời không đưa ra một giải pháp cụ thể nào. Quan điểm của Việt Nam trong đàm phán phân định biển với Campuchia là vẫn kiên trì giải thích rõ hơn về tính hợp lý và hy vọng đi tới một biện pháp phân định công bằng cho cả hai bên. Tuy nhiên, từ năm 1999 đến năm 2015, Campuchia vẫn chưa có một hành động cụ thể, hay động thái tích cực nào trong đàm phán với Việt Nam để đi tới kết quả phân định biên giới trên biển giữa hai nước một cách công bằng.
Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia hữu quan trong khu vực
Quá trình phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia hữu quan cơ bản đảm bảo được lợi ích quốc gia: Công tác phân định biển của Nhà nước đã đạt được thành tựu quan trọng, đó là trong quá trình phân định biển giữa nước ta với các quốc gia hữu quan trong khu vực đã có sự thống nhất, dựa trên nguyên tắc công bằng, tôn trọng độc lập chủ quyền. Mọi biện pháp được tiến hành thông qua thương lượng, đàm phán hòa bình, đã góp phần giữ vững môi trường biển hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.
Việt Nam là một trong những quốc gia ven biển, có biên giới trên biển tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực Biển Đông. Chính vì vậy, Việt Nam đã từng bước đàm phán ký kết những hiệp định phân định biển với các nước xung quanh một cách hòa bình, hữu nghị trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế.
Cụ thể là trong quá trình phân định biển với Trung Quốc, chúng ta luôn luôn kiên trì bằng biện pháp pháp luật, đồng thời cũng yêu cầu Trung Quốc vận dụng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế, nhất là những quy định của UNCLOS để vận dụng vào quá trình đàm phán phân định biển. Về thuận lợi là cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của UNCOS, lãnh đạo cấp cao của hai nước cũng nhất trí giải quyết mọi bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, quá trình phân định biển với Trung Quốc ngoài khu vực cửa vịnh Bắc Bộ còn gặp nhiều khó khăn, nho những yếu tố như quan điểm về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán còn khác xa nhau. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang ráo riết thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông và cụ thể hóa yêu sách phi lý về đường đứt khúc 9 đoạn.
Phân định biển giữa Việt Nam và Philippines vẫn còn nhiều khó khăn: Thứ nhất, từ trước đến nay Việt Nam và Philippines chưa ký được hiệp định phân định biển, mới chỉ có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Thứ hai, quan điểm chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam giữa hai nước còn có sự cách biệt lớn. Thứ ba, trên thực tế Philippines đang chiếm đóng trái phép một số đảo đá của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa và Philippines khẳng định có chủ quyền. Về thuận lợi, cả Việt Nam và Philippines đều là thành viên của UNCLOS, cấp cao hai nước đã nhất trí giải quyết mọi bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Phân định biển giữa Việt Nam và Malaysia đã đạt được nhiều thuận lợi cơ bản, khi cả hai nước đều ký được thỏa thuận khai thác nguồn tài nguyên biển trong vùng chồng lấn trước khi hai nước bàn luận để tiến tới ký hiệp định phân định biển. Cả hai nước đều trình lên Ủy ban thềm lục địa của Liên hợp quốc về ranh giới ngoài cùng của thềm lục địa và hai nước đều là thành viên của UNCLOS. Đây là những thuận lợi cơ bản trong quá trình đàm phán phân định biển với Malaysia, cũng chính là tiền đề để chúng ta tiếp tục đàm phán phân định biển với Malaysia trong hiện tại và tương lai. Ngày 06/5/2009, Việt Nam và Malaysia đã phối hợp trình Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc. Sự kiện này đã thể hiện tinh thần hòa bình giải quyết quan điểm những bất đồng mâu thuẫn về vùng biển chồng lấn giữa hai nước và còn được xem là một mẫu mực trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các nước láng giềng trong khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn do quan điểm về quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển chồng lấn có sự khác biệt. Khó khăn lớn nhất là do hiện nay Malaysia đang chiếm đóng trái phép một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do đó, vấn đề phân định biển giữa Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn do quan điểm chủ quyền tại quần đảo Trường Sa có sự khác biệt khá lớn.
Phân định biển giữa Việt Nam và Indonesia đã đạt được kết quả khi hai nước nhất trí ký Hiệp định phân định biển. Với nội dung của hiệp định phân định thềm lục địa giữa hai nước đã bổ sung vào kinh nghiệm của thế giới và khu vực về đàm phán phân định biển. Trong quá trình đàm phán có nhiều thuận lợi, do cả hai quốc gia đều là thành viên của UNCLOS; thứ hai, trên thực tế Indonesia không chiếm đóng trái phép đảo đá nào của Việt Nam tài quần đảo Trường Sa.
Hiệp định phân định biển giữa Việt Nam và Thái Lan là hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được trong vịnh Thái Lan. Đây cũng là hiệp định về phân định biển đầu tiên được ký kết tại khu vực Đông Nam Á sau khi UNCLOS có hiệu lực. Hiệp định này đã bổ sung kinh nghiệm trong xu thế có thể thỏa thuận về một đường biên giới biển hòa bình do việc phân định đồng thời thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế một cách công bằng dựa trên những quy định của UNCLOS và sự nỗ lực của hai bên. Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam đã vận dụng một cách linh hoạt các nguyên tắc cơ bản của luật biển quốc tế, đặc biệt là những quy định của UNCLOS vào quá trình đàm phán phân định biển với các quốc gia hữu quan trong đó có Thái Lan.
