Nếu quan không phải ‘phụ mẫu’ mà là ‘công bộc’

Ở Việt Nam tư duy cán bộ công chức là những người làm quan, là “phụ mẫu” của dân, là người ban phát ân huệ – một sản phẩm của những thời kỳ trước – vẫn còn đè nặng vào hệ thống quản trị công. Những biểu hiện cửa quyền, hách dịch và coi thường người dân của không ít cán bộ công chức đều bắt nguồn từ tư duy này.

Tác giả: TS. Đặng Văn Huấn (Đại học Portland State, Mỹ)

Trong nhiều năm qua, các giải pháp, chính sách mang tính kỹ thuật liên quan đến công chức, như vấn đề lương bổng, mô tả và phân loại vị trí công việc, tăng cường trách nhiệm giải trình của cá nhân… đã được đưa ra xem xét và thảo luận rất nhiều. Bài viết này xin đề cập đến một khía cạnh khác, liên quan đến hai chữ “công bộc”.

Nguồn gốc của tư duy “công bộc”

Không phải vô tình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ “công bộc” khi nói về thái độ và trách nhiệm của cán bộ công chức đối với người dân. Thuật ngữ này trong tiếng Anh là “public servant” hoặc “public employee”. Nó nhấn mạnh đến việc phục tùng lợi ích công cộng và đáp ứng nhu cầu của người dân, những người thực chất là chủ của bất kỳ chính quyền nào.

Hiện nay, tư duy “công bộc” ở các nước phương Tây là phổ quát và được khởi xướng bởi những nhà tư tưởng lớn từ vài thế kỷ trước, mà tiêu biểu là John Locke và Jean-Jacques Rousseau với những tư tưởng nền tảng về “Nhà nước đại diện – Representative Government”, “Sự đồng thuận của những người bị trị – The Consent of the Governed” hay “Khế ước xã hội – Social Contract”.

Nội hàm của các khái niệm này tựu chung là sự công nhận quyền lực cao nhất trong xã hội thuộc về người dân, những người cùng nhau đồng thuận lập ra nhà nước để điều hành xã hội, nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình và cộng đồng. Một ví dụ minh hoạ cho tư tưởng này ở Việt Nam là quyền phúc quyết của người dân đối với hiến pháp được ghi trong bản Hiến pháp năm 1946.

Từ những tư tưởng nền tảng này, hoạt động của chính quyền và nhiệm vụ của cán bộ công chức ở các nước tiên tiến được thể chế hoá trên tinh thần “phục vụ” và chịu trách nhiệm trước những người bầu ra mình và đóng thuế để đảm bảo sự tồn tại và hoạt động của chính quyền.

Chức năng chính của chính quyền các cấp được tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ công cho người dân và chịu trách nhiệm về những sản phẩm mà mình làm ra, như chất lượng đường xá, dịch vụ phòng cháy chữa cháy, cung cấp nước sạch, xây dựng công viên, đảm bảo an ninh xã hội, v.v… Thay vì can thiệp vào nền kinh tế thị trường, thì chính quyền tập trung vào việc đảm bảo chất lượng các dịch vụ công.

Chính quyền đô thị trên dựa trên nền tảng tư duy “công bộc”

Mô hình thí điểm “Chính quyền đô thị” cho TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang được đề xuất xem xét và thông qua là một phương thức quản trị công dựa trên tư duy “phục vụ” của chính quyền. Cơ chế là chính quyền thu thuế, phí của người dân trong khu vực dân cư mình quản lý, nhưng phải chịu trách nhiệm về chất lượng và số lượng các dịch vụ công.

Thực chất là, chính quyền được người dân uỷ thác để tổ chức cung cấp các dịch vụ công nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng này của họ. Khi đó, các công chức, viên chức trong chính quyền là những người được bầu ra và tuyển dụng để “phục tùng” những đòi hỏi chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, để mô hình này có hiệu quả thì phải dựa trên một cơ chế trách nhiệm giải trình dân chủ. Như mô hình của các nước tiên tiến, một hội đồng chính quyền thành phố được người dân trực tiếp bầu ra, và chịu sự giám sát của những người bầu ra mình. Hội đồng này sẽ lại giám sát các phòng ban của chính quyền trong việc cung cấp các dịch vụ công. Người dân có quyền không bầu lại những dân biểu trong khoá trước không đáp ứng được kỳ vọng của mình. Đúng như tư tưởng “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, người dân xây dựng, đóng góp lập ra chính quyền thì người dân cũng có quyền “phế truất” những cán bộ lãnh đạo không làm tròn trách nhiệm thừa hành quyền lực của dân.

Tuy duy “công bộc” và cải cách hành chính

Quay trở lại cơ sở cho cải cách hành chính ở nước ta, chỉ khi nào phương châm: chính quyền, cán bộ công chức là công bộc của dân; phục vụ và chịu sự giám sát của dân trở thành chủ đạo trong tư duy quản lý nhà nước thì khi đó công tác cải cách hành chính mới có thể thành công được.

Ở Việt Nam tư duy cán bộ công chức là những người làm quan, là “phụ mẫu” của dân, là người ban phát ân huệ – một sản phẩm của những thời kỳ trước – vẫn còn đè nặng vào hệ thống quản trị công. Những biểu hiện cửa quyền, hách dịch và coi thường người dân của không ít cán bộ công chức đều bắt nguồn từ tư duy này.

Có thể nói, tư duy “công bộc” chính là nền tảng cho nhà nước pháp quyền và nền tảng cho một nền hành chính hiện đại. Vì nhà nước pháp quyền dựa trên nguyên tắc pháp luật là tối thượng; mà pháp luật trong một xã hội dân chủ là do người dân uỷ quyền cho các cơ quan đại diện mình (quốc hội) xây dựng và thông qua. Do đó, xây dựng nhà nước pháp quyền tức là thể chế hoá việc công nhận quyền lực tối cao của người dân. Suy cho cùng, để có thể có nhà nước pháp quyền thì trước tiên phải thống nhất tư tưởng quyền lực nhân dân là tối thượng, chứ không phải là bất cứ một lực lượng chính trị xã hội nào.

Theo VIETNAMNET

Tags: