Ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu sau cuộc chiến Ukraina: Ai được, ai mất?

Xung đột Nga – Ukraina đang làm suy yếu ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu. Sau cùng, Mỹ và Trung Quốc dường như là những nước hưởng lợi nhất.

Ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu sau cuộc chiến Ukraina: Ai được, ai mất?

Trong khi Mỹ và các đồng minh tiêu tốn nhiều tiền của nhằm trang bị vũ khí cho Ukraina, thì Nga cũng hao tổn không ít vũ khí và nhân lực vào cuộc xung đột này.

Bối cảnh này cũng khiến các quốc gia trên thế giới phải cân nhắc về ngân sách quốc phòng, trang bị vũ khí và tăng cường các mối quan hệ quân sự. Các quốc gia trước đây có mức chi tiêu quốc phòng thấp như Nhật Bản hay Đức cũng phải tăng lên, trong khi các khách hàng vũ khí Nga đang đặt câu hỏi về khả năng giao hàng trong tương lai của nước này.

Các chuyên gia nhận định, dù cuộc xung đột này có kết thúc, thì hậu quả đối với ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu và đối với các quốc gia có các công ty thống trị lĩnh vực này, sẽ rất lớn. Dưới đây là 4 điều cần rút ra.

Nga chịu thua thiệt nhất

Nga từng quảng cáo với các khách hàng rằng vũ khí của họ rẻ hơn và dễ bảo trì hơn so với của phương Tây. Đó cũng là lý do tại sao Nga chiếm 19% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của thế giới từ năm 2017-2021, chỉ đứng sau Mỹ, quốc gia chiếm 39% thị trường.

Tuy nhiên, những lời quảng cáo này sẽ giảm giá trị sau những tổn thất và hỏng hóc thiết bị của Nga ở Ukraina.

Theo Business Insider, đến nay, Mỹ ước tính Nga đã mất gần 1.000 xe tăng, ít nhất 50 máy bay trực thăng, 36 máy bay chiến đấu-ném bom và 350 khẩu pháo nhưng nước này vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát không phận Ukraina.

Báo chí phương Tây cũng chỉ ra một số vấn đề hỏng hóc, trục trặc trong quá trình thực chiến của các loại vũ khí tấn công Nga.

Những vấn đề này đã gây nhiều lo ngại với các khách hàng truyền thống của Nga đối với khả năng xuất khẩu vũ khí vào thời điểm hiện tại. Hiện Nga bán gần 90% vũ khí của mình cho 10 quốc gia, trong đó chủ yếu là Ấn Độ, Ai Cập và Trung Quốc.

Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga cũng gây khó khăn cho khả năng thay thế các thiết bị gặp tổn thất của nước này. Và gần như chắc chắn Nga sẽ cần phải thay thế khí tài quân sự của mình trước khi xuất khẩu.

Điều đó có nghĩa là các quốc gia muốn tiếp tục mua xe tăng và máy bay chiến đấu của Nga cũng sẽ phải xếp hàng chờ đợi hoặc quay sang nơi khác để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của họ.

Lợi ích của Trung Quốc

Ứng viên số 1 thay thế vị trí nhà cung cấp vũ khí của Nga chính là Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chiếm 4,6% thị phần buôn bán vũ khí toàn cầu, xếp thứ 4 sau Pháp (11%). Ngoài ra, 7 trong số 20 công ty quốc phòng có doanh thu hàng đầu toàn cầu là của Trung Quốc, báo hiệu tham vọng lớn của Bắc Kinh trong lĩnh vực này.

Hiện tại, chính phủ Trung Quốc mua phần lớn vũ khí và phương tiện từ các nhà sản xuất vũ khí nội địa, và nước này đang có khả năng xuất khẩu nhiều sản phẩm quân sự ra nước ngoài hơn.

Đơn cử như Trung Quốc đang là nước đóng tàu lớn nhất thế giới, vì vậy việc xuất khẩu nhiều tàu hải quân hơn là một bước tiếp theo. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang mở rộng vai trò thích hợp của mình trong công nghệ máy bay không người lái (UAV) và tận dụng hiện đại hóa lực lượng không quân với các máy bay được chế tạo trong nước để tăng cường xuất khẩu.

