⠀
Ngày cuối cùng của trùm CIA ở Sài Gòn
Trở lại Sài Gòn, LaGueux (Phó trưởng Văn phòng Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ) nhanh chóng bắt tay vào việc di tản tất cả những nhân viên C.I.A không thật sự cần thiết cùng những tình báo viên người Việt và gia đình của họ mặc dù Đại sứ Mỹ là Graham Martin không muốn cho bất cứ một ai trong tòa đại sứ nói về việc này vì “đó là dấu hiệu của sự bại trận”.
Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn ngày 29/4/1975
Chiến tranh đã đến lúc kết thúc
6 giờ sáng ngày 29-4-1975, Conrad “Connie” Edward LaGueux, Phó trưởng Văn phòng Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (C.I.A) tại Sài Gòn – và đây cũng là cơ quan hải ngoại lớn nhất thế giới của C.I.A với hơn 6.000 nhân viên, tình báo viên, cộng tác viên – bị đánh thức bởi một loạt những tiếng nổ ì ầm của đạn trọng pháo, không rõ được bắn đi từ đâu.
Chụp vội khẩu tiểu liên XM18 dựng ở đầu giường, LaGueux lao xuống đất rồi chợt bật cười khi nhận ra rằng mình đang ở trong một căn phòng an toàn nhất của Đại sứ quán Mỹ, được gia cố bằng bê tông cốt thép kể từ khi 12 đặc công Việt Cộng bất ngờ đánh vào nơi này hồi Tết Mậu Thân 1968. Năm
1944, lúc ấy mới 22 tuổi, LaGueux chỉ huy một nhóm OSS (Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ) gồm 15 người, nhảy dù xuống phía sau phòng tuyến của quân Đức Quốc xã ở Pháp để phối hợp với các lực lượng kháng chiến “Pháp tự do” lãnh đạo bởi tướng De Gaulle, tiến hành các vụ phá hoại đường sắt, kho tàng, sân bay… của quân Đức. Một trong những chiến công nổi tiếng nhất của nhóm LaGueux là đã làm trật bánh một đoàn tàu của Đức, dẫn đến việc đầu hàng hơn 5.800 lính Đức Quốc xã.
Đầu năm 1945, LaGueux và một số thành viên trong nhóm của ông ta được triển khai đến khu vực biên giới Trung Quốc – Miến Điện – Ấn Độ nhằm giúp đào tạo 1 tiểu đoàn lính nhảy dù thuộc quân đội Tưởng Giới Thạch, chiến đấu chống lại phát xít Nhật. Thành tích ấy đã giúp LaGueux nhận được huy chương Ngôi sao đồng.
Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, năm 1947, OSS cải tổ để trở thành Cơ quan Tình báo Trung ương (C.I.A). Năm 1949, LaGueux gia nhập cơ quan này. Nói giỏi tiếng Pháp, LaGueux nhanh chóng giành được vị trí quan trọng trong Ban châu Âu. Tuy nhiên, một đồng nghiệp cũ của LaGueux ở OSS đã thuyết phục ông ta nên chuyển về bộ phận Viễn Đông vì lúc ấy, cuộc chiến tranh xâm lược do người Pháp tiến hành ở Đông Dương – trong đó có Việt Nam đã bước vào giai đoạn quyết định với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đến Sài Gòn năm 1965, LaGueux khởi đầu là một sĩ quan phụ trách phòng thu thập tin tình báo. Chỉ hơn 1 năm, LaGueux nhanh chóng trở nên “nổi tiếng” vì sự phân tích sắc bén cũng như trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề trong bối cảnh bộ máy hành chính của C.I.A vốn có quá nhiều phức tạp. Sau Tết Mậu Thân 1968, LaGueux đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng văn phòng C.I.A tại Sài Gòn.
Tháng 1-1973, Hiệp định Paris ký kết, Quân đội Mỹ viễn chinh rút khỏi miền Nam Việt Nam. Theo nhận định của LaGueux thì “Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chỉ còn tính được bằng năm”. Sau khi tỉnh lỵ Phước Long rơi vào tay Quân Giải phóng, LaGueux nói: “Bây giờ thì còn tính được bằng tháng”. Ngày 10-3-1975, lúc tiếng súng đầu tiên nổ ra, mở màn trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột, một đoạn trong báo cáo gửi về Bộ Chỉ huy C.I.A ở Langley, Mỹ, LaGueux viết: “Họ chỉ còn sống được từng ngày”.
Sáng 18-3-1975, LaGueux nhảy lên một chiếc trực thăng của Hãng Hàng không Air America – thực chất là của C.I.A – và yêu cầu phi công bay lên đường 7, là con đường nối giữa thành phố Pleiku và huyện Cheo Reo, tỉnh Phú Bổn rồi xuống huyện Củng Sơn, Tuy Hòa (nay là tỉnh Phú Yên), nơi mà Quân đoàn 2 quân đội Việt Nam Cộng hòa thực hiện kế hoạch “di tản chiến thuật” theo lệnh của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Theo mô tả của LaGueux, xe vận tải quân sự, xe tăng, xe bọc thép, xe đò của dân, xe gắn máy cùng hàng chục nghìn lính tráng, người dân chen chúc nhau trên con đường đã bỏ hoang nhiều năm.
