⠀
Nói về ‘bệnh’ nể sợ người nước ngoài ở Việt Nam
Không có lý do gì khiến chúng ta phải quá nhún nhường khi tiếp xúc với người nước ngoài mà nên xem họ không khác những người bạn trong nước và hãy đối xử với họ một cách lịch sự và thân thiện nhưng không quỵ lụy ai cả.
Tác giả: Võ Tá Hân, chuyên gia kinh tế .
Chuyện xảy ra khi đất nước vừa bước vào thời kỳ đổi mới. Một lần được mời đến thăm một khách sạn lớn tại TP HCM, tôi hết sức ngạc nhiên khi được biết khối bán hàng vỏn vẹn chỉ có một người.
Vị chủ tịch Hội đồng quản trị phân trần rằng, công ty đã mời một chuyên gia nước ngoài về làm tổng giám đốc với một mức lương hậu hĩnh, lại cấp thêm cho ông ta một biệt thự và một chiếc xe hơi mới. Sau hơn một năm trời công ty vẫn còn ì ạch và vị tổng giám đốc này đổ lỗi cho Hội đồng quản trị đã không đồng ý cho ông ta thuê thêm một người nước ngoài nữa để phụ trách mảng tiếp thị và bán hàng vì ngại quá tốn kém. Hai bên ì xèo và cứ thế mà bộ phận bán hàng rơi rụng dần từ mười người xuống còn một.
“Theo ý ông thì chúng tôi phải làm gì bây giờ?”, vị chủ tịch hỏi tôi với nét mặt đau khổ. Từng góp ý kiến cho nhiều doanh nghiệp với những bài phân tích chi tiết nhưng có lẽ chưa bao giờ “toa thuốc” của tôi lại ngắn như lần này vì vỏn vẹn chỉ có ba chữ: “Đuổi ổng đi!”, tôi đáp. Vị chủ tịch trố mắt nhìn tôi: “Ủa, nhưng ổng là người nước ngoài mà?” Ừ thì “ổng” là “người nước ngoài” nhưng mình là chủ thì tại sao lại sợ?
Làm việc và tiếp xúc với bạn bè trong nước dạo ấy, tôi có cảm tưởng dường như có một cái “vòng tròn vô hình” mà mình tự vạch ra rồi cứ đứng ì trong đó và không dám bước ra. Giới hạn vô hình ấy dường như là cái tính cứ nể sợ những gì thuộc về “nước ngoài”: Hễ người nước ngoài là phải giỏi hơn người mình, kỹ sư nước ngoài là phải giỏi hơn kỹ sư Bách Khoa, hàng ngoại luôn tốt hơn hàng nội…
Việc “nể sợ” người nước ngoài có thể thấy được dưới nhiều hình thức. Chẳng cần nói đâu xa, mỗi lần thấy ông tây trắng nào nói được tiếng Việt là mình lấy làm ngạc nhiên và nếu ổng hát được tiếng Việt thì mọi người đều phục lăn. Thế nhưng có biết bao nhiêu người Việt mình nói được ngoại ngữ rất lưu loát, hoặc hát được những bài nhạc ngoại líu lo như chim hót mà có mấy ông tây bà đầm nào thán phục mình đâu? Khi mang nhân viên nước ngoài cùng về nước công tác vào lúc ấy, nhiều bạn của tôi cũng thường phàn nàn là đi đến đâu thì người mình cũng xun xoe săn đón mấy người da trắng mà quên hẳn rằng chính cái ông da vàng mũi tẹt này mới là sếp của mấy ông tây kia. Ta có thể suy diễn ra rằng thái độ cả nể đối tác nước ngoài ấy cứ thế mà tiếp tục trên bàn họp khi hai bên thương thuyết làm ăn để rồi đưa đến những dự án thiệt thòi về phía chủ nhà.
Một điều nữa mà ít ai lưu ý là khi một tập đoàn lớn chọn người để đưa đi làm việc ở nước ngoài thì các “chiến tướng” thường được bổ nhiệm đến những thị trường lớn và quan trọng nhất như Mỹ, Âu châu. Thành phần kha khá thì sẽ được chọn đi những thị trường trung bình, và cuối cùng thì chỉ còn mấy xứ đang phát triển là dành cho những nhân viên cấp ba mà có lắm kẻ không đủ tài cán, phong cách và kinh nghiệm quản lý. Phải chăng vì thế mà đã có những vụ sếp nước ngoài hành hạ, đối xử tàn bạo với công nhân ta chăng?
Có một câu nói rất hay là “Nếu bạn nằm xuống như một tấm thảm thì người ta sẽ đạp lên bạn mà đi!”. Cứ tỏ ra “lép vế” thì cam đoan rằng thế nào người ta cũng sẽ lấn lướt mình. Không có lý do gì khiến chúng ta phải quá nhún nhường khi tiếp xúc với người nước ngoài mà nên xem họ không khác những người bạn trong nước và hãy đối xử với họ một cách lịch sự và thân thiện nhưng không quỵ lụy ai cả.
Từ ngày đất nước vươn mình ra cộng đồng thế giới và với kinh nghiệm thâu thập được khi sánh vai với các doanh nhân nước ngoài, có thể nói rằng doanh nhân chúng ta ngày nay đã tỏ ra tự tin, có bản lĩnh hơn nhiều và cái giới hạn vô hình ấy cũng đã nhạt mờ. Những ngày xa xưa ấy dường như đã qua rồi ở các tỉnh, thành phố lớn. Thế nhưng tại những vùng xa xôi, nơi mà các cấp lãnh đạo có thẩm quyền quyết định chưa có nhiều kinh nghiệm như các vị đồng nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn thì phải chăng căn bệnh ấy vẫn còn tồn tại? Có lẽ đó là một phần lý do tại sao vẫn thấy những quyết định hợp tác đầu tư với nước ngoài với điều kiện bất lợi cho phía chủ nhà còn xuất hiện ở những vùng xa xôi chăng?
Theo VNEXPRESS
Tags: Quan điểm sống, Người Việt, Văn hóa ứng xử