⠀
Ngại đi bộ – trọng bệnh của người Việt?
Vì ngại, nên đụng việc gì, đi ngắn hay dài người ta cũng nhảy lên xe máy, cũng vì thế mà người ta có thể sang đường bất cứ chỗ nào.
Người ta ngại đi bộ, đúng hơn là người ta ngại vận động, nên những phương tiện di chuyển mà tốn sức như đi bộ, đạp xe đều không được người Việt mặn mà. Các bạn có thể thấy ngay cái tính cách đặc trưng này hàng ngày.
Vì ngại đi bộ, nên người đi bộ sẵn sàng sang đường ở bất cứ đâu. Dù cách vạch sang đường vài mét, dù trên đầu là cầu vượt dành cho người đi bộ. Người ta vẫn sẵn sàng phi thân, vượt qua dòng xe cộ tấp nập, hiên ngang như kiểu “đây là đường của tôi”. Thậm chí trèo, vượt qua lan can giữa đường cũng là chuyện nhỏ.
Vì ngại đi bộ, ngại đạp xe, nên từ nhà ra ngõ khoảng 50 m, đi tới công viên tập thể dục cũng lôi xe máy, ôtô, ngồi trên xe, mặc dù có thể thời gian để di chuyển còn dài hơn nhiều đi bộ hay đạp xe.
Cái “ngại” này dẫn tới điều gì, dẫn tới bức tranh giao thông hỗn loạn.
Ôtô, xe máy đang lao ầm ầm bỗng phanh kít, mở lái, chuyển hướng, “đảo như rang lạc” để tránh người đi bộ phi sang tùy tiện. Tâm lý tùy tiện cũng từ cái văn hóa này mà ra, người ta không thích ở sâu, mà phải lao ra mặt đường, phải bạ đâu ngồi đấy, bạ đâu dừng đấy thì mới là thời thượng.
Nếu không ngại, người ta có thể ở sâu vào trong ngõ, đi bộ hoặc đạp xe ra đường lớn. Nếu không ngại, việc đi bộ, đạp xe tới cơ quan ở gần, việc sáng sáng hàng nghìn người cùng nhau đi bộ trên vỉa hè sẽ giảm ách tắc giao thông, tất nhiên với điều kiện vỉa hè phải thông thoáng.
Nếu không ngại đi bộ, không ngại đạp xe thì người ta cũng sẽ không ngại vận động, đổi mới tư duy, ý thức tham gia giao thông, khi đó không ai phải than phiền, kêu gao về giao thông tồi tệ.
Do đó, theo tôi không chỉ phạt các phương tiện tham gia giao thông, mà ngay cả những người đi bộ cũng phải phạt thật nặng, nếu không sang đường đúng nơi quy định, nếu đi không đúng phần đường. Ý kiến các bạn thế nào?
Theo HÂN PHẠM / VNEXPRESS
Tags: Người Việt, Văn hóa ứng xử, Giao thông