Nhiều chiếc xe tăng với mục đích tháo thân, đã không ngần ngại cán lên những phương tiện khác để mở đường. LaGueux viết: “Lính Sài Gòn bắn cả vào máy bay của tôi khi họ ra dấu cho tôi đáp xuống để cứu họ mà tôi không xuống. Xác chết la liệt khắp nơi. Tôi hiểu rằng chiến tranh đã đến lúc kết thúc”.
Trở lại Sài Gòn, LaGueux nhanh chóng bắt tay vào việc di tản tất cả những nhân viên C.I.A không thật sự cần thiết cùng những tình báo viên người Việt và gia đình của họ mặc dù Đại sứ Mỹ là Graham Martin không muốn cho bất cứ một ai trong tòa đại sứ nói về việc này vì “đó là dấu hiệu của sự bại trận”.
Theo Đại sứ Martin, một Việt Nam Cộng hòa với diện tích thu hẹp, nhỏ hơn, gồm Sài Gòn và những vùng lân cận xung quanh, cộng với các tỉnh miền Tây Nam Bộ vẫn có hy vọng tồn tại.
Thậm chí nếu điều đó là không thể, Martin cũng không muốn một cuộc di tản diễn ra công khai, ồ ạt vì nó sẽ gây ra hoảng loạn trong dân chúng. LaGueux viết: “Ông Đại sứ vấn muốn duy trì Văn phòng C.I.A ở Sài Gòn, đồng thời hối thúc chúng tôi cố gắng tìm kiếm những kênh thông tin để có thể nói chuyện với đại diện của Hà Nội và của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lúc ấy vẫn đang ở trong trại Davis, sân bay Tân Sơn Nhất nhằm tìm kiếm một giải pháp ngừng bắn.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 4-1975, không một chỉ dấu nào cho thấy họ sẵn sàng ngồi vào bàn thương lượng. Các báo cáo của điệp viên chúng tôi đều khẳng định rằng họ quyết giành chiến thắng bằng một trận tấn công tổng lực cuối cùng”.
Bản nhạc “Giáng sinh trắng” trên đài phát thanh Hoa Kỳ giữa chảo lửa Sài Gòn
Ngày 27-4, Quân Giải phóng bao vây thành phố Sài Gòn, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất khiến nhiều loại máy bay rất khó khăn khi cất, hạ cánh. Hôm sau, 5 máy bay phản lực do phi công Nguyễn Thành Trung chỉ huy lại tiếp tục oanh kích sân bay, 2 quả bom rơi trúng nơi để máy bay của không quân Việt Nam Cộng hòa, phá huỷ 3 máy bay AC-119 và nhiều máy bay C-47.
Hai trái bom nổ giữa trung tâm điều khiển và trạm kiểm soát. LaGueux viết: “Đến lúc này, Đại sứ Martin phải chấp nhận cho chúng tôi tiến hành “Chiến dịch Gió lốc” – là mật danh của kế hoạch di tản người Mỹ cùng những người Việt làm việc cho Mỹ ra khỏi Việt Nam. Ngoài các vận tải cơ C.130, phương tiện chính vẫn là trực thăng của lính thủy đánh bộ và của Hãng Air America, hạ cánh xuống 14 điểm trong thành phố, đưa họ ra các tàu của Hạm đội 7″.
2 giờ 20 phút sáng ngày 29-4-1975, LaGueux có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để theo dõi và chỉ huy cuộc di tản. Đến 4 giờ, những tiếng nổ của pháo phóng loạt 122mm nổ vang, mặt đất rực lên chớp sáng. Một tiếng kêu vang lên từ đài vô tuyến đặt trên bàn làm việc của LaGueux: “Tân Sơn Nhất bị hỏa tiễn 122mm và pháo 130mm bắn phá”.
LaGueux viết: “Tôi vội vã khoác lên người chiếc áo giáp rồi lao ra hành lang. Những người lính Quân cảnh Việt Nam Cộng hòa sợ hãi nằm bẹp dưới đất, dọc theo các lối đi. Một quả 122mm nổ gần chiếc C.130 lúc này đang đậu trên đường băng khiến một phần thân của nó biến thành những mẩu nhôm vụn. Hai quả khác nổ gần trạm kiểm soát khiến hai lính thủy đánh bộ Mỹ là McMahon và Judge chết ngay. Mấy giây sau, một quả nữa nổ ngay sát bức tường tư dinh của tướng Smith, chỉ huy Phái bộ viện trợ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam, hất ông ta văng từ trên giường xuống đất”.
