Một vài nét về mô hình ‘chủ nghĩa xã hội tự quản’ của Nam Tư cũ

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, đánh dấu sự ra đời của chế độ XHCN hiện thực. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một hệ thống các nước XHCN ra đời. Tuy vậy, do những nguyên nhân khác nhau, các nước này  đều áp dụng mô hình Liên Xô. Đảng Cộng sản Nam Tư đã sớm nhận ra những bất cập của mô hình này và đã tìm tòi, thử nghiệm xây dựng một mô hình xã hội XHCN mới, có nhiều khác biệt so với mô hình Xô-viết, song không được công nhận. Bài viết phân tích một số đặc trưng về kinh tế – chính trị – xã hội của mô hình “Chủ nghĩa xã hội tự quản” của Nam Tư.

Bài viết của TS Nguyễn Văn Quyết, Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2017

1. Bối cảnh ra đời “Chủ nghĩa xã hội tự quản” của Nam Tư

Lý luận “Chủ nghĩa xã hội tự quản” (Self-managed Socialism) của Nam Tư được hình thành vào cuối thập kỷ 40 thế kỷ XX và từng bước được bổ sung, phát triển qua các giai đoạn sau đó. Giai đoạn từ năm 1945-1948, khi mới giành được chính quyền, Nam Tư đã xây dựng CNXH theo mô hình Xô-viết. Lúc đầu, thể chế này đã phát huy giá trị tích cực, nhất là trong củng cố chính quyền nhân dân, đập tan những cuộc bạo loạn vũ trang phản cách mạng, nâng cao năng suất lao động xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh… Tuy nhiên, mô hình Xô-viết cũng dần bộc lộ những hạn chế: quyền lực chính trị quá tập trung dẫn đến tình trạng quan liêu, thể chế khô cứng đã cản trở sự sáng tạo của các đơn vị sản xuất, cơ cấu kinh tế bất hợp lý… Đây là một trong những lý do cơ bản khiến những người cộng sản Nam Tư phải suy nghĩ, tìm tòi một lý luận mới về xây dựng CNXH phù hợp với đặc điểm của mình.

Năm 1948, giữa Liên Xô và Nam Tư xảy ra mâu thuẫn, Nam Tư bị khai trừ ra khỏi Cục thông tin quốc tế(1). Từ đó, Đảng Cộng sản Nam Tư đứng đầu là Josip Broz Tito (1892-1980) đã triển khai trên quy mô lớn việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác để tự tìm ra một con đường phát triển riêng cho mình, nêu ra các nguyên tắc về xây dựng xã hội XHCN tự quản, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như chống tập trung quyền lực, chống quan liêu, chống áp đặt… Năm 1950, Nam Tư ban hành Pháp lệnh công nhân tự quản, tiến hành cải cách thể chế kinh tế, chính trị; Đại hội VI Đảng Cộng sản Nam Tư (11-1952) đổi tên Đảng Cộng sản Nam Tư thành Liên đoàn những người cộng sản Nam Tư, mở ra một thời kỳ mới “xây dựng chủ nghĩa xã hội khác với Liên Xô”. Hiến pháp năm 1953 đã thể chế hóa lý luận này thành mô hình “chủ nghĩa xã hội tự quản của Nam Tư”. Năm 1958, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Liên đoàn những người cộng sản Nam Tư đã thông qua Cương lĩnh của Liên đoàn, trong đó xác lập chính thức lý luận “chủ nghĩa xã hội tự quản”, coi đây là “hình thức lịch sử cụ thể trong việc giải phóng công nhân, giải phóng lao động, giải phóng con người”(2).

2. Một số đặc trưng chủ yếu mô hình “Chủ nghĩa xã hội tự quản” của Nam Tư

Một là, chế độ kinh tế

Khác với Liên Xô thực hiện hai hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể, Nam Tư đã xây dựng lý luận và thực hiện chế độ sở hữu xã hội. Cơ sở của việc này bắt nguồn từ việc Nam Tư cho rằng, chế độ sở hữu nhà nước tập trung cao độ ở Liên Xô đã không loại trừ được hiện tượng “tha hóa” vì nó tách công nhân khỏi sở hữu; công nhân chưa là người sở hữu trực tiếp tư liệu sản xuất mà vẫn phải thông qua nhà nước.

