Nét đặc sắc của Gagaku – nghệ thuật nhã nhạc Nhật Bản

Nhã nhạc – là loại hình âm nhạc cung đình của Nhật Bản, đối lập với Zokugaku, tức âm nhạc dân gian. Thuật ngữ Gagaku được tiếp thu từ Trung Hoa cùng với sự tiếp nhận một bộ phận các nhạc khí và bài bản từ hệ thống âm nhạc cung đình phong phú và đặc sắc của đất nước rộng lớn và giàu truyền thống văn hoá này.

Nét đặc sắc của Gagaku – nghệ thuật nhã nhạc Nhật Bản

1. Vài nét về lịch sử

Gagaku có một lịch sử lâu đời, được phát triển hoàn thiện vào khoảng thế kỷ 10, dưới thời Heian (794 – 1191) (1). Đây là một hợp thể của nhiều loại hình âm nhạc và múa có cội nguồn từ nghệ thuật truyền thống bản địa, cùng những ảnh hưởng không nhỏ từ Á châu lục địa. Những ảnh hưởng này xảy ra từ rất sớm, đó là sự giao lưu và tiếp thu các yếu tố âm nhạc đến từ các nước Trung Hoa, Triều Tiên, Ấn Độ, Champa… Đặc biệt, vào đầu thế kỷ 8, Nhật Bản đã tiếp thu một bộ phận âm nhạc cung đình Trung Hoa và theo đó, thuật ngữ Gagaku, tức Nhã nhạc cũng được truyền từ Trung Hoa vào Nhật Bản. Điều đáng lưu ý là vào thời kỳ này, cung đình Nhật Bản đã có sẵn hệ thống âm nhạc nghi lễ bản địa là âm nhạc Shinto giáo, nên họ chỉ tiếp thu loại hình âm nhạc giải trí từ cung đình Trung Hoa, đó là Yến nhạc, nhưng thuật từ mà họ vay mượn lại là Nhã nhạc, tức âm nhạc nghi lễ Khổng giáo của Trung Hoa. Giáo sư Hisao Tanabe người Nhật Bản cho rằng sự nhầm lẫn này là do nguyên nhân vào năm 701, khi âm nhạc Trung Hoa ồ ạt tràn vào nước Nhật, Nhật Bản đã cho thành lập một cơ quan chuyên trách âm nhạc cung đình, cơ quan này được đặt tên là Gagaku-ryo mô phỏng theo tên gọi của tổ chức âm nhạc tương tự trong cung đình Trung Hoa. Chính vì thế, loại hình âm nhạc được tiếp thu (đúng ra là Yến nhạc) cũng được gọi là Gagaku, tức Nhã nhạc (2).

Sau thời kỳ mở rộng giao lưu với âm nhạc các nước, vào cuối thời kỳ Heian, Nhật Bản bắt đầu tái thiết và bản địa hoá các yếu tố ngoại lai trong Gagaku. Các dàn nhạc được sắp xếp lại, một số nhạc cụ nước ngoài bị thải bỏ, nhiều bài bản âm nhạc được sáng tác mới… Nhờ đó, Gagaku thời kỳ này mang đậm sắc thái cung đình Nhật Bản.

Từ thế kỷ 12, dưới sự chuyên chế của các shogun bấy giờ nắm hết quyền lực trong tay, Thiên hoàng bị yếm thế, cô lập, đời sống cung đình không còn phong phú như xưa. Nhã nhạc Nhật Bản, vì thế, bắt đầu lâm vào tình trạng suy thoái. Trong suốt những thế kỷ tiếp theo, đôi khi nhờ có sự quan tâm của một số vị Thiên hoàng và Shogun, Gagaku đã trải qua những giai đoạn được phục hồi, vì thế, truyền thống vẫn được tiếp nối ở một chừng mực nào đó. Cũng trong giai đoạn này, một số công trình nghiên cứu công phu về Gagaku được biên soạn, đó là cuốn Taigheasho của Toyohera và bộ sách Gakkaroku đồ sộ của Abe Suehishu (1622 – 1708) (3). Đây là những công trình nghiên cứu sâu sắc, rất có giá trị tham khảo đối với người đời sau.

Dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868 – 1812), một ông vua cầu tiến đã thực hiện nhiều cuộc cải cách khiến cho nước Nhật gần như thay đổi hoàn toàn, Văn hoá nghệ thuật nói chung và Gagaku nói riêng, nhờ đó, cũng được phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 20, khi nước Nhật rơi vào tình trạng khủng hoảng, Gagaku lại bị suy thoái nghiêm trọng. Mãi cho đến khi nền kinh tế đất nước được phục hưng vài thập kỷ sau đó, Gagaku mới được trở lại vị trí vốn có của nó. Hiện nay, Gagaku vẫn được biểu diễn trong hoàng cung và các ngôi đền Shinto giáo. Phong cách âm nhạc đặc biệt của Gagaku đã được truyền bá đi nhiều nơi và trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tác mới của nhiều nhạc sĩ hiện đại.

2. Các hình thức diễn xướng trong Gagaku:

Nhìn một cách tổng quát, trong Gagaku có 3 hình thức diễn xướng, đó là Kangen (Khí nhạc), Bugaku (Vũ nhạc) và Kayô (Thanh nhạc). Chúng ta hãy lần lượt xem xét 3 hình thức diễn xướng này để phần nào thấy được những đặc điểm, tính chất của Nhã nhạc Nhật Bản.

2.1. Kangen: là dàn nhạc chuyên diễn tấu các bài bản khí nhạc. Kangen nghĩa đen là dàn nhạc gồm các nhạc cụ hơi và dây, song trên thực tế còn có thêm các nhạc cụ gõ đảm nhiệm phần tiết tấu. Dàn Kangen gồm có các nhạc cụ như sau:

Nhạc cụ Hơi

– Shô: là nhạc cụ như Sheng của Trung Hoa và Khèn của Việt .
– Hichiriki: một loại kèn có dăm kép, tương tự như kèn Bóp của Việt .
– Ryuteki: một loại sáo có 7 lỗ bấm.

Nhạc cụ Dây

– Biwa: nhạc cụ hình quả lê có 4 dây, giống như P’ipa của Trung Hoa và Tỳ bà của Việt .
– Koto: hình dáng tương tự như đàn Tranh của Việt , có 13 dây.

Nhạc cụ Gõ

– Kakko: một loại trống đặt nằm ngang như trống Cơm Việt , dùng dùi gõ vào hai mặt.
– Taiko: trống lớn.
– Shôko: cồng bằng đồng.

Trong dàn Kangen, các nhạc cụ hơi đóng vai trò chủ đạo, trong đó, cây kèn Hichiriki đi giai điệu chính, sáo Ryuteki chơi giai điệu theo kiểu biến thái, còn Shô đi phần bè đệm. Các nhạc cụ dây và gõ đảm nhiệm phần tiết tấu. Âm nhạc do dàn Kangen diễn tấu thường có tính chất chậm rãi, trang trọng và đầy tính triết lý.

2.2. Bugaku (Vũ nhạc): là loại hình âm nhạc đi kèm với múa.

Bugaku gồm có 3 loại:

– Kuniburi-no-Mai (múa bản địa): là những điệu múa và âm nhạc có nguồn gốc cổ xưa trong văn hoá bản địa Nhật Bản. Các điệu múa này có động tác và trang phục tương đối đơn giản, nhưng cũng rất uyển chuyển và nhịp nhàng.

– Sa-no-Mai (Múa Bên Trái): gọi là Múa Bên Trái vì khi trình diễn những điệu múa này, vũ công xuất hiện từ phía bên trái sân khấu (nhìn từ khán đài). Múa Bên Trái mang tính Dương, có hình ảnh mặt trời làm biểu tượng, vũ công mặc áo màu đỏ. Đệm cho loại múa này là dàn nhạc Togaku, với các loại hình âm nhạc đến từ Trung Hoa và các nước Trung Á, Ấn Độ, Ba Tư thông qua con đường Trung Hoa.

