Những chiến thuật kinh điển của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn ở thế yếu hơn về lực lượng, lạc hậu thô sơ hơn về phương tiện nhưng đội quân này lại rất giỏi sáng tạo ra các chiến thuật khiến địch thủ không biết đâu mà lường.

1 – Trận đánh phục kích xuất sắc La Ngà

Phục kích là một chiến thuật rất phổ biến trong chiến tranh. Tuy nhiên khi được Quân đội Nhân dân Việt Nam áp dụng, chiến thuật này đã được phát triển, hoàn thiện đến tầm mức nghệ thuật khiến đối phương luôn luôn bị ám ảnh.

Ta muốn đánh, địch không thể thoát

Tháng 2/1948, qua tin tình báo, ta nắm được vào đầu tháng 3 nhiều sĩ quan Pháp sẽ lên Đà Lạt để họp bàn kế hoạch tổ chức càn quét ở Nam Bộ. Bộ tư lệnh Nam Bộ quyết định sẽ chặn đánh đoàn xe chở sĩ quan địch từ Sài Gòn lên Đà Lạt họp. Nhiệm vụ được giao cho chi đội 10 (đơn vị chi đội trong kháng chiến chống Pháp tương đương cấp trung đoàn) của ông Huỳnh Văn Nghệ.

Nắm chắc được lộ trình của đoàn xe địch sẽ chạy từ Sài Gòn lên Đà Lạt theo đường 20, phía ta đã chọn vị trí phục kích là đoạn từ cầu La Ngà đến Định Quán với chiều dài 7km. Trong khu vực này, đường chạy quanh co men theo các cánh rừng, địa hình xung quanh trung bình cao hơn mặt đường từ 1-2m, có chỗ cao hơn tới 6m. Đây là một địa hình rất thuận lợi để dùng chiến thuật ém quân phục kích.

Muốn trận đánh thắng lợi, ta cần phải hạn chế được hoạt động của máy bay địch. Trong điều kiện chưa được trang bị súng phòng không, chi đội 10 đã khéo lợi dụng yếu tố thời tiết. Ở vùng này, về chiều thường hay có sương mù nếu trận đánh diễn ra từ 15h trở đi thì màn sương mù sẽ là tấm giáp che chở cho quân ta trước các đợt ném bom của máy bay địch.

Bên cạnh đó, khi quân ta nổ súng ở phía Tây đường 20 thì ở phía Đông, một số chiến sĩ sẽ đốt nhiều đám lửa dưới tán cây rừng để máy bay địch tưởng đó là nơi đang giao tranh sẽ ném bom vào đó.

Đoạn đường từ Sài Gòn lên đến trận địa phục kích trên dưới 100km. Phải tìm cách kéo dài thời gian đi đường của địch để khi chúng lọt vào trận địa thì trời đã có sương mù. Một đại đội được giao nhiệm vụ cùng với du kích địa phương quấy rối làm chậm bước tiến của đoàn xe. Tuy nhiên không được đánh mạnh quá khiến địch lo ngại mà dừng cuộc hành quân đã định sẵn.

Một vấn đề quan trọng nữa là làm thế nào chôn được địa lôi (mìn) một cách bí mật. Vì trận địa nằm giữa hai đồn La Ngà và Định Quán của địch, đoạn đường này quân địch thường xuyên tuần tiễu. Nếu làm không khéo, địch phát hiện ra sẽ tăng cường đề phòng hoặc thay đổi kế hoạch hành quân thì mọi sự chuẩn bị của quân ta sẽ thành công cốc.

Tính toán nhiều lần, cuối cùng các chiến sĩ chi đội 10 cũng tìm ra một phương án. Lợi dụng đặc điểm của đoạn đường này hay có những đàn voi rừng đi qua, quân ta đặt địa lôi trên đường rồi ngụy trang bằng những bãi phân voi.

Các vấn đề vướng mắc đã được giải quyết xong, kế hoạch đánh phục kích đoàn xe chở sĩ quan Pháp từ Sài Gòn lên Đà Lạt họp được thông qua. Trận địa phục kích kéo dài 7km từ cầu La Ngà đến Định Quán được chia làm 3 khu vực A, B, C.

Tiểu đoàn Xuân Lộc bố trí ở khu vực A (từ km111 đến km113) chặn đầu diệt xe thiết giáp và lực lượng hộ tống. Liên quân 17 (gồm các đơn vị đang huấn luyện ở chi đội 10) bố trí ở khu vực B (từ km108 đến km111) diệt đoàn xe vận tải. Tiểu đoàn Tân Uyên ở khu vực C (từ km105 đến km108) có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng đi phía sau đồng thời sẵn sàng chặn đánh địch từ phía sau lên ứng cứu. Ngày 1/3, mọi việc chuẩn bị trên thực địa đã sẵn sàng chờ giặc.

