⠀
Những điều cần biết về hình tượng Tứ linh trong văn hóa Việt
Tứ linh có nghĩa là bốn loài linh vật đứng đầu, bao gồm: Long, Lân, Quy, Phụng. Chúng có mặt trong văn hóa của nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Nguồn gốc xa xưa của Tứ linh
Thực tế, tứ linh gồm Long, Lân, Quy, Phụng được dân gian bắt nguồn từ bốn linh thần:Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước.
Chúng được người xưa tạo ra từ bốn chòm sao cùng tên ở bốn phương trời. Chúng mang bên mình bốn nguyên tố tạo thành trời đất theo quan niệm của người xưa (lửa, nước, đất và gió).
Và việc chọn nơi để làm thành kinh đô phải hội tụ yếu tố hòa hợp giữa các nguyên tố ấy.
Đứng đầu tứ linh – Long
Tượng rồng bằng vàng thời Nguyễn, thế kỷ 19-20, nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.
Long (Rồng) đứng đầu Tứ linh vì có sức mạnh, trí tuệ và quyền uy bậc nhất, đây là sinh vật tổng hợp sức mạnh của những con vật khác như rắn, hổ, chim ưng, sư tử, hươu,…
Trải qua bao đời, các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ ở các nước phương Đông đã dần tạo cho con rồng trở thành biểu tượng cao quý và sức sống vĩnh hằng.
Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Rồng là tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử.
Dân tộc ta có truyền thuyết về con Rồng từ rất sớm bởi nó gắn liền với mây, mưa, với việc trồng lúa nước, với sự tích “Con Rồng Cháu Tiên”… Hình ảnh con rồng đã dần dần ǎn sâu vào tâm thức của người Việt.
Linh vật nhân từ – Lân
Hình kỳ lân trang trí trên đĩa gốm nhiều màu thời Lê Sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.
Dù cho Lân được mô tả như có sừng của loài Nai, tai Chó, trán Lạc Đà, mắt Quỷ, mũi Sư Tử, miệng rộng, có thân Ngựa, chân Hươu, đuôi Bò… nhưng linh vật này rất hiền lành theo quan niệm dân gian ta.
Lân là linh vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng cho sự nguy nga tráng lệ, sự trường thọ và niềm hạnh phúc lớn lao.
Kỳ lân mang trong mình tất cả những phẩm chất đặc trưng của một con vật nhân từ, theo truyền thuyết, khi di chuyển, nó luôn tránh giẫm lên các loại côn trùng hay cỏ mềm dưới chân mình.
Loài Lân không bao giờ ăn thịt hay làm hại bất cứ con vật nào, đặc biệt nó không bao giờ uống nước bẩn, nó chỉ ăn cỏ, nên có tên gọi khác là Nhân thú.
Kỳ lân có tính linh, khi có vua chúa, thánh nhân xuất thế cứu đời thì nó sẽ xuất hiện báo trước điềm lành, sắp có thái bình thịnh vượng.
Lân theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam tượng trưng cho sự thái bình, yên ổn. Lân cũng tượng trưng cho lộc phúc, may mắn, thịnh vượng.
Chúng có dung mạo kỳ dị, là hình tượng nghệ thuật được thêu dệt từ trí tưởng tượng của người xưa nhưng đồng thời ẩn chứa trong đó một sức mạnh tâm linh to lớn.
Lân thường được với tư cách đội tòa sen làm chỗ dựa cho Văn Thù bồ tát hay các Hộ Pháp. Nhiều khi ngồi trên đầu cột cổng hay xuất hiện trên mái nhà.
Linh vật trường tồn – Quy
Tượng rùa trên ấn “Quốc mẫu chi bảo” làm bằng bạc và vàng, thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long thứ 1 (1802), trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.
Về mặt sinh học, rùa là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cao và thân hình chắc chắn. Nó có thể nhịn ăn uống mà vẫn sống trong một thời gian dài.
