‘Nhậu nhẹt không phải là kỹ năng, xin lỗi, tôi đ** muốn học’

Có người vẫn mặc định nhậu là kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nhậu, việc xem đó là “cách hữu hiệu để giải quyết công việc” khiến thế hệ trẻ khó chịu.

‘Nhậu nhẹt không phải là kỹ năng, xin lỗi, tôi đ** muốn học’

>> Sự ngu muội và man rợ của ‘phong tục’ rượu chè ở Việt Nam
>> Ép người khác uống rượu cho được: Một thứ ‘văn hóa’ bệnh hoạn, tởm lợm
>> ‘Đàn ông phải uống được rượu’ – thứ quan niệm rởm đời người Việt cần vứt vào sọt rác
.

Trong cuộc sống có hai kiểu người:

Một là người xem bàn nhậu làm nơi tạo ra các mối quan hệ.

Hai là người luôn tránh xa bàn nhậu, xem trọng hiệu quả công việc hơn là dùng chén chú chén anh để “cân đo đong đếm” việc làm.

“Tôi là kiểu người thứ hai”, Hoàng Linh (24 tuổi, Bến Tre) nói.

Tối chủ nhật, Linh từ chối lời đề nghị “tối nay đi nhậu để anh em thân thiết, sau này có gì dễ nói chuyện, nhờ vả” của anh Tín chung phòng kinh doanh.

Linh thẳng thừng từ chối vì biết Tín uống rượu như thói quen, tan ca là đi nhậu. Anh nghĩ đến viễn cảnh mối quan hệ đâu không thấy, về nhà nôn thốc nôn tháo, bệnh cả ngày không làm việc được.

“Kỹ năng giao tiếp cơ bản cũng không có. Không biết nhậu thì sau này làm được việc gì?”.

Linh nhớ mãi câu nói của Tín, anh không hiểu sao “bàn nhậu, những cuộc hẹn chén chú chén anh” luôn là thước đo cho sự thành công, kéo dài mối quan hệ.

“Nhậu với nhiều người là kỹ năng mềm khi đi làm, nhưng tôi không học được. Nói đúng hơn, tôi không muốn học làm gì”, Linh nói.

Nhậu là kỹ năng mềm?

Đây không phải là lần đầu tiên Linh bị đồng nghiệp rủ đi nhậu để “tạo dựng quan hệ”, thăng tiến trong sự nghiệp.

Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, 9X chứng kiến biết bao cuộc nhậu của các chú, bác hàng ngày.

Đám cưới, ngày vui nên uống say mèm.

Đám giỗ, dịp bà con họp mặt nên phải uống hết mình.

Ngày vui, gọi anh em hàng xóm qua uống mấy ly.

Ngày buồn, phải uống để đuổi cái xui.

Đầu tuần. Giữa tuần. Cuối tuần. Sáng. Trưa. Chiều. Tối. Thậm chí chẳng có lý do gì, hứng lên là nhậu.

Cho đến khi Linh đi học, rồi đi làm xa nhà, anh nhận ra một điều xung quanh mình có quá nhiều người dùng việc uống rượu để đo hiệu suất công việc, duy trì quan hệ. Thậm chí, bàn nhậu là nơi “anh em vui vẻ là chính, công việc xong ngay thôi mà”.

Linh không đánh giá hay lên án việc mọi người quanh mình dùng chén rượu, dĩa mồi làm đầu câu chuyện. Chỉ đơn giản là anh không hợp việc đó.

Linh đã thử, nhưng thử mãi không xong.

Nhớ lại lần đi nhậu đầu tiên, anh về nhà phải “ói xanh mặt” vì bị ép uống quá nhiều. Đồng nghiệp hô “nhấp cạn”, trưởng phòng hù “chú chừa giọt nào là không nể mặt anh”…

Vờ đi vệ sinh. Trốn về. Đứng phắt dậy bỏ về.

Những cách trên anh đều thử cả.

Và bây giờ, mỗi khi được rủ đi nhậu, anh đều từ chối thẳng thừng. Linh biết rằng, khi lên bàn nhậu, nếu từ chối khéo hay giải thích gì đó đều không ăn thua. Viễn cảnh lê lết về nhà và dư âm những ngày sau đó đều khiến anh sợ hãi.

“Ai nói sao cũng được, nhưng mình xin phép từ chối tiếp nhận ‘kỹ năng mềm’ này”, Linh khẳng định.

Hơn cả kỹ năng là sức khỏe

Không giống với những người lớn, người trẻ thuộc thế hệ millennials đang dần cắt giảm rượu bia để tự bảo vệ sức khỏe.

