⠀
Một góc nhìn về cội nguồn của biểu tượng rồng Đại Việt
Biểu tượng rồng Đại Việt là biểu tượng rồng của các vương triều Đại Việt Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Lê (thế kỷ 10-18). Cội nguồn và bản chất của biểu tượng đó là thần sông – nước, được đồng nhất với thần mưa của người Việt.
Thời xa xưa, nước từ sông suối biển cả và nước mưa từ trời đã luôn gắn với sự sống và cái chết của con người. Phần lớn nền văn minh lớn của loài người là văn minh bắt nguồn từ những dòng sông.
Người Việt đã mất đi truyền thuyết khởi nguyên kể về một nạn hồng thủy hủy diệt loài người. Nhưng người Việt còn mãi truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh kể về nạn lũ lụt do Thủy Tinh gây ra.
Người Việt có câu “Nhất nước – nhì phân” nói lên tầm quan trọng của nước với nghề trồng lúa. Nhưng người Việt cũng có câu “Thủy, hỏa, đạo, tặc” nói lên mức độ tai họa do nước gây ra thế nào.
Từ nỗi kính – sợ sức mạnh của sông nước, người Việt kính sợ và thờ cúng thần sông nước với hiện thân xa xưa nhất là loài rắn nước vùng sông hồ, có thân uốn khúc tương đồng với hình dáng của dòng sông, với chuyển động của sóng nước cũng như với hình tia chớp trong cơn mưa. Tổ tiên người Việt xưa đã gọi vị thần sông – nước ấy bằng ngay từ chỉ sông hay nước. Ngôn ngữ học đã chứng minh từ “rồng” trong tiếng Việt cùng từ “long” trong tiếng Hán – Việt đều có gốc là từ chỉ sông klông hay krông trong tiếng Bách Việt cổ, hiện vẫn thấy trong tên một số con sông ở Tây Nguyên như Krông Pắc, Krông Nô, Krông Ana… Trong khi đó, từ chỉ rồng (neak) trong tiếng Khmer và (ngượk) trong tiếng Thái có gốc là một từ chỉ sông nước khác trong tiếng Bách Việt cổ, có họ hàng với từ nước trong tiếng Việt, từ Đác trong tên một số sông hồ ở miền Trung – Tây Nguyên như sông Đắc Krông (Quảng Trị), Hồ Lắk (Đắk Lắk), Đăk Bla (Kon Tum)…
Với mong muốn nhận được nhiều tình yêu thương, sự chở che phù hộ hơn từ thần sông – nước, người Việt xưa nhận thần là Ông Tổ của mình, tin mình có thể giao tiếp với thần qua các nghi lễ thờ cúng.
Bao đời nay, người Việt lưu giữ truyền thuyết cội nguồn có tên là Họ Hồng Bàng, tức những người có dòng dõi Chim Rồng với vị Thủy Tổ gần nhất là Lạc Long Quân hay Vua Rồng Lạc, tức Vua Rồng của người Lạc Việt.
Hoa văn rắn trên thố dùng đựng nước cúng trong Văn hóa Phùng Nguyên.
Biểu tượng rồng sớm nhất trong văn hóa Việt Nam là hình rắn uốn khúc trên bình gốm ở Xóm Rền, Phú Thọ, một di chỉ sớm của văn hóa Đá mới Phùng Nguyên, 2.000-1.400 năm trước Công nguyên (TCN). Các nhà khảo cổ học thường gọi đó là “văn giun”, nhưng đúng ra phải gọi là “hoa văn rắn” bởi nó thể hiện hình rắn uốn khúc khi bò hay bơi, một biểu tượng của sông nước và sự sống bất tận.
Chủ nhân của Văn hóa Phùng Nguyên là những người chủ yếu ở vùng sông nước, sống ở trên nước, nhờ nước và thờ vật tổ rắn nước. Họ là những người đầu tiên dùng từ nước hay đất nước để chỉ nơi mình sinh ra, lớn lên, yêu quý và bảo vệ.
Thời Đông Sơn, tức thời Hùng Vương – An Dương Vương – Hai Bà Trưng (thế kỷ 7 TCN – thế kỷ 1), thời của nhiều biến động dân cư, phân hóa xã hội, cũng là thời chứng kiến sự đa dạng của biểu tượng vật tổ rồng.
Thời các Vua Hùng (thế kỷ 7 – thế kỷ 3 TCN), rồng – rắn là vật tổ – biểu tượng của các Vua Hùng.
Hiện chúng ta chỉ có những bằng chứng gián tiếp về biểu tượng rồng – rắn thời các Vua Hùng. Đó là sự nổi trội của biểu tượng rắn trong văn hóa Điền ở Vân Nam, đặc biệt là hình đôi rắn cuốn trên cột lễ cầu mùa và hình rắn cuộn mình trên ấn vàng của vua Điền. Tư liệu khảo cổ học cho thấy Văn hóa Điền là nền văn hóa anh em với Văn hóa Đông Sơn. Còn tư liệu dân tộc học cũng chỉ ra người Điền Việt thực chất là một nhóm Lạc Việt.
