Phương thuốc nào cho sự bất mãn của mỗi người?

Mọi người đều quen thuộc với cảm giác rằng mọi thứ không như mình mong muốn, rằng mình chưa đủ thành công, chưa đủ hài lòng với các mối quan hệ của mình, mình không có được thứ mà mình khao khát.

Phương thuốc nào cho sự bất mãn của mỗi người?

Nguồn: ‎Kurzgesagt – In a Nutshell.

Cảm giác không hài lòng trường kỳ sẽ khiến bạn cảm thấy đố kị với những người xung quanh và thất vọng về bản thân mình.

Văn hóa đại chúng cũng như mạng xã hội càng làm cho việc này tệ hơn bằng cách nhấn mạnh rằng không có được công việc mơ ước là một sự thất bại. Bạn thấy cần phải thường xuyên có những trải nghiệm tuyệt vời, trở nên hấp dẫn một cách tự nhiên, có nhiều bạn bè, tìm được bạn đời của mình.

Và bạn thấy những người khác dường như ai cũng đều đang có những thứ này. Rồi những sản phẩm tự cải thiện bản thân xuất hiện, mang ngụ ý rằng tất cả đều là lỗi của bạn vì không biết cách chăm sóc cho bản thân. Trong 2 thập kỷ qua, các nhà tâm lý học đã bắt đầu nghiên cứu làm thế nào để có thể giúp con người chống lại những suy nghĩ này. Thế là ngành tâm lý học tích cực xuất hiện, giúp nghiên cứu về những gì làm cho cuộc đời đáng sống.

Trong khi liệu pháp hành vi nhận thức được phát triển để thay đổi cảm giác tiêu cực, các nhà khoa học bắt đầu thắc mắc rằng tại sao vài người lại hạnh phúc hơn và thỏa mãn hơn những người khác. Và liệu có cách lấy những gì họ đang làm đúng để những người khác noi theo hay không.

Hay nói cách khác, liều “thuốc giải” cho sự bất mãn chính là lòng biết ơn.

Mặc dù sự biết ơn nghe có vẻ như lại là một xu hướng tự cải thiện bản thân được những người hay sử dụng # tuyên truyền (ý nói về influencer, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội). Tuy nhiên, những gì hiện tại chúng ta biết đều có cơ sở từ những công trình nghiên cứu khoa học.

Sự biết ơn mang nghĩa rất khác nhau đối với mỗi người trong những bối cảnh khác nhau. Đây là một đặc điểm tính cách, một cảm giác, một đức tính, và một hành vi. Bạn có thể cảm thấy biết ơn với ai đó khi họ giúp bạn, với những sự kiện ngẫu nhiên như thời tiết hay tự nhiên, thậm chí cả với định mệnh. Và nó được lập trình sẵn vào trong cơ chế sinh học của chúng ta.

Lòng biết ơn kết nối chúng ta bằng cách nào?

Nguồn gốc của sự biết ơn có thể là từ sự có qua có lại, có khả năng nó đã tiến hóa từ một tín hiệu sinh học khiến cho động vật trao đổi đồ vật vì một lợi ích chung. Đặc tính này có thể được nhận thấy trong thế giới tự nhiên ở một số loài cá chim và động vật có vú, nhưng đặc biệt rõ nét nhất là ở các loài linh trưởng.

Khi não bộ nhận thấy ai đó làm gì đó tốt với bạn, nó phản ứng lại với sự biết ơn để thúc đẩy bạn đáp trả. Sự biết ơn khiến bạn quan tâm đến người khác và người khác quan tâm đến bạn. Điều này rất quan trọng vì khi não bộ con người đọc cảm xúc tốt hơn những cá nhân ích kỷ bị phát giác và kỳ thị.

Đối tốt với người khác và tạo dựng những mối quan hệ bền chặt trở thành một lợi thế tiến hóa. Ví dụ: khi bạn bị đói và có người chỉ cho bạn chỗ kiếm những quả dâu chín mọng, bạn cảm thấy biết ơn và bạn muốn trả ơn họ. Một sự thúc đẩy theo hướng cộng đồng. Khi bạn trả ơn họ, họ sẽ cảm thấy biết ơn bạn. Điều này đã mang tổ tiên chúng ta xích lại gần nhau hơn, giúp tạo dựng nên các mối quan hệ và tình bạn.

