Nhìn lại năm 2020: Việt Nam trong cục diện châu Á

Việt Nam không khác các nước trong việc phải ứng phó tình thế chưa từng có. Thách thức rất nhiều nhưng chúng ta đã rất chủ động, rất tự cường và tiếp tục hội nhập mạnh mẽ.

Việt Nam trong cục diện châu Á 2020: Tự cường và hội nhập mạnh mẽ

Phỏng vấn ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ.

Thay đổi sâu sắc

Bức tranh toàn cảnh về đối ngoại châu Á năm 2020 trong mắt Đại sứ có những gam màu như thế nào?

– Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới bị chìm trong đại dịch dẫn đến những thay đổi rất sâu sắc. Covid-19 khiến các nước phải tìm ra con đường mới trong cả hoạt động tương tác đối ngoại, làm sao liên kết chuỗi cung ứng, sử dụng khoa học công nghệ…

Thứ hai, đây là khu vực chịu tác động của cạnh tranh các nước lớn, đặc biệt là cạnh tranh Trung – Mỹ. Cuộc cạnh tranh này không chỉ về mặt kinh tế, thương mại mà còn là cạnh tranh chiến lược. Rõ ràng chúng ta thấy nó lan tỏa cả về địa chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ và cả trên những vấn đề mang tính ý thức hệ và tư tưởng văn hóa.

Thứ ba, châu Á – Thái Bình Dương đứng trước những vận hội nhưng thách thức rất lớn từ cách mạng khoa học công nghệ. Chuyển đổi số mang lại nhiều điều mà các nước có thể tranh thủ để phục vụ cho phát triển, để vượt qua đại dịch, đồng thời đặt ra phương thức sản xuất, quản trị mới.

Châu Á – Thái Bình Dương gắn liền với thế giới, nhưng khu vực này cũng có đặc thù riêng. Đó là khi thế giới là xuất hiện những xu hướng về chống toàn cầu hóa, chống chủ nghĩa đa phương thì ở khu vực, sức sống của chủ nghĩa đa phương, tự do hóa thương mại và hợp tác lại rất lớn, tiếp tục là trào lưu chính.

Dù có khó khăn về kinh tế do dịch bệnh nhưng có lẽ đây là khu vực quản trị tốt nhất dịch bệnh nên vẫn có mức tăng trưởng không âm. Những tiến trình khu vực, trong đó có ASEAN vẫn tiếp tục phát huy vai trò của mình trong liên kết và hợp tác.

Có lẽ châu Á – Thái Bình Dương và Đông Á là địa bàn diễn ra sự cạnh tranh chiến lược quyết liệt nhất của các nước lớn. Vì vậy thời gian qua, các nước phải ứng xử ra sao, chọn bên như thế nào để có tiếng nói và xây dựng một trật tự thế có thể chơi được với tất cả.

Khu vực này cũng chịu những thách thức của an ninh phi truyền thống, ngoài dịch bệnh còn có thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Thêm vào đó là những thách thức về an ninh truyền thống, trong đó có vấn đề tiểu vùng Mekong và Biển Đông. Dù các nước nhất trí với nhau là hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải Biển Đông là rất quan trọng nhưng đồng thời vẫn có những hành vi xâm phạm vùng biển và thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển, trái với luật pháp quốc tế.

Hay câu chuyện sông Mekong làm sao quản trị được, vừa hợp tác, vừa phát triển nhưng phải sử dụng nguồn nước bền vững, nhất là tương tác giữa các nước đầu nguồn và cuối nguồn.

Tóm lại, xu hướng chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là thúc đẩy hợp tác, bảo đảm hòa bình, ủng hộ rất mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và thuận lợi hóa thương mại.

Định vị sự phát triển chiến lược

– Năm 2020 có rất nhiều biến động, thậm chí là đảo lộn trật tự kinh tế – xã hội. Đại sứ đánh giá như thế nào về vị thế, vai trò của Việt Nam trong xử lý các vấn đề chung của khu vực, trong ứng xử với các nước lớn để thực hiện chính sách đối ngoại chúng ta đã đề ra: độc lập, tự chủ, đa phương, đa dạng hóa?

– Việt Nam cũng không khác các nước trong việc phải ứng phó tình thế chưa từng có. Thách thức rất nhiều nhưng tôi xin dùng mấy chữ: Việt Nam đã rất chủ động, rất tự cường và tiếp tục hội nhập một cách mạnh mẽ.

Một là, Việt Nam đã bảo đảm được nhiệm vụ của mình trong việc phòng, chống dịch và tiếp tục duy trì những hoạt động về mặt kinh tế – xã hội để hướng tới phục hồi. Chúng ta cảnh báo từ rất sớm và có biện pháp quyết liệt trong việc phòng, chống dịch ngay từ đầu.