Sở hữu nhà nước đã tách công nhân khỏi tư liệu sản xuất, là nguồn gốc dẫn đến tình trạng nhà nước độc quyền xây dựng kế hoạch sản xuất. Trong khi nhà nước không ngừng tái sản xuất ra vai trò độc quyền ấy thì đồng thời cũng tái sản xuất ra mâu thuẫn giữa vai trò độc quyền với lợi ích của công nhân, nhất là khát vọng lịch sử giải phóng lao động, tự do chi phối một cách bình đẳng các điều kiện và thành quả lao động của mình. Chỉ khi xóa bỏ mọi hình thức sở hữu độc quyền như độc quyền nhà nước, độc quyền tư nhân, làm cho tư liệu sản xuất thuộc về xã hội thì mới triệt để xóa bỏ được tha hóa.

Các nhà lý luận Nam Tư cho rằng, ý nghĩa thực sự của sở hữu xã hội là sự nhất thể hóa lao động và tư liệu sản xuất. Sở hữu nhà nước chỉ là hình thức thấp của chế độ công hữu XHCN, sở hữu xã hội là hình thức cao hơn. Hay nói cách khác, sở hữu nhà nước là “công hữu gián tiếp” còn sở hữu xã hội mới là “công hữu trực tiếp”.

Sở hữu xã hội là hình thức đặc thù của chế độ công hữu, dựa trên chế độ tự quản kinh tế, là quá trình xã hội hóa tư liệu sản xuất, trong đó có sự tham gia một cách tích cực của bản thân người lao động. Tại sao gọi là sở hữu xã hội, Hiến pháp 1974 của Nam Tư giải thích: “chế độ sở hữu xã hội thể hiện quan hệ kinh tế xã hội chủ nghĩa giữa người và người, là cơ sở của lao động tự do liên hợp, là cơ sở của địa vị thống trị của giai cấp công nhân trong sản xuất và toàn bộ tái sản xuất xã hội; cũng là cơ sở tài sản cá nhân thu được bằng sức lao động dùng để thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của con người”(3).

Về quan hệ quản lý trong quá trình sản xuất, Nam Tư xây dựng lý luận về tự quản và lao động liên hiệp. Theo đó, trong một đơn vị sản xuất, mối liên hệ giữa các thành viên là thể liên hiệp của những người tự do, trong đó sự phát triển tự do mỗi cá nhân là điều kiện tự do mọi người; dùng tư liệu sản xuất công cộng để lao động, tự giác sử dụng sức lao động của nhiều cá nhân với tư cách là sức lao động xã hội. Đây là sự thử nghiệm trong thực tiễn tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(4). Xã hội được xây dựng trên cơ sở quan hệ sản xuất tự quản, thực chất là việc thủ tiêu mọi hình thức độc quyền về chế độ sở hữu. Quan hệ sản xuất này khác với quan hệ sản xuất tư bản ở chỗ “là quan hệ giữa những cá nhân trong cùng giai cấp, tức là quan hệ trong nội bộ giai cấp công nhân”(5). Người lao động có quyền tự do quyết định việc liên hiệp với những người nào, có thể sử dụng tư liệu sản xuất khi lao động chung với người khác và chiếm hữu tư liệu tiêu dùng cá nhân trong phạm vi cùng chi phối thành quả lao động.

Về cơ chế kinh tế: Nam Tư là nước XHCN đầu tiên chấp nhận kết hợp có chừng mực giữa thị trường và kế hoạch. Cơ sở của luận điểm này là, trong nền kinh tế XHCN ở Nam Tư lúc đó còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế khác nhau (tư nhân, nhà nước, tập thể), quan hệ trao đổi giữa các xí nghiệp phải trên cơ sở ngang giá, các xí nghiệp cần hàng hóa và tiền tệ làm phương tiện hạch toán kinh tế. Do đó, tất yếu phải có kinh tế hàng hóa.