Tướng địch phải thán phục

Ngày 1/3, hàng chục chiếc xe chở đoàn sĩ quan Pháp nối nhau tiến lên Đà Lạt. Đoạn đường từ Sài Gòn ra Biên Hòa êm ả đã ru ngủ các sĩ quan Pháp. Nhưng đoàn xe vừa đi đến Hố Nai thì bắt đầu gặp sự cố, chiếc xe thiết giáp đi đầu phát hiện một cây to bị đổ chắn ngang đường. Viên sĩ quan Pháp cùng với một số lính xuống dọn cây ra để đi thì bất ngờ một quả mìn đã cài sẵn trong đó phát nổ gây thương vong cho một số lính Pháp.

Từ Hố Nai lên đến ngã ba Dầu Giây, đoàn xe liên tiếp phải dừng lại khi thì vướng cành cây chắn đường, khi thì trên mặt đường phát hiện có một hố mới đào. Mỗi khi như thế, cả đoàn xe phải dừng lại, đám lính hộ tống phải mang máy móc đến dò xem có mìn không, khi không thấy gì khả nghi mới lại đi tiếp.

Không chỉ có vậy, mỗi khi dừng lại quân Pháp lại nghe tiếng súng bắn tỉa của du kích khiến chúng rất căng thẳng thần kinh nên lại càng thận trọng hơn. Với những phương án quấy rối như vậy ta đã làm chậm bước tiến của quân địch. Khi đến cầu La Ngà thì sương mù đã bắt đầu xuất hiện. Lúc này, bộ đội ta mới bắt đầu “cất lưới” bắt quân thù.

Lúc 15h, chiếc xe đầu tiên trong đoàn xe địch bắt đầu tiến vào trận địa C. Vừa đi chúng vừa bắn vu vơ sang bên đường để tự trấn an. Các chiến sĩ ta vẫn nằm im trên trận địa phục kích, kiên nhẫn chờ đợi. Theo kế hoạch, bộ đội ta phải đợi cho địa lôi ở trận địa A nổ thì trận địa C mới nổ súng khóa đuôi và trận địa B mới xung phong đánh địch.

Đến 15h10, địa lôi ở trận địa A nổ diệt chiếc xe thiết giáp đi đầu làm đội hình đoàn xe bị ùn lại. Địch hoảng loạn nhảy ra khỏi xe lập tức bị chiến sĩ ở trận địa A xung phong tấn công mãnh liệt. Nghe thấy tiếng nổ ở trận địa A, trận địa B lập tức xung phong và trận địa C cũng nổ mìn diệt các xe chở quân hộ tống đi sau để khóa đuôi.

Ở trận địa C, một số xe của địch ở phía sau thấy xe đi trước bị đánh liền dừng lại tổ chức đội hình lên ứng cứu. Một mặt, tiểu đoàn Tân Uyên dùng hỏa lực ngăn chặn, mặt khác tổ chức nhiều mũi tấn công vào bên sườn toán quân này, bẻ gãy những đợt tấn công của chúng để đảm bảo cho các đơn vị đang tiêu diệt đoàn xe ở phía trong.

Sau gần 1 giờ đồng hồ, trận đánh kết thúc, quân ta đã phá hủy 59 xe quân sự của địch, diệt 150 binh lính hộ tống, bắt 270 tù binh. Trong số 150 tên bị chết có nhiều sĩ quan chỉ huy như Đại tá De sérigné – Tư lệnh bán Lữ đoàn Lê Dương 13, Đại tá Paruit – Phó tham mưu trưởng thứ nhất Quân đội Pháp ở Nam Đông Dương; thiếu tá chỉ huy phân khu quân sự Hóc Môn; Đại úy Jean Couvreur – trưởng phòng xe máy…

Trong số 270 tù hàng binh và hành khách đi cùng đoàn xe, có nhiều người và binh lính bị thương và người già, sức yếu, trẻ em sau khi được săn sóc, giải thích rõ chủ trương chính sách của Mặt trận Việt Minh ta phóng thích tại chỗ. Số còn lại được đưa về căn cứ tập kết ở Suối Cát, gồm nhiều thành phần: trí thức, nữ tu, người buôn bán, hầu hết đều ở Sài Gòn. Tất cả được chia xẻ khẩu phần ăn đạm bạc của bộ đội. Trời mờ sáng, tất cả hành khách được hướng dẫn ra quốc lộ 20 để về Sài Gòn.

Trận phục kích La Ngà làm cả nước Pháp bàng hoàng, giới quân sự Pháp bị một cái tát vỗ mặt vì trước đó huênh hoang tuyên bố đã cơ bản tiêu diệt Việt Minh. Đối với quần chúng, nhiều người trực tiếp chứng kiến bộ đội Việt Minh chiến đấu và cách đối xử khoan hồng nhân đạo với tù hàng binh, khi trở về đã thay đổi cách nhìn nhận về Việt Minh và cuộc kháng chiến nói chung.

