⠀
Ở Sài Gòn, mình tiện tay thì mình vứt rác thôi
Ở Sài Gòn, nơi mà thời tiết vốn rõ rệt và điều hòa này, quanh năm hầu như chỉ một chiếc sơ mi là đủ, không có mùa đông lạnh cắt da hay mùa hè oi bức đến tận gần sáng, chẳng bao giờ chuyện mưa nắng lại là đề tài được quan tâm.
Ấy vậy mà từ đầu mùa mưa tới nay người ta luôn xem bản tin thời tiết để xem tối hôm ấy sẽ được về nhà hay… ngủ công ty.
Mưa như những ngày qua là Sài Gòn lụt. Là chôn chân ba tiếng với đứa con nhỏ đang đói, lạnh, mệt rũ trên xe, trong nước cống lên đến bụng. Là cách nhà ba bốn ngàn mét nhưng ba bốn tiếng mới về tới. Là tiền bạc, công sức bỏ ra để sửa đồ dùng bị hỏng, để dọn rửa và sửa nhà. Là nguy cơ bị thương thậm chí chết người khi dòng người bì bõm trong dòng kênh đen mà lỡ đâu một dòng điện rò rỉ…
Tôi không dám nghĩ tiếp đến những sản phụ vỡ ối, những người bệnh phải cấp cứu khi nước ngập tràn lan thành phố, những chuyến tàu, chuyến xe, chuyến bay trễ hẹn…
Nhưng tôi nghĩ rất nhiều đến những cái miệng cống thoát nước bên lề đường. Những bịch rác mà chúng ta đem bỏ hàng ngày.
Chỉ trong 15 phút đi bộ từ nơi làm việc đến nhà bạn tôi trưa hôm trước, trên đường Võ Văn Tần, trung tâm quận 3, tôi đếm được 6 miệng cống đã bị bít bằng đủ thứ kiểu. Cái bị rác lấp, lớp trong bịch nilon, lớp trong hộp xốp, lớp vung vãi bên ngoài, chủ yếu là thức ăn.
Cái bị xây xi măng chặn luôn cho chắc chắn.
Cái bị bịt bởi một miếng gỗ vát để xe máy dễ chạy lên nhà.
Khu nhà tôi ở có một khu vực đổ rác. Mấy chiếc thùng to đặt đó, hàng đêm khoảng 2h sáng, công nhân vệ sinh lại đến đổ vào xe gom rác. Từ ngôi nhà xa nhất đến chỗ này chỉ trong khoảng 100 m, nhưng vẫn không ít gia đình chọn cách đặt ngay bịch rác trước cửa nhà, chờ công nhân dọn. Tệ hại hơn, có lần tôi chứng kiến người chủ của một ngôi nhà sang trọng ba tầng lầu mặt tiền ngay trung tâm quận 1 đứng thẳng trên lầu ném vèo bịch rác xuống đường. Nó vỡ tung tóe.
Một người bạn của tôi trên Facebook nói cô sống tại trung tâm quận 3 nhưng chẳng tìm thấy thùng rác nào. Người dân chỉ có cách để bịch rác trước nhà như thế, và khi mưa xuống dòng nước đã cuốn các bịch rác này xuống cống gây tắc nghẽn. Cô kết luận đây là lỗi của cơ quan quản lý.
Nhưng mưa ở Sài Gòn không phải là mưa bất chợt. Những cơn hồng thủy này được báo trước hàng vài tiếng, bằng sự sầm mặt của ông trời, mây xám kéo giăng khắp chốn và sấm chớp đì đùng.
“Nếu có ý thức, nghĩ rằng trời mưa to nước có thể ngập và cuốn các bịch rác ra đường thì người dân nên tự mang rác để vào nhà lại trước khi mưa. Khi trời khô ráo thì đi bỏ rác trở lại” – một “friend” khác nhận xét.
