Nếu tử tế hơn, tôi đã xóa hết nhạc của Michael Jackson

Dù biết bản thân mình phải căm ghét, ghê tởm Michael Jackson cũng như âm nhạc của người đàn ông này nhưng có lẽ, tôi sẽ chẳng bao giờ làm được điều đó.

Bài viết của Ben Stocking, nhà báo người Mỹ từng giữ vai trò trưởng đại diện của báo San Jose Mercury News và hãng thông tấn Associated Press (AP) tại Việt Nam trong giai đoạn 2002-2010. Như nhiều người, Stocking cũng thần tượng Michael Jackson từ rất lâu. Bài viết dưới đây miêu tả tâm trạng giằng xé của Stocking sau khi xem bộ phim tài liệu tố cáo Michael Jackson ấu dâm nam. Theo tác giả, thật khó ứng xử khi thần tượng làm sai, và chẳng người hâm mộ nào muốn thấy người hùng của họ bỗng một ngày lại biến thành quỷ dữ. Thế nhưng, có một điều không thể chối cãi: Tên của biểu tượng âm nhạc vĩ đại Michael Jackson sẽ luôn gắn cùng với tội ác về tình dục. Zing.vn chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh với sự đồng ý của tác giả.

Michael Jackson lạm dụng tình dục trẻ em. Nghĩ đến điều này, tôi cảm thấy việc giữ lại những bài hát của anh trong list nhạc của mình thật dơ bẩn. Có lẽ, tôi nên xóa sạch chúng đi.

Thế nhưng lạ lùng thay, những giai điệu của ABC, I Want You Back, Shake Your Body, Blame It On The Boogie, Dancing Machine lại cứ văng vẳng trong đầu tôi. Tôi không thể ngừng nghe chúng.

Với tôi, âm nhạc của Michael Jackson chẳng bao giờ là đủ cả.

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác phấn khích của 30 năm trước khi lần đầu tiên và duy nhất được nhìn thấy Michael trong tour diễn “Bad”. Michael Jackson quả thật không hổ danh là ông hoàng nhạc Pop. Anh ấy thật tuyệt vời.

Lúc đó, tôi và có lẽ cả 60.000 khán giả khác chen lấn trong show diễn đều chỉ mải mê đắm chìm trong âm nhạc và không hay biết rằng Michael lạm dụng tình dục trẻ em nam.

Hàng chục năm nay, Michael đã dính tới nhiều tin đồn là ấu dâm nam (pederast). Và sau bộ phim tài liệu Leaving Neverland – được công chiếu tại Liên hoan phim Sundance, rồi phát lại trên kênh HBO mới đây – thì đó không còn là tin đồn nữa.

Leaving Neverland được thể hiện qua lời kể của Wade Robson và Jimmy Safechuck – hai người đàn ông tuyên bố từng là nạn nhân bị Michael lạm dụng tình dục 30 năm trước, khi còn nhỏ. Lạ lùng là cũng chính hai nạn nhân này năm xưa từng phủ nhận Michael quấy rối họ. Tòa theo đó xử Michael trắng án.

Tại sao phải chờ đến 30 năm sau, hai nạn nhân trong Leaving Neverland mới lên tiếng tố cáo? Ở thời điểm này, họ chẳng nhận được gì.

Không một đồng từ khối tài sản kếch xù của Michael. Và thậm chí họ sẽ phải nhận cả rổ những lời chỉ trích, trách móc, thóa mạ từ những người hâm mộ Michael. Có ai thích thần tượng của mình bị bôi xấu đâu.

Nhưng tại phiên tòa xử năm 2005, Wade Robson và Jimmy Safechuck khi đó đều chỉ là những cậu bé, ngưỡng mộ Michael Jackson và hoàn toàn không hiểu được rằng những gì anh ấy làm với mình là sai trái. Khi Michael nói họ sẽ đi tù nếu kể với bất cứ ai chuyện bị quấy rối, hai người này tin ngay.

Mọi chuyện dù đã trôi vào dĩ vãng, hai cậu bé ở điền trang Neverland ngày nào giờ đã trưởng thành, có gia đình và con cái; nhưng những ký ức đó vẫn còn in sâu trong tâm trí và hủy hoại cuộc sống của cả hai. Nói ra được những bí mật khiến họ nặng lòng bấy lâu có lẽ là cách giải thoát tốt nhất.

Làn sóng tẩy chay Michael trỗi dậy sau khi Leaving Neverland được phát sóng.