Về mặt quân sự, năm 1971, tướng Xa Lăng xuất bản cuốn hồi ký của mình, khi nhắc tới trận La Ngà đã phải cất lời khen: “Đây là một trận đánh tuyệt diệu cả về tổ chức, chỉ huy và nắm thời cơ nổ súng, là trận đánh bất hạnh đối với quân viễn chinh Pháp”.

2 – Chiến thuật đánh điểm diệt viện trong chiến dịch Đông Khê 1950

Đánh điểm diệt viện là một chiến thuật truyền thống của quân đội ta bắt nguồn từ trận đánh Đông Khê trong chiến dịch Biên giới 1950.

Đòn điểm huyệt

Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước sang năm thứ 5, trên chiến trường quân Pháp vẫn ở thế bị động. Và để lấy lại thế chủ động, Pháp thực hiện tăng cường hệ thống phòng ngự đường số 4, khoá biên giới Việt-Trung.

Những âm mưu này là nhằm: cô lập căn cứ địa Việt Minh với bên ngoài, thiết lập hành lang Đông-Tây, cô lập Việt Bắc với đồng bằng Bắc bộ, chuẩn bị lực lượng để tấn công Việt Bắc lần 2 để tiêu diệt đầu não Việt Minh.

Để phá thế bị bao vây cô lập, quân đội ta quyết tâm phá tan hệ thống phòng thủ trên đường số 4 từ Lạng Sơn đến Cao Bằng của giặc Pháp. Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ban đầu cơ quan tham mưu của ta dự định mục tiêu tấn công là thị xã Cao Bằng.

Nhưng khi đi trinh sát thực địa, bộ đội ta thấy rằng lực lượng địch đóng ở Cao Bằng có tới 2 tiểu đoàn với hỏa lực rất mạnh cộng với địa hình hiểm trở thuận lợi cho phía phòng thủ, bất lợi cho người tấn công. Bộ đội ta cho đến lúc đó vẫn chưa đánh công kiên vào một mục tiêu nào lớn như thế.

Tuy nhiên, cách Cao Bằng về phía đông nam 30 km, cụm cứ điểm Đông Khê chỉ có 2 đại đội trấn giữ. Cũng phải nói thêm, quân Pháp phòng thủ dọc đường số 4 với lực lượng binh lực và hỏa lực rất mạnh nhưng có nhược điểm là các cứ điểm phòng thủ cách nhau xa hàng chục km. Cứ điểm ăn sâu nhất vào hậu phương của ta chính là căn cứ ở thị xã Cao Bằng.

Bên dưới Cao Bằng, dọc theo đường số 4 là cứ điểm Đông Khê. Cách Đông Khê 20 km là cứ điểm Thất Khê do 1 đại đội chốt giữ. Với địa thế và cách bố trí như thế, nếu mất Đông Khê, quân Pháp phải lập tức rút khỏi Cao Bằng để tránh bị bao vây tiêu diệt hoặc tăng cường quân viện đến chiếm lại Đông Khê. Trong cả hai trường hợp, ta đều có điều kiện đánh vận động chiến tiêu diệt quân địch đã ra khỏi công sự.

Sau khi phân tích kỹ tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi mục tiêu từ Cao Bằng sang Đông Khê. Lực lượng chính tham chiến của ta gồm 5 trung đoàn với 3 trung đoàn của Đại đoàn 308 và 2 trung đoàn độc lập 174 và 209.

Sáng 16/9, hai trung đoàn 174 và 209 nhận lệnh nổ súng tiến công cứ điểm Đông Khê. Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công đánh hướng Bắc và Đông Bắc. Trung đoàn 209 giáp công từ hướng Đông Nam. Đến 9h, trung đoàn 174 chiếm được một số vị trí tiền tiêu nhưng ở phía Đông – Nam, trung đoàn 209 hành quân lạc đường nên không kịp bố trí trận địa tiến công. Quân Pháp dựa vào công sự vững chắc phòng thủ và cho máy bay ném bom vào đội hình tiến công của quân ta.

Suốt đêm 16, hai trung đoàn quân ta mở nhiều đợt tấn công nhưng chỉ chiếm được thêm một vài vị trí. Sang ngày 17, trung đoàn 174 đề nghị cho đổi hướng tiến công sang hướng đông vì hướng Bắc địch đang tập trung hỏa lực đối phó.

Sau khi pháo binh chế áp các mục tiêu một mũi tiến công của 174 chiếm đầu cầu phía đông pháo đài, mũi ở phía bắc chiếm nhà thương, thọc sâu đến lô cốt số 7 thì bắt liên lạc được với 1 tiểu đoàn của 209 cùng phối hợp đánh vào sau lưng pháo đài. Bộ binh các hướng phối hợp nhịp nhàng cùng tiến công vào đồn lớn.