Trong mối quan hệ giữa thị trường và kế hoạch, phải lấy thị trường làm tiền đề nhưng không phủ nhận kế hoạch. Tuy nhiên, phạm vi, quy mô của việc lập kế hoạch không tùy thuộc vào ý chí chủ quan của con người mà do trình độ lực lượng sản xuất quyết định. Các nhà lãnh đạo Nam Tư cho rằng, trong điều kiện lực lượng sản xuất còn thấp, nhiều thành phần kinh tế, áp dụng chế độ tự quản, mà vạch kế hoạch chi tiết với mọi thứ là điều không thực tế. Điểm khác biệt trong kế hoạch của Nam Tư là không giao quyền lập kế hoạch cho các cơ quan trung ương mà giao cho các xí nghiệp. Thực chất đây là hình thức phát huy dân chủ trong từng đơn vị sản xuất, kế hoạch chỉ là công cụ trong tay người lao động, do bản thân công nhân vạch ra trên cơ sở liên hợp tự quản.Theo nhận thức này, quá trình xây dựng kế hoạch phải thực hiện từ dưới lên, có sự bàn bạc, thảo luận giữa các cấp, tôn trọng pháp luật, lấy lợi ích của người lao động và xã hội làm cơ sở. Vì vậy, nó là thể kết hợp tự giác giữa kế hoạch và thị trường, khiến cho thị trường trở thành “thị trường có tổ chức”.

Hai là, lý luận chính trị tự quản xã hội chủ nghĩa

Chế độ tự quản gắn với phân quyền: khác với Liên Xô xây dựng mô hình quyền lực tập trung cao độ ở trung ương, Nam Tư thực hiện phân quyền cho các bang, tỉnh và khu tự trị. Chính phủ liên bang trao cho chính quyền địa phương quyền quản lý các ngành công nghiệp (trừ dầu mỏ, luyện kim, cơ khí), trao cho các nước cộng hòa toàn bộ các xí nghiệp trực thuộc bang; tăng quyền cho các tỉnh, khu tự trị và các tổ chức tự quản. Các nhà lý luận Nam Tư cho rằng, quản lý theo cơ chế tập trung là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa quan liêu phát triển. Cơ chế quản lý phân tán dựa trên tiền đề công nhân tham gia rộng rãi vào việc quản lý xã hội, có đầy đủ quyền quản lý mọi công việc của xã hội, khiến cho nhà nước thống nhất với xã hội trên cơ sở dân chủ nhân dân.

Về đảng chính trị: đổi tên Đảng Cộng sản Nam Tư thành Liên đoàn những người cộng sản Nam Tư. Liên đoàn trên thực tế không phải là chính đảng mà là “thể liên hợp của những người nhất trí về tư tưởng”. Mục tiêu cuối cùng của Liên đoàn là xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Trong giai đoạn đầu, mục tiêu của Liên đoàn là chủ nghĩa nhân văn và nền dân chủ XHCN, bằng cách xóa bỏ mọi sự độc quyền chính trị để xây dựng một chế độ trong đó không còn giai cấp hay bất cứ chính đảng nào mà chỉ có tự do đấu tranh tư tưởng và vai trò hướng dẫn được thừa nhận. Liên đoàn là đại biểu chính trị bảo vệ lợi ích chung, lâu dài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Liên đoàn không có nhiệm vụ quản lý kinh tế thay cho công nhân, mà với tư cách là những người giác ngộ nhất, tiến hành đấu tranh trong nội bộ, không để cho nhà nước bị quan liêu, tha hóa, biến chất trở thành kẻ độc tài đối với xã hội. Liên đoàn không tìm kiếm bất kỳ đặc quyền chính trị nào. Liên đoàn đề cao phát huy dân chủ trong nội bộ, thực hiện tự do phê bình và tranh luận trên cơ sở được hiến pháp bảo đảm, cho phép thiểu số có quyền bảo lưu ý kiến. Các nhà lý luận Nam Tư cho rằng, nếu bản thân trong Liên đoàn mà không có dân chủ thì toàn bộ chế độ dân chủ XHCN không vượt qua được dân chủ tư sản. Vì vậy, toàn dân tham gia thảo luận về mỗi bước tiến của cách mạng là điều kiện để cách mạng tiến lên. Việc thực hiện chế độ dân chủ trong nội bộ bảo đảm cho việc trao đổi tư tưởng từ trên xuống và từ dưới lên.

