⠀
Nhìn lại thời khắc kịch tính trước khi Singapore tách khỏi Malaysia
Năm 1964-1965, Singapore và Kuala Lumpur đã nhiều lần xung đột, trong Quốc hội Liên bang, trên các phương tiện truyền thông, và cả trên thực địa. Họ coi việc chia tách là một cách để tránh đổ máu.
Tác giả: Janadas Devan, giám đốc của Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore.
Nguồn: Janadas Devan, “Singapore could have become ‘one country, two systems’ within Malaysia, not sovereign country“, Straits Times, 28/01/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng.
Vào ngày này 50 năm trước, tương lai của chúng ta thật vô định. Lúc đó chúng ta chưa biết rõ, nhưng vào ngày 26/01/1965, Nội các Singapore đã tranh luận về một bài mà Lý Quang Diệu đã viết về khả năng tái điều chỉnh hiến pháp ở Malaysia.
1964 là một năm đầy căng thẳng: Đảng Hành động Nhân dân (PAP) quyết định tranh cử trong cuộc Tổng Tuyển cử Malaysia vào tháng 04, nhưng chỉ giành được một trong số chín ghế mong muốn ở Bán đảo Malaysia. Sang tháng 7, và một lần nữa vào tháng 9, Singapore chìm trong bạo động, khiến tổng cộng 36 người thiệt mạng và 560 người bị thương. Singapore và Kuala Lumpur đã nhiều lần xung đột, trong Quốc hội Liên bang, trên các phương tiện truyền thông, và cả trên thực địa.
Singapore không nhận thấy lợi thế kinh tế nào khi sáp nhập – sở dĩ chúng ta chịu sáp nhập với Malaysia là vì tin rằng một quốc đảo nhỏ không thể tồn tại nếu không có vùng nội địa. Chẳng hạn, Ủy ban Phát triển Kinh tế phải xin phép Kuala Lumpur thì mới có thể trao chứng chỉ tiên phong cho các nhà đầu tư tiềm năng ở Singapore, cho phép họ được miễn thuế từ 5 đến 10 năm. Trong hai năm chúng ta thuộc về Liên bang Malaysia, chỉ có 2 trong số 69 đơn đề nghị được chấp thuận, và một trong hai đơn còn chứa đựng quá nhiều hạn chế nên cuối cùng cũng bị từ chối.
Trong tập Lịch sử Truyền miệng của mình, Tiến sĩ Goh Keng Swee kể lại cuộc trò chuyện của ông với một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, người đang tư vấn cho Kuala Lumpur và Singapore về thị trường chung. “Giả sử [Bộ trưởng Tài chính Malaysia Tan Siew Sin] không ủng hộ và thị trường chung không phát triển được thì điều gì sẽ xảy ra?” ông Goh nhớ lại câu hỏi dành cho chuyên gia của Ngân hàng Thế giới.
Vị chuyên gia này ngay lập tức trả lời “Trong trường hợp đó, thưa Bộ trưởng, không phải thị trường chung sẽ gặp nguy hiểm, mà là toàn bộ khái niệm về Malaysia sẽ gặp nguy hiểm”.
Tháng 12/1964, Thủ tướng Malaysia Tunku Abdul Rahman đưa ra một cảnh báo đáng ngại: “Nếu các chính trị gia với xuất thân đa dạng ở Singapore không đồng ý với tôi, giải pháp duy nhất là chia tách,” ông nói trong bài phát biểu tại Trường Cao đẳng Y tế ở Singapore. Mười ngày sau, vào ngày 19/12, trong một cuộc gặp riêng tư, Rahman nói thẳng cho Lý Quang Diệu về ý nghĩa của “chia tách”: Singapore sẽ là “đối tác, độc lập, nhưng là một phần của bán đảo.” Nói cách khác, quan hệ giữa hai bên là một liên minh (confederation), không phải một liên bang (federation).
Chính phủ Singapore vẫn nắm tất cả các quyền mà họ có trong những năm tự trị, từ 1959 đến 1963, trước khi gia nhập Malaysia. Kuala Lumpur sẽ chỉ phụ trách quan hệ quốc phòng và đối ngoại, như người Anh đã từng làm, và cả hai chính phủ sẽ chia sẻ trách nhiệm về an ninh trong một Hội đồng An ninh Nội bộ.
