Ngày Tết và nỗi buồn về mỹ cảm dân tộc thời nay

Con người thời nay quá dễ dãi xô bồ trong mỹ cảm. Vẻ đẹp cổ điển, vẻ đẹp chân chính mất đi, thay vào đấy là những vẻ đẹp giả tạo cố ý uốn éo chiều nịnh con người. Tình trạng này rồi sẽ trôi nổi đến đâu, thật khó đoán trước.

Ngày Tết và nỗi buồn về mỹ cảm dân tộc thời nay

Nếu biết rằng theo mỹ cảm của phương Đông, cái đẹp bao giờ cũng gần với tự nhiên, con người muốn làm toát ra cái hài hòa thầm kín của sự vật, và lo bộc lộ cho được cái vô hình đang khoe mình trong cái hữu hình… thì cách làm của chúng ta trong những dịp Tết không thể thô thiển, nhất là không thể tô vẽ giả tạo và để mọi thứ phô bày quá lộ liễu như đang thấy.

Ý niệm về vẻ đẹp vốn là một bộ phận hữu cơ trong văn hóa Việt. Cái mỹ cảm ấy có mặt qua những tác phẩm nghệ thuật, khi con người xây một ngôi chùa, sửa soạn một tập thơ, nhấn nhá một nốt nhạc hoặc nói mấy câu đùa bỡn trong một đêm hát chèo.

Và cái mỹ cảm ấy đã bộc lộ ngay trong đời sống bình thường từ cách người ta ăn mặc, chọn chỗ ở chọn kiểu nhà, cho tới bày một mâm thức ăn và cắm một bình hoa. Một cái gì thấp thoáng, không rõ mày mặt đã bao trùm và thấm thía trong lòng người để truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đến mỗi thời đại, mỹ cảm dân tộc lại có những nét mới và tìm ra những phương cách bộc lộ mới.

Thế mỹ cảm của thời ta ra sao ? Đây là cả một đề tài rất rộng. Ở đây, tôi xin phép chỉ dừng lại ở những biểu hiện ngổn ngang xô bồ của ngày hôm nay. Có một vài tìm tòi tùy tiện mà tôi thường bị ám ảnh bởi và thấy là cần phải xem lại.

Từ những cành đào uốn éo …

Trước tiên tôi nhớ tới mấy cây đào mang bán khắp phố phường Hà Nội trong dịp Tết. Những ai Tết đến vẫn đi mua đào hẳn nhận ra hai vẻ đẹp được coi là phổ biến đôi mươi năm nay. Một là những cành đào tròn, nhiều nụ và hoa, lúc nở hết phải nói cứ trạt những hoa là hoa. Hai là những cành và cây tự nhận là đào thế, cành không thẳng mà từ gốc lên uốn cong một hai vòng, người bán khéo tán bảo đó là thế rồng.

Thời gian gần đây, hai vẻ đẹp này dường như được số đông người mua hàng công nhận, nó là một nhân tố phải tính tới để người ta định giá và mặc cả với nhau.

Trong khi ấy, theo chỗ tôi nhớ mấy chục năm trước (tạm tính từ 1960 trở về trước) cách chọn đào của người Hà Nội có khác.

Loại cành đào nở đều tròn xoe, có người nói nôm na là hình cái nơm, hồi ấy đã bán khá nhiều nhưng chính do cái sự quá hoàn mỹ của nó, người kỹ tính không chuộng lắm, cho là chỉ thích hợp với hạng giàu xổi.

Còn đào thế lúc ấy được hiểu là những cành có dáng lạ, bất ngờ, gợi cảm tưởng vững chãi trong giá rét, và chắc chắn là một sự tự nhiên bột phát chứ không do một bàn tay khéo léo nào uốn mãi mà thành.

Trong khi có vẻ phớt lờ vẻ cân xứng hòa hợp theo con mắt thường, những cành đào thế ấy lại có vẻ cân xứng riêng, thật sự độc đáo. Và hoa cũng không cần nhiều, chỉ lưa thưa ít bông thôi, nhưng bông nào ra bông ấy, tươi, bền. Loại đào có thế đẹp như vậy khá hiếm, có khi đi cả chợ mới gặp một cành. Nhưng thà không mua thì thôi, chứ ngày xưa không ai chấp nhận cành đào uốn theo kiểu con giun là đào thế, và người trồng đào có nghề cũng không uốn đào theo kiểu ấy để bán.

…tới lối viết gọi là thư pháp quốc ngữ

Nghệ thuật viết chữ Hán của người Trung Hoa vốn có từ thời Thương Chu, tức vài ngàn năm trước, và liên tục hoàn thiện trong lịch sử. Trong cái việc lướt nhanh ngọn bút lông trên giấy thấm, người ta đã đặt vào đấy nhiều công phu tập luyện và hình thành cho cộng đồng mình một cốt cách vừa chắc thiệt vừa hào phóng mà các dân tộc khác không dễ học theo.

