⠀
Nhà văn Nga Mikhail Sholokhov: Vĩ đại từ những trang viết đầu tiên
Mikhail Sholokhov đã bắt tay vào viết bộ tiểu thuyết trường thiên “Sông Đông êm đềm” khi ông mới 21 tuổi. Chỉ sau đó gần nửa năm, ngày 28/3/1927, tập đầu tiên của bộ sách đã được hoàn thành. Ở phía trước còn những năm tháng dài và đầy chông gai để “Sông Đông êm đềm” trở thành tượng đài vĩnh cửu của Sholokhov và nền văn học Nga thế kỷ 20. Solokhov đích thực là một thần đồng của văn học.
Và ông đã vĩ đại ngay từ những trang viết đầu tiên, mặc dù lúc đó, hiếm ai đã hiểu ra ngay được điều này. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, ông không hề bị chế độ Xô viết bạc đãi mặc dù con đường sáng tạo của ông không bằng phẳng.
Ngay từ năm 34 tuổi (1939), Sholokhov đã được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Solokhov đã hai lần được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô (1967, 1980). Sông Đông êm đềm (1928-1940) được trao giải thưởng Nhà nước năm 1941 và sau này, năm 1965, đã mang lại cho ông giải thưởng Nobel Văn chương.
Tiểu thuyết Đất vỡ hoang (1932-1960) được trao giải thưởng Lênin năm 1960. Ông cũng là tác giả của cuốn tiểu thuyết dang dở nhưng vẫn được đánh giá cao Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc (các chương riêng lẻ được in vào các năm 1943-1944, 1949, 1954, 1969)…
Tất cả những ai từng gặp Sholokhov đều có những ấn tượng đặc biệt về ông. Nhà văn Nga Feliks Chuyev đã kể về một lần được Sholokhov mời tới nhà trong chuyến tới quê hương nhà văn tham dự cuộc gặp giữa ông với các cây bút trẻ không chỉ riêng của Liên Xô mà còn của một số nước xã hội chủ nghĩa anh em khác trong hai ngày 13 và 14/6/1967 như sau:
“- Bà lão nhà tôi mời cậu tới nhà uống cà phê, – tôi nghe thấy Sholokhov nói.
Khi ấy, Maria Petrovna (vợ của Sholokhov – PA) đang đứng cạnh nhưng bà không nói gì. Sau này tôi mới biết qua những người đồng hương của Sholokhov rằng, đó là phần thưởng lớn nhất mà ông dành cho những tác giả trẻ.
– Cứ coi như cậu đã được nhận giải thưởng mang tên Sholokhov!
Ở thời điểm đó chưa có giải thưởng này, nhưng bù lại, có Sholokhov còn sống.
Và chúng tôi đã tới ngồi bên một cái bàn dài mà trên đó bày đủ thứ, chỉ trừ cà phê.
Khi đãi khách, Sholokhov gần như không uống rượu. Chỉ cần ông hơi vươn tay về phía cái ly là ngay lập tức Maria Petrovna đang ngồi ở bên cạnh và rất cảnh giác quan sát mọi việc đã đẩy ngay ly rượu ra xa. Nhưng rồi Sholokhov nói lời chúc rượu:
– Như anh bạn Sasha Fadeyev (Aleksandr Fadeyev, tác giả Đội cận vệ thanh niên – PA) từng nói, chúng ta cùng uống chúc cho những người phụ nữ tuyệt vời!
Rồi ông mau mắn nâng ngay ly rượu lên và làm một hơi hết liền. Vợ ông đã không kịp trở tay…
– Ôi, nếu không có Masha (cách gọi thân mật cái tên Maria – PA), – ông nói tiếp, – thì hẳn tôi đã không thể hoàn thành được Sông Đông êm đềm. Bởi lẽ gia tộc Melekhov, đó chính gia tộc của bà ấy.
Hai người đã cưới nhau năm 18 tuổi, và chắc hẳn người con gái rượu của một đầu lĩnh Kozak khi quyết định gắn duyên phận với cậu trai nghèo Minia Sholokhov đã phải chịu không ít cản trở! Cha mẹ lúc đó tất nhiên là đã phản đối kịch liệt. Và những đoạn đời sau này cũng đâu có yên ả gì – lúc thì ở sát miệng vực, lúc lại ở đỉnh cao vinh quang thế giới…
Rồi Sholokhov đã được mẹ vợ ủng hộ khi bà nhận thấy ở chàng con rể trẻ trung có mầm mống tài năng văn học. Nhà vợ khi đó có một quán nước mà những lữ hành người Kozak hay dừng chân nghỉ lại. Mẹ vợ Sholokhov đã hóng chuyện để xem bàn khách nào có điều thú vị nhất để cho con rể tới ngồi cùng. Chính tại đấy Sholokhov đã thu thập được những ngôn từ và cách diễn đạt giàu màu sắc Kozak nhất…
Tôi đã từng gặp ở vùng sông Đông những còn nhớ chuyện Sholokhov đã mài mòn đũng quần trong Viện Bảo tàng Novocherkask để nghiên cứu các tư liệu lưu trữ. Nhiều người đã ngạc nhiên không hiểu nổi tại sao ông ở tuổi 22 đã có thể viết được phần đầu bộ trường thiên vĩ đại của mình? Thực ra thì chính ở lứa tuổi đó các thiên tài đã viết ra những tác phẩm lớn nhất của mình.
