Những mẩu chuyện về tài sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cả đời hiến mình cho dân tộc, cho cuộc giải phóng và toàn vẹn non sông, Chủ tịch Hồ Chí Minh hầu như không để lại tài sản, tiền bạc nào đáng kể. Người đã cho đi tất cả. Có những câu chuyện về sự rộng rãi ấy, không phải ai cũng biết.

Căn phòng có mùi lạ

Những ngày đầu tiếp quản Thủ đô, Văn phòng Trung ương mời Bác về ở một biệt thự, chính là dinh của Phủ Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, được xây từ những năm đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, Hồ Chủ tịch đã từ chối ở căn nhà này mà một căn nhà nhỏ nhất cách nhà sàn hiện nay một cái ao, khoảng một trăm mét vốn là nơi ở của thợ điện.

Căn nhà nhỏ như vậy, nhưng được sắp đặt ngăn nắp. Mùa hè các đồng chí phục vụ đặt một chiếc quạt bàn nhưng phòng nhỏ, trần thấp nên buổi trưa và chiều vẫn nóng. Bác lại ít dùng quạt bàn, Người ưa dùng chiếc quạt lá cọ ở vườn ép và phơi khô.

Vào dịp Bác đi công tác vắng, các đồng chí bên Bộ Ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi biếu Bác một chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Các anh quyết định cho lắp máy điều hòa vào phòng của Bác, định khi Bác về sẽ xin phép sau. Sau một tuần đi công tác, Bác về. Sau khi thăm hỏi mọi người, Bác nói: “Các chú này, hôm nay nhà mình có mùi gì lạ quá”.

Biết không giấu được, các đồng chí phục vụ xin lỗi Bác rồi trình bày rõ lý do về chiếc điều hòa nhiệt độ. Đầu giờ làm việc chiều hôm ấy, Bác gọi đồng chí Vũ Kỳ lên và bảo: “Chiếc máy điều hòa nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần”. Thế là ngay trong ngày, chiếc điều hòa nhiệt độ được đưa ra khỏi căn phòng của Bác.

Tiền của Bác đủ uống nước 1 tuần

Mùa hè 1967, trời Hà Nội rất nóng. Sức khỏe Bác Hồ đã kém, thần kinh tuổi già cũng suy nhược, dễ bị toát mồ hôi, ướt đầm, có ngày phải thay mấy lần quần áo, có khi hong tại chỗ, rồi lại thay ngay.

Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình thì chịu sao được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết”.

Đồng chí Vũ Kỳ lên, được biết trên đó có một tổ súng máy 14 ly 5. Ụ cát sơ sài, nếu địch bắn vào thì chỉ có hy sinh, rất nguy hiểm. Trời nắng chói, đứng một lúc mà hoa cả mắt.

Được cho biết như vậy, Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng: “Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường Ba Đình rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để bảo đảm an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu”.

Sau đó Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem tiền tiết kiệm của Bác còn bao nhiêu. Lương Bác cao, nhưng mọi chi phí cho sinh hoạt của Bác, từ cái chổi lông gà, đều ghi vào lương cả. Tiền tiết kiệm của Bác là do các báo trả nhuận bút cho Bác. Bác viết báo nhiều, có năm hàng trăm bài. Các báo gửi đến bao nhiêu, văn phòng đều gửi vào sổ tiết kiệm của Bác.

Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo số dư. Hồ Chủ tịch liền bảo, “Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: đó là quà của Bác tặng để mua nướ cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!

Về sau, Bộ Tư lệnh Phòng không không quân báo cáo lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch biết: số tiền của Bác đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không, không quân được một tuần!

Những chiếc huy hiệu

Cuối năm 1959, Hồ Chủ tịch đề Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho phép Người được tặng thưởng huy hiệu (mang tên Huy hiệu Bác Hồ) đối với những gương làm việc tốt mà Người đọc được trên báo chí.

Người quan niệm rằng: một trăm bài diễn văn hay không bằng một tấm gương sống. Từ đó trở đi, hễ đọc trên báo thấy tấm gương “người tốt, việc tốt” nào, nhất là những người đi đầu khởi xướng phong trào, Bác liền cử cán bộ đi xác minh và tặng “Huy hiệu Bác Hồ” cho người có thành tích xứng đáng.

Hồi đó, miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua “nhà nhà làm việc tốt, người người làm việc tốt” để mong được đón nhận “Huy hiệu Bác Hồ”. Đã có khoảng 5.000 người được Bác tặng thưởng “Huy hiệu Bác Hồ” qua phong trào “Người tốt, việc tốt” ở miền Bắc.

Nhưng đáng chú ý là, kinh phí cho việc sản xuất những tấm huy hiệu này cũng khá lớn. Bác nói: “Huy hiệu mang hình Bác thì phải dùng tiền của Bác”. Và khi tiền riêng của bác Bác đã được dùng hết, việc làm huy hiệu mới dùng đến ngân sách.

Và trên ngực, không một tấm huy chương

Hồ Chí Minh tiết kiệm không cho bản thân mình, mà thực hiện việc đó như một nguyên tắc mà người lãnh tụ phải làm để đảng viên, cán bộ, chiến sĩ học tập trong bối cảnh Việt Nam đương thời bộn bề khó khăn. Và, như vài mẩu chuyện ở trên, Hồ Chủ tịch đã suốt một đời không màng vật chất, sang quý, sẵn lòng gửi đi hết và nhận lại không gì cả.

Tại kỳ họp Quốc hội khoá II, đúng vào dịp chuẩn bị kỉ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Bác, các đại biểu đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Bác Hồ huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta.

Biết tin ấy, Bác Hồ rất cảm động. Bác nói: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng, huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận huân chương ấy. Vì sao? Vì huân chương là để thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”.

Bác nhắc đến đồng bào miền Nam đang sống khổ, đang anh dũng kiên quyết đấu tranh xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” và xứng đáng được tặng huân chương cao quý nhất, vì những lẽ đó, Bác đề nghị với Quốc hội: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.

Năm 1967, Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô quyết định tặng Bác Huân chương Lênin – huân chương cao quý của Nhà nước Xôviết – nhưng Bác cũng từ chối, hẹn đến ngày đất nước Việt Nam thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Nhưng đến ngày vui đại thắng ấy đã không có Bác. Và cho đến lúc đi xa, trên ngực Bác vẫn không một tấm huy chương.

Theo GIA ĐÌNH & XÃ HỘI

Tags: ,