Đến 4h30 ngày 18/9/1950, bộ đội ta đánh vào sở chỉ huy Đông Khê bắt sống viên đại úy đồn trưởng và các sĩ quan tham mưu. 10h, trận đánh kết thúc thắng lợi, địch chết và bị bắt 300 tên, một số tên chạy thoát về Thất Khê.

“Thảm họa Cao Bằng”

Quả đúng như dự liệu của quân ta, sau khi mất Đông Khê, địch ở Cao Bằng chơ vơ. Tướng Carpentier – Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ra lệnh rút hết quân khỏi Cao Bằng. Trên mặt trận Biên giới, quân Pháp điều 1 binh đoàn gồm 3 tiểu đoàn do trung tá Le Page chỉ huy được không vận từ Lạng Sơn đến Thất Khê rồi hành quân lên tái chiếm Đông Khê để mở lại đường số 4 đồng thời thu hút quân ta.

Mặt khác, toàn bộ quân đồn trú ở Cao Bằng dưới sự chỉ huy của Trung tá Charton từ Cao Bằng tiến về Đông Khê để gặp binh đoàn của Le Page, sau đó hai lực lượng này sẽ bảo vệ cho nhau để rút về Lạng Sơn.

Cẩn thận hơn, Carpentier cho mở một cuộc hành quân đánh lên Thái Nguyên hòng thu hút lực lượng chủ lực ta để quân ở Cao Bằng rút an toàn. Nhưng tất cả đã quá muộn, cuộc hành binh đánh lên Thái Nguyên từ sớm đã được quân ta dự liệu nên đã bố trí sẵn lực lượng chặn đánh. Trên đường số 4, hai binh đoàn của Charton và Le Page không bao giờ có thể gặp được nhau vì đại đoàn 308 của ta đã lập các trận địa phục kích chờ đợi từ đầu chiến dịch.

Ngày 1/10, binh đoàn của Le Page tiến gần Đông Khê thì lập tức bị các đơn vị của 308 và trung đoàn 209 chặn đánh quyết liệt. Liên tiếp đến ngày 4/10, binh đoàn này đã bị thiệt hại nghiêm trọng và bị dồn vào thung lũng Cốc Xá cách Đông Khê 6km về phía tây nam.

Ngày 2/10, binh đoàn Charton cũng bắt đầu rút về Đông Khê để hội quân với Le Page. Tuy nhiên, nó đã bị trung đoàn 209 chặn đánh liên tục. Đến ngày 6/10, binh đoàn Charton và Le Page gặp nhau ở Cốc Xá. Lập tức, đại đoàn 308 vây chặt thung lũng này và bắt đầu mở cuộc tấn công vào. Quân Pháp nằm chịu trận dưới sức mạnh của hỏa lực từ các điểm cao của quân ta từ xung quanh bắn vào.

Đến ngày 8/10, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 8 tiểu đoàn quân Pháp, trong đó có gần 6.000 quân của cả 2 binh đoàn, chỉ có 1.388 người chạy thoát được về Thất Khê và Lạng Sơn. Hai trung tá chỉ huy đều bị bắt làm tù binh. Kế hoạch rút lui của Pháp thất bại hoàn toàn. 1 tuần sau đó là thời gian quân Pháp rút quân khỏi toàn bộ hệ thống phòng thủ trên đường số 4 trong tình cảnh bị quân ta truy kích sát nút. Sau chiến tranh, các tướng lĩnh Pháp nói về sự kiện này đều dùng cụm từ “thảm họa Cao Bằng”.

Biết cũng khó tránh

Chiến dịch Biên giới với “chìa khóa” – trận đánh Đông Khê là minh họa tiêu biểu cho chiến thuật đánh điểm diệt viện. Chiến thuật này còn được quân ta sử dụng lại nhiều lần nữa, mỗi lần lại có nét sáng tạo riêng mặc dù vẫn dựa trên tư tưởng chủ đạo là đánh điểm diệt viện. Một loạt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ như chiến dịch Ba Gia, chiến dịch Plei – me, chiến dịch Sa Thày… đều áp dụng thành công chiến thuật này và giành thắng lợi.

Chiến thuật này được quân đội ta áp dụng nhuần nhuyễn đến mức thành sở trường, nghệ thuật. Chính tướng Westmoreland – Tư lệnh quân Mỹ tại Nam Việt Nam cũng phải thừa nhận điều này trong “Tường trình của một quân nhân”.

“Phục kích là chỗ mạnh của Việt cộng và là chỗ yếu của quân đội Nam Việt Nam. Bằng phục kích, trong nhiều dịp Việt cộng đã tiêu diệt nhiều đại đội của quân đội Nam Việt Nam… Một chiến thuật thông thường của Việt cộng là đánh vào một tiền đồn của quân đội Nam Việt Nam rồi nằm chờ lực lượng dự bị của quân Nam Việt Nam hành quân đường bộ đến cứu tiền đồn đó”, Westmoreland viết.

