Nguy cơ tiêu vong của Phật giáo ở Nhật Bản

“Nếu Phật giáo Nhật Bản không hành động ngay bây giờ, nó sẽ chết dần. Chúng ta không thể đủ khả năng để chờ đợi. Chúng ta phải làm điều gì đó”.

Nguồn: Buddhism In Japan May Be Dying Out, Norimitsu Onishi, The New York Times, 2008.

Biên dịch: Minh Trí Trần Kim Long.

Người Nhật từ lâu đã thực hiện một cách tiếp cận dễ tính đến tôn giáo. Chẳng hạn như tại chùa Phật giáo họ gióng những tiếng chuông để tiễn đưa năm cũ , và vài giờ sau đó, tại đền thờ Thần Đạo, họ nghênh đón năm mới. Đám cưới họ lại dễ dàng tổ chức theo nghi lễ Thần Đạo, hoặc Kitô giáo.

Tuy nhiên, khi nói đến đám tang, người Nhật có truyền thống Phật giáo không thể thay đổi, đến mức độ thường được gọi là “Tang Lễ Phật giáo”. Những dịch vụ về tang lễ và tưởng niệm là độc quyền của Phật Giáo.

Nhưng biểu hiện đó đã mô tả về một tôn giáo chỉ để phục vụ nhiều nhu cầu của người chết hơn là với những người sống, và đang mất dần chỗ đứng của mình trong xã hội Nhật Bản.

“Đó là hình ảnh của Phật Giáo tang tóc: Rằng nó không đáp ứng nhu cầu tinh thần của dân chúng”, lời ông Ryoko Mori, vị lãnh đạo ngôi chùa Zuikoji 700 năm tuổi ở miền Bắc Nhật Bản. “Trong đạo Hồi hay đạo Thiên Chúa, họ tổ chức giảng thuyết về những vấn đề tâm linh. Nhưng ở Nhật Bản ngày nay, rất ít nhà sư Phật giáo làm điều đó”, ông nói.

Ông Mori, 48 tuổi, vị trụ trì thứ 21 của ngôi chùa, cũng không dám chắc liệu nó sẽ còn được tồn tại vào nhiệm kỳ thứ 22.

Ông nói, “Nếu Phật Giáo Nhật Bản không hành động ngay bây giờ, nó sẽ chết dần. Chúng ta không đủ khả năng để chờ đợi. Chúng ta phải làm điều gì đó. “

Ở khắp Nhật Bản, Phật giáo phải đối mặt với một các vấn đề của sự giao thời. Nhiều người quen thuộc với các tôn giáo thịnh hành trong các quốc gia giàu có, chỉ có một số ít là có đức tin ở Phật giáo.

Việc thiếu người thừa kế sư trụ trì làm tổn hại những chùa do các gia đình điều hành trên toàn quốc.

Trong khi Phật giáo đang suy giảm ở các khu vực đô thị, thì nông thôn, là cơ sở vững mạnh của tôn giáo, dân số đang bị giảm sút, các Phật tử già nua dần chết đi mà mức sinh sản thì lại thấp.

Nghiêm trọng hơn, Phật giáo đang mất dần vị thế của mình trong ngành tang lễ, và ngày càng nhiều người Nhật Bản đang chuyển sự lựa chọn sang nhà tang lễ hoặc là không muốn tổ chức đám tang nữa.

Trong những thế hệ kế tiếp, nhiều chùa ở nông thôn dự định sẽ đóng cửa, mang theo nhiều thế kỷ lịch sử của địa phương vào dĩ vãng và tác động thêm vào các thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra ở nông thôn Nhật bản.

Tại thị trấn Oga, trên một bán đảo cùng tên, nằm ven biển Nhật Bản tại tỉnh Akita, các nhà sư Phật Giáo đang tìm kiếm lời giải cho bài toán về dân số và kỹ nghệ đánh cá địa phương đang bị mai một.

“Không phải thổi phòng khi nói rằng dân số chỉ còn khoảng một nửa so với thời cực thịnh và số lượng các doanh nghiệp cũng đã giảm một nửa”, lời ông Giju Sakamoto, 74 tuổi, vị trụ trì thứ 91 của ngôi chùa cổ nhất ở Akita là Chorakuji,  được sáng lập khoảng năm 860. “Với thực tế đó, việc nhấn mạnh rằng chúng ta có một tôn giáo và có một lịch sử lâu dài nhất tại Akita nghe như một câu chuyện cổ tích. Thật là vô nghĩa”, ông nói.

“Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng nơi này không còn hy vọng”, ông Sakamoto chia sẻ tại ngôi chùa của mình, xây trên đỉnh một mỏm núi nhìn xuống một ngôi làng ven biển.

Để tồn tại, ông Sakamoto đã bỏ công sức của quản lý một nhà dưỡng lão và một ngôi chùa mới ở ngoại ô thành phố Akita đang phát triển. Tuy nhiên, ngôi chùa đó chỉ có 60 hộ gia đình là thành viên Phật tử kể từ khi nó được lập ra một vài năm trước đây, cách xa con số 300 hộ được cho là cần thiết để một ngôi chùa có thể duy trì tài chính.

Trong nhiều thế kỷ, một ngôi chùa Phật giáo thường được lưu truyền từ đời cha sang con trai cả, phục vụ một số Phật tử cố định, hiếm khi có sự cải đạo. Với 300 hộ gia đình Phật tử cần phục vụ, sư trụ trì của ngôi chùa và vợ của ông lúc nào cũng bận rộn.

Theo thông tin của cơ quan Văn Hoá Nhật Bản, không chỉ số lượng các ngôi chùa ở Nhật Bản đang suy giảm, còn 85,994 trong năm 2006 từ 86,586 trong năm 2000, mà số phật tử ở các chùa cũng đã giảm sút.

“Chúng tôi phải tìm thêm việc làm khác vì việc làm ở riêng ngôi chùa là không đủ”, Bà Kyo Kon, 73 tuổi, vợ vị sư trụ trì tại chùa Kogakuin, một ngôi chùa với 170 Phật tử cho hay. Bà từng làm việc tại một trung tâm chăm sóc ban ngày trong khi chồng bà làm việc ở một văn phòng quy hoạch đất đai của địa phương.

Không xa Doshoji, một ngôi chùa mà số thành viên đã giảm đến 85 hộ gia đình người cao tuổi, sư trụ trì Jokan Takahashi, 59 tuổi, đã phải đối mặt với một vấn đề quen thuộc với hầu hết các tiểu doanh nghiệp ở Nhật Bản: Tìm ra một người kế vị.

Con trai của ông đã trải qua việc đào tạo để trở thành một thầy tu Phật giáo, nhưng Takahashi có vẻ không muốn nhận ngôi chùa. “Con trai tôi lớn lên không biết gì ngoài việc của chùa, và nói với tôi là đã cảm thấy không tự do”, ông giải thích rằng con trai của ông, bây giờ 28 tuổi, đang làm việc tại một công ty ở thành phố gần đó. Con tôi yêu cầu tôi để cho anh ta được tự do, khi nào tôi còn làm việc, và nói rằng nó sẽ trở lại tiếp nhận chùa khi 35 tuổi.

“Nhưng xét trong tương lai, áp lực một người trẻ tuổi để tiếp nhận một ngôi chùa như thế này có thể là độc ác”, ông Takahashi cho biết, sau khi dẫn du khách đi xem căn phòng quan trọng nhất của ngôi chùa, một buồng bên trong với những ngăn tủ gỗ nơi cất giữ di cốt của tổ tiên các Phật tử của ngôi chùa.

Vào một buổi sáng gần đây, ông Mori, vị sư của ngôi chùa cổ 700 năm, bắt đầu một ngày với chuyến viếng thăm một hộ gia đình trồng lúa nhân kỷ niệm 33 năm về cái chết của người ông nội. Lạy trước bàn thờ của gia đình, ông Mori đã cầu nguyện và đọc kinh. Sau đó, ông lại đến lễ tại hộ gia đình khác, để kỷ niệm lần thứ 7 về cái chết của ông nội của họ.

Ngày càng có nhiều người Nhật, đặc biệt là ở các vùng đô thị, cố tránh những truyền thống. Nhiều người không còn thuộc về nhà chùa và sử dụng nhà tang lễ khi thân nhân của họ chết. Các nhà tang lễ của Phật giáo cung cấp các vị sư cho các đám tang. Theo một báo cáo năm 2007 của Hiệp hội Người tiêu dùng Nhật Bản, chi phí trung bình của một đám tang, không bao gồm các lô đất nghĩa trang là 21,500 USD, trong đó 5,100 USD là dịch vụ được thực hiện bởi một nhà Sư Phật giáo.

Gữa thập niên 1980, hầu hết người Nhật tổ chức các đám tang tại nhà hoặc tại chùa, với nhà sư Phật giáo địa phương đóng vai trò chính.

