Phương Tây cần từ bỏ thói ngạo mạn, thượng đẳng trước một thế giới đang thay đổi

Năm xu hướng chính phác họa cách thế giới đang thay đổi, và phương Tây phải vật lộn với thực tế rằng họ không còn có thể áp đặt “sự lãnh đạo” của mình đối với thế giới như đã từng.

Phương Tây cần từ bỏ thói ngạo mạn, thượng đẳng trước một thế giới đang thay đổi

Tác giả: Chandran Nair, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Global Institute For Tomorrow (GIFT).Ông là tác giả của cuốn sách “Dismantling Global White Privilege: Equity for a Post-Western World”. Bài viết đăng trên National Interest.

Biên dịch: Hoàng Hải.

Trật tự quốc tế hậu phương Tây theo hướng đa cực đang dần hình thành. Trong lúc thế giới vật lộn với những tác động của sự thay đổi quyền lực này, nền tảng của một sự tính toán to lớn đang hình thành. Sự tính toán này sẽ thách thức những niềm tin và cấu trúc lâu đời đã duy trì sự thống trị của phương Tây trên phạm vi toàn cầu trong vài trăm năm qua, đồng thời vạch trần bản chất của việc phương Tây tự cho họ cái quyền lãnh đạo trật tự xã hội toàn cầu. Kết quả cuối cùng sẽ là một sự thay đổi đáng kể trong cách đánh giá lại các mối quan hệ quốc tế như chúng ta đã biết.

Tính toán lớn này sẽ được thúc đẩy bởi năm xu hướng chính đang buộc các quốc gia phương Tây phải đương đầu và thích nghi với một tương lai mà quyền lực phải được chia sẻ với phần còn lại trong một thế giới đa cực. Việc không nhận ra hoặc cố gắng chống cự mạnh mẽ những xu hướng này có thể gây ra những rủi ro đáng kể không chỉ cho chính phương Tây mà còn cho sự ổn định toàn cầu. Tuy nhiên, có thể tránh được những xung đột trong tương lai nếu giai đoạn thay đổi này được coi là cơ hội để xây dựng một thế giới công bằng hơn, thay vì là một cuộc khủng hoảng đe dọa các đặc quyền được ưu tiên và cố hữu.

Năm xu hướng cần xem xét

Tương lai nào đang chờ đợi phương Tây – một quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang đa cực hay một giai đoạn bất ổn và xung đột tiềm tàng – sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách các nhà hoạch định chính sách phản ứng với năm xu hướng sau:

Đầu tiên là việc làm rõ cách mô tả về lịch sử từ trước cho đến nay. Phương Tây, trong suốt lịch sử thuộc địa của mình, đã thực hành và hoàn thiện cách giải thích cũng như trình bày có chọn lọc các sự kiện. Họ chọn cách thể hiện mình là người khởi xướng cho nền văn minh hiện đại, đồng thời đóng vai trò như một lực lượng dẫn đường đầy nhân văn. Điều này hiện đang thay đổi; công nghệ thông tin, chẳng hạn như Internet và phương tiện truyền thông xã hội đã phá vỡ thế độc quyền về thông tin, lịch sử từng được nắm giữ bởi các tổ chức kiểm duyệt của phương Tây (công ty truyền thông, trường đại học, nhà xuất bản sách, v.v.). Kết quả là, mọi người trên khắp thế giới đang nhận ra rằng lịch sử không còn bị giới hạn trong cách giải thích của phương Tây – bao gồm cả sự phóng đại về “lòng nhân từ”.

Một yếu tố quan trọng liên quan đó là việc phương Tây thường xuyên không thừa nhận quá khứ không mấy tốt đẹp của chính mình. Mặc dù khuếch đại những hành vi sai trái của người khác, nhưng họ lại im lặng về những khoảnh khắc không mấy đẹp đẽ của chính mình. Chẳng hạn như, sự hủy diệt các nền văn hóa bản địa của những người tiên phong Mỹ đầu tiên; sự bóc lột của châu Âu đối với lục địa châu Phi hoặc cách đối xử của Australia đối với thổ dân địa phương. Giải quyết những giai đoạn lịch sử này càng quan trọng hơn bởi vì chúng ảnh hưởng đến hành vi hiện tại; Các quốc gia phương Tây cũng tỏ ra khó khăn trong việc thừa nhận những sai lầm và ý đồ đương đại.

Các quốc gia không thuộc phương Tây giờ đây có thể tuyên bố rõ rằng đất nước và cộng đồng của họ có lịch sử lâu đời, tồn tại bất chấp mọi sự lý giải của phương Tây, đồng thời, những lịch sử này cần được khám phá, hiểu và kể lại. Phương Tây phải vật lộn với xu hướng này và những tác động của nó, thay vì tiếp tục phủ nhận nó. Hãy xem xét những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra của chính phủ Ấn Độ nhằm buộc Vương quốc Anh trả lại kho báu bị đánh cắp từ Ấn Độ, bao gồm một số viên ngọc quý.

