⠀
Người Hung Nô: Từ bộ lạc du mục đến đế chế hùng mạnh uy hiếp Trung Hoa
Là bộ lạc du mục sống rải rác ở những vùng sa mạc hoang vu phía Bắc, song người Hung Nô từng có thời lập nên một đế chế hùng mạnh nhờ sự lãnh đạo của một vị thủ lĩnh kiệt xuất.
Hung Nô là tên gọi chung chỉ các bộ lạc du mục ở khu vực Trung Á thời kỳ cổ đại. Địa bàn sống của họ chủ yếu tại các khu vực thuộc miền nam Siberia, miền tây Mãn Châu và các tỉnh, khu tự trị ngày nay của Trung Quốc là Nội Mông, Cam Túc và Tân Cương.
Nguồn gốc dân tộc này cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn, do phần lớn những gì chúng ta biết được về người Hung Nô chủ yếu đến từ các tư liệu lịch sử bằng tiếng Hán. Sử ký của Tư Mã Thiên thì cho rằng người Hung Nô là các hậu duệ của con trai của vua Kiệt – vị vua cuối cùng của nhà Hạ – triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, do những khác biệt và xung đột nội bộ nên họ đã di tản lên cư trú ở những vùng thảo nguyên phía bắc:
Suốt thời Xuân Thu – Chiến Quốc, Hung Nô vẫn là những bộ lạc liên kết lỏng lẻo với nhau, dưới sự cai trị của các tộc trưởng gọi là thiền vu. Sau khi nhất thống Trung Nguyên, Tần Thủy Hoàng đã gấp rút xây dựng Vạn Lý Trường Thành, đồng thời cử các tướng lĩnh bắc phạt, đẩy lui các bộ lạc Hung Nô đến tận các vùng lãnh thổ xa xôi, sát biên giới với nước Nga hiện nay.
Trong hơn một thập kỷ, người Hung Nô không hề gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với phương Nam. Nhưng điều này đã thực sự thay đổi khi các bộ lạc Hung Nô ở phương Bắc được thu về một mối dưới sự lãnh đạo của Mặc Đốn – vị thiền vu vĩ đại nhất trong lịch sử.
Thống lĩnh Hung Nô
Mặc Đốn thiền vu (Modu Chanyu, sinh vào khoảng 234 trước CN) là con trai cả của thiền vu Đầu Mạn. Ngay từ nhỏ, Mặc Đốn đã sớm thể hiện tư chất gan dạ và dũng cảm, được cho là người sẽ kế vị cha mình trong tương lai. Song thiền vu Đầu Mạn (Touman Chanyu), vì sủng ái một người vợ bé và con trai của người này, nên đã rắp tâm phế trưởng lập thứ bằng việc đưa Mặc Đốn đến làm con tin cho bộ tộc Nguyệt Chi.
Theo sử liệu từ Trung Quốc, Đầu Mạn đã phát động chiến tranh với bộ tộc Nguyệt Chi để trừ khử chính con trai của mình. Nhưng do đã dự cảm từ trước về một điều chẳng lành, Mặc Đốn đã tranh thủ vào đúng đêm Đầu Mạn tấn công vào lãnh thổ của Nguyệt Chi để đánh cắp một con ngựa và chạy về Hung Nô.
Đầu Mạn thiền vu thấy Mặc Đốn đột nhiên trở về thì như ngồi trên đống lửa, nhưng ngoài mặt, ông vẫn khen con trai mình dũng cảm và giao cho chỉ huy một đội kỵ binh 10.000 quân. Mặc Đốn hiểu rõ mưu gian của cha mình nhưng vẫn tỏ ra không biết gì.
Nắm được binh lực trong tay, Mặc Đốn dùng kỷ luật thép để huấn luyện đội kỵ binh trở thành những chiến binh trung thành, răm rắp tuân theo lệnh thủ lĩnh. Ông sáng tạo ra một tấm lệnh bài gọi là “minh đích”, và ra lệnh cho quân sĩ hễ chỉ “minh đích” vào đâu thì phải nhất loạt bắn tên vào đó, sai lệnh sẽ chém không tha.