“Ở Bỉ, giờ thu gom rác là ban đêm. Người dân được bỏ rác ra đường vào ban đêm, ban ngày thì cấm. Nhưng tôi đã thấy bao nhiêu lần hàng xóm xách bịch rác ra rồi lại lểu thểu xách vào vì trễ giờ gom rác hôm ấy. Họ phải để bịch rác trong nhà chờ bốn ngày nữa, cho đến lần gom rác sau.” – Quỳnh Anh, một người bạn của tôi đang sống ở Bruxelle kể.
Không có chính quyền vạn năng nào bao thầu và thần thánh đến nỗi những công nhân vệ sinh có thể làm tất cả. Luật được ban ra để chính mỗi người dân phải biết việc nào được làm, việc nào bị cấm. Lâu dài, thói quen đó sẽ ngấm thành ý thức. Ví dụ, chính quyền không cấm bỏ rác ngoài đường vào ban đêm nhưng các bịch rác có thể bị cáo hoang cắn xé vung vãi ra đường, nên người dân mang rác trở lại vào nhà. Chịu cho bản thân một chút bất tiện nhưng cộng đồng được sạch sẽ. Bịch rác đã buộc chặt có thể lưu cữu trong nhà vài hôm nhưng những con đường đi dạo quanh khu dân cư không bị gài mìn bởi phân chó và rác rưởi.
Ngoài ý thức của người dân, có một yếu tố khác trong quản lý tại các đô thị của ta đã khiến người dân không thấy hết trách nhiệm của mình trong giữ gìn vệ sinh chung.
Bạn tôi kể, ở Bỉ, rác được phân loại ngay từ trong gia đình. Có bốn loại, chứa trong bốn túi có màu khác nhau. Bạn phải tự trả tiền mua túi và đặt nó vào các thùng rác cũng đã được phân loại, ngoài ra không tốn khoản tiền nào nữa. Nó công bằng: bạn xài ít, tốn ít tiền mua túi. Xài nhiều tốn nhiều.
Việt Nam ngược lại. Bạn đóng 30.000 đ một tháng và thế là xong béng. Không phân loại rác đã đành, bạn còn có thể dùng bất cứ vật nào để đựng rác cũng được: bao nilon, miếng giấy báo, hộp xốp, túi carton, hoặc chả cần bao gói gì hết, cứ đổ tràn một đống. Nhân viên vệ sinh sẽ dọn giúp bạn. Dọn không hết thì thôi ơ kìa.
30.000 đ. Bạn là người độc thân, đi công tác cả tháng, hay bạn gồm đại gia đình 20 người, thải một núi rác, vẫn 30.000 đ. Trả tiền là xong, là nhà cửa đường phố phải như lau như ly, và xét về mặt lý thuyết, bạn có thể đổ rác lên cả thành phố. Nghĩa vụ của bạn không phải là CHỈ và PHẢI đổ rác đúng nơi quy định như những nước văn minh, mà nằm ở việc đã TRẢ TIỀN đủ hay chưa.
Có gì đó bất nhẫn và không công bằng cho những người công nhân vệ sinh. Và hết sức thiếu hiệu quả trong quản lý.
Ba má tôi ở Phan Thiết. Cũng có khi “cơn mưa lịch sử” trút xuống ngập hết cả con hẻm nhỏ nhưng chỉ là nước mưa trong vắt, vì rác đã được gom hết vào một thùng rác lớn cho độ mười hộ dùng chung. Dưới đường chỉ là vài chiếc lá rụng.
Kinh nghiệm này áp dụng ở Sài Gòn được chứ? Khó gì đâu việc đặt vài thùng rác cho một cụm dân cư để họ không bỏ từng bịch nilon trước cửa nhà.
Nếu rác được đặt trong các thùng rác có nắp, đúng chuẩn, thì xe rác chỉ việc nâng thùng và đổ ụp gọn vào khoang chứa. Nhanh gọn sạch.
Nhưng không, chúng ta chỉ quẳng các bịch rác trước cửa nhà mình thôi. Mình tiện tay thì mình vứt thôi.