3 – Quân Mỹ “nếm mùi” chiến thuật nắm thắt lưng địch

Chiến thuật nắm thắt lưng địch mà đánh của quân đội ta đã làm quân Mỹ “khiếp sợ” trong trận Ia-Drăng.

Sau 5 tháng đổ quân trực tiếp vào Việt Nam, các tướng lĩnh quân Mỹ mong chờ một trận đánh lớn với “Việt Cộng”. Họ đã có được điều ước nhưng kết quả thì trái ngược các dự tính.

Trận đầu đánh Mỹ

Sau những trận thua liên tiếp của quân đội VNCH, chiến lược chiến tranh đặc biệt bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn thế thua và làm chỗ dựa cho quân Nam Việt Nam, chính phủ Mỹ quyết định đưa quân Mỹ vào trực tiếp chiến đấu. Tháng 6/1965, Tổng thống Mỹ phê duyệt chiến lược “Tìm Diệt” nhằm truy tìm và tiêu diệt quân chủ lực đối phương.

Tại Tây Nguyên, do vị trí chiến lược quan trọng, quân Mỹ và chư hầu đến giữa năm 1965 đã tăng lên đến 130.000 quân. Tháng 10/1965, Bộ tư lệnh mặt trận Tây Nguyên (còn gọi là mặt trận B3) điều Trung đoàn 33 vây đồn Pleime để dụ quân Ngụy ra cứu viện.

Sau 10 ngày vây đồn, 1 chiến đoàn quân Ngụy đi giải tỏa cho đồn Pleime đã sa vào ổ phục kích do Trung đoàn 320 đã giăng sẵn. Chiến đoàn này bị đánh thiệt hại nặng mà đồn Pleime vẫn bị vây hãm. Chiến đoàn là đơn vị ứng chiến cơ động lớn nhất của Ngụy quân đã được tung ra mà vẫn không có tác dụng, buộc quân Mỹ phải ra mặt.

Đầu tháng 11/1965, Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ đổ một tiểu đoàn xuống nam sông Ia-Drăng, một tiểu đoàn khác xuống điểm cao 732, cách La Mơ 5km. Một lữ dù hành quân cơ giới đến Đức Cơ triển khai quân trên đường 19B.

Bộ tư lệnh mặt trận B3 nhận định: “Lữ kỵ binh bay số 3 Mỹ thực hiện chiến thuật “nhảy cóc” vào hậu phương ta hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Chúng ta đang nhử địch ra để diệt mà Mỹ tự nhảy ra như vậy là đúng ý định của ta, ta có cơ hội để chuyển sang diệt Mỹ”.

Điều đặc biệt là từ sĩ quan đến chiến sĩ ở B3 đều tin tưởng: “Mình sớm trực tiếp đụng đầu với quân Mỹ so với các chiến trường khác, sau một vài trận mình sẽ rút được kinh nghiệm, tin rằng sẽ thắng Mỹ như đã thắng Ngụy”.

Ngày 14/11/1965, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 3 kỵ binh bay) đổ bộ xuống đông bắc Chư Pông 3km, cách Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 66) của ta 200m. Mặc dù vắng sĩ quan chỉ huy do đang đi nhận nhiệm vụ, lính tiểu đoàn 9 đã tự giác tổ chức chiến đấu đánh địch ngay từ phút đầu.

Đến trưa ngày 14, tiểu đoàn Mỹ bị phản công mạnh phải cụm lại chống cự, 1 trung đội bị vây chặt ngay tại bãi đáp trực thăng và viên chỉ huy trung đội bị giết tại trận. 17h cùng ngày, quân Mỹ cho máy bay ném bom vào đội hình quân ta, các đại đội của Tiểu đoàn 9 tự động rút khỏi trận địa sau khi đã gây thiệt hại nặng cho đối phương.

Trong 2 ngày tiếp theo, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 66) liên tiếp tiến công vào khu vực đóng quân của lính dù Mỹ. Tuy nhiên, quân Mỹ đã củng cố phòng ngự lại có hỏa lực mạnh chi viện nên hiệu quả chiến đấu của các đợt tấn công của ta không cao. Mặc dù vậy, Tiểu đoàn 1 của Mỹ, sau 2 ngày bị 2 tiểu đoàn ta liên tiếp tấn công, đã rệu rã, thương vong nhiều.

Rạng sáng 17/11, Tiểu đoàn 7 mở một đợt tấn công nữa gây cho tiểu đoàn Mỹ thiệt hại lớn. Sợ bị tiêu diệt, quân Mỹ cho tàn quân tiểu đoàn này co cụm về gần trận địa pháo ở La Mơ để phòng thủ đồng thời đổ Tiểu đoàn 2 (Lữ đoàn lính dù số 3) xuống thay thế.

