Một góc nhìn về những đô thị ‘đạt chuẩn nông thôn’ ở Việt Nam

Thỉnh thoảng nghe đài, tivi thông báo thị xã này, thành phố kia thuộc tỉnh nào đó ở ta vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong tôi lại cảm thấy buồn vui lẫn lộn.

Một góc nhìn về những đô thị đạt chuẩn nông thôn ở Việt Nam

Tác giả: Tiến sĩ Đinh Duy Hòa.

Chuẩn nông thôn mới

Vui vì lại có thêm vài đơn vị hành chính sau nhiều cố gắng nỗ lực đã đạt được cái chuẩn này và đương nhiên sẽ kéo theo một số thay đổi trong phát triển kinh tế-xã hội ở đó khiến cho đời sống người dân chắc sẽ được cải thiện thêm chút ít.

Buồn vì với sự công nhận này là tiếp tục không rành mạch trong câu chuyện phân biệt đô thị với nông thôn và gắn với nó là yêu cầu từ lâu nay về sự khác biệt của chính quyền đô thị so với chính quyền nông thôn.

Theo lý lẽ thông thường, các đô thị như thị xã, thành phố phải phấn đấu đạt chuẩn theo kiểu như đô thị văn minh, đô thị thông minh… Nhưng không, ta là đô thị đạt chuẩn nông thôn mới.

Cái sự buồn vui lẫn lộn này có gốc rễ sâu xa là ở ta đô thị đã tự chứa trong nó các yếu tố của nông thôn.

Lấy Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương cho thấy trong tổng số 30 đơn vị hành chính cấp huyện của Hà Nội có 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện. Dễ dàng nhận thấy các đơn vị hành chính nông thôn là huyện thuộc Hà Nội lấn át khá mạnh các đơn vị hành chính mang tính đô thị là quận và thị xã.

Các thành phố trực thuộc trung ương khác như thành phố Hồ Chí Minh có 16 quận, 1 thành phố, 5 huyện; thành phố Hải phòng có 7 quận, 8 huyện; thành phố Cần Thơ có 5 quận, 4 huyện.

Hoặc xem xét thành phố thuộc tỉnh như thành phố Bắc Giang có 10 phường, 6 xã; thành phố Vinh có 16 phường, 9 xã và thành phố Buôn Ma Thuột có 13 phường, 8 xã.

Từ việc trong đô thị có đơn vị hành chính nông thôn là huyện, là xã nên đương nhiên các huyện, xã này phải phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, kéo theo thành phố, thị xã liên quan cũng phải vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới.

Cho nên mới nói đô thị ở ta không đúng nghĩa là đô thị hoặc nói cách khác là bán đô thị.

Đô thị phải đúng nghĩa đô thị

Thử nhìn xem thành phố ở các nước khác xem sao. Thành phố New York của Mỹ có diện tích khoảng 1.223 km2, dân số xấp xỉ 9 triệu người. Thành phố New York bao gồm 5 quận là Brooklyn, Queen, Manhattan, The Bronx và Staten Island, tức là không có đơn vị hành chính nông thôn.

Thành phố Berlin vừa là thủ đô, vừa là một bang của Cộng hòa Liên bang Đức. Berlin có diện tích 891 km2, dân số khoảng 3,7 triệu người và về mặt đơn vị hành chính được chia thành 12 quận. Berlin cũng không có một đơn vị hành chính nông thôn như kiểu huyện.

Thành phố Kuala Lumpur là thủ đô của Liên bang Malaysia, có diện tích 243 km2, dân số xấp xỉ 2 triệu người và bao gồm 11 quận.

Thành phố Moskva là thủ đô của Cộng hòa Liên bang Nga, có diện tích 2.511 km2, dân số 12,6 triệu người và bao gồm 12 quận, trong đó có 2 quận mới thành lập vào năm 2012 vốn là các đơn vị hành chính và dân cư thuộc tỉnh Moskva được chuyển về cho thành phố Moskva trong khuôn khổ mở rộng thủ đô Liên bang. Điểm khá lý thú ở đây là có tỉnh và có thành phố Moskva và thành phố Moskva về mặt hành chính – lãnh thổ là một đơn vị hành chính độc lập thuộc Liên bang và do đó không nằm trong tỉnh Moskva.