“Mặc Đốn lấy minh đích tự bắn con ngựa tốt của mình, tả hữu có kẻ không dám bắn, Mặc Đốn bèn chém kẻ không bắn ngựa tốt. Được mấy chốc, lại lấy minh đích tự bắn người vợ yêu của mình, tả hữu có vẻ sợ, không dám bắn, Mặc Đốn lại chém kẻ đó. Được mấy chốc, Mặc Đốn ra săn, lấy minh đích bắn con ngựa tốt của thiền vu, tả hữu đều bắn con ngựa đó.”
Tư Mã Thiên – Sử Ký |
Một lần nọ, Đầu Mạn thiền vu rủ con trai đi săn bắn bên ngoài. Chớp được dịp ngàn vàng để ra tay, Mặc Đốn mang theo thủ hạ bám theo sau, và chờ đúng thời cơ để ra lệnh “minh đích” bắn vào Đầu Mạn thiền vu. Chỉ trong chớp mắt, Đầu Mạn Thiền Vu chỉ kịp thét lên một tiếng thì toàn thân đã dính đầy tên chi chít như lông nhím. Hạ thủ được cha mình, Mặc Đốn ngay lập tức giành lấy ngôi thiền vu, trở thành bá chủ Hung Nô thống lĩnh toàn bộ khu vực phía bắc rộng lớn.
Chinh phạt thảo nguyên
Biết tin Mặc Đốn lên ngôi, bộ tộc Đông Hồ muốn dò xét thực lực của Hung Nô thế nào, nên đã liên tục phái xứ giả sang bắt Mặc Đốn phải nộp nhiều cống phẩm quý như ngựa chạy ngàn dặm từ thời thiền vu Đầu Mạn, đến cả các vợ bé của mình. Mặc Đốn bề ngoài tỏ ra nhún nhường, quy phục những yêu sách trên, song đã ngấm ngầm chuẩn bị lực, chuẩn bị chinh phạt Đông Hồ.
Được một thời gian, Đông Hồ lại sai sứ đến xin được lấy một khoảng đất không người ở, rộng ngàn dặm ở giữa lãnh thổ Hung Nô. Có được cái cớ để động binh, Mặc Đốn bèn họp các bầy tôi, tuyên bố: “Đất là cái gốc của nước, sao lại cho nó!” và chính thức phát động chiến tranh.
Người Đông Hồ lúc trước coi nhẹ Mặc Đốn nên chủ quan, không kịp sắm sửa binh mã. Nhờ đó, đội quân thiện chiến của Hung Nô dễ dàng đại phá Đông Hồ, bắt được vô số người và gia súc đem về nước.
Thừa thắng, Mặc Đốn tiếp tục đem quân chinh phạt và đánh bại các bộ tộc Nguyệt Chi, Lâu Phiền ở phía Nam, thu hồi lại hết phần lãnh thổ mà nhà Tần cưỡng chiếm trước kia, thậm chí đánh đến tận phần lãnh thổ phía Nam sông Hoàng Hà, sát với lãnh thổ của người Hán. Người Hán bấy giờ đang lâm vào cuộc nội chiến giữa Hạng Vũ và Lưu Bang, nên hoàn toàn bất lực trước sự tung hoành của quân Hung Nô.
Cho đến năm 203 TCN, Mặc Đốn đã chinh phạt hoặc thu phục toàn bộ các bộ lạc du mục ở phương Bắc dưới quyền lãnh đạo của Hung Nô, mở rộng lãnh thổ của mình đến một mức độ lớn chưa từng có từ trước đến nay. Người Hung Nô sau 1.000 năm lang bạt giờ đã hình thành nên một đế chế hùng mạnh, trở thành đối thủ của các triều đại Trung Hoa suốt một thời gian dài sau đó, thậm chí có lúc còn lấn lướt, uy hiếp.
Theo DÂN VIỆT
Tags: Trung Hoa cổ, Thế giới cổ đại, Hung Nô