Tiểu đoàn dù này đã phát hiện được vị trí của Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) ở bờ sông Ia-Drăng. Về phía Tiểu đoàn 8, từ trước đó đã nhận được lệnh hành quân quay về để chặn đánh quân Mỹ đang tiến đến từ phía sau lưng. Trưa 17/11, đơn vị đang nghỉ bên bờ sông để ăn cơm trưa thì trinh sát báo quân Mỹ đang tới gần.

Hồi ký của tướng Nguyễn Hữu An – chỉ huy trưởng chiến dịch đã mô tả về trận tao ngộ chiến này: “Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi bình tĩnh đôn đốc tiểu đoàn nhanh chóng triển khai đội hình chiếm trận địa có lợi trước mặt và hai bên, hình thành thế bao vây ép địch vào giữa hai gọng kìm của tiểu đoàn. Sau khi dùng hỏa lực súng cối chế áp ngắm vào đội hình địch, quân ta dũng cảm đồng loạt xung phong chia cắt đội hình và đánh giáp lá cà với địch. Cả đôi bên lúc này đội hình xen kẽ nhau đến độ chỉ cho phép dùng tiểu liên bắn găm, dùng lưỡi lê, lựu đạn mà chiến đấu”.

Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 33) cũng nhận được lệnh hành quân lên Chư Pông. Trên đường đi, tiểu đoàn nghe tiếng súng nổ đã nhanh chóng vận động lên phía trước đánh địch. Vậy là Tiểu đoàn dù số 2 của Mỹ đã nằm gọn vào vòng vây của Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 33). Với lối đánh giáp lá cà dũng mãnh của ta, quân Mỹ rối loạn đội hình đã nhanh chóng bị tiêu diệt.

Bài toán đã có lời giải

Trận Ia-Drăng là trận đánh lớn đầu tiên giữa quân tinh nhuệ Mỹ và bộ đội chủ lực của quân ta. Xét tương quan, quân Mỹ ưu thế tuyệt đối về sức cơ động (vì chuyển quân bằng trực thăng) và hỏa lực (có 1 tiểu đoàn pháo cùng lực lượng không quân yểm trợ với 300 lần xuất kích/ngày). Trong khi đó, hỏa lực mạnh nhất của quân ta chỉ có cối 82 mm.

Sau trận đánh, phía Mỹ thừa nhận bị loại khỏi biên chế 476 người, trong đó 230 người chết. Ta công bố địch thương vong khoảng 1.200 người và ta mất 208 chiến sĩ, bị thương 146. Nhưng phía Mỹ lại công bố đã quân ta thương vong 1.000 người.

Con số này rõ ràng là thổi phồng vì toàn quân số tham chiến của ta chỉ có 4 tiểu đoàn (mỗi tiểu đoàn không quá 500 người) mà sau trận đánh không có tiểu đoàn nào bị diệt sạch như phía Mỹ.

Không chỉ là một thắng lợi quân sự, trận Ia-Drăng còn tạo nên nhiều rung động đến tận các giới chức Mỹ. Tướng Westmoreland, sau trận đánh 1 tuần đã xin thêm 41.500 quân để nâng tổng quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên 375.000 người. Các giới chức từ quân sự đến dân sự ở Nam Việt Nam cũng như ở Mỹ bị chấn động mạnh.

Trong cuốn “Sự lừa dối hào nhoáng”, Neil Sheehan đánh giá: “Rõ ràng trận đụng độ đầu tiên với lực lượng chủ lực Bắc Việt đã làm những người đứng đầu Quân đội Mỹ tại Việt Nam thay đổi cách nhìn lạc quan về triển vọng chiến thắng dễ dàng vỗn vẫn được duy trì hồi tháng 7”.

Đối với quân ta, trận thử thách đầu tiên đã giúp ta củng cố thêm niềm tin rằng ta sẽ thắng Mỹ. Để hạn chế hỏa lực mạnh mẽ của địch, chiến sĩ ta đã bám sát, đánh cận chiến với bộ binh địch.

Tác dụng của cách đánh này được phóng viên Gallo Way, người đi theo Tiểu đoàn 2 của Mỹ mô tả lại: “Thiếu tá Hen-ry và trắc thủ pháo binh đã cố gắng dùng điện đài của họ để gọi pháo binh và không quân chi viện. Điều này đã làm giảm bớt sự chết chóc, nhưng với đội hình kéo dài hơn 100 yard giữa bãi cỏ cao rậm thì các quả đạn pháo và bom na-pan sát thương quân Bắc Việt Nam đồng thời cũng sát thương cả người Mỹ”.

Lối đánh cận chiến này được tóm tắt trong phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh”, được quân ta triệt để áp dụng trong những lần đối đầu quân Mỹ sau đó khiến hiệu quả của hỏa lực của Mỹ giảm đi rất nhiều.