– U-no-Mai (Múa Bên Phải): gọi là Múa Bên Phải vì khi trình diễn những điệu múa này, vũ công xuất hiện từ phía bên phải sân khấu (nhìn từ khán đài). Múa Bên Phải mang tính Âm, biểu tượng là hình ảnh mặt trăng, vũ công mặc trang phục màu xanh lục. Loại âm nhạc đệm cho Múa Bên Phải là Komagaku, tức âm nhạc ảnh hưởng từ Triều Tiên, bao gồm cả âm nhạc vùng Mãn chu (ở phía đông bắc Trung Quốc).

2.3. Kayô (Thanh nhạc)

– Saibara: là những bài hát dân gian được cung đình hoá và trở thành hình thức thanh nhạc phục vụ cho nhu cầu giải trí của hoàng gia và giới quí tộc nói chung. Khác với các thể loại Khí nhạc, Vũ nhạc phải do các nhạc công chuyên nghiệp biểu diễn, các bài hát Saibara được giới quí tộc tự trình diễn và thưởng thức với nhau, và cũng chính họ là người đã duy trì truyền thống Saibara qua nhiều thế kỷ.

– Rôei: là những bài hát có tính chất ngâm ngợi dựa trên các lời thơ Tàu nhưng được phát âm theo tiếng Nhật. Suốt các thời đại Nara và Heian, các lối thơ của Trung Hoa rất thịnh hành ở Nhật, từ đó, hình thành nên hình thức nhạc hát Rôei. Cũng như Saibara, Rôei được lưu truyền và gìn giữ bởi các gia đình quí tộc. Về sau, dưới thời Meiji, các nhạc công cung đình tiếp nhận các bài bản Rôei từ giới quí tộc, đồng thời, họ cũng sáng tạo thêm nhiều bài bản mới để bổ sung và làm phong phú thêm hệ thống nhạc mục của Rôei.

Ngoài ra, còn có một số hình thức ca hát kết hợp với múa có nguồn gốc bản địa. Trong số này, điển hình có các thể loại Kagura, Azuma-Asobi. Các hình thức ca múa này được nâng cao và hoàn thiện vào giữa thời kỳ Heian và thường được dùng trong các dịp lễ hội cung đình.

*

Tóm lại, Gagaku – Nhã nhạc Nhật Bản – là một trong những truyền thống âm nhạc chuyên nghiệp có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới còn tồn tại đến ngày nay. Loại hình âm nhạc này vừa mang đậm tính bản địa, vừa thể hiện sự giao lưu với các nền văn hoá phong phú của châu lục. Với các hình thức diễn xướng phong phú, mang tính đặc thù cao, Gagaku thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà chuyên môn trong và ngoài nước cùng sự đánh giá cao của quần chúng. Do thuận lợi vẫn được nuôi dưỡng trong môi trường cung đình, Gagaku đang được bảo tồn ở tình trạng rất tốt, mặt khác, lại được phát triển theo những chiều hướng sáng tác mới của các nhạc sĩ đương đại. Hai hướng bảo tồn và phát triển hiện vẫn song song tồn tại, không mâu thuẫn, không áp chế lẫn nhau, cùng đưa Nhã nhạc Nhật Bản tồn tại và phát triển với thời gian. Đây có thể xem là một thí dụ điển hình cho phương pháp bảo tồn, phát huy và phát triển các hình thức âm nhạc dân tộc mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt , cần tham khảo kinh nghiệm.

————————

Chú thích:

(1) Các mốc lịch sử được tham khảo từ sách Lịch sử Nhật Bản của R.H.P Mason & J.G. Caiger, bản dịch của Nguyễn Văn Sĩ, NXB Lao Động, Hà Nội, 2004.
(2) Hisao Tanabe, “Gagaku”, Ongaku, Jiten, vol 2, p 206, dẫn từ Robert Garfias, Music of a Thousand Autumns, University of California Press, USA.
(3) Văn Minh Hương, Gagaku và Nhã nhạc, NXB Thanh Niên, Thành phố Hồ Chí Minh, 2003, tr 46 và 48.

Theo TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG

Tags: , ,