⠀
Nghe lại những giai điệu bất tử từ cuộc Cách mạng Tháng Tám
Ngày 19/8/1945, các lực lượng khởi nghĩa từ mọi ngả kéo tới quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), họ vừa đi vừa hát vang những bản hành khúc cách mạng, tiếng hát khởi đầu một cuộc cách mạng trời long đất lở…
Tác giả: Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.
Khi lệnh tổng khởi nghĩa lan ra từ Đại hội Quốc dân Tân Trào, Hà Nội là nơi thực hiện sớm nhất. Ngay chiều 17/8/1945, tại quảng trường Nhà hát Lớn, lá cờ đỏ sao vàng to rộng được thả từ trên bao lơn Nhà hát xuống hòa cùng với bài “Tiến quân ca” đã được tấu lên bằng chiếc đàn acmonium, dưới những ngón tay tài hoa của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu.
Sáng ngày 19/8/1945, các lực lượng khởi nghĩa từ mọi ngả kéo tới quảng trường Nhà hát Lớn, họ vừa đi vừa hát vang những bản hành khúc cách mạng. Giai điệu hào hùng của những bản hành khúc này như một chất keo gắn chặt, liên kết các đám đông tạo thành một sức mạnh lớn lao như sóng triều lên, chiếm lĩnh dinh lũy thực dân, đập tan xiềng xích nô lệ. Ngoài những bài hát do chính quần chúng sáng tác kịp thời trong những ngày rung chuyển của Cách mạng tháng Tám, có 8 hành khúc thường xuyên được vang lên trong không khí sôi sục của một thời khắc lịch sử.
Đầu tiên phải kể đến hành khúc “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu. Bản hành khúc như nhắc lại quá khứ hào hùng của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm xưa: “Cùng nhau đi hồng binh, đồng tâm ta đều bước, đừng cho quân thù thoát, ta quyết chí hy sinh…” Bản hành khúc bất tử này đã được nhạc sĩ Hoàng Vân tái hiện dưới hình thức hợp xướng mang tên “Hồi tưởng” vang lên nhân dịp Quốc khánh 2/9/1960 kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ấn tượng nhất vẫn là hành khúc “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao. Hành khúc được ông viết từ cuối 1944, đã lan truyền lên chiến khu và trong những chiến sĩ hoạt động bí mật ở Hà Nội. Trong ngày 19/8/1945, “Tiến quân ca” đã vang vang trên mọi ngả đường Thủ đô. Khi ấy, “Tiến quân ca” đã được Đại hội Quốc dân ở Tân Trào chọn làm bài ca chính thức của Mặt trận Việt minh.
Một hành khúc khác cũng của Văn Cao, được viết cùng thời gian với “Tiến quân ca” và cũng được Đại hội Quốc dân xem xét để bầu chọn làm bài ca chính thức của mặt trận Việt Minh, là hành khúc “Chiến sĩ Việt Nam”. Trong những ngày đầu cách mạng, “Chiến sĩ Việt Nam” cũng vang vang cùng “Tiến quân ca”: “Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường, quân xung phong, nước Nam đang chờ…”
Bên cạnh những bài ca hào hùng ấy là hành khúc “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi. Hành khúc “Diệt phát xít” hòa chung vào những bài hát chống phát xít của toàn thế giới. Tác phẩm được Nguyễn Đình Thi viết ra cùng thời Văn Cao viết “Tiến quân ca” và “Chiến sĩ Việt Nam”. “Diệt phát xít” cũng được đưa ra là một trong ba hành khúc để bầu chọn bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh tại Đại hội Quốc dân, nhưng về đề tài, như Bác Hồ nói, họa phát xít đã qua, bởi vậy, Đại hội đã chọn “Tiến quân ca”. Song “Diệt phát xít” vẫn vang lên trong ngày Hà Nội khởi nghĩa, rồi trở thành nhạc hiệu hằng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Một hành khúc nữa cũng được hát vang trong những ngày đầu cách mạng, mang hơi thở mới từ chiến khu lan về. Đó là hành khúc “Du kích ca” của Đỗ Nhuận. Bài hát được Đỗ Nhuận viết đầu năm 1945 tại nhà tù Sơn La, khi anh em tù chính trị bí mật cùng nhau tập quân sự trong những lúc ra rừng làm lao dịch. Khi Đỗ Nhuận cùng anh em vượt ngục Sơn La, ông về Hà Nội và mang theo hành khúc này. “Du kích ca” vì thế cũng được phổ biến bí mật trong những chiến sĩ hoạt động ở Thủ đô. Và đến những ngày Hà Nội đứng lên, nó đã vang vọng giữa những khối người xuống đường: “Anh em trong đoàn quân du kích, cùng vác súng lên nào! Đi lên! Xung phong! Xuyên qua rừng qua núi, qua mây mờ đêm tối, vượt suối băng ngàn…”
Có hai hành khúc của Lưu Hữu Phước cũng được hát vang trong những ngày này ở Hà Nội, đó là “Tiếng gọi thanh niên” và “Lên đàng”.