Phân định biển giữa Việt Nam và Campuchia mặc dù đã có kinh nghiệm khi cả hai nước đều nhất trí ký hiệp định vùng nước lịch sử chung. Tuy nhiên, để hiệp định phân định biển giữa hai quốc gia được ký kết còn phải mất một quá trình đàm phán lâu dài. Thứ nhất, do quan điểm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán giữa hai quốc gia còn có sự khác biệt. Thứ hai, hiện nay Campuchia là quốc gia trong khu vực chưa phê chuẩn UNCLOS, do đó rất khó để vận dụng các nguyên tắc của luật biển quốc tế trong quá trình đàm phán phân định biển.
Tóm lại, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong quá trình đàm phán phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia hữu quan tron khu vực, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong đàm phán phân định biển giai đoạn tiếp theo. Do quan điểm chủ quyền của các quốc gia liên quan còn có sự khác biệt, mặt khác do yếu tố khách quan cho nên công tác phân định biển giữa nước ta với một số quốc gia hữu quan trong khu vực Biển Đông vẫn chưa được hoàn thành và có nhiều vấn đề phải tiếp tục đàm phán bằng biện pháp hòa bình để giải quyết. Cụ thể là một số vùng biển chưa được phân định rõ ràng như vùng biển giáp với Trung Quốc ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, Campuchia, Philippines, Malaysia.
Kết luận
Trong lĩnh vực phân định biển, chúng ta luôn luôn kiên định mục tiêu đảm bảo lợi ích quốc gia trên các vùng biển và hải đảo. Việt Nam là một trong những quốc gia có bờ biển dài và vùng biển rộng, biển của nước ta tiếp giáp với nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông. Để có đường biên giới trên biển đảm bảo tính công bằng, hòa bình và ổn định lâu dài, nhà nước đã và đang tiến hành đàm phán với các quốc gia có vùng biển tiếp giáp với vùng biển của nước ta trong khu vực Biển Đông như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia và Campuchia. Bên cảnh đó, chúng ta củng phải thực hiện nhiệm vụ: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.[13]
Kinh nghiệm trong quá trình đàm phán phân định biển giữa nước ta với các quốc gia hữu quan trong khu vực Biển Đông, được thể hiện qua việc Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện đúng những nội dung cơ bản trong quá trình đàm phán phân định biển như kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác bình đẳng đôi bên cùng có lợi, đảm bảo tính công bằng, dựa trên những quy định của UNCLOS. Để phát huy những thành tựu đã đạt được, chúng ta cần phải tiếp tục kiên trì đàm phán và kiên quyết đấu tranh với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền về biển đảo với Việt Nam nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
———————
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Thanh Minh (216), Đấu tranh chống cướp biển, cướp có vũ trang ở châu Á – Thái Bình Dương hiện nay và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Quan hệ quốc tế quốc phòng, số 33.
Nguyễn Thanh Minh (2016), Một số phán quyết của trọng tài và tòa án công lý quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trên thế giới, Tạp chí Khoa học giáo dục Biên Phòng, số 3.
Nguyễn Thanh Minh (2016), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tăng cường quốc phòng – an ninh gắn với phát triển kinh tế – xã hội trên các vùng biển đảo của Tổ quốc, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa toàn thư, số 2.
Nguyễn Hồng Thao, Đỗ Minh Thái, Nguyễn Thị Như Mai, Nguyễn Thị Hường (2008), Công ước biển 1982 và Chiến lược biển của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000.
Hiệp định Phân định thềm lục địa Việt Nam – Indonesia ngày 11/6/2003.
Hiệp định về Phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan ngày 09/8/1997.
8. Hiệp định về Phân định Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia ngày 07/7/1982.
———————
Chú thích:
[1] Nguyễn Hồng Thao, Đỗ Minh Thái, Nguyễn Thị Như Mai, Nguyễn Thị Hường (2008), Công ước biển 1982 và Chiến lược biển của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.198-199.
[2] Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực, Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 19 – 21/11/2012.
[3] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982. Bản tiếng Anh và tiếng Việt (1999), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.73-74.
[4] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982. Bản tiếng Anh và tiếng Việt (1999), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.81.
[5] Bản Ghi nhớ áp dụng nguyên tắc dàn xếp tạm thời giữa Việt Nam và Malaysia năm 1992. Niên giám các Điều ước quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.
[6] Nguyễn Hồng Thao, Đỗ Minh Thái, Nguyễn Thị Như Mai, Nguyễn Thị Hường (2008), Công ước biển 1982 và Chiến lược biển của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.134.
[7] Hiệp định Phân định thềm lục địa Việt Nam – Indonesia ngày 11/6/2003 có hiệu lực từ tháng 6/2007.
[8] Nguyễn Hồng Thao, Đỗ Minh Thái, Nguyễn Thị Như Mai, Nguyễn Thị Hường (2008), Công ước biển 1982 và Chiến lược biển của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.122.
[9] Nguyễn Hồng Thao, Đỗ Minh Thái, Nguyễn Thị Như Mai, Nguyễn Thị Hường (2008), Công ước biển 1982 và Chiến lược biển của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.123.
[10] Hiệp định về Phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan ngày 09/8/1997.
[11] Nguyễn Hồng Thao, Đỗ Minh Thái, Nguyễn Thị Như Mai, Nguyễn Thị Hường (2008), Công ước biển 1982 và Chiến lược biển của Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.122.
[12] Hiệp định về Phân định Vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia ngày 07/7/1982.
[13] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội – 2016.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Biển Đông, Vịnh Thái Lan, Chủ quyền Việt Nam