Thời Thục Phán – An Dương Vương (257 – 179 TCN), hiện thân cụ thể của rồng là rùa, là vật tổ – biểu tượng – thần bảo hộ cho hoàng tộc Âu Lạc. Bằng chứng là hình rùa thực và cách điệu trên khóa thắt lưng và tấm đồng – bùa thiêng đính trên trang phục quí tộc Đông Sơn; là ngôi nhà hình rùa mái cong lồi trên các trống Ngọc Lũ, Cổ Loa; và đặc biệt thần Rùa vàng trong truyền thuyết đã giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa – Thành Rùa…
Mặt khác, trên nhiều đồ đồng Đông Sơn như trống Hòa Bình, thạp Đào Thịnh, tấm đồng Ninh Bình, rìu Thiệu Dương… chúng ta lại thấy biểu tượng rồng – cá sấu (giao long), vật tổ của một số nhóm dân vùng ven biển. Tục xăm mình hình rồng được kể trong truyền thuyết chủ yếu gắn với các nhóm dân này. Hình thuyền trên trống Ngọc Lũ và thạp Đào Thịnh cũng là dạng thuyền đầu rồng – cá sấu, đuôi chim.
Vào cuối thời Đông Sơn, làng Vạc ở vùng miền núi Nghệ An thành một điểm hội tụ của nhiều nhóm quý tộc Điền từ Vân Nam tới tị nạn. Họ là chủ nhân của các đồ đồng có biểu tượng rồng – rắn, bằng chứng là hai thanh kiếm ngắn trên cán có tượng đôi rắn ngậm chân hổ và đôi rắn ngậm chân voi cùng các vòng tay hình rắn.
Cũng vào thời đó, sự phát triển của nghề thuần dưỡng voi dùng để kéo gỗ, đánh trận đã dẫn đến sự lan tỏa của tín ngưỡng thờ vật tổ voi tại vùng núi Thanh – Nghệ. Voi là con vật ưa nước, có thể dùng vòi hút và phun nước như mưa nên cũng là một biểu tượng của sông nước.
Từ đó, biểu tượng – vật tổ rồng – voi xuất hiện trên nhiều di vật Đông Sơn ở vùng này như chuông, kiếm ngắn và chân đèn. Hình voi nhà cũng nổi bật trên những trống đồng Đông Sơn cỡ lớn ở Indonesia được các nhóm quý tộc di cư từ Thanh – Nghệ vượt biển mang tới. Tượng voi cùng tượng ếch thể hiện thần mưa cũng xuất hiện trên mặt một số trống đồng muộn ở vùng núi Thanh Hóa, như trống Ngọc Liên và Hồi Xuân.
Thời Đinh và Tiền Lê, dù dòng họ Đinh Bộ Lĩnh thờ vật tổ rái cá và dù nhà Đinh coi Phật giáo là quốc giáo, nhưng là Hoàng đế của một nhà nước quân chủ tập quyền, Vua Đinh và Vua Lê cũng đã tạo ra một biểu tượng rồng riêng cho vương triều và dân tộc mình tương tự và không kém biểu tượng rồng phương Bắc. Đáng tiếc, giờ đây chúng ta không có tư liệu về biểu tượng rồng của hai thời này.
Dù vậy, chúng ta vẫn có thể đoán định rằng biểu tượng rồng Đinh và Tiền Lê là rồng – rắn. Bằng chứng là hai vị thần sông – thần rắn nước có tên dân gian là Ông Dài – Ông Cụt ở vùng ven các sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Thương đã được nhân hóa và lịch sử hóa thành hai anh em Trương Hống và Trương Hát. Theo truyền thuyết, hai ông vốn là hai vị tướng của Triệu Việt Vương (524 – 571). Khi vua mất, hai ông tự vẫn và trở thành thần thánh liên tiếp âm phù cho Ngô Quyền, Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt đánh thắng giặc Nam Hán và giặc Tống, từ đó được phong là “Vua Thần hộ quốc”. Việc Lý Thường Kiệt cho người đọc bài thơ “Thần” mở đầu với câu “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” từ đền thờ hai thần cũng cho thấy vai trò quan trọng tầm quốc gia của các vị thần này…
Rất có thể, hai vị thần rắn nước trên có mối liên hệ cội nguồn với đôi rắn ngậm chân voi hay chân hổ trong văn hóa Đông Sơn trước đó cũng như với đôi rắn thần gọi là Ông Lốt hay Thanh Xà – Bạch Xà của Đạo Mẫu Việt sau này.
Thời Lý là thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Đại Việt gắn với sự phục hưng của nhiều truyền thống Đông Sơn. Các vua Lý cho đúc và ban phát trống đồng, thờ thần Trống Đồng như Minh chủ trong các hội thề của triều đình, mở hội Trung Thu có tục đua thuyền rồng và tục múa rối nước, phục hồi tục xăm mình hình rồng…
Biểu tượng rồng Lý ra đời, theo xu thế thời đại là sự tổng hòa các biểu tượng rồng Đại Việt, Ấn Độ và Trung Hoa. Hình rồng Lý sớm nhất và đẹp nhất được thể hiện ở chùa Phật Tích có đầu cá sấu, mắt ếch, vòi voi, sừng hình rùa cách điệu, thân, lưỡi, nanh rắn, tức tổng hòa các biểu tượng rồng Đông Sơn nhưng cốt lõi và thần thái là rồng – rắn. Từ đó, biểu tượng rồng Lý, dù trên kiến trúc Hoàng thành hay ở chùa đình các làng quê, vừa là một biểu tượng của vương quyền và thần quyền (Phật giáo) nhà Lý, vừa là một biểu tượng cho sức mạnh và vẻ đẹp của đất nước và dân tộc Đại Việt có kinh đô mang tên Thăng Long (rồng bay lên).
Các biểu tượng rồng thời Trần, Lê sau này, dù có những khác biệt, nhưng về cơ bản vẫn mang cốt cách và thần thái của biểu tượng rồng – rắn thời Lý.
Theo TẠ ĐỨC / CÔNG AN NHÂN DÂN
Tags: Văn hóa Việt, Người Việt cổ, Rồng