Hai hành khúc này được lan truyền từ những thanh niên trí thức đã từng tham gia phong trào “Tổng hội Sinh viên” từ mấy năm trước. “Tiếng gọi sinh viên”, theo Lưu Hữu Phước kể, thì đó chính là bài ca khởi nghĩa mà ông đã viết ra trong niềm hứng khởi của cao trào cách mạng nhân sự gợi ý của các ông Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng: “Này thanh niên ơi! Tiến lên đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng nhau, ta đi sá gì thân sống…” Còn hành khúc “Lên đàng” được Lưu Hữu Phước viết ra trong những ngày “xếp bút nghiên” tại Hà Nội, lên đường trở về Nam: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng…” Khi hai hành khúc này vang lên trong ngày khởi nghĩa ở Hà Nội, thì tác giả đang bận rộn cùng anh em “thanh niên tiền phong” ở Sài Gòn và bài hát cũng âm vang trong những ngày Sài Gòn khởi nghĩa một tuần sau đó.
Song đặc biệt hơn cả là một hành khúc của những ngày ấy đã đi vào bất tử, được viết ra vào đúng ngày 19/8/1945. Đó là “19 tháng 8” của nhạc sĩ Xuân Oanh.
Ngày hôm đó, trong đoàn người khởi nghĩa hướng từ Văn Điển về Hà Nội, cảm xúc thăng hoa của ngày lịch sử này đã khiến cho Xuân Oanh vừa đi vừa nhẩm giai điệu của một bản hành khúc mới. Câu chuyện kỳ lạ này có gì đó giống như tác giả viết ra hành khúc “Mác-xây-e” trong cuộc cách mạng 1879 ở Pháp. Xuân Oanh cứ thế vừa đi vừa nhẩm. Đến khi đoàn người tới Nhà hát Lớn thì bản hành khúc cũng vừa được viết xong trong óc nhạc sỹ. Ngay sau đấy, “19 tháng 8” của Xuân Oanh cũng đã vang lên trên đường phố Hà Nội cùng 7 hành khúc nói trên.
Vậy là đã có 8 hành khúc vang vang âm hưởng cùng những bước chân của đoàn người khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Hà Nội ngày ấy… Giai điệu hào hùng của những bản hành khúc này như một chất keo gắn chặt, liên kết các tầng lớp nhân dân tạo thành một sức mạnh lớn lao như sóng triều lên, chiếm lĩnh dinh lũy thực dân, đập tan xích xiềng nô lệ.
Âm hưởng ấy đã vọng qua hơn 7 thậ kỷ mà như còn mới. Âm hưởng ấy chắc chắn sẽ bất tử qua thời gian để ghi dấu ngày lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh.
Theo BÁO ĐIỆN tỬ CHÍNH PHỦ