Về chế độ dân chủ tự quản: trên cơ sở phê phán chế độ chính trị tập trung cao độ của Liên Xô, Nam Tư nêu bật tư tưởng các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác về cách mạng vô sản là điểm khởi đầu của tiến trình tiêu vong nhà nước, còn xây dựng và phát triển chế độ dân chủ tự quản XHCN do người dân lao động trực tiếp tham gia và quản lý là tiền đề chính trị cho nhà nước tiêu vong.

Cơ sở kinh tế của chế độ dân chủ tự quản là chế độ sở hữu xã hội, chỉ khi nào tư liệu sản xuất đã hoàn toàn do người lao động chi phối, nhà máy, xí nghiệp đã được quản lý bởi bộ máy do công nhân bầu ra thì khi đó bắt đầu một nền dân chủ XHCN thực sự. Còn ngược lại, khi nhà nước chưa giao nhà máy, xí nghiệp cho công nhân quản lý mà lại thông qua bộ máy của mình, hoặc nhân viên do mình cử tới để quản lý thì không thể nói tới dân chủ XHCN.

Trong chế độ dân chủ tự quản, toàn thể công dân, hoặc thông qua đại biểu của mình thực hiện quản lý mọi công việc của xã hội. Các nhà lý luận Nam Tư cho rằng, xây dựng nền dân chủ phải đi đôi với phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế, và cuối cùng do sự phát triển kinh tế quyết định.

Mối quan hệ dân chủ trong kinh tế và chính trị: xã hội hóa về tư liệu sản xuất, đòi hỏi trong lĩnh vực kinh tế phải áp dụng hình thức quản lý dân chủ. Không những vậy, kinh tế và chính trị là những nội dung chính của đời sống xã hội, do đó dân chủ trong kinh tế sẽ chỉ ra hình thức và phương hướng thực hiện dân chủ trong lĩnh vực chính trị. Mặt khác, sự giải phóng lao động thông qua xã hội hóa tư liệu sản xuất và xây dựng cơ cấu dân chủ trong việc quản lý sản xuất phải nâng cao được vai trò cá nhân trong quản lý xã hội. Chế độ dân chủ trên cơ sở chế độ sở hữu xã hội bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ thông qua các cơ quan tự quản.

Mục đích của thực hành dân chủ tự quản nhằm giúp cho quần chúng lao động có khả năng trực tiếp và thường xuyên tham gia vào quản lý xã hội mà không nhất thiết phải thông qua một chính đảng nào. Nguyên tắc hoạt động của nền dân chủ tự quản là cơ quan quản lý nhà nước phải phục tùng cơ quan tự quản xã hội. Cơ quan tự quản do quần chúng lao động bầu ra, những nơi nào có liên quan đến lợi ích của công nhân (khu, tỉnh tự trị, nhà nước cộng hòa…) đều phải lập ra hội đồng công nhân. Đây là hình thức mới để giai cấp công nhân và nhân dân lao động trực tiếp tham gia vào công việc quản lý xã hội.

Chế độ chính trị dân chủ tự quản là sự phản ánh chế độ đa nguyên về lợi ích của công nhân, nhân dân lao động; nó không dung nạp sự thống trị của bộ máy nhà nước tập trung, cũng không chấp nhận sự độc quyền chính trị lấy nhà nước làm tiền đề. Việc thực hiện chế độ đại biểu khiến cho cả hệ thống đa nguyên về lợi ích tự quản và mọi công nhân, nông dân, trí thức, toàn thể nhân dân lao động thực hiện tự quản trong mọi lĩnh vực.

Khi thực hiện chế độ dân chủ tự quản, Nam Tư đề cao vai trò của luật pháp. Các nhà lãnh đạo Nam Tư cho rằng, việc tuân thủ luật pháp  là nhân tố quan trọng để bảo đảm quyền lợi của công dân, góp phần xây dựng đoàn kết dân tộc.

