⠀
Những điệp viên nổi tiếng trong lịch sử Liên bang Xô-viết
Rất ít người biết trên “mặt trận vô hình” trong hoạt động Tình báo, những cuộc đấu trí, đấu lực giữa các điệp viên thường diễn ra rất gay go, căng thẳng và nhiều khi, khốc liệt đến mức một mất, một còn.
1. Kim Philbi (1912-1988)
Thành tích hoạt động: Là “điệp viên chui sâu, leo cao” của Tình báo Xô viết, Kim Philbi hoạt động trong lòng Cơ quan Tình báo và Phản gián sừng sỏ của Anh quốc (SIS). Sau chiến tranh Thế giới thứ Hai, ông được SIS tin tưởng giao cho phụ trách “Phòng phối hợp hoạt động Tình báo Anh – Mỹ”. Ông là chỉ huy mạng lưới “Bộ 5 huyền thoại Cambridge” mạnh nhất của Tình báo Đối ngoại Liên Xô thời bấy giờ (gồm Gai Berjes, Donald Maklein, Anatoni Blant, John Kerncross). Năm 1963, sau khi một điệp viên trong nhóm bị lộ, Kim Philbi đã trở về Liên Xô.
Cuộc sống sau khi bị lộ: Từ năm 1963-1988, Kim Philbi là cố vấn của KGB về tình báo phương Tây và tham gia huấn luyện, đào tạo các nhân viên tình báo. Ông đã được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý của Chính phủ Liên Xô và là tác giả cuốn sách Tình báo nổi tiếng “Cuộc chiến bí mật của tôi”.
2. Konon Molodyu (1922-1970)
Thành tích hoạt động: Là chỉ huy một trong những mạng lưới điệp viên mật của KGB, hoạt động tại Anh quốc. Năm 1954, ông chuyển sang hoạt động tại Canada với tên giả “Gordon Lonsdeil”. Một năm sau, ông lại trở về Anh và trở thành tỷ phú, chủ nhân một số công ty thương mại lớn. Mạng lưới điệp viên của Konon Molodyu hoạt động rất hiệu quả, khai thác và chuyển về Moskva hàng loạt tin tức giá trị về tình hình chính trị-quân sự ở nước Anh.
Cuộc sống sau khi bị lộ: Molodyu bị bắt và bị kết án tù 25 năm. Năm 1964, ông được giải thoát bằng cách trao đổi với điệp viên Anh Greville Vinn bị bắt tại Liên Xô. Sau khi trở về nước, Konon làm việc tại Sở Chỉ huy KGB. Năm 1970, ông từ trần sau một cơn đột quỵ. Ông là nguồn cảm hứng và nguyên mẫu cho các nhà điện ảnh Xô viết dựng thành công bộ phim truyện tình báo nổi tiếng “Mùa chết”.
3. Claus Fuks (1911-1988)
Thành tích hoạt động: Là Nhà Bác học Vật lý nguyên tử Đức. Sau khi Hitler lên cầm quyền, ông chạy sang sống tỵ nạn tại Anh. Năm 1940, Fuks tham gia nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử ở Trường Đại học Birmimgham. Vì yêu mến đất nước Xô viết nên ông đã tự nguyện hợp tác với Tình báo Liên Xô, cung cấp nhiều thông tin có giá trị về bom nguyên tử. Từ năm 1943-1945, ông làm việc tại Phòng Thí nghiệm Los-Alamos (Mỹ) và vẫn giữ liên lạc với Tình báo Liên Xô.
Cuộc sống sau khi bị lộ: Claus Fuks bị bắt năm 1950 tại Anh và bị kết án 14 năm tù. Năm 1959, ông được phóng thích trước thời hạn do có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt trong tù. Sau đó, ông trở về định cư tại Cộng hoà Dân chủ Đức, là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Vật lý hạt nhân. Fuks được tặng thưởng Giải thưởng Quốc gia CHDC Đức và Huân chương Karl Marx.
4. George Bleik (sinh năm 1922)
Thành tích hoạt động: George Bleik nguyên là nhân viên Tình báo Anh quốc, bị bắt năm 1951 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ông được Tình báo Liên Xô bí mật tuyển dụng và điều khiển hoạt động sâu trong lòng Cơ quan Tình báo Anh (SIS) 10 năm. Ông là người cung cấp nhiều tin rất có giá trị về “đường hầm bí mật Berlin” mà Tình báo Mỹ đã dùng để nghe trộm những thông tin mật của quân đội Liên Xô đóng tại CHDC Đức thời “chiến tranh lạnh”.
Cuộc sống sau khi bị lộ: Năm 1961, Bleik bị bắt vì sự tố giác của một sỹ quan Tình báo Ba Lan phản bội. Bị kết án 42 năm tù giam. Năm 1965, Bleik vượt ngục, trốn sang CHDC Đức, sau đó đến Liên Xô. Từ đó, ông phục vụ trong Cục Bảo đảm của KGB. Ông được phong quân hàm Đại tá, được tặng thưởng Huân chương Lenin và Huân chương Cờ Đỏ. Ông là tác giả cuốn hồi ký hấp dẫn “ Không còn sự lựa chọn nào khác”. Hiện ông đã nghỉ hưu.
5. Oldrich Eims (Sinh năm 1941)
Thành tích hoạt động: Nguyên là điệp viên CIA và là con tình báo nhà nòi Mỹ (Bố là điệp viên CIA hoạt động tại Miến Điện). Là Trưởng phòng Liên Xô của CIA, năm 1965, Eims đã tình nguyện hợp tác với Tình báo Liên Xô. Trong 9 năm làm việc cho KGB, Oldrich Eims đã cung cấp những tin tức chính xác để bắt gọn 10 điệp viên sừng sỏ của CIA đang “chui sâu, leo cao” trong nhiều cơ quan nhà nước, tình báo, quân đội Liên Xô. Người Mỹ cho đây là tổn thất lớn, không thể bù đắp được khi chính một điệp viên con cưng của họ lại phản bội, chỉ điểm cho đối phương tiêu diệt 10 điệp viên mà CIA đã phải tốn nhiều công sức và thời gian tuyển chọn, dày công cài cắm trên lãnh thổ Liên Xô. Nguy hiểm hơn, chính Oldrich Eims còn làm lộ những biện pháp kỹ thuật Tình báo tiên tiến nhất của Mỹ.
Cuộc sống sau khi bị lộ: Năm 1994 Oldrich Eims bị bắt cùng với vợ và bị kết án tù chung thân. Là điệp viên đắt giá nhất của Liên Xô trong lòng Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trong 9 năm hợp tác, Liên Xô đã trả cho Oldrich Eims một khoản thù lao khổng lồ: Hơn 2.500.000 USD.
6. Bohdan Stahynsky (Sinh năm 1931)
Thành tích hoạt động: Nhân viên KGB – Chuyên gia ám sát. Năm 1957, Stahynsky đã tiêu diệt phàn tử dân tộc cực đoan người Ukraina Lev Rebet đang sống lưu vong tại Cộng hoà Liên bang Đức. Hai năm sau, Stahynsky lại tiêu diệt Stepan Badera – lãnh đạo tổ chức phản động OUN. Stahynsky đã được Xô viết Tối cao Liên Xô tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ.
Cuộc sống sau khi bị lộ: Vào năm 1961, Stahynsky bị bắt và ngồi tù 8 năm ở Tây Đức. Sau khi ra tù, ông đã thay tên, đổi họ rồi chuyển sang định cư tại Mỹ. Kể từ đó, không ai có thông tin gì về Stahynsky.
Theo DÂN TRÍ
Tags: Liên Xô, Tình báo, KGB