Công dân Singapore sẽ không tham gia vào các hoạt động chính trị bên ngoài đảo, còn công dân Malaysia sẽ rút khỏi hoạt động chính trị trên đảo. Đây là nội dung cơ bản trong bài viết mà Lý Quang Diệu trình bày trước Nội các của mình vào ngày 26/01/1965. S. Rajaratnam và Toh Chin Chye kịch liệt phản đối đề xuất, nhưng đa số Nội các ủng hộ ý tưởng này, theo lời ông Lý. Họ coi việc chia tách là một cách để tránh đổ máu.
Nhưng đề xuất này đã nhanh chóng gặp khó khăn, vì một số lý do:
Thứ nhất, rõ ràng là Tunku muốn Singapore hoàn toàn rút khỏi Quốc hội Malaysia, nhưng lại muốn Singapore đóng góp vào chi phí quốc phòng của Malaysia, theo đó một phần doanh thu thuế của Singapore sẽ được chuyển đến Kuala Lumpur. Lý Quang Diệu nói với phía Tunku rằng không thể có chuyện đóng thuế mà không có đại diện. “Chúng tôi không thể trở thành thuộc địa của Malaysia.”
Thứ hai, Kuala Lumpur muốn Singapore ra khỏi chính trường Malaysia, nhưng họ không chịu đáp ứng yêu cầu có qua có lại: Malaysia ra khỏi chính trường Singapore. Điều kiện tiên quyết cơ bản của họ, mà ông Lý viết trong hồi ký của mình, nhiều thập niên sau đó, là “không chỉ ở Malaysia mà ngay cả ở chính Singapore, PAP nên tránh xa thế giới Mã Lai, và giao toàn quyền cho Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) quản lý người Mã Lai … ngay cả ở Singapore.”
Và cuối cùng, người Anh đã có thông tin về đàm phán và ngăn chặn mọi thứ. Họ đang bảo vệ Malaysia trong cuộc “đối đầu” với Indonesia, và họ sẽ không để cho hậu phương tan rã trong lúc họ còn ở tiền tuyến. Thay vì một liên minh lỏng lẻo, họ muốn có một chính phủ quốc gia, với các bộ trưởng PAP ngồi trong nội các liên bang.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người Anh không gạt phắt ý tưởng liên minh? Có một cơ hội để hai bên, Singapore và Kuala Lumpur, đi đến một thỏa thuận. Chúng ta không thể nói chắc chắn ở thời điểm 50 năm sau này, nhưng có lẽ, thật may mắn là ý tưởng liên minh đã sụp đổ. Bởi nó sẽ mang lại “một quốc gia, hai chế độ” nhiều thập niên trước đề xuất của Đặng Tiểu Bình ở Hồng Kông. Trong trường hợp này, nó sẽ là sự dàn xếp giữa hai dân tộc thậm chí còn có ít điểm chung hơn so với người Hong Kong và người Trung Quốc ngày nay, nếu chung ta xem xét việc Đặc khu Hành chính Hong Kong đã gặp khó khăn gì.
Nhìn lại, có thể thấy rõ ràng rằng, khi ý tưởng liên minh sụp đổ vào tháng 2/1965, thì chia tách sáu tháng sau đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng thật ra, chẳng có gì là không thể tránh khỏi. Các nhà lãnh đạo Malaysia tuy không thoải mái với Singapore, nhưng sâu trong tâm trí, họ luôn lo sợ rằng một Singapore ngoài Malaysia sẽ là một kịch bản tồi tệ hơn một Singapore trong Malaysia.
Thật vậy, một vài năm sau khi chia tách, cả Tunku và Tun Abdul Razak đều bày tỏ sự tiếc nuối vì đã để Singapore ra đi. Trong khi đó, dù toàn bộ ban lãnh đạo Singapore – và thực sự là gần như toàn bộ người dân Singapore – đều vui mừng vì Singapore đã tách khỏi Malaysia, nhưng ban đầu, nội bộ PAP đã không đạt được đồng thuận.
