⠀
Mậu Thân 1968 – một bức tranh toàn cảnh
Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Nó đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc, rút dần quân Mỹ về nước và ngồi vào bàn đàm phán Paris, mở đầu cho những thắng lợi quan trọng và cơ hội hòa bình, thống nhất đất nước.
I. Thời cơ chiến lược
Thời điểm tết Mậu Thân 1968, quân số Mỹ có mặt ở miền Nam lên đến hơn 500.000 quân. Ta xác định cần phải dốc toàn lực đánh một trận để buộc Mỹ phải rút quân.
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Do bị ám ảnh bởi học thuyết Trurman về sự sụp đổ dây chuyền của khu vực Đông Nam Á vào tay cộng sản, Mỹ ngấm ngầm phá hoại hiệp định Genève, đồng thời dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Cuộc tổng tuyển cử tự do, thống nhất hai miền Nam-Bắc vào năm 1956 theo tinh thần hiệp định Genève đã không được thực hiện. Thay vào đó, dân tộc Việt Nam lại tiếp tục bước vào một cuộc kháng chiến mới chống đế quốc Mỹ, kéo dài suốt 21 năm sau đó.
Bí mật kế hoạch X
Từ “chiến lược chiến tranh đơn phương” đến “chiến tranh đặc biệt”, từ “đạo luật 10/59” đến “quốc sách ấp chiến lược”, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã đàn áp cách mạng miền Nam trong biển máu, với dã tâm biến miền Nam Việt Nam trở thành “tiền đồn” chống cộng ở Đông Dương. Nhưng với thắng lợi từ phong trào Đồng Khởi (1960) và các chiến thắng quân sự lớn ở Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964), Ba Gia (1965) và Đồng Xoài (1965), quân dân ta đã lần lượt đánh bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh đơn phương và chiến tranh đặc biệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Trong bối cảnh đó, từ tháng 3-1965, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã quyết định đưa các sư đoàn quân viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, trực tiếp tham chiến tại chiến trường này và chuyển sang thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Đến cuối năm 1967, dù đã nỗ lực thực hiện hàng loạt cuộc hành quân tìm – diệt trên quy mô lớn, quân đội Mỹ vẫn không thể thay đổi được cục diện của cuộc chiến tranh và đang ngày càng sa lầy vào cuộc chiến này.
Nhận định cần phải có một thắng lợi quan trọng, tạo bước ngoặt của cuộc chiến và buộc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán với ta, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam.
Trên thực tế, sự chuẩn bị cho đòn tấn công này đã bắt đầu khởi động từ cuối giai đoạn chiến lược chiến tranh đặc biệt. Theo PGS-TS-Đại tá Hồ Khang, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, “Kế hoạch Xuân Mậu Thân có nguồn gốc từ những kế hoạch ban đầu chúng ta hình thành mà một số nhà nghiên cứu gọi là kế hoạch X. Kế hoạch này được khởi phát vào lúc mà cuộc chiến ở miền Nam đang tiến dần đến sự thay đổi, chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ tiến hành ở miền Nam đang sa lầy, thất bại”.
Từ mùa thu năm 1964, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm “tiến hành một đòn mạnh mẽ nhằm nhanh chóng tiêu diệt quân đội Việt Nam Cộng hòa để giành thắng lợi quyết định”. Chiến dịch sẽ được bắt đầu sau khi quân đội Sài Gòn đã mất sức chiến đấu và sẽ hướng thẳng vào TP Sài Gòn từ năm mũi khác nhau.
Với cố Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) – nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định, kế hoạch X đã mở đầu cho một đoạn đời thật đặc biệt khi ông trở thành thủ lĩnh của một đội quân tinh nhuệ ngay giữa đô thành Sài Gòn với những chiến công vang dội khắp năm châu. “Tháng 5-1964, tôi được thuyên chuyển về phụ trách một đơn vị mà hồi đó gọi là F100 – biệt động của quân khu Sài Gòn-Gia Định. Sau này dần dần tôi mới biết rõ đơn vị này tổ chức ra để nhằm phục vụ cho ý đồ tập kích chiến lược. Hồi đó, tôi được lệnh là mọi thứ phải chuẩn bị xong trước tháng 12-1965” – ông Tư Chu nói.
Nhưng việc Mỹ đổ quân vào bãi biển Đà Nẵng tháng 3-1965 đã làm ta tạm trì hoãn việc thực hiện kế hoạch X. Trên cơ sở đó, ta tiếp tục chuẩn bị, khi nào có thời cơ sẽ đánh.
Tại sao chọn thời điểm tết Mậu Thân?
Ngay từ khi quân dân ta phải trực tiếp đương đầu với quân đội Mỹ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, mà cụ thể là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, đã nhận định chúng ta không đủ sức tiêu diệt quân đội Mỹ vì họ quân đông, lực rất mạnh, lại được hỗ trợ bởi các loại vũ khí, khí tài chiến tranh vào loại hiện đại nhất thế giới. Vì vậy, cần phải tìm ra một cách đánh mới để buộc Mỹ phải rút quân.
Mùa thu năm 1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, một lần nữa lại đặt lên bàn hội nghị một tính toán chiến lược có ý nghĩa quyết định, tạo bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Rằng nếu không tranh thủ thời cơ, đi sớm một bước thì sang năm 1968, cách mạng miền Nam sẽ gặp bất lợi lớn khi quân đội Mỹ, dưới áp lực của dư luận nước Mỹ, buộc phải dốc toàn lực thực hiện một hành động quân sự lớn để phá vỡ thế bế tắc và kết thúc chiến tranh theo cách họ muốn.