Tuy nhiên, những hoài nghi về quyền tác giả của ông đã xuất hiện trong những năm 1930. Sholokhov kể rằng, để xác minh sự thật đã có cả một ủy ban do bà Nadezhda Konstantinovna Krupskaya (vợ Lênin – PA) làm Chủ tịch, và ông đã phải mang tới cho họ xem hàng va li bản thảo. Thậm chí đã từng có một phiên tòa mà tại đó đã xuất hiện tới 6 người tự xưng là tác giả của Sông Đông êm đềm…
Theo cách nhà văn kể chuyện có thể thấy rõ rằng ông đã quá chán cái cảnh suốt đời cứ phải đi chứng minh rằng ông không phải là lạc đà… Đã từng không chỉ một lần bùng phát những đại dịch dối trá chống lại quyền tác giả của ông – bộ tiểu thuyết và tình huống xuất hiện của nó có quá nhiều chi tiết khó ngờ. Và phải mất mấy chục năm các máy tính mới xác định được: tác giả của Sông Đông êm đềm chính là Sholokhov. Ông kể chuyện mãi rồi phẩy tay:
– Các bạn ạ, tôi là một nhà văn giỏi đấy chứ!
– Việc này thì cả thế giới đều biết, thưa Mikhail Aleksandrovich!
– Không, các bạn vẫn chưa hiểu, tôi chính là người viết Thảo nguyên xanh đấy…
Ông tặng cho từng người trong số chúng tôi một tập truyện ngắn Những câu chuyện sông Đông của ông. Trước đấy tôi chưa chú ý tới Thảo nguyên xanh nhưng khi về nhà thì tôi đã đọc ngay 8 trang vẻn vẹn của tác phẩm văn xuôi thiên khải này. Như một người chuyên nghiệp Sholokhov dĩ nhiên là tự hào với truyện ngắn đã được ông viết từ năm 21 tuổi này. Chẳng cần ông phải viết thêm gì nữa nhưng với nó, ông chắc chắn đã được nói tới như một nhà văn giàu triển vọng…”.
Để tránh những phiền toái do Sông Đông êm đềm gây nên ở quê hương, năm 1938, Sholokhov đã tìm đường lên Moskva và tá túc tại nhà của Fadeyev. Dĩ nhiên là Fadeyev và Sholokhov đã liên tục uống rượu. Khi Stalin gọi hai người lên gặp để tìm hiểu kỹ hơn tình hình và cứu Sholokhov, cả hai nhà văn đều toát ra nồng nặc mùi rượu. Nhà văn Chuyev kể tiếp:
“Trong phòng làm việc, Stalin đi đi lại lại quanh Fadeyev và Sholokhov, ngửi ngửi rồi hỏi:
– Sao các anh lại uống nhiều rượu thế?
– Đồng chí Stalin ạ, đời dở thế mà không uống thì làm sao mà niềm nở được?! – Sholokhov trả lời.
– Thế trận rượu này của hai anh đã kéo dài bao lâu?
– Một tuần ạ, thưa đồng chí Stalin! – Fadeyev thú nhận.
– Tôi đề nghị Bộ Chính sẽ rút ngắn một trận rượu của hai đồng chí Sholokhov và Fadeyev xuống còn ba ngày. Để bốn ngày khác hai đồng chí còn làm việc chứ! – Stalin nửa đùa nửa thật kết luận.
Chính nhờ Stalin nên tập cuối cùng, tập bốn, của bộ Sông Đông êm đềm mà trước đó đã bị coi là tiểu thuyết ủng hộ lực lượng địa chủ (Kulak) đã được xuất bản. Có biên tập viên từng đề nghị Sholokhov biến Grigory Melekhov thành Chủ tịch nông trang, nhưng ông từ chối:
– Dẫu sao, chỉ có tôi mới là người viết Sông Đông êm đềm chứ không phải các anh!
Nghe chuyện, Stalin nói luôn:
– Không nên kết án tác phẩm văn học, chỉ có thể tranh luận về nó mà thôi.”