Câu chuyện về Moskva cũng đã từng xảy ra tương tự với Hà Nội trước đây. Năm 1831, vua Minh Mạng xóa bỏ Bắc thành gồm 11 trấn và 1 phủ trực thuộc ở Bắc Hà và lập tỉnh Hà Nội để Hà Nội trở thành 1 trong 31 tỉnh của cả nước thời đó.

Tỉnh Hà Nội có tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ, gồm có 4 phủ: Phủ Hoài Đức: gồm kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm vốn thuộc Phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây; Phủ Ứng Hòa: có 4 huyện là Chương Đức sau đổi thành Chương Mỹ, Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai; Phủ Lý Nhân: có 5 huyện là Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm; Phủ Thường Tín: có 3 huyện là Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc.

Như vậy tỉnh Hà nội có 15 huyện thuộc 4 phủ vừa nêu. Vào thời kỳ 1838-1840, phủ Hoài Đức gồm 2 huyện là Thọ Xương và Vĩnh Thuận.

Đến năm 1875, trước sức ép của Pháp, vua Tự Đức phải cắt hơn 18 ha của huyện Thọ Xương để Pháp lập khu lãnh sự. Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội rồi chiếm hết huyện Thọ Xuơng làm cho địa giới tỉnh Hà Nội lại thay đổi.

Đến năm 1888, vua Đồng Khánh ra chỉ dụ cắt toàn bộ huyện Thọ Xương và một phần nhỏ huyện Vĩnh Thuận cho Pháp lập thành phố nhượng địa. Thực ra, chỉ dụ này chỉ là hợp thức hóa những việc làm trước đó của phía Pháp về thành lập thành phố Hà Nội.

Năm 1896, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển trị sở tỉnh Hà Nội vào vùng đất làng Cầu Đơ thuộc Tổng Thanh Oai huyện Thanh Oai. Đến lúc này đã hình thành rõ cục diện có thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nội.

Năm 1902, Pháp quyết định lấy thành phố Hà Nội là thủ đô của Liên bang Đông Dương. Thủ đô Liên bang không thể trùng tên với một tỉnh được, nên sau đó tỉnh Hà Nội được đổi tên thành tỉnh Cầu Đơ. Tên tỉnh là Cầu Đơ cũng không ổn nên cuối cùng vào năm 1904 được đổi thành tỉnh Hà Đông.

Từ những câu chuyện về thành phố vừa đề cập, nhất là thành phố và tỉnh Matxcova, thành phố và tỉnh Hà Nội xa xưa đã cho thấy đô thị phải đúng nghĩa là đô thị. Đô thị không nên và không thể lại có các đơn vị hành chính trực thuộc mang tính chất nông thôn như huyện, xã.

Đô thị hoá là tất yếu

Từ thực tế đô thị vừa mang tính đô thị, vừa mang tính nông thôn như ở ta cho thấy một số điều:

Không thể có một chính quyền đô thị đúng nghĩa được. Lấy ví dụ như Hà Nội có 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện thì bộ máy không thể không có Sở Nông nghiệp và PTNT được. Tình hình sẽ khác hẳn, nếu Hà Nội không có huyện nào trực thuộc, có nghĩa là không có huyện nông thôn và câu hỏi sẽ là vậy thì có cần Sở Nông nghiệp hay không?

Xu hướng đô thị hóa ở nước ta là một tất yếu. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa là một quá trình tự nhiên, cho nên đưa những yếu tố nhân tạo vào để đạt được cái tự nhiên này sẽ là không thích hợp, là phản khoa học. Vì vậy chuyển xã thành phường, huyện thành quận không thể chỉ đơn thuần bằng một quyết định hành chính là xong.

Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy sự thận trọng trong xem xét viêc đưa các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ lên quận hoặc thành phố.

Qua rà soát các tiêu chí đô thị cho thấy cả 5 huyện đều chưa đủ tiêu chuẩn, tiêu chí để nâng cấp thành quận hoặc thành phố. Và đây chính là nguyên nhân tại sao đến nay thành phố chưa có chủ trương chính thức xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố.

Theo VIETNAMNET

Tags: ,