Nhận diện những hiểu lầm lớn về tâm lý học

Tâm lý học là chủ đề đang được rất quan tâm, đặc biệt khi xã hội đang có sự chuyển dịch bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Robot đã thay thế con người được rất nhiều việc, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng chứng minh được rất nhiều lợi thế. Và tâm lý dần trở thành một xướng mới, với rất nhiều người đang lựa chọn tâm lý học làm lĩnh vực theo đuổi trên con đường sự nghiệp của mình.

Nhận diện những hiểu lầm lớn về tâm lý học

Nguồn: https://www.verywell.com/myths-about-psychology-2795594

Tâm lý học thường dễ bị hiểu sai theo nhiều cách. Đa phần là vì mọi người không có nhiều kiến thức và trải nghiệm trực tiếp với ngành khoa học này. Đối với nhiều người, họ tiếp xúc với lĩnh vực tâm lý học lần đầu là trong các môn học đại cương tâm lý hồi ở đại học. Cũng không có gì ngạc nhiên khi có rất nhiều quan niệm sai lệch – thậm chí chỉ là sai ngay cả ở câu hỏi cơ bản như: Tâm lý học là gì?

Dưới đây chỉ là một số ít những hiểu lầm thường thấy nhất.

Hiểu lầm 1: Tâm lý học rất dễ!

Đây có lẽ là hiểu lầm đầu tiên và nó biến mất ngay khi sinh viên khổ sở với các môn tâm lý học đại cương. Tại sao lại có nhiều người lầm tưởng tâm lý học là bộ môn đơn giản và dễ dàng? Nguyên nhân có thể là do nhiều người có xu hướng cho rằng vì bản thân có nhiều trải nghiệm cá nhân với hành vi của những người xung quanh nên cho rằng mình bản thân đã là chuyên gia trong lĩnh vực này.

Rõ ràng là không ai nghĩ đạt điểm A tiếng Anh là một việc dễ dàng chỉ bởi bản thân đang nói tiếng Anh. Nếu như Tiếng Anh là một môn không dễ nhằn với cả những người bản xứ thì tâm lý học cũng vậy, đặc biệt là đối với những người có ít trải nghiệm với ngành học này hoặc những ai có lượng kiến thức nền căn bản hạn chế trong một số môn như Toán và Khoa học.

Điều may mắn ở đây là mặc dù tâm lý học là môn khó nhằn nhưng không có nghĩa là ta không thể tiếp cận nó, nếu ta thực sự muốn.

Mặc dù tốc độ lĩnh hội ở mỗi người là khác nhau nhưng bạn hoàn toàn có thể thành công trong các môn tâm lý học bằng nỗ lực và quyết tâm của mình.

Hiểu lầm 2: Tâm lý học là thứ mà ai cũng biết

Khi nghe về những nghiên cứu tâm lý mới nhất, người ta thường phản ứng “Đương nhiên là vậy rồi!”, “Có gì lạ đâu! Tại sao người ta lại phí hoài thời gian nghiên cứu mấy thứ mà ai cũng biết vậy nhỉ?” – nhiều người thốt lên.

Thật vậy sao? Thử chọn một cuốn sách liệt kê các thí nghiệm nổi tiếng nhất trong lịch sử tâm học mà xem. Bạn sẽ phát hiện các nghiên cứu này phản bác lại những thứ được xem là “hiển nhiên”, những điều mà ai cũng biết vào thời điểm đó. Bạn nghĩ mình có chủ động gây sốc điện lên một người bạn không hề quen biết chỉ vì có một ông cán bộ nào đó yêu cầu bạn làm? Theo như những gì mà bạn nghĩ thì theo lẽ thông thường không có ai lại làm chuyện ác độc như vậy, nhưng nhà tâm lý học Stanley Milgram đã chứng mình điều ngược lại bằng chính thí nghiệm nổi tiếng của mình về sự phục tùng.

Đó chính là những điều bạn nghĩ “ai cũng biết” – một thứ gì đó trông có vẻ đúng không phải lúc nào cũng đúng. Các nhà nghiên cứu có thể đặt ra một số câu hỏi và giả định về hành vi của con người và kiểm nghiệm chúng bằng khoa học, đánh giá mức độ đúng sai của một số tín niệm mà ta vẫn đang nghĩ là điều hiển nhiên. Thông qua các phương pháp khoa học, việc khảo nghiệm các vấn đề này đã và đang được tiến hành một cách công bằng và khách quan.