Tôi nhớ là mấy năm trước, một người Trung Quốc đến du lịch đã nhận xét các nhà viết thư pháp của các ông đồ ở ta thời nay thường chỉ lo theo đuổi vẻ đẹp kiểu uốn éo rồng bay phượng múa mà gần như không có ai đạt tới một vẻ đẹp triết học. Một cuộc chơi cao quý không hình thành mà thay vào đó chỉ có sự làm dáng nông nổi.

Gần đây một số người lại xướng ra thư pháp chữ quốc ngữ và triển khai khá rộng. Trên các bàn thờ gia đình. Trên bìa sách. Trên các khẩu hiệu hoặc một số băng quảng cáo. Trong phạm vi một ý kiến riêng, tôi thấy đây là một sự học đòi không có triển vọng. Cách cấu tạo của chữ la tinh quá đơn giản và không có đất cho những tìm tòi sâu sắc. May lắm người ta chỉ chứng kiến ở đấy một cố gắng đi tìm những gì mà mình không có.

Rõ hơn là cái tâm thế khoe khoang, ra cái điều mình yểu điệu duyên dáng lắm đây. Trong phần lớn trường hợp cái kết quả còn lại chỉ là một trò chơi xoàng xĩnh thậm chí tối nghĩa và dễ gây phản cảm. Khi đi mua sách thấy mấy cuốn sử dụng “ thư pháp quốc ngữ” làm bìa là tôi lảng không muốn giở tiếp, bởi e rằng nội dung bên trong cũng hoa mỹ mà cạn cợt như cái phần hình hài bên ngoài.

Những khung cảnh biểu diễn pha tạp

Các điệu hát văn, các bài quan họ… xưa nay vẫn thường được xem như những tinh hoa của nền âm nhạc truyền thống ở Việt Nam. Khi đưa nó đến công chúng, có một nơi thích được người ta dùng làm nền cho các buổi diễn dân ca ấy là khu văn Văn Miếu Hà Nội, ở đấy, ngay trước gian thờ Đức Khổng Tử, có một cái sân khá rộng, có thể trải chiếu rồi bày biện đủ thứ.

Kể ra làm thế cũng nhất cử lưỡng tiện, vừa giới thiệu thêm được Văn Miếu, vừa tạo không khí cho nơi biểu diễn ca nhạc cổ – tôi hiểu ý của những người bố trí chương trình là vậy. Quá lên một chút, có thể coi đây là một sáng tạo trong dàn dựng.

Song cũng đã đôi lúc, trong tôi nảy ra một vài câu hỏi nhỏ: Liệu có thể coi sân Văn Miếu tương tự như bất cứ sân đình nào để rồi lấy làm nền cho các chương trình biểu diễn dân ca, bất chấp nội dung âm nhạc ở đó ra sao? Nếu đây là những bài dân ca ngả sang giọng tình tứ lơi lả, và người biểu diễn phải vận khăn xanh váy tím để tạo không khí, thì có hợp cách? Mang hai cái đẹp khác dòng khác mạch nhau (một bên tôn nghiêm kính cẩn, bên kia khoáng đạt buông thả) để cạnh nhau như vậy, liệu đã ổn về mặt mỹ cảm, nhất là lại làm cái đó trong những ngày tết truyền thống của dân tộc.

Không trở lại quá khứ với bất cứ giá nào

Tìm vẻ đẹp trong quá khứ là một xu thế tích cực. Chỉ tiếc là với nhiều hoạt động thẩm mỹ của người xưa, chúng ta thường mới hiểu một cách đại khái. Nghĩa là chỉ mang máng biết là hình như ông cha làm vậy, rồi biến báo đôi chút cho hợp thời. Từ mấy bài khấn trong đêm giao thừa, những đôi câu đối bày bên bàn thờ gia tiên, cho tới chúc tụng, mừng tuổi, treo một vài bức tranh có giá trị trên tường, chọn nơi biểu diễn ca nhạc… hầu như rất nhiều việc chỉ được làm một cách tự phát, giống như chuyện mấy cành đào uốn theo hình con giun được gọi là đào thế.

Những khi bàn bạc về đào về quất bây giờ, có lúc tôi không dứt nổi ý nghĩ là con người thời nay quá dễ dãi xô bồ trong mỹ cảm. Vẻ đẹp cổ điển, vẻ đẹp chân chính mất đi, thay vào đấy là những vẻ đẹp giả tạo cố ý uốn éo chiều nịnh con người. Tình trạng này rồi sẽ trôi nổi đến đâu, thật khó đoán trước.

Theo VƯƠNG TRÍ NHÀN / VTC

Tags: ,