Quay trở lại tòa đại sứ, một sĩ quan dịch tin đưa cho LaGueux bản tin vừa thu được từ một đài phát tin của Quân Giải phóng, trong đó có đoạn tướng Văn Tiến Dũng nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã lập được những chiến công lớn trong những ngày qua, đồng thời kêu gọi tất cả các lực lượng vũ trang với quyết tâm lớn nhất, nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch, giành thắng lợi hoàn toàn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Vài phút sau, bản dịch bức điện được chuyển qua bàn làm việc của Polgar, Trưởng văn phòng C.I.A tại miền Nam Việt Nam. LaGueux viết: “Đến 11 giờ, giờ Sài Gòn, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ phát đi thông báo “nhiệt độ ở Sài Gòn là 105 độ (độ F) và đang tăng lên” rồi tiếp theo là bài hát “Giáng sinh trắng” thì tôi hiểu rằng tất cả đã kết thúc.
Lập tức, tôi ra lệnh cho tất cả những người còn lại tại Văn phòng C.I.A ở Sài Gòn nhanh chóng tìm mọi cách đến 1 trong 14 điểm ở một số nơi trong thành phố mà điểm số 1 là đại sứ quán Mỹ, nơi máy bay trực thăng có thể đáp xuống mái nhà hoặc các bãi đất trống. Bên cạnh đó, tôi ra lệnh cho tất cả phải giữ bí mật về việc ra đi để tránh sự tức giận của những người Việt làm việc cho chúng tôi mà chúng tôi không thể đưa họ đi được”.
Trên lầu 6 tòa đại sứ Mỹ, ngay dưới sân đỗ của máy bay trực thăng, Trưởng văn phòng C.I.A ở Nam Việt Nam là Tom Polgar ngồi trước chiếc máy chữ cũ kỹ. Ông ta vừa gõ xong bức điện gửi Washington: “Đã nhận được lệnh tổng thống phải chấm dứt cuộc di tản vào 3 giờ 45 phút ngày 30-4, giờ Sài Gòn. Tôi muốn hỏi xem đó có phải là thông điệp cuối cùng gửi Văn phòng Sài Gòn hay không? Phải mất 20 phút mới phá huỷ được máy móc ở đây. Đến 3 giờ 20 phút, giờ Sài Gòn, chúng tôi sẽ chấm dứt liên lạc”.
13 giờ 50 phút ngày 29-4, những chiếc trực thăng đầu tiên của Lực lượng can thiệp 76 – Lính thủy đánh bộ Mỹ, lần lượt đáp xuống những điểm đón người di tản, trong đó có cao ốc Pittman nằm trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), nơi ở của LaGueux. Bức ảnh nổi tiếng chụp cảnh những người Mỹ cuối cùng bám đuôi nhau leo lên chiếc trực thăng Air America, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược đã được đăng tải trên hàng nghìn tờ báo khắp thế giới, là hình ảnh tiêu biểu cho một sự tháo chạy trong hoảng loạn.
18 giờ ngày 29-4-1975, từ trên tầng 2 của Đại sứ quán, LaGueux nghe thấy những tiếng nổ dữ dội. Tưởng là bị Quân giải phóng tập kích, ông ta vội vã chạy lên tầng 3 nhưng qua các ô cửa, LaGueux nhìn thấy một đoàn xe đậu ở bên kia đường đang bốc cháy với những tiếng nổ phát ra từ những thùng xăng, không rõ do ai đốt.
Lo sợ chuyện chẳng lành gây ra bởi những kẻ bất mãn vì không đi được, 21 giờ 10 phút, cùng vớI Jim Devine, nhân viên C.I.A, LaGueux bước sang phòng đại sứ Martin. Thấy một số đồng nghiệp vẫn còn ngồi đó, Jim Devine nửa đùa nửa thật: “Đến lúc đi rồi các bạn ạ. Sứ quán đã đóng cửa. Tàu bè, xà lan đã chạy, tướng Smith cũng đã lên đường. Các bạn còn ngồi đó làm gì nữa”.
3 giờ 45 phút sáng 30-4-1975, Đại sứ Martin mặt trắng bệch cùng Polgar và mấy nhân viên nữa ra trước sân sứ quán rồi lên một chiếc trực thăng CH53. LaGueux viết: “Về phần tôi, sau khi phá hủy các thiết bị truyền tin tối mật của Văn phòng C.I.A ở Sài Gòn, tôi lên trực thăng lúc 4 giờ sáng rồi được đưa đến tàu Blue Ridge của Hải quân Mỹ. Chấm dứt sự nghiệp 20 năm của tôi ở miền Nam Việt Nam”.
25 năm sau – năm 2000, LaGueux quay lại TP HCM như một khách du lịch. Trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post, ông nhận xét Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng năng động, hiếu khách, và ông vui mừng khi thấy mọi sự đều yên ổn thay vì “một cuộc tắm máu nếu Cộng sản chiếm được Sài Gòn” đã được tung ra vào những ngày cuối tháng 4-1975…
Theo AN NINH THẾ GIỚI / History – The Last days in Saigon
Tags: Sài Gòn, Chiến tranh Việt Nam, 30/4/1975, CIA