Xu hướng thứ hai là đánh giá lại trật tự quốc tế “dựa trên luật lệ”. Các nhà hoạch định chính sách ở Washington có thể không thích nghe nó, nhưng khái niệm này là chủ đề bị chế giễu nhiều trên khắp thế giới. Nhiều người cũng cho rằng đó là công cụ được phương Tây sử dụng để kiểm soát các vấn đề toàn cầu, duy trì quyền bá chủ. Ngày càng có nhiều sự phẫn nộ đối với các quốc gia phương Tây do liên tục vi phạm các quy tắc của chính họ, có nghĩa là tính hợp pháp của trật tự này đang bị nghi ngờ bất chấp những khía cạnh tích cực của nó.

Cùng với sự thất vọng ngày càng tăng này là thực tế rằng việc phân bổ quyền lực cho nhiều quốc gia hơn đang làm biến đổi trật tự thế giới hiện tại. Điều đó tạo ra những cơ hội cũng như thách thức mới. Trung Quốc đã đảm nhận một vị trí nổi bật hơn, cung cấp “hàng hóa công toàn cầu” như kiến ​​tạo hòa bình và giải quyết biến đổi khí hậu theo cách mà các quốc gia phương Tây không sẵn sàng hoặc không thể làm. Tương tự như vậy, Ấn Độ cũng như các quốc gia nhỏ hơn khác như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Indonesia cũng đang bắt đầu khẳng định mình .

Khi ngày càng có nhiều quốc gia tự xác định quỹ đạo của riêng họ trong thế kỷ 21, phương Tây phải nhận ra rằng cán cân quyền lực quốc tế đã thay đổi. Họ không thể tiếp tục áp đặt ý chí của mình lên phần còn lại của thế giới – sự trỗi dậy của Trung Quốc và các quốc gia khác là bằng chứng cho điều đó. Phương Tây phải chấp nhận thực tế mới này, đồng thời nhận ra rằng họ cần có một cách tiếp cận mới, thực dụng hơn, đa cực. Ở đó, các quốc gia cùng cam kết theo đuổi chính sách đối ngoại cùng tồn tại, được thúc đẩy bởi lợi ích tốt nhất của chính họ thay vì tư duy chia phe phái.

Xu hướng thứ ba là vạch trần vỏ bọc lực lượng “gìn giữ hòa bình” của phương Tây. Mặc dù tự cho mình là người bảo đảm an ninh toàn cầu, nhưng ở một mức độ nào đó, phần lớn thế giới hiện nay cho rằng Hoa Kỳ và Châu Âu đang sử dụng chiến tranh để thu lợi hơn là quan tâm đến việc thúc đẩy hòa bình đích thực.

Tổ hợp công nghiệp-quân sự phương Tây – đặc biệt là Hoa Kỳ – hùng mạnh đến mức mà nhiều người tin rằng chính nó đang thúc đẩy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ theo hướng duy trì xung đột để thu lợi từ chiến tranh.

Hiện tại, Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của họ đang thúc đẩy gia tăng chi tiêu quân sự toàn cầu. Bản thân Hoa Kỳ cũng đã chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn cả mười quốc gia tiếp theo cộng lại. Tương tự, ai cũng biết rằng gần một nửa ngân sách của Lầu Năm Góc dành cho các nhà thầu tư nhân mỗi năm và tổ hợp công nghiệp-quân sự đã quyên góp hàng triệu đô la cho các cuộc tranh cử vào Quốc hội Hoa Kỳ, dẫn đến việc chi phối nhà nước, tăng đáng kể ngân sách quốc phòng.

Phần còn lại của thế giới đã nhận ra rằng một mình phương Tây không thể được tin tưởng để lãnh đạo các nỗ lực hòa bình toàn cầu, đặc biệt nếu một phần đáng kể nền kinh tế của họ hướng đến việc thu lợi từ xung đột. Do đó, một sự thay đổi tích cực đang diễn ra với việc Trung Quốc làm trung gian cho các thỏa thuận hòa bình mang tính đột phá – chẳng hạn như giữa Ả Rập Saudi và Iran – trong khi các nhà lãnh đạo khác trên thế giới như Joko Widodo của Indonesia, Narendra Modi của Ấn Độ và Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil cũng đã đưa ra các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột hiện đại.

Xu hướng thứ tư đang diễn ra là sự truất ngôi đối với thượng tầng tài chính phương Tây. Việc phương Tây sử dụng rộng rãi sức mạnh tài chính của họ cho các mục đích và lợi thế địa chính trị không phải là điều bí mật gì lớn lao – các nhà hoạch định chính sách cũng như chuyên gia công khai nói về việc “vũ khí hóa tài chính” và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia không tuân theo các ý định của phương Tây. Tương tự như vậy, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ có khả năng trong việc đóng băng, thậm chí tịch thu các nguồn dự trữ của các quốc gia có chủ quyền như: Afghanistan, Venezuela, Nga. Điều đó đã gây ra những làn sóng chấn động khắp thế giới.