Kệ anh công nhân gom rác phải chạy lúp xúp nhặt từng bịch quẳng vào khoang chứa như một thiện xạ. Chẳng may có bịch nào anh không nhặt kịp cũng kệ, hẹn bạn lần sau.
Nó tội nghiệp, nó buồn cười một cách đáng buồn. Nó thủ công đến mức chỉ riêng ý nghĩ rằng đó là cách thức thu gom rác dân sinh tại những thành phố có trên 10 triệu dân cũng đã đủ để phá lên cười.
Ở Nhật, phải đổ rác ra trong khoảng thời gian từ sáng sớm đến 8h 30 sáng của ngày thu rác đã được quy định và phải bỏ ra nơi đã được quy định. Vào đầu năm, các trạm trung chuyển rác sẽ phát cho mỗi gia đình mà họ phụ trách vệ sinh một tờ lịch treo tường.
Trong tờ lịch này ghi rõ mỗi ngày gom và vận chuyển loại rác nào, tuần nào chỉ thu giấy, tuần nào thu rác có thể đốt…
Các hộ dân trong khu vực quản lý chỉ cần theo đúng tờ lịch này để vứt rác. Như vậy việc thu hồi và phân loại rác thải một cách khoa học được thực hiện rất dễ dàng.
Người Nhật Bản mỗi buổi sáng thức dậy ra khỏi cửa đều một tay xách cặp một tay xách túi rác. Trước khi đến cơ quan, nhiệm vụ của người đàn ông trong nhà là vứt rác vào thùng rác cố định hoặc máy thu gom rác đặt ở tầng 1. Thế nên người Nhật Bản mới nói đùa với nhau rằng, “ông xã chính là một cái máy vứt rác”.
Rác đốt được là các thứ thải ra sau bữa ăn, tàn thuốc lá, giấy vụn, đũa dùng một lần, hộp giấy, cây cỏ, lá khô, bụi của máy hút bụi, hàng đồ da, đồ gỗ trong công việc làm tại nhà, băng vệ sinh, tã giấy…
Rác này phải được vắt hết nước, dùng giấy báo gói lại trước khi bỏ vào bao, cột miệng bao. Gỗ vụn, cành cây phải được cắt ngắn khoảng nửa mét, cột lại thành bó.
Rác không đốt được như chai chứa dầu gội đầu, hộp đựng bột giặt, bao đựng thức ăn, đồ chơi, sản phẩm làm bằng cao su các loại, giày dép, da nhân tạo, đồ gốm, lưỡi dao cạo, bóng đèn điện, lọ mỹ phẩm, thủy tinh, pha lê, ô dù, ghế ngồi, bình thủy, lọ xịt, lon đựng sơn… Lọ bình xịt có thể gây nguy cơ nổ, phải cho xì ra hết khí bên trong.
Rác tài nguyên gồm giấy các loại (giấy báo, tờ rơi quảng cáo, giấy báo gói hàng, hộp đựng quần áo, hộp đựng giầy, hộp trống, thùng giấy carton…) quần áo (quần áo, vải vụn cũ ), lon rỗng (bia, rượu, nước giải khát, thức ăn đóng hộp, chai đựng sữa…), kính bể, chai, bộ đồ ăn (xoong, nồi, niêu, ấm nước, sắt vụn, xe đạp, đồ gia dụng bằng sắt thép…), đồ điện gia dụng (tivi, máy giặt, tủ lạnh, dàn máy stereo, lò sưởi, bếp gas… một số rác loại này là thu có phí)…
Lon và chai phải rửa một lần trước khi bỏ ra. Thuỷ tinh vỡ, lưỡi dao cạo… phải gói bằng giấy báo, bỏ vào bao và ghi chữ “Nguy hiểm” bên ngoài bao. Giấy, quần áo các loại phải chia theo loại và buộc dây hình chữ thập.
Rác có hại gồm pin, bóng đèn huỳnh quang, nhiệt kế phải ghi rõ bên ngoài bao: “Rác có hại” để không bỏ lẫn với rác tài nguyên.
