⠀
Máy nhắn tin nổ tung và ‘kỷ nguyên nguy hiểm’ của chiến tranh mạng
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ có khả năng khuất phục ngay cả những “pháo đài bất khả xâm phạm”. Trong chiến tranh tương lai, kẻ thù có thể ở bất cứ đâu, sử dụng thứ vũ khí vô hình để gây ra những thiệt hại hữu hình với hậu quả không thể đong đếm.
20 năm trước, tại một diễn đàn, tướng Sundararajan Padmanabhan, cựu Tổng tư lệnh Quân đội Ấn Độ từng bày tỏ lo ngại về một tương lai trong đó chiến tranh không chỉ diễn ra với binh lính và xe tăng, mà còn bằng vũ khí vô hình: Hệ thống mạng liên kết trong các thiết bị hằng ngày.
Mối lo từng bị coi là “mơ hồ” của 20 năm trước, nay đã biến thành hiện thực tại Lebanon. Với con số ghi nhận ban đầu 11 người thiệt mạng, gần 3.000 người bị thương, trong đó khoảng 200 người nguy kịch, vụ hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ tại Lebanon hôm 17/9/2024 không chỉ gây ra hậu quả thảm khốc với người dân sở tại, mà còn khiến thế giới rúng động trước một mối đe dọa an ninh tuy không mới nhưng đã trở nên nghiêm trọng: Chiến tranh mạng.
Trong bối cảnh các cuộc tấn công qua lại giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Lebanon tiếp tục leo thang do cuộc xung đột ở Gaza, với nỗ lực bảo vệ mạng lưới quân sự bí mật, từ tháng 2 năm nay, lãnh đạo Hezbollah tại Lebanon Hasan Nasrallah ra lệnh cấm các chiến binh sử dụng điện thoại di động, một vật dụng “bất ly thân” phổ biến toàn cầu, bởi nó có thể bị biến thành thiết bị do thám của tình báo đối phương.
Thay vào đó, Hezbollah trang bị cho các chiến binh loại máy nhắn tin đặc biệt để liên lạc nội bộ. Máy nhắn tin này không sử dụng mạng điện thoại di động, mà kết nối liên lạc qua hệ thống sóng vô tuyến, tránh được khả năng bị đối phương lợi dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để xác định vị trí người dùng. Không kết nối internet nên tin tặc không thể xâm nhập, nhờ đó, máy nhắn tin được đánh giá có mức độ bảo mật cao. Chỉ đến khi loại thiết bị “cổ lỗ, công nghệ thấp” này đồng loạt phát nổ tại Lebanon, người ta mới ngã ngửa, rằng đây là một cuộc tấn công tinh vi sử dụng cơ chế kích hoạt từ xa, đồng thời, báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới vô cùng nguy hiểm trong chiến tranh mạng. Đó là bất kỳ thiết bị điện tử nào-dù có kết nối internet hay không-đều có khả năng biến thành vũ khí sát thương.
The New York Times cho hay, trước đây, khi tình báo Israel thực hiện cuộc tấn công mạng Stuxnet vào chương trình hạt nhân của Iran, “phần mềm độc hại đã khiến máy ly tâm quay cuồng đến mức chúng trở nên không ổn định và tự hủy”. Còn trong tương lai của thế giới internet vạn vật (IoE), điện thoại, tủ lạnh, ti vi… của bạn đều có thể bị thao túng để biến thành vũ khí tấn công. Không thiết bị hay hệ thống nào-dù lỗi thời hay có vẻ an toàn-có thể miễn nhiễm với thao túng mạng.
Khả năng thao túng và vũ khí hóa các hệ thống có vẻ tầm thường, chẳng hạn như mạng lưới liên lạc, đang định nghĩa lại các quy tắc của chiến tranh và xung đột. Các cuộc chiến trong tương lai giờ đây có thể được tiến hành bằng dữ liệu, thuật toán và khai thác mạng. Khi công nghệ ngày càng được tích hợp vào cuộc sống thường nhật, khả năng các cuộc tấn công mạng làm tê liệt các dịch vụ thiết yếu tăng theo cấp số nhân. Lưới điện, mạng lưới giao thông và hệ thống thông tin liên lạc đều là mục tiêu dễ bị tấn công trong các cuộc xung đột trong tương lai.
Trên The Hindu, các chuyên gia quân sự nhận định, cuộc tấn công này đánh dấu một thời điểm then chốt trong cách tiến hành chiến tranh trong thế kỷ 21. Các cuộc tấn công mạng thường vô hình, không để lại dấu vết, không mảnh vỡ và không có bằng chứng rõ ràng. Chúng nhắm vào các hệ thống thiết yếu-mạng lưới truyền thông, lưới điện, các tổ chức tài chính-khiến một quốc gia bất kỳ phải khuất phục mà không cần triển khai một vũ khí thông thường nào.
Các chiến lược gia quân sự thế giới cần phải coi không gian mạng như một chiến trường then chốt, nơi các cuộc tấn công có thể phá vỡ kết cấu xã hội, phá hủy nền kinh tế và hạ tầng quan trọng mà không cần phải nổ súng. Chưa bao giờ chiến tranh mạng lại gây ra nguy cơ thiệt hại cao như bây giờ.
Những thay đổi của chiến tranh từ trên bộ, trên không và trên biển sang không gian mạng có ý nghĩa sâu sắc đối với các lực lượng quân sự toàn cầu. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ có khả năng khuất phục ngay cả những “pháo đài bất khả xâm phạm”. Trong chiến tranh tương lai, kẻ thù có thể ở bất cứ đâu, sử dụng thứ vũ khí vô hình để gây ra những thiệt hại hữu hình với hậu quả không thể đong đếm.
Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Tags: Thế giới số, Công nghệ, Chiến tranh