“Singapore sẽ mãi mãi là một quốc gia có chủ quyền dân chủ và độc lập”, trích Tuyên ngôn ngày 09/08/1965. Ngày 08/08, nhiều trong số 10 người ký Thỏa thuận Chia tách đã tỏ ý nghi ngờ, liệu rằng Singapore có nên là một quốc gia độc lập, chứ chưa nói đến độc lập mãi mãi! Khát vọng độc lập đã xuất hiện ngay ngày hôm sau, ngày 10/08.
Khi đó, có ít nhất hai quan điểm trong giới lãnh đạo Singapore:
Quan điểm thứ nhất, một nhóm cho rằng vì thị trường chung không nằm trong kế hoạch hợp nhất, nên thực ra nó là vô dụng. Cố gắng tạo ra một thành công chính trị từ một thỏa thuận thiếu cơ sở kinh tế là vô nghĩa. Tiến sĩ Goh Keng Swee có lẽ là nhà lãnh đạo Singapore đầu tiên đưa ra kết luận này. Ông là người có công trong việc cắt đứt ‘thòng lọng’ mà người Malaysia đang quấn quanh cổ chúng ta. Những cá nhân khác chia sẻ quan điểm này bao gồm E.W. Barker, người soạn thảo Thỏa thuận Chia tách, và Lim Kim San.
Quan điểm thứ hai, một nhóm chính trị nổi tiếng hơn lại tin rằng Singapore là một phần không thể tách rời của Malaya, và họ mắc nợ hàng triệu người đã được huy động ở cả Đông và Tây Malaysia để chiến đấu, không sợ sệt và không nản lòng, vì một Malaysia của người Malaysia. Cụ thể, Toh Chin Chye và S. Rajaratnam ủng hộ quan điểm này, tương tự là Ong Pang Boon. Họ đã ký Thỏa thuận Chia tách với tâm trạng nặng nề, hành động ký này xuất phát từ lòng trung thành với phong trào và với Lý Quang Diệu, hơn là niềm tin rằng chia tách là hướng đi đúng đắn.
Hầu như tất cả chúng ta ở đây đều chẳng tài nào hiểu được chiều sâu của những tình cảm này. Churchill từng viết: “Lịch sử với ngọn đèn leo lét của nó lần theo dấu vết của quá khứ, cố gắng tái tạo lại những khung cảnh của nó, làm sống lại những dư âm của nó, và khơi dậy đam mê nhạt nhòa của những ngày xưa cũ.”
Cho phép tôi chia sẻ một câu chuyện cá nhân để có thể làm sống lại những tình cảm này. Cha tôi, Devan Nair, là ứng viên PAP duy nhất giành được ghế trong Tổng Tuyển cử Malaysia năm 1964.
Do đó, khi Chia tách xảy ra, ông là nhà lãnh đạo Singapore duy nhất có ghế trong Quốc hội Malaysia, là đại diện cho một khu vực bầu cử ở bán đảo, không phải đại diện cho Singapore. Tiến sĩ Goh đã thỏa thuận với Tun Razak rằng sẽ không có nghị sĩ PAP nào có mặt trong Quốc hội Malaysia khi họ bỏ phiếu về Dự luật Chia tách. Tuy nhiên, cha tôi vẫn tham dự, và tuyên bố rằng Malaysia có thể đã tách khỏi Singapore nhưng nó không tách khỏi ông.
Trong một bài phát biểu bị những người đứng đầu Chính phủ cắt ngang nhiều lần, ông nói về “nỗi đau hằn trong tim” và tuyên bố sẽ ở lại Malaysia và tiếp tục chiến đấu vì một “Malaysia của người Malaysia.”
Do đó, chi nhánh PAP ở Malaysia đã trở thành Đảng Hành động Dân chủ, hay DAP, hiện là đảng đối lập lớn nhất ở Malaysia.