Hiểu lầm 3: Có bằng cử nhân là có thể trở thành nhà tâm lý trị liệu

Để hành nghề tâm lý trị liệu, bạn ít nhất phải có một bằng thạc sĩ một trong các nhóm ngành sau: tâm lý học, tư vấn, công tác xã hội, hoặc điều dưỡng viên tâm thần cao cấp. Cơ hội trong ngành sức khỏe tâm thần dành cho những người có bằng cử nhân thì khá nhiều, những những vị trí dạng như vậy chỉ được xem ở mức nhập môn. Bạn không thể hành nghề trị liệu tư chỉ với bằng cử nhân.

Bạn cũng cần hiểu thuật ngữ “nhà tâm lý học” là một thuật ngữ được qui định rõ ràng. Để trở thành một nhà tâm lý học, bạn cần có bằng tiến sĩ tâm lý học, hoàn thành một khóa thực tập có người hướng dẫn và vượt qua một kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề.

Hiểu lầm 4: Các nhà tâm lý học chỉ ngồi nghe người khác kể chuyện cũng kiếm được bộn tiền

Cũng có một số nhà tâm lý học được trả thù lao khá cao. Tuy nhiên quan điểm học chỉ ngồi một chỗ, ghi chú nguệch ngoạc lên giấy note câu chuyện của thân chủ mình có thể quá xa rời thực tế. Phương thức trị liệu truyền thống thông qua hình thức trò chuyện chỉ là một kỹ thuật có thể được áp dụng, và đây hoàn toàn không phải là một quá trình thụ động như người ta vẫn tưởng. Trong suốt các phiên trò chuyện này, các nhà điều trị luôn chủ động lắng nghe thân chủ, đặt ra câu hỏi, đưa ra lời khuyên và giúp thân chủ tìm ra cách giải quyết trong thực tiễn đời sống.

Các nhà tâm lý học thường làm việc trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp và đảm đương các trọng trách hết sức đa dạng. Lương bổng cũng có sự chênh lệch lớn. Một số làm việc trong mảng chăm sóc sức khỏe tâm thần và tập trung vào công tác chăm sóc bệnh nhân rối loạn tâm lý, nhưng một số lại làm việc trong các mảng như kinh doanh, chính phủ hoặc nghiên cứu.

Tại Mỹ, mức lương thấp nhất cho các công việc liên quan đến tâm lý học dao động từ $20,000 – $30,000, trong khi mức cao nhất có thể đạt tới từ $100,000 – $250,000. Tùy theo chuyên môn, nền tảng học vấn và số năm kinh nghiệm mà mức lương sẽ có sự biến động.

Hiểu lầm 5: Tâm lý học không phải một ngành khoa học thực sự

Một hiểu lầm phổ biến khác về tâm lý học đó chính là nó không phải là một ngành khoa học thực thụ. Đầu tiên, hay thử xem xem nó chính xác có phải là một ngành khoa học hay không.

Một vài đặc điểm mấu chốt của một ngành khoa học:

– Sử dụng các phương pháp dựa trên kinh nghiệm.
– Các nhà nghiên cứu kiểm soát và điều khiển các biến trong nghiên cứu.
– Tính khách quan.
– Cho phép kiểm chứng giả thiết.
– Kết quả có thể được sao chép.
– Các kết quả nghiên cứu cho phép các nhà khoa học dự đoán sự lặp lại của hiện tượng trong tương lai.

Như bạn cũng có thể thấy, tâm lý học dựa trên tất cả những phương pháp này để tìm hiểu hành vi của con người và động vật. Các nhà nghiên cứu tận dụng các phương pháp khoa học để thực hiện các các nghiên cứu, cũng có nghĩa họ sẽ kiểm soát và xác định các biến trong nghiên cứu. Họ có thể kiểm chứng các giả thiết khác nhau và phân tích số liệu để xác định xem liệu kết quả như vậy có thể nào là do ngẫu nhiên hay không. Các nhà tâm lý học cũng sẽ trình bày kết quả nghiên cứu của mình làm sao để các nhà nghiên cứu khác cũng có thể lặp lại thí nghiệm và các phương pháp trong tương lai.

Tâm lý học có thể xem là một ngành khoa học trẻ trong vô vàn các ngành khoa học khác, nhưng nó là một ngành khoa học thực sự. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngành tâm lý vẫn còn nhiều hạn chế. Hành vi con người có thể biến động và thay đổi theo thời gian, vậy nên cái đúng ở một thời điểm và một nơi nhất định không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được trong những thời điểm khác, hoàn cảnh khác, những nền văn hóa khác, hoặc những xã hội khác.

Theo LINDANGA.COM

Tags: