Một cái nhìn phũ phàng về vườn thú

Đối với các phương tiện truyền thông, vườn thú đem lại cho họ rất nhiều bài báo hay: “Cặp gấu trúc sinh đôi gây bất ngờ cho nhân viên Vườn thú Atlanta”; “Đàn sư tử trắng hiếm có được sinh ra tại Vườn thú Georgia”; “Bristol chào đón cặp gấu Andes”. Thông điệp được truyền tải qua đó là công chúng rất vui mừng và tin tức này là tin tốt.

Một cái nhìn về vườn thú

Bài viết của tác giả Sue Cross đăng trên thờ The Huffington Post năm 2016.

Không nghi ngờ gì, du khách và đặc biệt là trẻ em đều rất vui vẻ sau một ngày đi thăm quan vườn thú. Và thường thì đây là một nơi để giải trí. Một vài ngày trước, ở công viên Tiger World tại Rockwell, Bắc Carolina, “đoạn băng vui nhộn bắt được khoảnh khắc một con khỉ thể hiện sự tức giận trước một gia đình bằng cách ném phân của nó vào họ” (trang Mirror đưa tin ngày 15/08). Thậm chí một số bi kịch còn có thể xảy ra. Vào tháng 6 năm nay, tại Vườn thú Cincinnati, Harambe, một con khỉ đột lưng bạc nặng hơn 200 kg (có sức mạnh tương đương với tám người đàn ông) tóm lấy một cậu bé ba tuổi leo vào chuồng của nó. Để cứu đứa trẻ, con khỉ đột đã bị bắn chết.

Tin tức lan truyền rất nhanh trên các phương tiện truyền thông xã hội. Một số người khẳng định rằng con khỉ đột đã bảo vệ cậu bé và không đáng bị bắn chết. Những người khác thông cảm cho việc nổ súng. Một số người đổ lỗi cho cha mẹ của cậu bé vì đã lơ là không để mắt đến con của mình. Một số người lại đổ lỗi cho sở thú: một người dùng twitter đã bình luận rằng “Vậy trong các vườn thú phải có bao nhiêu trẻ em bị tổn hại hoặc bị đặt vào nguy hiểm thì là chấp nhận được?” Tuy nhiên, những người khác lập luận rằng vườn thú không phải là chỗ cho động vật hoang dã.

Những người này sẽ không thấy hành động ném phân của con khỉ kia là vui nhộn. Đối với những người đấu tranh phản đối việc nuôi nhốt động vật hoang dã, sự cố này là một dấu hiệu cho thấy con khỉ bị nhốt trong lồng kia có khả năng đã cảm thấy bị đe dọa, giận dữ hoặc buồn chán.

Tuy nhiên, các vườn thú cho rằng sự tồn tại của họ là để thực hành hiệu quả phúc lợi cho động vật; thúc đẩy bảo tồn – cụ thể là đảm bảo an toàn cho các loài động vật; và giáo dục công chúng – cụ thể là bằng cách nâng cao nhận thức về các loài động vật và môi trường sống tự nhiên của chúng.

Một số vườn thú cố gắng mô phỏng môi trường sống tự nhiên của động vật – mặc dù thời kỳ của những chiếc lồng nghèo nàn vẫn tiếp diễn: bạn chỉ cần nhìn vào lượng bê tông trong những chiếc chuồng ở vườn thú để thấy được điều này. Nhưng dù một chiếc chuồng có lớn thế nào, nó cũng không thể so với quy mô của môi trường sống tự nhiên của động vật bị nuôi nhốt hoặc thể hiện được cách chúng cư xử trong môi trường hoang dã.

Hãy lấy đười ươi làm ví dụ – loài vượn lớn duy nhất của Châu Á. Số lượng của chúng đã giảm rất nhiều – giảm một nửa chỉ trong vòng mười năm qua. Đã từng có thời loài đười ươi xuất hiện ở giữa miền nam Trung Quốc, ở phía bắc, ở Java, ở phía nam. Nhưng hiện nay, vì mất đi môi trường sống – do hoạt động khai thác gỗ, khai thác mỏ, buôn bán vật nuôi và nông nghiệp – đặc biệt là các đồn điền dầu cọ – chỉ còn lại 60.000 con. Hiện nay, chúng chỉ còn được tìm thấy trên đảo Sumatra và Borneo. Trong những khu rừng nhiệt đới trên các hòn đảo, những con đười ươi còn lại dành hầu hết thời gian của mình trong tán cây (chúng hiếm khi được nhìn thấy trên mặt đất), nơi chúng di chuyển bằng cách đu từ nhánh cây này sang nhánh cây khác. Ở đây, trong môi trường sống tự nhiên của chúng, chúng lúc nào cũng hoạt bát, tâm trí của chúng luôn bận rộn. Chúng được tự do đi đến nơi nào chúng muốn, được quyết định đối tượng mà chúng muốn giao tiếp hay giao phối, thứ chúng muốn ăn và nơi chúng muốn ngủ (chúng làm mới tổ của mình hầu như mỗi đêm).

Sở thú Dublin đã mở ra một ‘Khu rừng Đười ươi’. Khuôn viên này có mười một cái cây – mỗi cây cao mười hai mét – để “khuyến khích hành vi leo cây tự nhiên”. ‘Khu rừng’ này cũng có một hòn đảo mới, rộng 20 đến 80 mét. Trong đó, chuồng đười ươi có diện tích 1.300 mét vuông. Đây có lẽ là những điều kiện tương đối tốt cho một vườn thú nhưng loài vượn vẫn không được sống trong môi trường tự nhiên. Chắc chắn, sau chuyến thăm vườn thú, nếu bạn học hỏi được bất cứ điều gì thì đó sẽ là nuôi nhốt động vật theo cách này không thể là một điều đúng đắn.

Vậy thì, vườn thú là để làm gì? Các loài động vật lớn luôn là điểm thu hút nhất, con người luôn muốn nhìn thấy chúng nhất: từ gấu Bắc Cực đến kền kền; từ báo tuyết, đến cá heo – trong thủy cung giống như Seaworld.

Nhưng chính những loài động vật này, những kẻ săn mồi lớn, lại phải chịu đựng nhiều nhất. Những gì con người thấy khi họ nhìn xuyên qua song sắt là cách động vật cư xử khi bị nuôi nhốt. Nhiều con vật không ngừng đi lại từ phía này sang phía khác trong chuồng của chúng; hoặc liên tục đu đưa; hoặc lắc lư đầu không ngớt; hoặc đi vòng quanh; hoặc liên tục gặm các thanh sắt từ chiếc lồng của chúng. Những hành vi này đều là dấu hiệu của sự chịu đựng khủng khiếp.

Vậy còn hoạt động bảo tồn động vật thì sao? Theo Quỹ Born Free, không có con hổ, voi hoặc tinh tinh nào từng được phóng thích thành công vào môi trường tự nhiên từ bất kỳ vườn thú nào ở Anh. Và, theo giám đốc của Cơ sở Nghiên cứu Thành Đô về Nhân giống Gấu trúc Lớn ở Trung Quốc, trong số bốn trăm con gấu trúc lớn đã được sinh sản trong môi trường nuôi nhốt, chỉ năm con được thả về môi trường hoang dã; và hai con trong số đó đã chết.

Hầu hết các loài động vật bị nuôi nhốt được trao đổi qua lại giữa các vườn thú. Harambe, con khỉ đột của Vườn thú Cincinnati, được sinh ra trong một vườn thú tại Texas và bán cho Vườn thú Cincinnati. Dự kiến nó sẽ trở thành một phần trong chương trình nhân giống. Có vẻ hợp lý nếu giả định rằng thế hệ con cháu của nó sẽ có số phận tương tự: sống trong điều kiện nuôi nhốt và bị đem ra trao đổi giữa các vườn thú khác nhau. Cả bố và mẹ của cặp gấu trúc lớn song sinh tại Vườn thú Atlanta đã được sinh ra tại Cơ sở Nghiên cứu Thành Đô, nơi vườn thú này có quan hệ đối tác. Những con gấu Andes của Bristol được mua từ Vườn thú Frankfurt qua Noah’s Ark Zoo Farm. Và theo trang One Green Planet, vườn thú trên toàn thế giới buôn bán động vật cho những nhà nhân giống tư nhân, chủ sinh vật cảnh, rạp xiếc, vườn thú nhỏ và trại săn bắn.

Cho đến nay, hoạt động bảo tồn của các quỹ ủy thác về động vật hoang dã chắc chắn là tốt hơn. Tổ chức WWF đã hợp tác với Chính phủ Trung Quốc. Hai bên đã cùng nhau thiết lập sáu mươi bảy khu bảo tồn gấu trúc lớn trong các khu rừng trúc mát mẻ và ẩm ướt ở vùng núi tại miền trung Trung Quốc. Tại đây, họ xây dựng các hành lang bằng tre, trúc (sự kết nối là chìa khóa của việc bảo tồn) nhằm kết nối những khu tách biệt trong rừng để động vật có thể di chuyển đến các khu vực mới tìm thêm thức ăn và bạn gia phối mới. Các cuộc khảo sát gần nhất cho thấy sự gia tăng 16,8% trong quần thể gấu trúc lớn.

Sư tử trắng là những động vật rất hiếm: chỉ có mười ba con sống trong môi trường tự nhiên và bảy mươi con trong các vườn thú và rạp xiếc trên thế giới. Nhờ Quỹ ủy thác Quốc tế cho việc Bảo vệ Sư tử trắng, mười ba con sư tử trắng hoang dã (chúng có màu trắng do một sự đột biến gây nên bạch tạng) được tự do dạo chơi tại 4,4000 mẫu đất tại vùng hoang vu thuộc Nam Phi và chung sống hòa nhập với sư tử vàng hoang dã.

Sứ mệnh của Quỹ Gấu Andes là đảm bảo tương lai của gấu Andes bốn mắt trong môi trường sống tự nhiên của chúng – đáp lại tiếng kêu cứu của những chú gấu trong ‘Cuộc phiêu lưu Andes’ tại Noah’s Ark Zoo Farm.

Đối với tất cả các tổ chức này thì việc bảo vệ các loài động vật có nghĩa là bảo vệ môi trường sống tự nhiên của chúng.

Nếu vườn thú thất bại trong việc đảm bảo phúc lợi và bảo tồn, vậy vấn đề giáo dục thì sao? Công chúng có khả năng sẽ rời khỏi vườn thú mà không biết được gì về cách mà động vật cư xử trong tự nhiên; hay nhu cầu cấp bách nhất của chúng là được tự do.

Tổ chức WWF, Quỹ Born Free và Hiệp hội Bảo vệ Động vật Nuôi nhốt chỉ là một vài trong số các tổ chức nói lên sự thật: câu chuyện hoàn chỉnh mà các vườn thú không muốn du khách của họ biết đến.

Vậy thì, vườn thú có ý nghĩa gì? Đây đơn thuần là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận. Và nó đem lại những tiêu đề giật gân cho các bài báo. Nhưng chính những loài động vật bị nuôi nhốt lại phải trả cái giá cao nhất.

Theo VÌ ĐỘNG VẬT FACEBOOK

Tags: ,