Trái ngược với những tin đồn lúc đó (và cả bây giờ), quyết định ở lại Malaysia là của riêng cha tôi, chứ không phải của ban lãnh đạo Singapore. Phải mất hai năm rưỡi, ông Lý mới thuyết phục được cha tôi quay trở lại Singapore. Cha tôi thông báo vào tháng 05/1968 rằng ông sẽ từ chức Tổng Thư ký DAP và sẽ không tái tranh cử ghế trong Quốc hội Malaysia trong kỳ tổng tuyển cử tiếp theo. Ông trở lại Singapore và tham gia lãnh đạo Hiệp hội Công đoàn Thương mại Quốc gia (NTUC) vào năm 1969.
Ông là người cuối cùng trong số các nhà lãnh đạo của Singapore vào thời điểm đó chấp nhận rằng Chia tách là không thể đảo ngược. Ông nhận chứng minh thư vào năm 45 tuổi. Cho đến lúc đó ông vẫn tin rằng mình là người Malaya.
Tất cả các nhà lãnh đạo lập quốc của Singapore, bao gồm cả bản thân Lý Quang Diệu, cũng tin như vậy. Ông đã nói, vào ngày 09/08/1965, rằng ông đã chiến đấu cho sự hợp nhất trong suốt quãng đời trưởng thành của mình, và rằng ông sẽ luôn nhìn lại ngày đó như “một khoảnh khắc đau thương.”
Sau khi ý tưởng về một liên minh lỏng lẻo sụp đổ vào tháng 02/1965, ông Lý đã áp dụng một chiến lược với đầy rủi ro, cho bản thân và các đồng sự; nó hàm chứa khả năng có thể khiến ông bị sa thải, như Thủ tướng Anh khi đó là Harold Wilson đã chỉ ra.
Ông đã quyết định chấp nhận rủi ro đáng kể: hoặc ban lãnh đạo Malaysia chấp thuận các điều kiện của chúng tôi – một chính thể tự trị, đa chủng tộc, và đa tôn giáo – bằng không thì hãy để chúng tôi “ra đi”, sử dụng chính từ ngữ của Tunku. Ông Lý cũng ủng hộ Đại hội Đoàn kết Malaysia (MSC) mà ông Toh và S.Rajaratnam đã thành lập, liên kết tất cả các đảng phái chính trị không gắn với một cộng đồng riêng nào ở Malaysia, và cũng không từ bỏ chiến dịch vì một Malaysia của người Malaysia.
Bất cứ ai cố gắng bắt đầu một cuộc bạo động khác ở Singapore đều sẽ phải tính đến khả năng bạo loạn lan ra tất cả các trung tâm đô thị trên bán đảo.
Cùng lúc đó, Tiến sĩ Goh, người đã bắt đầu đàm phán với Tun Razak kể từ khoảng ngày 13/07, nói với các phụ tá chủ chốt của Tunku rằng họ nên dàn xếp nhanh chóng, trước khi Lý Quang Diệu thực hiện cam kết không thể thu hồi với MSC, và giành được nhiều sự ủng hộ hơn cho PAP, cả ở quê nhà lẫn ở nước ngoài, trong Khối thịnh vượng chung.
Bản thân Tunku sau đó đã kết luận rằng ông muốn Singapore ra khỏi Malaysia và yêu cầu Tun Razak cùng với Tiến sĩ Goh tìm hiểu các lựa chọn. Tiến sĩ Goh, lâu nay vẫn ủng hộ con đường độc lập, đã mạnh dạn giải quyết vấn đề. Sau khi được Lý Quang Diệu ủy quyền cho phép thỏa thuận với ban lãnh đạo Malaysia, ông nhanh chóng bỏ qua ý tưởng về một liên minh lỏng lẻo, mà đi thẳng đến giải pháp Chia tách, đề xuất tất cả các công cụ hiến pháp cần thiết sẽ được thông qua tại Quốc hội Malaysia vào ngày 09/08, và yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối, đặc biệt là với người Anh.
Trong vòng khoảng hơn bốn tuần, một cuộc “đảo chính hiến pháp” – hay “chia tách có thương lượng,” như người soạn thảo văn bản tuyên bố độc lập của chúng ta, Barker, viết trong tập Lịch sử Truyền miệng của mình – đã diễn ra.
