⠀
Muốn dân tin, hãy điểm rõ mặt ‘một bộ phận không nhỏ’
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, câu hỏi những ai là thành viên trong cái “một bộ phận không nhỏ” suy thoái về đạo đức, lối sống được trả lời và điểm từng mặt, chỉ từng tên nhiều đến thế.
Tuần qua, một số tờ báo đã đăng bài viết gây tiếng vang của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về những suy ngẫm nhân đọc bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần”.
Bài viết của ông có đoạn: “Nhiều năm công tác tại đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, tôi thường đi ngang qua Hoàng thành, qua Hồ Tây, khi sáng sớm tinh sương hay lúc chiều nắng tắt. Có lúc tôi dừng lại bên những dấu tích của thời đại vàng son Lý – Trần, hoặc ngắm nhìn Hồ Tây sương khói, ngẫm nghĩ về những thời kỳ thịnh, suy của đất nước, về những lẽ hưng vong của thời cuộc”.
Người viết chợt nhớ lại, thời kỳ ông Trương Tấn Sang còn làm Thường trực Ban Bí thư, thường sáng sớm ông đi bộ từ nhà công vụ ở phố Phan Đình Phùng sang nơi làm việc ở phố Nguyễn Cảnh Chân, đến trưa lại đi bộ về, chiều lại đi về như thế. Không ít lần có hội họp ở Hội trường Ba Đình, ông cũng thường đi bộ đến và về, dù quãng đường không phải là ngắn. Có lẽ ông rất thích tản bộ, quan sát cuộc sống xung quanh và suy ngẫm việc nước, việc đời.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại TP. Hồ Chí Minh, ông là người gần gũi, lắng nghe, trả lời thẳng thắn các ý kiến gai góc, nhạy cảm, thậm chí trái chiều. Một lần vào tháng 6/2015, khi tiếp xúc cử tri quận Nhất, ông nói: “Bản thân tôi mỗi lần gặp các cán bộ hưu trí cũng bị “truy” dữ lắm. Trong chiến tranh, nguy hiểm mà ta vẫn giữ được khí tiết. Ta không sợ địch. Nay hòa bình rồi tại sao ta lại sợ ta, không dám nói thẳng nói thật? Nói cho cùng, những cái mà ta sợ mất không có gì là cao cả! Phải chăng đó là lợi ích gì đó trong nháy nháy? Tại sao chúng ta lại ngại dân?”; rằng “Đừng ngại gì cả. Suy cho cùng chúng ta đều là dân cả. Bản thân tôi về nhà cởi “áo mão cân đai” ra thì cũng là dân, tôi tiếp xúc thăm hỏi bà con lối xóm, kể cả các em bé. 30 năm qua tôi luôn như vậy!”
Trước đó, cũng trong một lần tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 11/2012, ông đã bày tỏ: “Tôi thấy buồn lòng và xấu hổ khi niềm tin trong dân giảm sút, khi các cô bác, anh chị, các đồng chí không tin tưởng” (Báo Lao động, 27/11/2012).
Nhìn lại suốt chặng đường dài, cho tới bài viết vừa rồi, chúng ta có thể thấy vẫn nguyên một nỗi trăn trở của nguyên Chủ tịch nước, đó là làm sao để gần dân, để dân nói, và nhất là để dân tin.
Trong những năm qua, nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đổi mới tác phong, không ngại ngùng khi tiếp xúc với dân, từ đó tạo nên bầu không khí dân chủ, cởi mở, gần gũi, giảm bớt những nghi ngại băn khoăn giữa những người lãnh đạo với người dân trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri. Với động cơ xây dựng, tâm huyết với Đảng, nhiều người dân dám nói cả những điều một thời bị cho là nhạy cảm.
Tuy nhiên, chỉ lời nói thôi là không đủ. Còn nhớ, từng có đại biểu Quốc hội đã ví von một cách hình ảnh rằng, “Con đường dài nhất của Việt Nam không phải từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến hành động”. Do vậy, không phải bất cứ lời phát biểu nào, thậm chí cả lời hứa của cán bộ lãnh đạo người dân cũng nghe, cũng tin mà có những khi còn gây phản cảm nếu “nói một đằng làm một nẻo”.
Không ít cán bộ, lãnh đạo thực chất không xứng đáng với vị trí, trọng trách, “chân mình thì lấm bê bê”, nhưng vẫn “tay cầm bó đuốc mà rê chân người”. Với những người như thế thì lời nói dù “đường mật” đến mấy cũng không thể rót lọt vào tai dân, chứ đừng nói đến tạo dựng niềm tin. Muốn dân tin thì nói phải đi liền với làm.
Ngày nay, khi dân trí không ngừng được nâng cao, khi các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội bùng nổ, quần chúng nhân dân, nhất là những người từng công tác – sống gần cán bộ lãnh đạo, có đủ thông tin để đánh giá cán bộ ai tốt ai xấu. Có người nói rằng, ở nước ta, chỉ cần hỏi cán bộ 2 câu hỏi là rõ ngay có tham nhũng, tiêu cực hay không. Đó là: 1) Tiền của từ đâu mà có; 2) Nếu không có “của chìm của nổi” của ông cha để lại mà do bản thân tự làm ra được thì đó là làm gì, đóng thuế cho ai?
Nếu chịu khó theo dõi tài sản, nhà cửa, đất đai, xe cộ ăn tiêu thì sẽ biết ngay mức độ trong sạch của cán bộ. Với mức thu nhập theo quy định như hiện nay thì nhiều cán bộ, lãnh đạo làm sao có những khối tài sản khủng, lấy tiền đâu mua biệt thự, đất đai, căn hộ, mua sắm các phương tiện đắt tiền, cho con cái đi du học nước ngoài tự túc, rồi cuộc sống xa hoa như vậy. Đó là còn chưa nói đến những cán bộ lãnh đạo, đảng viên hư hỏng, dối trên, lừa dưới, mị dân, bồ bịch, vợ nọ, con kia… Những hiện tượng đó ắt khiến người dân đặt câu hỏi, thế nhưng dường như đến nay, trên thực tế dân ta chưa có quyền được biết, được hỏi câu hỏi ấy, thậm chí không biết hỏi ở đâu, hỏi ai.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết của người đứng đầu Đảng, một loạt vụ án lớn được đem ra xét xử trong năm qua và ngay những ngày đầu của năm 2018 có thể nói là minh chứng sống động cho “nói đi đôi với làm”. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, câu hỏi những ai là thành viên trong cái “một bộ phận không nhỏ” suy thoái về đạo đức, lối sống được trả lời và điểm từng mặt, chỉ từng tên nhiều đến thế. Nếu cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” giữ vững được đà này, tiếp tục được tiến hành, giành thắng lợi thì đó sẽ là một trong những cơ sở vững chắc để nhân dân ta tiếp tục giữ niềm tin.
Trong nhiều truyền thuyết Việt Nam có chuyện kể về trong 100 con voi thì có 99 con hướng về Đất Tổ, riêng có một con quay đi nơi khác. Cuối cùng con voi quay lưng lại cũng bị đàn trừng phạt. Lịch sử hàng nghìn năm của nước ta đã thế và bây giờ cũng thế, chỉ có đi cùng lợi ích nhân dân, đi cùng lợi ích dân tộc, thì mỗi cá nhân, cộng đồng, mỗi chính thể mới có thể tồn tại.
Theo VŨ LÂN / VIETNAMNET
Tags: Giám sát quyền lực, Tham nhũng - Tiêu cực