Nhận thức nghệ thuật và sự tái hiện thế giới hiện thực

Nhận thức là một quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào trong bộ óc con người, đó không phải là sự phản ánh thụ động, giản đơn về hiện thực khách quan, mà là sự phản ánh mang tính tích cực, năng động và sáng tạo.

Nhận thức nghệ thuật và sự tái hiện thế giới hiện thực

Marx viết: “ý niệm chẳng qua chỉ là cái vật chất được đem chuyển vào trong óc con người và được cải biến đi ở trong đó”. Tư tưởng này cũng được Lenin khẳng định: “… Nhận thức là sự phản ánh giới tự nhiên bởi con người. Nhưng đó không phải là một sự phản ánh đơn giản, trực tiếp hoàn chỉnh, mà là một quá trình cả một chuỗi nhưng sự trừu tượng, sự cấu thành, sự hình thành ra các khái niệm các quy luật”.

Nghệ thuật là một hình thức nhận thức, nên nó cũng mang bản chất của nhận thức chung. Song nhận thức nghệ thuật còn là một hình thức đặc thù. Nó phản ánh thế giới và nhận thức thế giới hiện thực bằng tổng hợp cảm xúc, bằng cấu trúc trí nhớ, bằng tưởng tương, hư cấu và tái hiện thế giới hiện thực. Với tư cách là hình thức nhận thức đặc thù, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong hoạt động nhận thức chung, bởi khi tác động đến phương thức nhận thức chung nghệ thuật có khả năng cung cấp khả năng riêng cho sự phát triển nhận thức chung bằng các khía cạnh khác, trong đó có một khía cạnh quan trọng là “tái hiện thế giới hiện thực”. Khi nói đến đặc trưng của cái đẹp, trong tác phẩm “Siêu hình học” của mình, Aristotle cho rằng: “… Những hình thái chủ yếu của cái đẹp là trật tự (trong không gian), là tính tương xứng và cả tính chính xác…”. Mặt khác, khi diễn đạt tư tưởng của mình về “Thuyết bắt chước”, Aristotle cũng khẳng định: Điều thứ nhất: bắt chước thuộc về bản chất của con người thời thơ ấu và con người khác với những động vật khác là ở chỗ con người có nhiều khả năng bắt chước hơn cả, nhờ đó mà nó thu thập được những kiến thức đầu tiên. Điều thứ hai: những sản phẩm của sự bắt chước đã đem lại điều thích thú cho con người. Tư tưởng đó của Aristotle khẳng định rằng, sự thích thú thẩm mỹ không phải là một cái gì mơ hồ ở thế giới các ý niệm hay ở thế giới siêu nghiệm, mà là sự quan tâm rất thực tế của con người mong muốn đạt tời sự nhận thức, rằng nghệ thuật là một trong những loại hoạt động nhận thức của con người.

Trong thời kỳ Phục Hưng, lý thuyết bắt chước đã trở thành nguyên lý phân tích nghệ thuật phổ biến, và sự hưng thịnh của hình thức hội hoạ trong nghệ thuật thời kỳ này là sự biểu hiện đầy đủ nhất tính thuyết phục của nguyên lý bắt chước. Chính nguyên lý này đã làm cơ sở cho chủ nghĩa duy vật của mỹ học. Tư tưởng coi nghệ thuật như là một sự tái hiện thế giới hiện thực của chủ nghĩa duy vật thời kỳ này đã góp phần xây dựng nên quan niệm cơ bản đúng đắn về đặc trưng phản ánh của nghệ thuật sau này. Đúng đã sử dụng phương pháp logic loại suy để bảo vệ và phát triển nguyên lý bắt chước ở thời kỳ Khai Sáng, ông coi đó là nguyên lý phản ánh với tính cách là cơ sở của bản chất hoạt động nghệ thuật. Đến thế kỷ thứ XIX, sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề này gắn liền với sự hình thành của chủ nghĩa hiện thực trong đó tiêu biểu là tư tưởng mỹ học của Chernyshevsky. Khi phân tích quan hệ thẩm mỹ đôi với đời sống hiện thực, Chernyshevsky cho rằng: ” Nghệ thuật không chỉ là những sản phẩm tạo ra thế giới của những khoái cảm thẩm mỹ, nó còn là một phương tiện quan trọng đối với việc nhận thức cuộc sống. Ngay cả Hêgen trong “Những bài giảng mỹ học” của mình cũng đã báo trước rằng: nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa cần phải đề phòng sự tìm tòi hình thức chủ nghĩa “cái thiên tài thần linh” kiêu ngạo, cũng như phải đề phòng sự mô phỏng thuần tuý, tỉ mỉ thuần tuý, tỉ mỉ về hiện thực.