Vì vậy, dạng đầu của sự biết ơn là những cơ chế sinh học đã thay đổi hành vi của chúng ta theo hướng hợp tác, giúp con người thống trị Trái Đất. Nhưng theo thời gian, sự biết ơn trở nên không chỉ còn là một thôi thúc để sống sòng phẳng.

Lòng biết ơn mang lại điều gì?

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng sự biết ơn kích thích một liên kết thần kinh trong não người liên quan đến cảm giác được báo ơn, tạo dựng các mối liên kết xã hội, và giải nghĩa chủ ý của người khác. Nó cũng khiến cho việc ghi nhớ và gợi lại những ký ức đẹp trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, sự biết ơn trực tiếp chống lại những cảm xúc và đặc điểm tiêu cực như lòng đố kỵ, so sánh xã hội, sự tự kiêu, sự hoài nghi và sự nặng nề về vật chất.

Kết quả là, những người hay cảm thấy biết ơn, vi bất kể lý do gì thường sẽ cảm thấy hạnh phúc và hài lòng hơn. Những mối quan hệ của họ tốt hơn và họ dễ dàng kết bạn hơn. Họ ngủ ngon hơn; ít bị trầm cảm, nghiện ngập hay chán nản hơn. Và họ đối mặt với khủng hoảng tốt hơn.

Theo một cách nào đó, sự biết ơn giúp cho bạn tránh khỏi rơi vào một trong những cạm bẫy tâm lý của cuộc sống hiện đại. Ví dụ, sự biết ơn giúp chống lại xu hướng lãng quên hay xem nhẹ những sự kiện tích cực một cách hiệu quả. Nếu bạn cố gắng nỗ lực phấn đấu tới một thứ gì đó trong một thời gian dài. Khi bạn đạt được thứ đó rồi, bạn có thể cảm thấy mình ngớ ngẩn và trống rỗng. Bạn sẽ cảm thấy y như lúc ban đầu và lại tiếp tục cố gắng để đạt đến một thứ gì đó lớn hơn để tìm kiếm sự thỏa mãn khác thay vì tự cảm thấy hài lòng với bản thân mình.

Hoặc hãy tưởng tượng bản thân bạn cảm thấy cô đơn và bạn muốn có nhiều bạn hơn, có thể bạn có một hay thậm chí vài người muốn chơi với bạn. Nhưng bạn có thể cảm thấy rằng vậy vẫn chưa đủ, rằng bạn là một kẻ kém cỏi và cảm thấy tồi tệ về bản thân, nên bạn có lẽ sẽ từ chối lời mời đi chơi chơi của họ và càng cảm thấy cô đơn hơn nữa.

Nhưng nếu bạn cảm thấy biết ơn với những mối quan hệ bạn có, có lẽ bạn sẽ chấp nhận những lời mời đó, hay thậm chí chính bạn sẽ là người ngỏ lời. Bạn càng cố gắng mở lòng thì bạn càng có thêm cơ hội thắt chặt các mối quan hệ cũng như được gặp gỡ những gương mặt mới.

Trong nhiều trường hợp, sự biết ơn còn có thể kích hoạt một vòng lặp phản hồi. Những cảm xúc tích cực dẫn đến nhiều hành vi mang hướng cộng đồng hơn dẫn đến nhiều trải nghiệm xã hội tích cực hơn và mang lại nhiều cảm xúc tích cực hơn. Đây là một trải nghiệm thông thường xảy đến sau những khó khăn nhọc nhằn.

Ví dụ, bệnh nhân sau một thời gian dài điều trị bệnh, họ sẽ cảm thấy cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp hơn rất nhiều vì cơn khủng hoảng đã phần nào qua đi. Những thứ nhỏ bé nhất cũng sẽ là nguồn vui bất tận. Từ mùi vị thức ăn, cho đến ngồi dưới ánh mặt trời hay được nói chuyện cùng với bạn bè.