Năm 1941, Sông Đông êm đềm đã được trao giải thưởng Stalin hạng nhất cùng với Con đường đau khổ của Aleksey Tolstoi…
Sholokhov kể với các nhà văn trẻ:
“Năm 1942, Stalin hỏi tôi: Remarque (nhà văn Đức Erich Maria Remarque – PA) cần bao nhiêu thời gian để viết xong Phía Tây không có gì lạ? Tôi đáp: Ba năm ạ!
– Thế thì anh cũng chỉ cần ba năm để viết một tiểu thuyết về chiến thắng của nhân dân ta trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Solokhov nói:
– Ông ấy nêu ra thời hạn ấy có thể là tình cờ nhưng cũng có thể đã tiên đoán trước được ngày kết thúc chiến tranh. Và đúng là sau đó ba năm, năm 1945, tôi đã hoàn thành phương án đầu tiên của bộ tiểu thuyết này.
Sau này tôi đã có những cuộc gặp gỡ với tướng Lukin (Trung tướng Mikhail Lulin, người từng chỉ huy trong những trận chiến bảo vệ Moskva năm 1941, từng bị bắt làm tù binh nhưng đã xử sự rất quả cảm trong nhà giam của kẻ thù, được truy phong Anh hùng Liên Xô sau khi mất – PA) và những cuộc trò chuyện với ông ấy đã khiến tôi nhìn lại về rất nhiều điều.” Và khi ấy Sholokhov đã muốn trực tiếp gặp Nguyên soái Georgi Konstantinovich Zhukov. Nhưng do khi ấy Zhukov bị ốm nên đã không thể gặp nhà văn.
Và Sholokhov đã mất rất nhiều thời gian để viết Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc. Công nhân ở nhà máy lớn Rostselmash mời ông tới giao lưu. Ông định đọc cho họ nghe một chương mới trong tiểu thuyết này. Trước khi tới nhà máy, ông đọc lại những trang bản thảo đã viết. “Sao mình lại viết kém thế nhỉ!” – ông thốt lên rồi ném tập bản thảo vào trong tủ.
Và ông yêu cầu thư ký gọi điện thoại tới Rostselmash xin lỗi vì ông không thể tới được… Cả đời viết ở tầm cao đã có là một việc làm không thể, nhưng ông lại không muốn hạ thấp tầm của mình đi…
Lãnh tụ Stalin rất quan tâm tới nhà văn. Trong chiến tranh ngôi nhà của Sholokhov ở quê hương đã bị quân Đức phá hủy. Chính vì thế nên sau chiến tranh chính Stalin đã chỉ thị cho thuộc cấp xây dựng một ngôi nhà mới cho nhà văn ở chính nơi ở cũ. Và sau đó nhiều năm có đại diện của chính quyền đã yêu cầu Sholokhov phải thanh toán chi phí xây dựng ngôi nhà đó. Cho đến nay vẫn còn bức điện tín mà Sholokhov gửi cho nơi đòi tiền ông:
“Tôi nợ thì đúng quá!
Nhưng còn lâu mới trả.
Nếu mà cứ cố đòi,
Thì chỉ được con… òi!”
Chữ cuối cùng trong bức điện tín nguyên bản bằng tiếng Nga được ghi đầy đủ cả ba chữ cái…
Tất cả những khoản tiền có được nhờ các giải thưởng Stalin và giải thưởng Lênin, Sholokhov đều tặng lại cho đồng hương của mình để xây dựng đường sá và trường học. Ông chỉ giữ lại cho cá nhân số tiền có được nhờ giải Nobel vì ông muốn dùng số tiền đó để đi du lịch nước ngoài.
Khi trao cho Sholokhov giải Nobel Văn chương năm 1965, vua Thụy Điển nói rằng, giải thưởng này tới với Sholokhov hơi bị muộn nhưng chưa quá muộn đối với nhà văn lớn nhất thế kỷ 20.
Theo nghi lễ, Sholokhov phải cúi xuống chào nhà vua nhưng ông lại mỉm cười và nói:
– Tâu bệ hạ, những người Kozak sông Đông thậm chí trước cả đức vua của chính mình cũng không cúi chào!
Không ai nhớ tên vị vua đã trị vì Tây Ban Nha thời Serventes sống nhưng bây giờ ai cũng biết tới Don Kihote. Và hậu thế rồi cũng biết tới Sông Đông êm đềm…
Những ngày cuối đời, Sholokhov rất đau yếu. Ông lúc đó chỉ còn nặng 46 cân. Người nhà muốn đặt ông ngồi trên ghế cũng không được vì lưng không chịu nổi. Buổi chiều, ông xin một điếu thuốc để hút. Và đêm tới, ông đã lặng lẽ ra đi vào cõi vĩnh hằng. Đó là đêm 21/2/1984. Khi đó ông ở tuổi 79 (Sholokhov sinh ngày 11/5/1905).
Theo PHƯƠNG ANH / AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Văn học, Văn hóa Nga, Mikhail Sholokhov