Bản chất nhận thức của nghệ thuật lần đầu tiên được mỹ học Marx – Lenin giải quyết một cách triệt để khoa học. Marx đã khẳng định nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội đặc thù Luận điểm cơ bản của triết học Marx – Lenin là phương thức sản xuất vật chất quy định các quá trình xã hội, chính trị và tinh thần của toàn bộ đời sống xã hội nói chung. Khi chỉ ra và phân tích các quá trình hình thành các quan hệ thẩm mỹ từ các quan hệ lợi ích gắn với quá trình phát triển lao động và việc tạo ra của cải vật chất, đồng thời tạo ra đời sống tinh thần của con người. Marx viết: “Thông qua sự phong phú về tính cảm quan chủ quan của con người mới phát triển một phần, thậm chí là lần đầu tiên mới sản sinh ra lỗ tai thính âm nhạc, con mắt thấy cái đẹp của hình thức. Nói tóm lại là những cảm giác có khả năng về sự thụ hướng có tính người và sự khẳng định như một lực lượng bản chết của con người”.

Là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, nghệ thuật phản ánh thế giới hiện thực bằng các hình tượng trong tính toàn vẹn, bảo đảm sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, với hình thái đặc trưng là tính cảm tính. Tác động của nghệ thuật vào hoạt động nhận thức cũng thể hiện một cách đặc thù dưới nhiều hình thức khác nhau của đời sống tinh thần con người, trước hết với tính cách là sự tái hiện thế giới hiện thực trong hoạt động thẩm mỹ và trong nghệ thuật. Tính đặc thù của sự phản ánh hiện thực trong nghệ thuật được thể hiện thông qua quá trình con người đồng hoá thế giới bằng phương thức thẩm mỹ và được thể hiện tập trung nhất trong hoạt động nghệ thuật.

Phương thức tái hiện thế giới hiện thực trong nghệ thuật cũng được Engen viết như sau: “Theo ý tôi, ngoài chi tiết hiện thực, chủ nghĩa hiện thực còn đòi hỏi một sự tái hiện chân thực những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”. Lý luận phản ánh của Lenin – cơ sở phương pháp luận khoa học để nghiên cứu mối quan hệ biện chứng giữa con người và thế giới khách quan trong quá trình con người nhận thức và biến đổi thế giới cùng với tư tưởng của Engen đã nói lên rõ ràng một trong những đặc trưng nổi bật của nhận thức nghệ thuật. Sự phản ánh thế giới hiện thực chính là sự tái hiện thế giới đó trong tầm hiểu biết của con người, vấn đề là sự tái hiện nghệ thuật không phải là “chân thực” y nguyên, mà là sự khái quát những cái chân thực ngoài cuộc sống thành cái điển hình, thành mô hình có khả năng cải biến thế giới.

Bản chất của hoạt độ nó nhận thức của nghệ thuật với tư cách là sự tái hiện thế giới hiện thực một cách đặc thù có thể xem như một loại phản ánh – một loại hoạt động bằng cách mô hình hoá ý tưởng thành những “sự vật”, “nhân vật”… Thực chất mô hình hoá nghệ thuật được thể hiện như sự xây dựng lại (tái tạo) một cách sinh động, tạo ra những “cái tương tự”, “những hình ảnh”, những “bức tranh”, những “con người” về hiện thực, nhưng những cái tương tự, những hình ảnh, những bức tranh, những con người này sống theo lý tưởng mà loài người mong muốn – sự hoàn thiện Chân – Thiện – Mỹ. Sự xuất hiện hình thức mô hình hoá, nhất là những khả năng mô hình hoá này là do toàn bộ lịch sử lâu dài hết sức phong phú và sinh động của loài người quy định. Do đó, thế giới các hình ảnh, mô hình do sự mô hình hoá (tái hiện) chính là hệ thống lý tưởng mang trong nó kinh nghiệm nhận thức của con người, cũng như kinh nghiệm phát triển của văn hoá, văn minh.

Từ những bức tranh hang động thời tiền sử ở Pháp, Tây Ban Nha, những bức tượng xuất hiện ở thế kỷ thứ II trước công nguyên cho đến biết bao kiệt tác nghệ thuật trong hầu hết các loại hình khác nhau trong đại dương mênh mông của nghệ thuật hiện đang được trưng bày ở các bảo tàng, cung điện, quảng trường… tất cả nói với chúng ta về một thế giới vô tận tài năng sáng tạo của con người. Nhưng ở khía cạnh chúng ta đang bàn ở đây – sự tái hiện thế giới hiện thực – nói lên hùng hồn cốt lõi xuyên suốt sự phát triển tri thức, phát triển khả năng nhận thức thế giới của loài người từ góc độ thẩm mỹ, góc độ nghệ thuật.