Khách quan mà nói, cuộc sống của bạn có lẽ vẫn như cũ hoặc thậm chí có khi còn hơi tệ hơn lúc trước, nhưng não bạn so sánh cuộc sống hiện tại với lúc khó khăn, và phản ứng lại bằng sự biết ơn. Vậy nên, về cơ bản, sự biết ơn chuyển hướng sự tập trung của bạn vào những thứ tốt đẹp mà bạn có. Kết quả của sự thay đổi này là những cảm giác tốt đẹp hơn và những trải nghiệm tích cực hơn.

Biết về những điều này thì cũng tốt nhưng có hay không một cách để bạn được cảm nhận nhiều hơn, cách để làm não bộ biết ơn hơn. Khả năng cảm nhận ít hay nhiều sự biết ơn hơn không được phân chia một cách cân bằng. Bạn có một thứ được biết đến là “lòng biết ơn theo đặc thù”. Nó quyết định xem bản cảm nhận được bao nhiêu phần biết ơn. Nó dựa vào di truyền, tính cách và văn hóa của bạn.

Khám phá này khiến các nhà khoa học tự hỏi liệu họ có thể thiết kế những bài tập để thay đổi lòng biết ơn đặc thù của bạn và đem lại nhiều hạnh phúc hơn. Hãy bắt đầu bằng điểm cần chú ý nhất. Chúng ta vẫn chưa biết lòng biết ơn có thể được “luyện tập” tới mức nào hay kết quả có thể được kéo dài được bao lâu và sẽ không có một viên thuốc thần kỳ nào đem lại được hạnh phúc cả.

Con người vốn rất phức tạp. Có những ngày bạn cảm thấy như mình làm chủ được mọi thứ trong đời, nhưng có những ngày khác bạn cảm thấy như mình chẳng thể làm được gì. Nhưng dù vậy cũng không sao cả. Công cuộc kiếm tìm hạnh phúc cũng có khi khiến chúng ta không hạnh phúc nếu ta đặt quá nhiều áp lực lên bản thân mình.

Lòng biết ơn không nên được coi như một giải pháp cho bệnh trầm cảm hay một lựa chọn thay thế cho những bác sĩ chuyên nghiệp. Nó chỉ có thể là một mảnh ghép của câu đố chứ không phải là giải pháp của chính câu đố đó.

Bạn có thể tập “biết ơn” những điều nhỏ bé trong cuộc sống thường ngày của mình, như tách cà phê ngon tới nhường nào, hay khi có ai đó đối xử tốt với bạn. Bạn có thể cảm thấy biết ơn về những điều người khác làm cho bạn. Bạn có thể nghĩ xem bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó, hay vật gì đó không còn tồn tại nữa và cảm thấy biết hơn vì họ tồn tại trong cuộc đời của bạn. Chúng ta là những cá thể khác nhau, nên chỉ có bạn là người biết điều gì là tốt nhất cho mình.

Luyện tập cách biết ơn có lẽ là một cách để ta thực sự tái lập trình bản thân mình. Cảm xúc của chúng ta không phải là bất biến. Dù sao thì, cách mà bạn cảm nhận cuộc sống phản ánh niềm tin của bạn vào nó. Nếu bạn có thể thay đổi suy nghĩ cốt lõi của bản thân về chính mình cũng như cuộc đời, bạn có thể thay đổi suy nghĩ và cảm nhận của bạn và hành vi của bạn sẽ tự động thay đổi theo.

Thật khó có thể tin rằng một hành động đơn giản như tự phản ánh bản thân có thể giúp liên kết não bộ chúng ta chống lại sự bất mãn. Và nếu đây không phải là một lý do để cảm thấy lạc quan hơn thì điều gì mới là phải?

Làm người rất khó, nhưng thật ra không quá khó như bạn nghĩ. Nếu bạn chủ động quan sát, có thể bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống này, đã và đang tốt đẹp hơn bạn nghĩ.

Theo TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM

Tags: ,