Ba là, quan hệ dân tộc trong chế độ tự quản

Nam Tư là quốc gia đa dân tộc, trong nội bộ cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Lý luận về quan hệ dân tộc của Nam Tư được xây dựng dựa trên cơ sở chế độ sở hữu xã hội và chính trị dân chủ tự quản XHCN. Tự quản XHCN là điều kiện tiên quyết để thực hiện bình đẳng dân tộc. Nếu như trong lao động liên hợp, công dân có quyền tự do chi phối thành quả lao động thặng dư do mình sáng tạo ra thì mỗi dân tộc cũng có quyền tự do chi phối lao động thặng dư, quyết định điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của mình. Như vậy, các nước cộng hòa, các tỉnh tự trị đều có thể căn cứ vào chế độ kinh tế xã hội thống nhất, lợi ích riêng của cộng đồng để quyết định một cách bình đẳng các công việc chung của liên bang. Nguyên tắc tự quản được xây dựng trên cơ sở thống nhất giữa quan hệ giai cấp với quan hệ dân tộc là tiền đề và cơ sở hiện thực để phát triển và tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc trong liên bang.

Trong một quốc gia có nhiều dân tộc, nếu không có bình đẳng dân tộc thì không thể thực hiện được chế độ tự trị. Nam Tư chủ trương điều hòa lợi ích giữa các dân tộc trong phạm vi liên bang bằng biện pháp tự trị, mấu chốt là vạch rõ quyền hạn giữa liên bang với nước cộng hòa và tỉnh tự trị.

Bốn là, lý luận về không liên kết trong quan hệ đối ngoại

Lý luận không liên kết được xây dựng dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ, bình đẳng, chung sống hòa bình và hợp tác tích cực giữa các nước có chế độ khác nhau. Mỗi nước có trách nhiệm ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, chủ quyền quốc gia; kiên trì chống lại việc phân chia thế giới thành các “khối”, các “phe”; chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc và can thiệp từ bên ngoài vào dưới mọi hình thức.

Liên đoàn những người cộng sản Nam Tư cho rằng, việc dựa vào ý thức hệ để phân chia thế giới thành các phe phái là nhân tố gây trở ngại cho việc hợp tác quốc tế bình thường, làm nảy sinh các xung đột quốc tế. Muốn giải quyết các hiện tượng bất hợp lý trong quan hệ quốc tế mà chỉ trông chờ vào mấy nước lớn trong Liên Hợp quốc thì không hiệu quả mà phải dựa vào sự đoàn kết từ tất cả các nước không tham gia vào khối nào, trước sau như một giữ vững nguyên tắc không liên kết(6).

Về nguyên tắc và mối quan hệ giữa các nước XHCN, các nhà lý luận Nam Tư cho rằng, CNXH không thể chỉ do một trung tâm lãnh đạo, càng không thể thực hiện bằng cách “nhập khẩu” một mô hình nào từ bên ngoài vào. Quan hệ giữa các nước XHCN phải được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, tính đặc thù và sự toàn vẹn của nhau. Phải thừa nhận tính đa dạngvề con đường xây dựng CNXH, các dân tộc phải tự mình quyết định con đường phát triển của mình.

Mặc dù đã được cải cách, sửa đổi, bổ sung, phát triển nhiều lần, tuy nhiên đến những năm 80 của thế kỷ XX, sau khi Joship Tito qua đời, mô hình “chủ nghĩa xã hội tự quản”của Nam Tư cũng lâm vào khủng hoảng, chế độ XHCN ở Nam Tư tan rã vào những năm cuối thế kỷ XX.