Ở đây có những biện pháp mà Việt Nam đã làm mà thế giới đánh giá cao. Chúng ta kết hợp xét nghiệm với cách ly xã hội, khi có bệnh nhân thì chữa trị quyết liệt. Chúng ta nhân rộng hợp tác quốc tế để ứng phó với đại dịch, minh bạch hóa thông tin để cùng nhau phối hợp. Trong khó khăn phải tập trung phòng chống dịch bệnh, ta vẫn hỗ trợ chia sẻ các trang thiết bị, vật tư y tế cho các nước khác, kể cả nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga hay Trung Quốc.

Chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập quốc tế. Trong năm 2020, ta đã có được hiệp định Thương mại tự do với EU – một hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao và phát huy tác dụng cho cả hai bên. Chúng ta đảm nhận những cương vị của quốc tế, khu vực giao cho. Ví dụ trên cương vị Chủ tịch ASEAN, chúng ta đã duy trì được tham vấn khu vực – mạch sống để tạo ra chương trình hành động chung của ASEAN trong bối cảnh hết sức khó khăn của đại dịch.

Chúng ta đã duy trì được hoạt động chất lượng cao trên cả 3 cấp độ. Thứ nhất là ứng phó với những vấn đề khẩn cấp, đặc biệt là ứng phó với đại dịch. Thứ hai, ta vẫn bám sát những ưu tiên của năm 2020 đã đề ra. Đó là tập trung vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, bảo đảm được bản sắc, kết nối và thúc đẩy vai trò trung tâm ASEAN, phát huy vai trò của ASEAN trong ứng xử với những vấn đề trọng tâm của khu vực.

Ví dụ về chuyện Biển Đông, thời gian qua, ASEAN vẫn khẳng định được những nguyên tắc rất cơ bản của khu vực. Đó là hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; nhấn mạnh đến câu chuyện các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển trong tất cả mọi hành vi, hoạt động, mọi hợp tác và kể cả trong những yêu sách chủ quyền…

Ở cấp độ thứ ba, chúng ta cùng với các nước ASEAN và các đối tác định vị cho sự phát triển chiến lược trong tình hình thế giới đã thay đổi sâu sắc.

Nhìn lại mà nói chúng ta có thể thấy rằng, trong năm 2020 dù có rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã chuyển trạng thái một cách kịp thời và chủ động dẫn dắt ASEAN, tiếp tục có những hoạt động phối hợp với nhau trên cả 3 cấp độ.

Cạnh tranh quyết liệt

– Vậy cục diện đối ngoại khu vực trong năm tới sẽ diễn ra như thế nào? Ông dự báo chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á ra sao?

– Xu hướng tất cả các nước đều mong muốn, đó là hợp tác, thúc đẩy hòa bình, thúc đẩy phát triển và kể cả hợp tác để vượt qua đại dịch. Nhưng khó khăn của 2020 sẽ tiếp tục là thách thức của 2021. Một là đại dịch chưa được kiểm soát. Tất cả các nước và khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ còn phải tiếp tục ứng phó với kiểm soát dịch bệnh.

Câu chuyện phục hồi và duy trì hoạt động kinh tế kết hợp với phòng, chống dịch là thách thức lớn sau một năm quá nhiều mệt mỏi, suy giảm.

Cạnh tranh nước lớn, trong đó cạnh tranh Trung – Mỹ chắc chắn sẽ vẫn còn tiếp tục trên những bình diện khác nhau, sắc thái khác nhau, dù chính quyền Mỹ có thay đổi hay không, thay đổi thế nào. Những vấn đề về an ninh phi truyền thống và truyền thống vẫn còn tồn tại như kể trên.

Nhìn vào bức tranh chung, châu Á – Thái Bình Dương đang làm tốt hơn cả trong thực hiện nhiệm vụ kép về kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế. Khu vực có thể là đầu tàu của phục hồi kinh tế sau này. Câu chuyện gắn kết lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ là sự khởi đầu cho kết nối mới với những khu vực khác, những trung tâm lớn khác trê thế giới.

Quay trở lại câu chuyện nước Mỹ. Mấy điểm có thể dự đoán, đó là châu Á – Thái Bình Dương chắc chắn vẫn là một phần rất quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Mỹ. Với những gì thông tin mà Tổng thống đắc cử Mỹ và nhìn vào đội ngũ chính sách đối ngoại, an ninh của ông cho thấy, có lẽ Mỹ quay trở lại ngoại giao truyền thống, tăng cường tham vấn hơn với các đối tác và đồng minh, sử dụng các công cụ và thể chế đa phương.

Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ dễ lường và dễ dự đoán hơn. Nước Mỹ đã chuyển sang giai đoạn nhận diện rõ hơn về Trung Quốc và bản thân Trung Quốc đang bộc lộ rõ hơn về mình. Trung Quốc trút bỏ “ẩn mình chờ thời nước” và Mỹ nhận diện rằng là Trung Quốc là mối thách thức hàng đầu cả về phát triển kinh tế và an ninh.

Như vậy, cạnh tranh có thể vẫn sẽ quyết liệt, gia tăng nhưng mặt hợp tác cũng sẽ tiếp tục.

Theo VIETNAMNET

Tags: ,