Rùa không ăn nhiều, nhịn ăn tốt nên được coi là một con vật thanh cao, thoát tục. Trên bàn thờ ở các đền chùa, miếu mạo, chúng ta thường thấy rùa đội hạc, rùa đi với hạc trong bộ đỉnh thơm ngát và thanh tịnh.
Quy đã xuất hiện trong truyện cổ tích từ thời An Dương Vương. Trong tạo hình, người ta bắt đầu thấy Quy từ năm 1126 trong tư cách đội bia ở chùa Linh Ứng, Thanh Hóa, từ đó tồn tại thường xuyên dưới hình thức đội bia; đến tận thế kỷ 15 mới thấy đội hạc.
Quy là vật hợp bởi có cả âm lẫn dương: Bụng phẳng tượng trưng cho đất (âm), mai khum tượng trưng cho trời (dương). Hình tượng rùa đội bia tượng trưng cho hạnh phúc, phát triển và sự chịu đựng.
Quy là cao quý, nhiều khi nó là chủ nguồn nước (rùa phun nước thiêng), là một linh vật của đất Phật.
Rùa đầu rồng – Long Quy là linh vật tốt lành mang ý nghĩa trường thọ, có khả năng chiêu tài hóa sát, trấn trạch, rất lợi về tài lộc, bền vững và thịnh vượng lâu dài.
Rùa tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt. Hình ảnh rùa đội bia đá, trên bia đá ghi lại sử sách của dân tộc Việt Nam chứng tỏ rùa là loài vật chuyển tải thông tin và văn hóa.
Tuy không phải là con vật của Phật giáo, nhưng rùa cũng là biểu trưng cho sự trường tồn của Phật giáo.
Trong một số ngôi chùa thời Lý – Trần, rùa được chạm thành tường bằng đá, làm bệ đội bia. Dáng rùa đầu to, mập, vươn ra khỏi mai, mõm thuôn nhọn, mắt nhỏ, bốn chân khép sát vào thân mai.
Linh vật bất tử – Phụng
Hình phượng trang trí trên đĩa gốm hoa lam thời Lê sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.
Nhắc đến sư bất tử và tái sinh, người ta không thể không nhắc đến 1 loài chim chỉ có trong truyền thuyết: Phụng.
Phượng Hoàng là sự kết hợp các đặc điểm xinh đẹp nhất của nhiều giống chim: đầu gà, chiếc cổ cao của chim hạc, và bộ đuôi thướt tha rực rỡ của loài công.
Phụng (Phượng) là tên con trống, con mái gọi là Loan. Phụng có mỏ diều hâu dài, tóc trĩ, vẩy cá chép, móng chim ưng, đuôi công…
Các bộ phận của phụng đều có ý nghĩa của nó: Đầu đội công lý và đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ, chân là đất.
Như vậy nó tượng trưng cho bầu trời, khi nó bay hoặc múa (phụng vũ) là tượng trưng cho sự hoạt động của vũ trụ.
Vì thế phụng là hình tượng của thánh nhân, của hạnh phúc. Nếu rồng có yếu tố dương, tượng trưng cho vua chúa thì phụng lại có yếu tố âm nên tượng trưng cho hoàng hậu.
Vòng đời của chúng không bao giờ kết thúc. Khi bị thương nặng hoặc cảm thấy mình quá già yếu (không dưới 500 tuổi), phượng hoàng sẽ tự xây một cái tổ bằng lông của mình, rồi tự thiêu bằng chính nguồn nhiệt của bản thân.
Từ trong đám tro tàn, nó sẽ tái sinh dưới hình dạng một chú chim non. Với khả năng tái sinh này mà Phụng là biểu tượng của cả sự sống và cái chết.
Vì thiêng liêng cao quý nên loài chim này thường sống trên những ngọn núi cao, xa xôi mà con người không thể vươn tới.
Nếu có ai đó muốn tìm được chúng để mưu cấu sức mạnh hoặc sự bất tử sẽ phải vượt qua những thử thách chết người.
S.T
Tags: Tín ngưỡng, Văn hóa Việt