Sự chiếm hữu thế giới bằng thẩm mỹ của nghệ thuật được tái hiện dưới nhiều hình thức phong phú trong tất cả các trường lịch sử, xã hội, văn hoá ở đó ẩn tàng nhiều khả năng nhìn nhận ra cái đã biết, cái đã hiểu, đồng thời đưa ra và định hướng một cách nhìn nhận mới, một cách hiểu mới, cách nhận thức mới. Những nghiên cứu sự tái hiện nghệ thuật trên cơ sở nghiên cứu hoạt động ý thức con người khi phản ánh thế giới hiện thực thông qua hình tượng nghệ thuật trên cơ sở lý luận phản ánh của Lenin, ta thấy có sự khác biệt với các loại phản ánh khác. Trong lý luận phản ánh, Lenin khẳng định: Nhận thức là một quá trình từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Giai đoạn đầu của quá trình nhận thức sử dụng các hình thức cảm giác, tri giác, biểu tượng. Thông qua nhận thức cảm tính, chủ thể hình thành kinh nghiệm sống và tri thức kinh nghiệm.

Trong sự phản ánh có tính cảm tính đó, con người liên hệ chủ yếu với thế giới hiện tượng chứ chưa có khả năng nhận thức được cái bản chất, cái quy luật của hiện thực khách quan. Người ta chỉ có thể nhận thức được cái bản chất, cái quy luật khách quan ở giai đoạn thứ hai của quá trình nhận thức – tư duy trừu tượng. Đặc điểm cơ bản của tư duy trừu tượng là sự loại bỏ cái không cơ bản, cái thứ yếu và khái quát những mặt, những đặc trưng cơ bản nhất của sự vật. Khái niệm là hình thức cơ bản nhất của tư duy trừu tượng. Trong khi phản ánh nghệ thuật là phản ánh bằng hình tượng (không khái niệm). Điều đó không có gì mâu thuẫn trong khả năng nhận thức của nghệ thuật.

Thực ra hình tượng nghệ thuật là sự tổng hợp cả tình cảm và lý trí, cảm tính và lý tính. Cái cảm tính của phản ánh nghệ thuật không phải là phản ánh bề ngoài, hiện tượng, mà là cảm tính của tri thức, của lý trí bậc cao. Khác với tri giác, biểu tượng, khái niệm, với tính cách là hình thức tái hiện hiện thực, hình tượng nghệ thuật không bị quy vào một hình thức phản ánh hay một giai đoạn nào của quá trình nhận thức. Phản ánh hình tượng gắn bó hết sức chặt chẽ, thống nhất, biện chứng giữa tình cảm và lý trí mà đặc trưng quan trọng nhất là xúc cảm. Marx đã từng khẳng định: “Con người khẳng định mình trong thế giới vật thể không chỉ bằng tư duy mà còn bằng tất cả các xúc cảm”. Sự tái hiện thực đặc thù thế giới phải được thể hiện ở đặc trưng phương pháp khái quát riêng của nghệ thuật cũng như tác dụng riêng của nó đối với xã hội. Phương pháp khái quát bằng những hình tượng cảm tính, cụ thể vừa toàn vẹn, sinh động lại vừa độc đáo.Trong sự chiếm hữu thế giới thẩm mỹ của mình, nghệ thuật có những đặc điểm chung làm cho nó một mặt có những nét giống với các hình thức nhận thức khác. Nhưng mặt khác, phản ánh hình tượng nghệ thuật còn bao hàm những tính chất riêng chỉ nó có.

Sức mạnh tiềm ẩn của nghệ thuật thể hiện trong hình tượng cô đặc xúc cảm, lý trí, mang tính trực tiếp và “chính xác” về hiện thực đã được nghệ sĩ tạo dựng thông qua việc kết,tụ kinh nghiệm nhân loại. Cấu trúc hình tượng nghệ thuật đó hướng vào cảm quan của người cảm thụ để thể hiện, diễn cẩm làm rung động tâm hồn người cảm thụ. Về đặc điểm này, Lenin từng nói: “Nắm lấy cái sống động chính là sức mạnh của nghệ sĩ”. Sức truyền cảm và năng lực phổ cập của nghệ thuật có khả năng tổng hợp, truyền thụ các “tri thức” của các lĩnh vực muôn màu muôn vẻ của đời sống những gì mà vốn sống, tri thức, kinh nghiệm, thế giới quan, nhân sinh quan… do chủ thể sáng tạo người tái hiện nghệ thuật tích tụ được trong cuộc sống của mình.

Trình độ hiểu biết toàn diện, vốn sống, văn hoá, tri thức, thị hiếu, lý tưởng xã hội và thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ, tài năng nghệ thuật của chủ thể sáng tạo… là nền tảng đem lại sự tái hiện cao hay thấp, rộng hay hẹp, do đó tác phẩm nghệ thuật có khả năng nhận thức sâu sắc hay nông cạn thế giới hiện thực của nghệ thuật.

Với tính cách là sự tái hiện thế giới hiện thực, trong quan hệ với nhận thức của con người, nghệ thuật vừa là phương tiện nhận thức, vừa là phương tiện giao tiếp giữa tác giả với công chúng, giữa cá nhân với dân tộc, nó vừa là sự thưởng ngoạn, vừa là vũ khí cải tạo cuộc sống tinh thần và thực tiễn mạnh mẽ.

Theo ĐÀO DUY ANH / TẠP CHÍ TRIẾT HỌC

Tags: ,