Từ nỗ lực xây dựng lý luận và thực hiện mô hình XHCN ở Nam Tư giữa thế kỷ XX, có thể rút ra một số nhận xét sau:

Một là, CNXH là một chế độ xã hội hoàn toàn mới, nó không có mô hình, kinh nghiệm và bài học đi trước. Những người cộng sản trên toàn thế giới, căn cứ vào lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc điểm của thời đại và dân tộc mình mà xây dựng một mô hình phù hợp để hiện thực hóa nó. Do vậy, phải có quan điểm lịch sử cụ thể khi vận dụng các nguyên lý của CNXH khoa học. Chính Ph.Ăngghen đã cho rằng:  “Muốn làm cho chủ nghĩa xã hội trở thành khoa học thì trước hết phải đặt chủ nghĩa xã hội trên cơ sở hiện thực”(7). Còn V.I. Lênin căn dặn: “Nhiệm vụ của những người cộng sản là phải biết áp dụng những nguyên tắc phổ biến và cơ bản của chủ nghĩa cộng sản vào đặc điểm của những mối liên hệ giữa các giai cấp và các đảng, vào đặc điểm của sự phát triển khách quan hướng tới chủ nghĩa cộng sản, những đặc điểm riêng của mỗi nước”(8).

Trong khi hầu hết các quốc gia xây dựng CNXH lúc đó đều mô phỏng mô hình Xô-viết, việc Nam Tư đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu một con đường riêng phù hợp với đặc điểm của dân tộc mình là một sự sáng tạo, cần được cổ vũ. Mỗi bước tìm tòi đó, dù có thất bại cũng là những bài học kinh nghiệm quý cho công cuộc xây dựng CNXH hiện thực sau này.

Hai là, sự thất bại của mô hình “chủ nghĩa xã hội tự quản” của Nam Tư cũng cho thấy bài học, mỗi đảng chính trị cầm quyền, khi xây dựng lý luận phải căn cứ vào đặc điểm, nhu cầu phát triển của mình chứ không phải làm những điều ngược lại với chính đảng bất đồng với mình. Việc Liên đoàn những người cộng sản Nam Tư xây dựng mô hình “chủ nghĩa xã hội tự quản” với những đặc điểm “đối lập” hay khác biệt so với Liên Xô để khẳng định con đường riêng của mình mà không dựa trên các quy luật phát triển khách quan là chưa thực sự khoa học. Ví như, khi cho rằng chế độ sở hữu nhà nước ở Liên Xô là hình thức công hữu ở trình độ thấp, và do vậy Nam Tư thực hiện sở hữu xã hộiở trình độ cao, nhưng thực tế cho thấy, quan hệ sản xuất ấy chưa thực sự phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở Nam Tư lúc đó.

Ba là, trong quá trình cải cách, mở cửa, đổi mới, các nước XHCN sau này đã có sự tham khảo và phát triển nhiều tư tưởng của mô hình “chủ nghĩa xã hội tự quản” Nam Tư như: phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nền dân chủ XHCN, mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước có thể chế chính trị khác… Điều này cho thấy, lý luận và thực tiễn xây dựng “chủ nghĩa xã hội tự quản” của Nam Tư có thể được coi là “ngọn cờ đầu” của công cuộc cải cách, đổi mới CNXH hiện thực.

————————————-

Chú thích:

(1) Cục thông tin quốc tế hay còn gọi là Cục thông tin cộng sản (Kominform) được thành lập tháng 9-1947 thay thế cho Quốc tế cộng sản giải tán năm 1943. Đây là tổ chức được hình thành nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động một cách tự nguyện giữa các đảng cộng sản (Liên Xô, Bungari, Hunggari, Ba Lan, Rumani, Tiệp Khắc, Nam Tư, Pháp, Italia).
(2), (3), (5) Viện nghiên cứu lịch sử phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, Trường Đại học nhân dân Trung Quốc: Lịch sử chủ nghĩa Mác, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.41, 53, 57.
(4) C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.628.
(6) Giữa những năm 50 của thế kỷ XX, Josip Broz Tito cùng thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, Tổng thống ­­­­­­­Indonesia Sukarno và Tổng thống Ghana Kwame Nkumah cùng khởi xướng Phong trào không liên kết, tổ chức này đã có vai trò tích cực trong bảo vệ hòa bình thế giới, đoàn kết các nước đang phát triển.
(7) C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.293.
(8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.93.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ 

Tags: ,