Tôi đã nói trong một bài viết khác, rằng quãng thời gian này, từ tháng 01 đến tháng 08 năm 1965, là những giờ khắc đỉnh cao của thế hệ lập quốc, và tôi không chỉ muốn nói đến các nhà lãnh đạo thời đó, mà còn đề cập đến các cử tri tập hợp xung quanh họ.
Vì nếu người Singapore chấp nhận thu mình lại, hẳn chúng ta đã được đề nghị chấp nhận dàn xếp “một quốc gia, hai chế độ” từ tháng 08/1965?
May mắn thay, cha ông chúng ta là ‘một đàn sư tử được dẫn đầu bởi những sư tử đầu đàn’
Tại sao tôi hồi tưởng câu chuyện lịch sử này? Để nhắc nhở bản thân rằng không có gì là không thể tránh khỏi về ngày lập quốc của chúng ta. Nhà thơ T.S. Eliot từng viết, “Điều có thể đã xảy ra, và điều đã xảy ra, đều hướng đến một kết thúc luôn hằng hữu”.
Một dân tộc quên đi lịch sử của mình sẽ sớm bị diệt vong. Tôi sợ rằng chúng ta cũng có thể trở thành một dân tộc như vậy. Được trưởng thành trong sự sung túc và trở nên quen thuộc với thành công, giới tinh hoa của chúng ta đặc biệt coi mình là những cá nhân tự sáng tạo, tự duy trì, tự tồn tại. Họ là họ, họ không có tiền nhân, còn lịch sử là điều ngu ngốc. Do đó họ tin rằng, chẳng hạn như, chúng ta không bao giờ dễ bị tổn thương, và rằng sự dễ bị tổn thương chỉ là chuyện thần thoại dối trá. Chỉ những người quên đi lịch sử của mình mới có thể tự huyễn hoặc mình như vậy.
“Điều có thể đã xảy ra, và điều đã xảy ra, đều hướng đến một kết thúc luôn hằng hữu”, Hãy nhớ lấy điều này: Chúng ta đã tiến rất gần “một quốc gia, hai chế độ” trước khi chuyển hướng sang Chia tách. Ban đầu, tất cả những người cha lập quốc của chúng ta đều tin rằng Singapore không thể tồn tại nếu không có nội địa. Họ chỉ từ bỏ ý định khi rõ ràng là một thị trường chung với Malaysia không còn là lựa chọn.
Ngay cả khi đó, họ vẫn chưa nghĩ rằng thế giới có thể là vùng nội địa của chúng ta; hoặc ngay cả khi một số người đã ngộ ra điều đó, thì họ vẫn chưa biết cách hiện thực hóa tầm nhìn ấy. Khái niệm về một “thành phố toàn cầu” còn vài năm nữa mới xuất hiện, và toàn cầu hóa thì còn hàng chục năm nữa. Rằng chúng ta có thể trở thành trung tâm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, rằng các công ty đa quốc gia (MNCs) có thể là tấm vé vàng của chúng ta, rằng chúng ta có thể là trung tâm của cái này hay cái kia – không quan điểm nào trong số này là hiển nhiên vào thời bấy giờ.
“Điều có thể đã xảy ra, và điều đã xảy ra, đều hướng đến một kết thúc luôn hằng hữu”. Kết thúc đó là gì mà lại luôn hằng hữu?
Nó có nghĩa là những con đường không được đi qua, cũng như những con đường đã đi qua, vẫn luôn là các khả năng – kể cả bây giờ. Nó có nghĩa là những rủi ro đã tránh được, những thành công đã đạt được, những nguy hiểm đã vượt qua, những thành tựu đã chinh phục – tất cả đều không bao giờ biến mất mãi mãi, hoặc bị xóa bỏ hoàn toàn. Nó có nghĩa là lịch sử của chúng ta – suốt 50 năm qua đã là một cung đường chiến thắng, luôn hướng về những cao nguyên ngập nắng và những đồng cỏ tươi tốt – vẫn có thể trở nên bi thảm.
“Điều có thể đã xảy ra, và điều đã xảy ra, đều hướng đến một kết thúc luôn hằng hữu”. Hằng số trong lịch sử của chúng ta chính là sự táo bạo.
Hãy nguyện cầu để nó sẽ luôn luôn là như vậy.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Singapore, Malaysia