Nhưng sự chuyển sang nhà tang lễ đã tăng rất nhanh trong thập niên qua. Năm 1999, 62% cư dân vẫn tổ chức đám tang ở nhà hay ở chùa, trong khi 30% đã chọn nhà tang lễ, theo Hiệp hội Người tiêu dùng. Nhưng trong năm 2007, mọi thứ đã đảo ngược, với 28% chọn đám tang ở nhà hay ở chùa, và 61% chọn nhà tang lễ.

Ngoài ra, một số lượng ngày càng tăng của người Nhật đã quyết định hỏa táng người thân của mình mà không tổ chức tang lễ. Noriyuki Ueda, một nhà nhân chủng học tại Viện Công nghệ Tokyo và một chuyên gia về Phật giáo đã cho biết: “Do đó, các vị sư và ngôi chùa Phật giáo sẽ không còn được tham gia vào đám tang”.

Ông Mori, vị sư ở bài này, nói rằng vào thời hậu chiến nhiều người đã mong muốn cho đám tang ngày càng sang trọng với những Pháp danh. Những danh hiệu này với cấp bậc cao nhất theo truyền thống được trao cho những người đã có thành tựu và được kính trọng trong cuộc sống. Ngày nay thì danh hiệu có thể được mua bán bất người chết đã từng sống một cuộc sống như thế nào.

“Binh lính, đặc biệt là những người đã hy sinh cho đất nước, sẽ được ban cho Pháp danh. Sau này, tất cả mọi người đều muốn có một Pháp danh, và vì thế giá cả tăng lên đáng kể. Cuộc sống mọi người được khá giả hơn, do đó, mọi người đều muốn một danh hiệu”, ông Mori nói.

“Nhưng điều đó đã gây cho chúng tôi một hình ảnh xấu”, ông nói thêm rằng giá của tên cao quí nhất tại Akita vào khoảng 3,000 USD, mặc dù đó chỉ là một phần nhỏ so với giá ở Tokyo.

Thật vậy, hình ảnh đó cho thấy tính chất thương mại trong các đám tang và dịch vụ tưởng niệm. Lệ phí không được thu theo quy định mà thường theo quyết định của gia đình, và các thân nhân người quá cổ thường hành xử khá hào phóng. Tiền được bàn giao trong bao thư, và biên lai thì không có. Các chùa, với tư cách là một tổ chức tôn giáo, không phải đóng thuế.

Để xóa đi một phần nào hình ảnh xấu này, Kazuma Hayashi, một vị sư 41 tuổi, không có một ngôi chùa của riêng mình, cho biết là ông thành lập một công ty, Obohsan.com (obohsan có nghĩa là Sư), vào ba năm trước tại một vùng ngoại ô Tokyo. Công ty phân phối các vị sư Phật giáo đến đám tang và các dịch vụ khác, tách ra khỏi nhà tang lễ và người trung gian khác.

Giá cả, ít nhất là thấp hơn một phần ba mức trung bình, được liệt kê rõ ràng trên trang web của công ty. Và giảm giá 10 phần trăm cho các thành viên.

“Chúng tôi thậm chí còn đưa ra biên lai”, ông Hayashi nói.

Ông Hayashi cho rằng thay vì tách rời Phật tử Nhật ra khỏi nguồn cội tâm linh của mình, việc kinh doanh của ông đã thu hút được nhiều người hơn vì giá cả của nó thấp hơn. Các Pháp danh cao cấp nhất giá vào khoảng $1,500, một giá quá rẻ.

Ông Hayashi cho biết về những Pháp danh cao quí nhất : “Ban đầu, tôi biết rằng, đó không phải là giá trị tiêu biểu của Phật giáo, nhưng đó là một thương hiệu mà khách hàng của chúng tôi lựa chọn. Một số thực sự muốn nó, nghĩa là có một ham muốn mạnh mẽ, và chúng tôi bắt buộc phải đáp ứng”.

Sau khi xin lỗi về những lý tưởng Phật giáo lạc lối, ông Hayashi cho biết ông đã bán cho khách hàng của mình Pháp danh cao quí nhất với một cảnh báo: “Thật sự, bạn phải nhận thức có sự khác biệt giữa khi đi vào một cửa hàng ở thị xã và mua một túi xách Gucci với việc mua một Pháp danh cao quí nhất”.

Theo THỜI SỰ PHẬT PHÁP / THE NEW YORK TIMES

Tags: , ,