Những danh nhân tuổi Dần nổi bật trong lịch sử Việt Nam

Có rất nhiều gương mặt lỗi lạc sinh năm Dần trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta. Nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022, xin điểm qua vài nét tiểu sử những danh nhân tuổi Dần tiêu biểu nhất trong sử Việt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tuổi Canh Dần, 1890 – 1969)

Chủ tịch Hồ Chí Minh có tên khai sinh Nguyễn Sinh Cung, quê ở Nam Đàn, Nghệ An, là nhà cách mạng vĩ đại đã khai sinh ra nhà nước Việt Nam hiện đại. Vốn có bản tính thông minh và nặng lòng ái quốc, vào năm 1911 Người đã xuất dương để tìm đường cứu nước. Ngày 3/2/1930, tại Hồng Kông, Người thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 8/1945, Người chỉ đạo tổng khởi nghĩa toàn quốc, dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2/9/1945. Người đã giữ cương vị Chủ tịch nước cho đến khi qua đời ngày 2/9/1969. Không chỉ là lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà thơ, nhà báo, nhà tư tưởng lớn. Nhân dân Việt Nam yêu kính gọi người là Bác Hồ.

Tổng bí thư Hà Huy Tập (tuổi Nhâm Dần, 1902-1941)

Đồng chí Hà Huy Tập quê ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, là Tổng Bí thư thứ ba của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chịu ảnh hưởng từ cha là là một nhà Nho yêu nước, ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm và nhanh chóng giữ vai trò chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo Đảng. Tháng 3/1935, ông trực tiếp chủ trì Đại hội Đảng lần thứ nhất họp ở Ma Cao. Tháng 7/1936, ông được cử giữ chức Tổng Bí thư. Sau đó, ông về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Đầu năm 1940, đồng chí Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt trong hoạt động trấn áp cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và bị kết án tử hình ngày 28/8/1941.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tuổi Giáp Dần, 1914-1967)

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quê huyện Hương Điền, Thừa Thiên Huế. Gan dạ, kiên trung và nhiệt thành yêu nước, từ năm 17 tuổi ông đã tích cực hoạt động cách mạng, đến năm 1937 là thành viên chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương và làm Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên năm 1945 – 1946. Trong kháng chiến chống Pháp ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và năm 1950 được phong quân hàm đại tướng. Trong kháng chiến chống Mỹ ông làm Bí thư Trung ương cục miền Nam. Với những chiến lược hiệu quả, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lập nhiều chiến tích vẻ vang, góp phần làm nên sự toàn thắng của hai cuộc kháng chiến vĩ đại.

Nhà cách mạng Lương Văn Can (tuổi Giáp Dần, 1854-1927)

Nhà cách mạng Lương Văn Can quê ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Nho nhã, thông tuệ, tân tiến, năm 20 tuổi ông đỗ cử nhân, mở trường Đông Kinh nghĩa thục và khởi xướng phong trào Duy tân yêu nước. Giặc khủng bố, lưu đày ông 7 năm sang Campuchia. Cuối năm 1921, ông trở về Hà Nội, tiếp tục hoạt động chính trị, xã hội và dạy học, viết sách. Ông để lại nhiều công trình giá trị về luân lý, lịch sử và ngôn ngữ.

Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu (tuổi Nhâm Dần 1902-1941)

Nhà cách mạng Phan Đăng Lưu quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An. Ông là thành viên Hội Phục Việt (Tân Việt Cách mạng Đảng), từng giữ chức Uỷ viên Tổng bộ. Năm 1928 ông tham gia xuất bản “Quan hải tùng thư” tại Huế, giữ chức Uỷ viên Thường vụ Tổng bộ Đảng Tân Việt. Năm 1928, ông sang Trung Quốc để liên lạc với Tổng bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, được bầu vào Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938) và Uỷ viên Thường vụ Trung ương (1940), được phân công chỉ đạo phong trào ở Nam kỳ. Ông Bị thực dân Pháp bắt ngày 22/11/1940 tại Sài Gòn, kết án và tử hình ở Hóc Môn ngày 28/8/1941.

