Nhạc Tây có hơn nhạc ta?

Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, một nền âm nhạc dân tộc đa dạng, phong phú nhiều sắc thái địa phương, hiện đang bị đẩy lùi vào bóng tối bởi sự xâm nhập của âm nhạc nước ngoài với sức nhu cầu ồ ạt đang bột phát ở giới trẻ.

Nhạc Tây có hơn nhạc ta?

Âm nhạc là sự cấu tạo âm thanh để làm đẹp tai, làm rung cảm lòng người. Khi cho rằng nhạc này hơn nhạc kia là không thực tế. Âm nhạc là sản phẩm của một xã hội, tiếng nói của dân tộc, dân tộc nào đã phát sinh ra nó, nghe nó dĩ nhiên là cảm thấy thấm thía.

Một số người Việt, bởi chịu ảnh hưởng của văn hóa Âu Mỹ nên ít mặn mòi với nhạc Việt, cho rằng nhạc Việt không hấp dẫn bằng nhạc Âu Mỹ, chẳng những không khuyên khích mà còn không tán thành con em học nhạc Việt với lý do là học cái nhạc này không được người ta trọng vọng, khó sống, vì bài bản ghi chép thô sơ không rõ ràng, lối giảng dạy thì là truyền khẩu, truyền ngón khó tiếp thu.

Còn nhạc âu Mỹ thì là hợp âm (accord), hòa âm (harmonique), nhạc khí bóng láng, trông sang mà đẹp, giàn nhạc có nhiều người điều khiển, bài bản ghi chép chính xác, người học nhìn vào bản nhạc là đàn được, việc giảng dạy có lớp lang dễ hiểu, dễ học, học nhạc này dễ hái ra tiền, có nhiều hy vọng được xuất ngoại, đi nước này nước nọ.

Thiết nghĩ, Đông hay Tây, âm nhạc là sự cấu tạo âm thanh để làm đẹp tai, làm rung cảm lòng người. Khi cho rằng nhạc này hơn nhạc kia là không thực tế. Âm nhạc là sản phẩm của một xã hội, tiếng nói của dân tộc, dân tộc nào đã phát sinh ra nó, nghe nó dĩ nhiên là cảm thấy thấm thía.

Nhìn chung, trong nhạc Việt đa dạng và phong phú, nhiều nhạc khúc tinh vi, nhưng có điều là chưa được khai thác đúng mức thiếu sáng tạo cho có hệ thống hầu đạt được cái chân thiện mỹ.

Nhạc truyền thống Việt Nam tương tự như nhạc truyền thống Ấn độ, châu Phi, bài bản chỉ ghi chép cái sườn, còn những yếu tố khác như là điệu thức, tiết tấu, trường độ, cường độ, làn hơi, màu âm là dành cho người nhạc sĩ. Giả sử bài bản được ghi chép rõ ràng, việc truyền dạy qua truyền ngón, truyền khẩu vẫn không nên thiếu. Mục đích chính của ông thầy là truyền cho học trò cái hồn, cái tinh thần của bản đàn, không biến học trò thành “con két“, chỉ biết “nhại lại” đúng những gì thầy truyền dạy.

Luật tiến hóa là luật của văn minh. Con người ngày càng văn minh, lối suy nghĩ, nếp sống, tâm tư nguyện vọng, sở thích, đòi hỏi phải có những điều mới lạ, âu đó cũng là điều bình thường. Âm nhạc cũng không nằm ngoài quy luật thay cũ đổi mới. Nếu cứ khư khư giữ lại cái xưa thì ấy là giáo điều, là bảo thủ là nệ cổ. Sự nối tiếp giữu quá khứ và hiện tại là rất cần thiết. Điều này không có nghĩa là theo mới nới cũ. Mặc dù không rập khuôn với truyền thống mà vẫn không tách rời với bản sắc dân tộc.

Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, một nền âm nhạc dân tộc đa dạng, phong phú nhiều sắc thái địa phương, hiện đang bị đẩy lùi vào bóng tối bởi sự xâm nhập của âm nhạc nước ngoài với sức nhu cầu ồ ạt đang bột phát ở giới trẻ.

Thắng kẻ địch ở chiến trường , tuy có gian nan nhưng hãy còn dễ hơn là trên mặt trận văn hóa. Một dân tộc mất đi nền văn hóa của chính mình ví như người có xác mà không hồn.

Ai ai cũng nhìn nhận nhu cầu tất yếu là bảo tồn, bảo vệ và giữ gìn kho tàng nghệ thuật dân tộc mà cha ông đã dày công sáng tạo và thể nghiệm và lưu lại cho chúng ta nhưng vấn đề bảo tồn, hay bảo vệ sao cho hiệu quả, thì chỉ thấy nói qua loa và thực tế đã cho thấy hiện nay sự hiểu biết của người Việt nhất là giới trẻ rất mơ hồ, chưa thấy được cái hồn và tầm quan trọng của nó

Nghệ thuật chung, trách nhiệm chung. Mỗi người một quan điểm, mỗi nhận thức, mỗi cách bảo tồn, bảo vệ phát triển. Sự đóng góp của mỗi người tuy có khác nhưng việc làm của mỗi người đều được đời sau tôn vinh khi có một ý nghĩa nào đó với nghệ thuật dân tộc.

Trong tương quan quốc tế hiện nay, giao lưu văn hóa là một trong những nhịp cầu ngắn nhất để các dân tộc được gần gũi, hiểu biết nhau, học hỏi lẫn nhau trên những khía cạnh đặc thù của mỗi dân tộc.

Theo NGUYỄN VĨNH BẢO / VIETNAMNET

Tags: ,