4 – Tài điều địch của tướng lĩnh Việt

Chiến dịch Sa Thầy là trận đánh thể hiện tài điều địch, dụ địch tài tình của tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhử “cóc” vào rọ

Từ khi tiến hành chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ đã rất ưa thích sử dụng chiến thuật “Trực thăng vận”. Mỗi khi phát hiện nơi tập trung lực lượng quân sự của ta, lính Mỹ cùng với cả vũ khí hạng nặng liền được trực thăng chở thẳng từ căn cứ tới ngay khu vực đó. Quân Mỹ thường đổ quân xuống sau lưng đội hình quân ta để đánh bọc hậu. Chiến thuật này được Mỹ gọi là trực thăng vận còn phía ta quen gọi là kiểu “nhảy cóc”.

Nhờ sức cơ động rất cao của trực thăng, các cuộc hành binh của lính Mỹ trở nên an toàn tuyệt đối. Mối lo sợ bị phục kích dọc đường bị loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, chiến thuật trực thăng vận cũng có nhiều điểm yếu, với tiếng động rất lớn của hàng chục chiếc trực thăng bay cùng lúc sẽ giúp đối phương dễ dàng phát hiện từ sớm.

Thêm vào đó, trên các địa hình rừng núi đối phương hoàn toàn có thể tính trước được các khu vực có thể đáp trực thăng ở xung quanh nơi họ đóng quân. Từ đó, người ta có thể dễ dàng lập kế hoạch để giáng trả cho lực lượng đổ bộ từ phút đầu tiếp đất.

Bước vào mùa khô 1966, trên chiến trường Tây Nguyên, Bộ tư lệnh mặt trận B3 quyết định xây dựng kế hoạch nhử Mỹ ra khỏi căn cứ để tiêu diệt. Lợi dụng chính “sở thích” nhảy cóc bằng trực thăng của quân Mỹ để dẫn dụ chúng vào cái bẫy ta giăng sẵn.

Khu vực tác chiến chủ yếu xác định khoảng 500km2 nằm trên địa bàn huyện Sa Thầy và một phần Tây Bắc huyện Chu Păh. Địa hình có phần tương đối rõ rệt gồm: từ sông Sa Thầy đến sông Pô Koo núi cao liên tiếp thành dãy, ở khu vực phía Tây cứ điểm Plây-Giê-Răng có một số núi thấp, gần sát sông Sa Thầy có bãi trống; từ sông Sa Thầy đến sát biên giới Việt Nam – Campuchia là rừng thưa, cây thưa có nhiều bãi trống, rất có thể địch sẽ lợi dụng đổ quân bằng trực thăng.

Thượng tướng Nguyễn Hữu An – Phó tư lệnh mặt trận B3 đã viết trong hồi ký của mình về quá trình chuẩn bị: “Bước vào mùa chiến đấu đông xuân 1966-1967, lực lượng vũ trang Tây Nguyên ở tư thế đàng hoàng chững chạc. Thời gian chuẩn bị hàng tháng trời, tôi, Hữu Đức cùng một số cán bộ trung đoàn đi trinh sát thực địa từ Plây-giê-răng kéo dài tới biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng gần 60km.

Chúng tôi tìm địa điểm “chốt” bố trí sẵn lực lượng, và bàn cách đánh ở thực địa, làm sao khi dẫn địch ra chốt A, chốt A phải dụ địch vào chốt B, chốt B phải dụ địch vào chốt C… cứ như thế tạo ra một chuỗi những trận đánh nối tiếp dẫn địch theo ý của ta vào quyết chiến điểm.

Quyết chiến điểm ở sát biên giới chúng tôi chọn là một cái nương khá rộng tương đối bằng phẳng, nếu địch muốn chặn không cho ta vượt qua biên giới, buộc chúng ta phải đổ quân xuống đây với lực lượng không thể ít hơn một tiểu đoàn. Ở đây ta tập trung lực lượng lớn nhất, với toàn bộ Trung đoàn 88 quyết tâm diệt gọn tiểu đoàn địch và cũng là trận đánh kết thúc chiến dịch”.

Dắt mũi quân thù

Ngày 19/10, mở màn chiến dịch, một phân đội thuộc Trung đoàn 320 đã bao vây “chọc tức” bọn đồn trú ở Plây-giê-răng. Lập tức một đại đội thuộc Sư đoàn bộ binh số 4 quân Mỹ đổ quân xuống sau lưng quân ta cách khoảng 3km.

Đại đội địch vừa đổ xuống, ngay trong đêm đã bị một đại đội của ta nằm sau chúng khoảng 2km vận động tập kích. Ngày hôm sau chúng lại đổ thêm quân để bọc hậu đơn vị “Việt cộng” chúng mới phát hiện… Cứ như thế Trung đoàn 320 và một bộ phận của Trung đoàn 66 đã đánh hàng chục trận và kéo địch vào địa bàn quyết chiến mà ta đã chọn.