Hiện tại, chỉ có 3 trong số 40 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, bao gồm Pakistan, Bangladesh và Myanmar, mua phần lớn vũ khí từ Trung Quốc. Điều này có thể thay đổi nếu Trung Quốc tận dụng sự sao nhãng của Nga vào thời điểm hiện tại để định vị mình là một đối tác an ninh quốc gia, kinh tế và chính trị đáng tin cậy, một đặc điểm cốt lõi trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của họ.

Trung Quốc vốn không có khả năng thay thế vũ khí của Mỹ và châu Âu, những vũ khí được coi là hàng đầu vì chất lượng và giá thành cao. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể lấp đầy thị trường ngách mà các nhà sản xuất vũ khí Nga thống trị, do đó tăng cường vai trò của Bắc Kinh như một nhà xuất khẩu vũ khí lớn, đồng thời thu được những lợi ích kinh tế và chính trị đi kèm.

Một trong những thách thức lớn nhất của Trung Quốc đang gặp phải là chứng minh rằng vũ khí của họ hoạt động tốt trong các tình huống chiến đấu trực tiếp.

Mỹ cũng thắng lớn

Các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ vốn thống trị ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu từ trước đến nay và xung đột Nga-Ukraina có thể sẽ bảo đảm vị thế của Mỹ trong thời gian tới.

Năm công ty vũ khí lớn nhất thế giới hiện nay đều là của Mỹ, bao gồm Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, Northrop Grumman và General Dynamics. Trên thực tế, một nửa trong số 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, 20 nhà sản xuất ở châu Âu, trong khi Nga chỉ có 2 nhà sản xuất trong tốp này mặc dù Moskva là nguồn cung vũ khí lớn thứ hai trên thế giới.

Một lượng lớn vũ khí được Mỹ hỗ trợ cho Ukraina sẽ khiến các nhà sản xuất vũ khí xứ cờ hoa bận rộn trong thời gian tới. Ví dụ như Mỹ đã chuyển khoảng 1/3 kho tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraina và sẽ mất từ 3-4 năm để liên doanh Raytheon-Lockheed Martin thay thế “khoảng trống” này. Gói viện trợ 40 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden ký gần đây cũng bao gồm 8,7 tỷ USD nhằm bổ sung kho vũ khí của Mỹ.

Giá cổ phiếu tăng vọt của các công ty vũ khí Mỹ cũng là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư tin rằng những tháng ngày có lãi đang ở phía trước. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraina nổ ra, giá cổ phiếu của Lockheed Martin đã tăng hơn 12%, trong khi giá cổ phiếu của Northrop Grumman tăng 20%.

Xu hướng tự cung tự cấp

Mặt trái của cuộc xung đột là một số quốc gia phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu có thể tìm cách tự sản xuất vì nhu cầu quốc phòng của họ.

Ấn Độ, khách hàng thân quen của vũ khí Nga đã nhập khẩu gần một nửa lượng vũ khí trong những năm gần đây, đang đứng trước nhiều khả năng chậm giao hàng từ phía Moskva do nước này đang tập trung năng lực sản xuất để thay thế xe tăng, tên lửa, máy bay và các loại vũ khí khác đã tiêu tốn ở Ukraina.

Điều đó có nghĩa là Ấn Độ sẽ cần cung cấp phụ tùng thay thế cho phương tiện và vũ khí từ các khách hàng vũ khí cũ khác của Nga như Bulgaria, Georgia và Ba Lan, hoặc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình.

Vào tháng 4, Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất máy bay trực thăng, động cơ xe tăng, tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bù đắp cho bất kỳ sự sụt giảm nào trong xuất khẩu của Nga.

Ấn Độ cũng đã hủy hợp đồng mua trực thăng với Nga trị giá 520 triệu USD hồi tháng 5. Mặc dù có thông tin cho rằng áp lực từ Mỹ có thể đóng vai trò nào đó trong quyết định này, nhưng dường như đây cũng là một phần trong chiến lược của chính phủ Ấn Độ trong vài năm qua nhằm xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng nội địa.

Trong khi đó, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và các thị trường vũ khí mới nổi khác cũng đã và đang phát triển các ngành công nghiệp quốc phòng của riêng họ trong hai thập kỷ qua để giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí. Và xung đột ở Ukraina sẽ đẩy nhanh quá trình này.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tags: ,