Thủ lĩnh kháng Pháp Trần Cao Vân (tuổi Bính Dần, 1866 – 1916)

Nhà yêu nước Trần Cao Vân quê ở huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Năng động, khí phách, quyết tâm chống Pháp, năm 1886 ông tu tại chùa Cổ Lâm rồi ra mở trường dạy học nhằm chiêu tập chiến hữu và làm cố vấn cho cuộc khởi nghĩa Võ Trứ. Ông bị địch bắt giam từ năm 1898 đến 1907. Ra tù, tham gia và lãnh đạo phong trào Duy tân nên lại bị đày ra Côn Đảo đến năm 1914. Năm 1915 ông cùng các đồng chí thành lập Hội Việt Nam Quang phục và tổ chức cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, ông bị bắt và hy sinh giữa năm 1916.

Thủ lĩnh kháng Pháp Đinh Công Tráng (tuổi Nhâm Dần, 1842 – 1887)

Nhà yêu nước Đinh Công Tráng quê ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Khảng khái, dũng cảm mà nhẫn nại, mưu lược, năm 1884 ông chiêu tập nghĩa quân, xây dựng chiến khu Ba Đình (Thanh Hóa), kiên cường chống Pháp, lập nhiều chiến công vang dội khiến địch thất điên bát đảo. Bị đàn áp mạnh, thành lũy vỡ, ông rút vào Nghệ An và hy sinh ngày 5/10/1887.

Danh sĩ Ngô Thì Nhậm (tuổi Bính Dần, 1746-1803)

Danh sĩ Ngô Thì Nhậm quê huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đa tài, nhanh nhạy, thạo việc chính trị, quân sự và ngoại giao, năm 1775 ông đỗ tiến sĩ, làm quan thăng tới Hữu Thị lang Bộ Công. Đến thời Tây Sơn, ông được vua Quang Trung trọng dụng, trao nhiều việc lớn và phong tới Tả Thị lang Bộ Lại. Ông còn là tác giả của nhiều công trình giá trị về chính sự, đối ngoại, lịch sử, văn thơ và tôn giáo.

Nhà sử học Lê Văn Hưu (tuổi Nhâm Dần, 1230-1322)

Nhà sử học Lê Văn Hưu quê ở huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá. Nổi tiếng uyên thâm và giàu chí tiến thủ, ông đỗ bảng nhãn năm 17 tuổi, làm quan hình rồi thăng tới Thượng thư Bộ Binh. Đến đời Trần Thánh Tông, ông được sung chức Học sĩ Viện Hàn lâm kiêm Gấm tu viện Quốc sử, đảm trách biên soạn bộ Đại Việt sử ký đồ sộ. Ông cũng được biết đến như một nhà giáo uy tín, dạy học cho nhiều hoàng thân, tướng lĩnh nhà Trần.

Nhà bác học Phan Huy Chú (tuổi Nhâm Dần, 1782-1840)

Nhà bác học Phan Huy Chú quê ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Thông tuệ, hiếu học, giỏi ứng đối, ông làm Biên tu ở Viện Hàn lâm rồi thăng tới Tư vụ Bộ Công. Thời kỳ 1824-1833, ông nhiều lần được cử đi sứ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Là một học giả và nhà ngoại giao lớn, ông để lại những công trình giá trị về lịch sử, địa lý, văn hóa, đối ngoại, quân sự, luật lệ. Bộ Lịch triều hiến chương loại chí ông soạn xong năm 1821 được coi như bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam.

Thái sư Trần Thủ Độ (tuổi Giáp Dần, 1194 – 1264)

Thái sư Trần Thủ Độ quê ở Thái Bình. Sắc sảo, quyết đoán lại giỏi ứng biến, nhiều mưu lược, ông phò giúp triều Lý chống dẹp các cuộc phản loạn và đạo diễn việc vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, lập nên nhà Trần năm 1226. Bằng tài năng chính trị và quân sự xuất chúng, ông xử lý sâu sắc, thấu đáo mọi quan hệ, vụ việc, tạo được uy phong lừng lẫy, năm 1234 thăng tới Thống quốc Thái sư (Tể tướng), trở thành trụ cột triều Trần. Ông cũng có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1258.

Vua Trần Thái Tông (tuổi Mậu Dần, 1218-1277)

Vua Trần Thái Tông tên thật là Trần Cảnh, quê ở huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Nhân hậu, thông minh, bản lĩnh, được vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho khi mới 8 tuổi, mở ra triều Trần trong lịch sử Việt Nam. Dưới triều đại ông, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá và tôn giáo của Đại Việt phát triển cực thịnh. Ông cũng để lại một số tác phẩm giá trị về pháp chế, giáo dục và Phật học.

T.B

Tags: , ,