Vì lẽ này cùng với quá khứ về lòng tham tài chính và sự bất chính của phương Tây (từng dẫn đến các cuộc khủng hoảng tàn khốc như cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2008 và sự sụp đổ gần đây của Silicon Valley Bank đã gây chấn động toàn cầu) sự ngờ vực cũng như từ chối các cấu trúc tài chính của phương Tây ngày càng gia tăng.

Những nỗ lực hiện đang được tiến hành nhằm dỡ bỏ đặc quyền quá mức của Hoa Kỳ thông qua tiền tệ của nước này. Xu hướng giảm đô la hóa đang diễn ra sôi động, với tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng tiền này giảm xuống còn 47% vào năm ngoái, giảm từ 73% vào năm 2001. Ngoài ra, các quốc gia đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho hệ thống SWIFT – vốn đã được sử dụng để hỗ trợ các biện pháp trừng phạt của phương Tây và do vậy nó đã khiến phần lớn thế giới lo ngại. Khi các quốc gia có đồng tiền ổn định giành được ảnh hưởng, một trật tự kinh tế đa cực hơn sẽ xuất hiện, định hình lại các liên minh địa chính trị, ngoại giao kinh tế và cân bằng quyền lực trong các thể chế quốc tế. Sự thay đổi này có thể giúp các quốc gia đang phát triển linh hoạt hơn trong việc quản lý tiền tệ và chính sách tiền tệ của họ, đồng thời hạn chế khả năng của phương Tây trong việc đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt. Hơn nữa, các quốc gia BRICS gần đây đã vượt qua G7 về GDP, báo hiệu sự phân bổ lại sức mạnh kinh tế và gợi ý về một tương lai hợp tác trong thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển.

Xu hướng thứ năm và cuối cùng, là sự sụp đổ đáng kể về uy tín của báo chí phương Tây. Điều này diễn ra vào một thời điểm quan trọng, vì những thiếu sót lặp đi lặp lại trong vài năm qua đã nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò của truyền thông phương Tây trong việc duy trì các khía cạnh ưu tiên của phương Tây trong trật tự thế giới hiện tại – mà bản thân nó thường gây bất lợi cho các quốc gia khác.

Ví dụ, việc liên tục công kích Trung Quốc trên các tiêu đề của truyền thông phương Tây đã duy trì một câu chuyện vô ích và gieo rắc nỗi sợ hãi về Bắc Kinh như một mối đe dọa đối với chính công dân của họ cũng như thế giới nói chung. Bối cảnh địa chính trị của Hồng Kông hay Đài Loan mặc dù là những vấn đề phức tạp, đã được làm ầm ĩ một cách đặc biệt và có chọn lọc để thúc đẩy câu chuyện “chúng ta chống lại họ”, thay vì khuyến khích sự hiểu biết giữa phương Tây với Trung Quốc.

Tương tự như vậy, việc đưa tin một chiều một cách áp đảo về cuộc xung đột Ukraine thường xuyên bỏ qua những phức tạp về địa chính trị quốc gia và khu vực trong mối quan hệ lâu đời Nga-Ukraine cũng như lịch sử mở rộng của NATO ở châu Âu. Việc thiếu đưa tin về vụ đánh bom tuyến “Dòng chảy Phương Bắc”, mà nhiều người tin rằng do một quốc gia phương Tây gây ra – với việc đưa tin để chứng minh cho tuyên bố này – là một lỗ hổng rõ ràng đã góp thêm sự thiếu tin tưởng vào các phương tiện truyền thông phương Tây từ cả những độc giả phương Tây và không thuộc phương Tây. Chỉ vài tháng sau, báo chí phương Tây lặng lẽ thừa nhận khả năng có thể phạm tội của phương Tây, hoặc ít nhất là nhận biết được điều đó.

Hơn nữa, việc đưa tin không đầy đủ và thiên vị về các cuộc xung đột ngoài phương Tây, chẳng hạn như ở Yemen, Myanmar hay Palestine, đã dẫn đến các cáo buộc toàn cầu về sự thờ ơ, thiên vị và thậm chí là phân biệt chủng tộc .

Tương lai bất định của phương Tây?

Các chính phủ phương Tây vẫn đang tự huyễn hoặc về vai trò lãnh đạo thế giới của họ và không thể nhận ra điều tưởng như hiển nhiên đối với mọi người ngoại trừ chính họ: rằng thế giới không giống như thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Những cách thức cũ đã kết thúc, và phương Tây đơn giản là không có quyền lực chính trị cũng như tài chính, chưa kể đến tính hợp pháp quốc tế, như nó đã từng có. Các quốc gia phương Tây phải thích nghi với môi trường quốc tế đang thay đổi này, thay vì khăng khăng đòi kinh doanh như thường lệ. Nếu không làm như vậy sẽ khiến thế giới trở thành một nơi nguy hiểm hơn và làm xói mòn uy tín cũng như ảnh hưởng của phương Tây hơn nữa.

Theo NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC 

Tags: ,