Một cuộc khảo sát từ Bank of America Merrill Lynch – ngân hàng đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ – với 1.000 người trong độ tuổi từ 18 – 30 tại Mỹ và Anh cho thấy có đến 31% người cho biết họ đã giảm thiểu việc uống rượu bia.

Theo đó, lý do được nhiều người đưa ra là họ đang lo lắng về vấn đề sức khỏe và ngoại hình. Chất kích thích với nồng độ cồn và lượng calo quá cao khiến họ mắc các bệnh như huyết áp cao, tim mạch và thậm chí là béo phì.

Hình ảnh những người đàn ông “bụng bia”, mặt lúc nào cũng đỏ ửng khiến họ “say goodbye” với chất kích thích.

Theo nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu được công bố trên tạp chí Lancet về mức độ sử dụng rượu, bia trên 195 quốc gia từ năm 1990 – 2016 cho thấy người khảo sát có nhiều vấn đề sức khỏe khi sử dụng thức uống có cồn.

Mỗi ngày, trong số 100.000 người không uống rượu, sẽ có 914 người gặp vấn đề sức khỏe tương tự rượu bia như ung thư và tai nạn giao thông.

Với những người uống một ly mỗi ngày, con số này tăng thêm bốn người.

Nhưng với những người uống 2 ly mỗi ngày, con số này sẽ tăng thêm 93 người. Còn đối với người hàng ngày uống từ 5 ly trở lên, sẽ có thêm 339 người gặp vấn đề sức khỏe trầm trọng.

The Muse – công ty chuyên hỗ trợ việc làm có trụ sở tại Mỹ đã chỉ ra những cách “đối phó” với việc bị ép uống rượu bia. Có nhiều cách để chúng ta tạo dựng mối quan hệ trong công việc chứ không chỉ là “mượn rượu” để thúc đẩy công việc.

Trước hết, bạn hãy chỉ ra những vấn đề bản thân đang gặp phải như không biết uống rượu, phải điều khiển xe, bị mù màu khi dùng thức uống có cồn (không thể phân biệt được tín hiệu đèn giao thông)… Khi là một đối tác tốt, không ai nỡ ép bạn uống khi dùng những lý do này.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, lý do “không biết uống rượu” sẽ không được chấp nhận. Cách tốt nhất là bạn hãy cầm trên tay nước lọc, nước ngọt… trong suốt buổi.

Ngoài ra, nếu bản thân đã không biết uống hoặc không muốn dùng đồ có cồn, lời khuyên hữu ích nhất là hẹn đối tác ở nơi không có sự có mặt của rượu.

Cuối cùng, nếu bạn đang làm việc ở công ty quá xem trọng việc nhậu là kỹ năng sống, cách tốt nhất là nhảy việc, tìm nơi chú trọng nhân tài.

Không “học” nữa, mệt rồi

Không riêng gì chàng trai Hoàng Linh không thiết tha việc học kỹ năng mềm là nhậu. Nhiều người không muốn trói buộc mình vào tư duy “biết nhậu mới làm nên chuyện”, “nhậu là cách giúp chúng ta duy trì mối quan hệ”…

Tiến Minh (27 tuổi, Cần Thơ) là trợ lý “sếp lớn” của một công ty truyền thông tại TP.HCM. Ngoài công việc văn phòng hàng ngày, anh chính là người thường xuyên đi với sếp trong những buổi hẹn, tiệc tùng với các công ty khác.

Theo Minh, nhiều người cho rằng trợ lý sếp lớn là công việc trong mơ, lương cao, ăn ngon, thậm chí được sếp đề cử, dễ thăng tiến. Nhưng theo anh, nghề nào cũng có nỗi khổ riêng, anh cũng vậy.

Những buổi tăng ca tiệc tùng cùng sếp, những lần về đến nhà trong tình trạng say khướt, đầu óc choáng váng, sáng hôm sau lại phải dậy sớm đi làm… khiến anh sợ hãi và nghĩ đến công việc khác.

“Ngày trước, mình cũng nghĩ làm trợ lý ‘sướng lắm’, cũng nghe lời người đi trước ‘học’ nhậu, nâng cao tửu lượng… Đến khi làm công việc này, đồng nghĩa với việc bạn đang bán sức khỏe”.

Tiến Minh kể sau 3 năm liên tục uống rượu, thức khuya dậy sớm, anh gặp nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh acid trào ngược dạ dày chữa mãi không khỏi, mặt lúc nào cũng trong tình trạng ửng đỏ vì cao huyết áp.

“Tôi cũng sợ rồi, không muốn học nhậu gì nữa đâu”, Minh nói.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , , ,