Nông dân phương Tây giàu vì biết hợp tác, nông dân Việt nghèo vì mạnh ai nấy lo?

Hai chữ “hợp tác” chỉ đặt trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau kết hợp với các biện pháp quản trị khoa học, công khai, minh bạch.

Nông dân phương Tây giàu vì biết hợp tác, nông dân Việt nghèo vì mạnh ai nấy lo?

Hơn trăm năm trước, nông nghiệp ở các nước phương Tây cũng không khác gì Việt Nam hiện nay: sản xuất manh mún, phân tán và tất nhiên cũng bị tình trạng ép giá. Ép giá không phải do thương lái mà là do thiếu thông tin cung cầu.

Nên nhớ rằng, nông sản thô chưa qua chế biến là hàng hóa có hạn sử dụng thấp không ai có thể đầu cơ trừ phi bạn có một hệ thống kho chứa dung tích lớn cùng với kỹ thuật bảo quản tiên tiến.

Đầu thế kỷ 20, khoa học chưa phát triển, những thứ đó làm gì có. Không chịu nổi tình trạng “được mùa thì mất giá”, một ông nông dân ở Thụy Điển đã tìm đến các ông nông dân hàng xóm đề nghị hợp tác.

Hình thức hợp tác gồm góp đất, góp tiền và góp nhân lực. Hợp Tác Xã (Cooperation) đầu tiên hình thành như vậy đó.

Hợp tác xã (HTX) cũng là hình thức công ty cổ phần đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo thời gian những HTX này ngày càng hùng mạnh. Họ có kho chứa hiện đại (mất giá thì giam hàng lại không bán), họ có nhà máy chế biến hiện đại (giúp bảo quản hàng hóa được lâu hơn), họ có nhà máy sản xuất hiện đại (để mang lên thành phố bán luôn cho người tiêu dùng), họ có phương tiện vận chuyển, có hệ thống phân phối vươn ra tận bên ngoài lãnh thổ quốc gia.

Trở lại với thực trạng nông nghiệp Việt Nam. Dù bạn có là một anh nông dân “có chất xám”, biết cách làm nông hiệu quả và nâng cao năng suất nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến thì bạn cũng bó tay hết cách vì bạn chỉ sở hữu một mảnh đất bé tí với lượng hàng hóa chả đáng kể so với tổng cung.

Sản xuất mà không nắm được thông tin cung cầu thì có phải là kinh doanh dựa trên sự may rủi không? Giá tăng tức là cầu đang cao nhưng nông sản không phải là hàng công nghiệp, phải có mùa vụ làm sao thay đổi kịp khi giá tăng?

Đợi đến mùa sau gia tăng làm ra loại nông sản ấy thì đã chậm vì khắp nơi ai cũng gia tăng như thế. Chỉ có hợp tác với nhau để nắm được tổng cung, thông qua giá cả mà ước đoán tổng cầu thì mới “chắc ăn”.

Giá trong nước giảm, tìm đường xuất khẩu. Giá trong nước tăng, hạn chế xuất khẩu tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước. Tóm lại, người ta giàu vì họ biết hợp tác còn ta nghèo vì mạnh ai nấy lo.

Hai chữ “hợp tác” chỉ đặt trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau kết hợp với các biện pháp quản trị khoa học, công khai, minh bạch. Người Việt Nam mình có tin tưởng lẫn nhau không hay là lại chín người mười ý, bàn ra, bàn lùi?

Theo LÂM / VNEXPRESS

Tags: ,