Nhiều tổ chức quyết định tẩy chay luôn cả kho tàng âm nhạc quý giá anh để lại. Starbucks quyết định xóa toàn bộ các ca khúc của Michael Jackson trong danh sách nhạc của cửa hàng. Hãng thời trang Louis Vuitton cho “khai tử” ngay lập tức bộ sưu tập lấy cảm hứng từ “Vua nhạc Pop” vừa được trình làng trong năm nay. James Brooks, giám đốc sản xuất phim hoạt hình Gia đình Simpsons, cũng đã đưa ra một quyết định khó khăn khi xóa tập phim Michael tham gia lồng tiếng.

Gia đình Jackson bác bỏ tất cả các cáo buộc được đưa ra và lên án bộ phim tài liệu dài 4 tiếng này: “Leaving Neverland không phải là một bộ phim tài liệu, nó giống như những tin đồn thất thiệt đang muốn ám sát Michael Jackson lúc còn sống, và cả bây giờ khi ông ấy đã chết. Bộ phim dựa trên những cáo buộc không được chứng thực được cho là đã xảy ra cách đây 20 năm và coi chúng như là sự thật.”

Bắt đầu nghe nhạc Michael từ lúc 5 tuổi, nhưng tôi nghĩ rằng những người tố cáo Michael hoàn toàn đáng tin. Ánh mắt của họ nói lên tất cả. Còn về phần mình, sau khi xem xong, sự ghê tởm và buồn bã cứ xâm chiếm lấy tôi.

Chính tôi cũng đã từng bị lạm dụng bởi người hướng dẫn khi cắm trại hồi 9 tuổi. Và do đó, tôi thấu cảm được với các nạn nhân.

Rõ ràng là từ lâu, Michael đã nổi tiếng với những việc làm kỳ dị: tẩy trắng da, làm mũi (và có Chúa mới biết anh ấy đã phẫu thuật mũi bao nhiêu lần), hay tạo ra một thiên đường cho trẻ em với những loài động vật nhập ngoại và cả công viên giải trí trong trang trại Neverland của mình.

Hơn nửa thế kỷ là fan của Michael Jackson, tôi hiểu sự kỳ quặc, lập dị của của anh bị ảnh hưởng khi sống với người cha bạo lực. Cả tuổi thơ của mình, Michael bươn chải, chỉ biết có làm việc, làm việc và làm việc.

Tôi thấy thương cảm cho Michael và chẳng quan tâm vì sao anh lại cư xử như đứa trẻ lớp 5 khi đã 40 tuổi. Tôi cũng không để tâm lắm khi anh ấy thừa nhận chuyện thường xuyên ngủ cùng bé trai vì theo lời Michael, họ chỉ là bạn bè trong sáng.

Chẳng người hâm mộ nào muốn thấy người hùng của họ bỗng một ngày lại biến thành quỷ dữ. Họ khó có thể chấp nhận những sự thật này.

Trong nhiều năm, chúng ta đã làm ngơ trước sự thật diễn viên hài kỳ cựu Bill Cosby là một kẻ cưỡng hiếp ngay cả khi hàng chục phụ nữ cùng buộc tội ông. Ông ta hứa biến những người phụ nữ này thành ngôi sao, dụ họ đến phòng khách sạn, chuốc thuốc mê rồi xâm hại họ. Lần này qua lần khác.

Nhưng, Cosby là một danh hài nổi tiếng, là “người đàn ông quốc dân”.

Hay chúng ta cố tình lờ đi trước hành động đáng khinh của R. Kelly với một cô gái tuổi vị thành niên dù đã có đoạn video bằng chứng rõ ràng. R. Kelly là nghệ sĩ R&B vĩ đại nhất trong 25 năm nay. Thậm chí, tôi nghĩ nếu R. Kelly nói anh ta có thể bay (I believe I can fly – tên một bài hát), nhiều người cũng sẽ tin.

Tôi cũng là một người hâm mộ. Nếu tử tế hơn, tôi đã thẳng tay xóa bỏ nhạc của Michael trong playlist. Thế nhưng, tôi lại tìm đủ lý do để mình không phải làm vậy.

Tôi đã thỏa hiệp. Tôi sẽ cho phép mình nghe những giai điệu của Michael khi anh còn ở nhóm Jackson 5 – những giai điệu Michael thu âm trước khi biến thành một con quái vật.

Còn các sản phẩm ra đời sau đó thì không. Dứt khoát không.

Thế nhưng, chắc có lẽ tôi sẽ chỉ có thể thực hiện lời tự hứa đó cho đến khi giai điệu của hậu Jackson 5 đập vào tai tôi một lần nữa.

Never Can Say Goodbye.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,