Với ý định không cho “Việt Cộng” chạy thoát sang Campuchia, quân Mỹ dùng trực thăng đổ 1 tiểu đoàn xuống sát biên giới. Trước khi đổ bộ, quân Mỹ cho máy bay B-52 rải bom phát quang một khu vực rộng khoảng 5km. Địa điểm đổ quân của Mỹ nằm gọn trong khu vực ta đã chọn cho chúng, được ta gọi mật danh là C1.

10h ngày 25/10 địch bắt đầu đổ quân xuống C1, pháo của ta lấy phần tử bắn từ trước chờ địch đổ quân khoảng mười phút thì khai hỏa. Cùng lúc 4 khẩu súng cối 120mm lên tiếng và một trận mưa đạn cối trùm lên toàn bộ đội hình địch.

Trên đài quan sát, tướng An mô tả: “Trận bão đạn pháo nổ như sấm sét trùm kín bãi đất bằng phẳng nơi bọn Mỹ vừa đặt chân xuống. Sự bất ngờ khủng khiếp hơn tất cả mọi khủng khiếp mà chúng có thể tưởng tượng được. Trên đài quan sát ta nhìn rõ, sau từng đám khói tan, bọn lính Mỹ chết đè lên nhau, những tên còn sống chạy hoảng loạn không có nơi trú ẩn”.

Sau cơn mưa đạn cối, Trung đoàn 88 đã phục sẵn xung quanh, tổ chức thành 3 mũi tiến công vào lực lượng còn sót lại của địch. Sau phút choáng váng, lính Mỹ gọi phi pháo yểm trợ tích cực. Hai bên kịch chiến suốt đêm 25/10. Lính Trung đoàn 88 xông lên đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê và lựu đạn làm quân địch càng thêm rối loạn. Trong khi đó, vì quân hai bên đã lẫn vào nhau nên phi pháo của địch tỏ ra vô tác dụng. Trong cơn tuyệt vọng, chỉ huy Mỹ cam tâm gọi máy bay ném bom trùm lên cả đội hình của chính quân mình.

Ở vòng ngoài, Trung đoàn 66 cũng tích cực đánh quân cứu viện, không cho bọn thám báo và các đại đội lẻ của địch đến gần khu vực C1. Bị thiệt hại nặng nề, sợ sẽ bị xóa sổ cả tiểu đoàn quân Mỹ rút chạy khỏi C1.

7h sáng 26/10, 20 chiếc trực thăng liều chết đáp xuống bãi C1 để bốc đám tàn quân về căn cứ. Cùng với đó, những đại đội, tiểu đoàn bị xé lẻ thuộc Sư đoàn bộ binh số 4 bị rải ra suốt chiều dài từ đồn Plây-giê-răng tới Cl gần 60 km cũng lần lượt phải rút chạy bằng trực thăng.

Tổng kết chiến dịch, từ 19/10 đến 6/12/1966, ta đánh 34 trận lớn nhỏ, tiêu diệt tổng số 2.050 Mỹ, 360 ngụy, diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ, 8 đại đội Mỹ và một số trung đội, bắn rơi 21 máy bay, phá hủy 21 pháo, 5 cối 106 ly, 16 xe.

Rõ ràng quân Mỹ có vũ khí, phương tiện rất hiện đại nhưng cuối cùng vẫn bị thua là vì ngay từ nước xuất quân đã nằm gọn trong sự tính toán của đối phương. Kết quả này làm nổi bật lên tài thao lược của tướng lĩnh quân ta, đặc biệt là tài dụ địch, điều địch.

Con người hay vũ khí?

Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra đời được hơn 70 năm. Trong suốt quá trình chiến đấu và trưởng thành đã đánh với 3 trong số 5 cường quốc. Đặc biệt trong số đó là 30 năm đấu tranh liên tiếp chống lại Pháp và Mỹ. Trong cả 30 năm ấy, chưa bao giờ quân ta ngang bằng đối thủ về so sánh vũ khí.

Tuy nhiên, ta càng đánh càng mạnh, lần lượt đánh bại các cố gắng quân sự đến mức cao nhất của kẻ địch. Các thủ đoạn, chiến thuật của đối phương dù tinh vi, phức tạp đến thế nào, có sự hỗ trợ của vũ khí, máy móc hiện đại đến đâu, cuối cùng đều bị phá sản trước sự thông minh, mưu trí của tướng lĩnh và chiến sĩ ta.

Ngày nay, điểm lại một số trận đánh để làm minh họa cho một vài chiến thuật được quân đội ta sử dụng phổ biến trong chiến tranh trước đây, chúng ta một lần nữa tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Đồng thời cũng thấy rằng, vũ khí hiện đại là quan trọng nhưng con người điều khiển cuộc chiến tranh và sử dụng những vũ khí ấy còn quan trọng hơn rất nhiều.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,