Pin có chứa chất thủy ngân hữu cơ độc hại, do đó phải bỏ vào bao trong có thể nhìn thấy bên trong và tuân theo cách bỏ đã được quy định.
Rác cồng kềnh là đồ gia dụng cồng kềnh như bàn, ghế, tủ, giường, thảm, đệm, cửa các loại (cửa ra vào, cửa giấy kiểu Nhật …) có kích cỡ khoảng trên 1m2.
Có bốn cách xử lý rác cồng kềnh: Khi mua đồ mới thì yêu cầu người bán hàng thu nhận đồ cũ. Hoặc cắt chúng ra thành từng tấm có mỗi cạnh dưới 50cm, bó lại và bỏ ra vào ngày rác đốt được.
Cách thứ ba: Bỏ ra trước cửa nhà hoặc bỏ ra nơi mà xe (tấn) có thể vào được. Cách thứ tư: Bỏ rác theo chế độ xin bỏ rác bằng điện thoại. Tùy theo loại đồ vật, có trường hợp phải trả một khoản phí thủ tục thu hồi rác.
Cuối cùng là rác thu gom như xe máy, chiếu tatami, lốp xe, dầu phế thải…
Thậm chí chai nước cũng được phân loại thành: chai rỗng, chai còn chất lỏng, chai và nắp chai. Mỗi loại được vứt vào một thùng khác nhau để tiện cho việc thu gom các chất khác nhau.
Khó hay dễ? Không hề dễ khi phải nhớ tỉ mỉ hàng chục thứ và còn phải xẻ, buộc, súc sạch chúng trước khi vứt đi, thay vì tự do như ở Việt Nam, chỉ cần quẳng vào thùng rác là xong, thậm chí mở cửa xe hơi, thò cánh tay trắng nõn vứt toẹt chiếc vỏ chai ra đường. Việc chia sẻ trách nhiệm với những người làm chuyên môn khiến người dân hiểu được phần nào công việc của họ, ý thức được sự quan trọng của mỗi cá nhân trong kết quả giữ vệ sinh chung và giúp làm nhẹ công việc này.
Ý thức đó mạnh mẽ tới nỗi nó trở thành một phản xạ không bị ràng buộc bởi biên giới. Trong chúng ta có nhiều người đã ngượng tái mặt khi thấy những “ông Tây” từ đâu xông tới lội xuống mương dọn rác cứ như họ tìm thấy vàng dưới đó. Nhưng cũng không ít người cười cợt chê bai cái bọn dở hơi, rỗi việc, không công.
Alicia, con gái của bạn tôi, mới 6 tuổi vào năm ngoái. Mẹ nó đưa về Sài Gòn nghỉ hè và đến một quán ăn hải sản nổi tiếng ở trung tâm quận 1.
Hai mẹ con đang chờ món thì Alicia đứng bật dậy. Con nhóc chạy thẳng đến trước bàn một cặp người Việt đang ăn uống hồn nhiên và hồn nhiên bỏ thẳng vỏ cua, vỏ tôm xuống chân bàn. Nó giận tái mặt. Nó hò hét bắt cặp kia không được làm thế. Và nó ngùng ngoằng, nó thắc mắc khiếu nại sôi sùng sục với mẹ nó suốt cả một cuộc đi chơi.
Vì Alicia được dạy từ trong gia đình, đến xã hội và nhà trường rằng trước hết không ai được xả rác bậy.
Họ – từ cô bé tí 6 tuổi Alicia đến những ông tây bà đầm ấy – họ chẳng phải chôn nhau xứ này, nhưng họ đã dạy cho chúng ta một bài học về trách nhiệm công dân với chính mảnh đất mà chúng ta đang bám vào.
Liệu mình có học được không?
Theo TRÍ THỨC TRẺ
Tags: Bảo vệ môi trường, Văn hóa ứng xử, Rác thải, Đạo đức môi trường