Bộ Tổng tham mưu đã bí mật thành lập tổ kế hoạch ba người để giúp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nghiên cứu, hình thành một kế hoạch tác chiến chiến lược mới trong đông xuân 1967-1968. Tất cả chiến trường liên tục cử đại diện ra Hà Nội báo cáo tình hình, các phương án tác chiến cụ thể. Và đến tháng 10-1967, Bộ Chính trị đã họp và chính thức thông qua kế hoạch này.
Theo Đại tá Vũ Ba, nguyên cán bộ tham mưu Miền, “… thời cơ lịch sử có thể xảy ra trước hoặc sau năm 1968. Nhưng chắc chắn nó phải rơi vào đúng thời điểm sức mạnh và quân số Mỹ có mặt ở miền Nam lên đến đỉnh điểm nhưng họ không thể giành được thắng lợi quyết định. Và thời điểm đó chính là Mậu Thân 1968. Lúc đó, tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật của Mỹ gấp 800 lần Việt Nam. Các nhà bình luận phương Tây nhận định một nước rất mạnh đánh một nước rất yếu, đã đem hết sức mình ra đánh mà không thắng thì có nghĩa là đã thua”.
Sau ba năm tham chiến tại Việt Nam, Mỹ đang bị sa lầy. Qua hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, dù đã triển khai hàng loạt chiến dịch lớn như Cedar Fall, Attleboro, Junction City nhưng Mỹ vẫn không thu được thắng lợi khả quan nào. Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên cán bộ nghiên cứu Quân báo Miền, kể: “Sau thất bại hai mùa khô, tướng Westmoreland của Mỹ có ý định làm cái đòn phản công chiến lược lần thứ ba. Vì thế, ông ta yêu cầu tăng quân. Mậu Thân chính là đỉnh cao nhất quân số Mỹ và chư hầu. Mỹ lúc bấy giờ có hơn 500.000 quân”.
Cố Trung tướng Nguyễn Đình Ước, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, từng bình luận: “Nếu năm 1967 ta đã tiến công như tết Mậu Thân thì không được. Westmoreland bảo: “Tôi chưa thực hiện xong kế hoạch ba năm tiêu diệt gãy xương sống Việt cộng. Chiến tranh cục bộ chưa đến đỉnh cao. Các anh chưa cho tôi quân hết, phải đánh ít nhất một năm nữa”. Nếu ta để năm 1969, quá đi một năm, qua bầu cử tổng thống Mỹ rồi thì chưa chắc áp lực nó đã mạnh đến việc Johnson phải từ chức như thế”.
Như vậy, thời cơ chiến lược đã rơi đúng vào dịp tết Mậu Thân 1968, khi quân Mỹ có mặt ở chiến trường miền Nam lên đến đỉnh cao, đã phô diễn hết sức mạnh qua hai mùa khô mà vẫn lâm vào thế bế tắc về mặt chiến lược, lại là năm bản lề trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Bản kế hoạch đã hình thành. Thời cơ lịch sử đã được xác định. Nhiệm vụ còn lại là việc tổ chức thực hiện trên chiến trường, hướng đến mục tiêu chiến lược mà Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã đề ra khi soạn thảo bản kế hoạch này.
II. Chuyện trước giờ G
Khi xây dựng kế hoạch, trung ương đã đề ra ba khả năng nhưng trước giờ mở màn chiến dịch, vì nhiều lý do khác nhau, cấp dưới chỉ nhận được lệnh đây là trận quyết chiến chiến lược, giành chính quyền về tay nhân dân…
Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã có sự mở rộng quy mô chiến trường ra khắp các đô thị trên toàn miền Nam với một kế hoạch đã được phát triển toàn diện, từ nghi binh cho đến việc phối hợp giữa các chiến trường, từ tấn công đến nổi dậy.
Chiến trường trọng điểm
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Lân, Phó phòng Quân báo Miền, “Bộ Chính trị và Trung ương Cục đã phân công nhiệm vụ và xác định vai trò của từng hướng chiến trường trong sự kiện quan trọng này. Theo đó, trọng điểm một là Sài Gòn-Gia Định; trọng điểm hai là Đà Nẵng – Huế – Khe Sanh; các khu, các địa phương còn lại là chiến trường phối hợp với các trọng điểm, để căng kéo địch ra, không cho địch tập trung lực lượng về các trọng điểm. Riêng Khe Sanh được xác định là hướng nghi binh chiến lược, ta chủ trương dùng quân chủ lực, tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Mỹ ở Khe Sanh, kéo Mỹ ra Khe Sanh để hỗ trợ cho các trọng điểm”.
Việc lựa chọn các mục tiêu của cuộc tổng tấn công và nổi dậy cũng được tính toán một cách chặt chẽ để phục vụ cho ý đồ chiến lược của ta. Đại tá Vũ Ba, nguyên cán bộ tham mưu Miền, nhớ lại: “Các mục tiêu phải bảo đảm cho không chỉ có Sài Gòn nổi dậy mà cho cả miền Nam nổi dậy. Những mục tiêu chủ chốt là Tòa đại sứ Mỹ, Dinh tổng thống, Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, Sở chỉ huy Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình…, tức là đánh vào toàn các cứ điểm trọng yếu của địch. Trung ương Cục miền Nam đã huy động tất cả đảng viên, cán bộ của các tỉnh miền Nam để đưa về Sài Gòn làm nòng cốt cho các mũi nổi dậy”.
Ba khả năng của cuộc tổng tấn công
Khi soạn thảo kế hoạch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra ba khả năng của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Một là giành thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn, làm cho ý chí xâm lược của Mỹ bị đè bẹp, phải chấp nhận thương lượng, đi đến kết thúc chiến tranh theo mục tiêu, yêu cầu của ta. Hai là giành được thắng lợi quan trọng ở nhiều nơi nhưng phải đối phó với tình huống Mỹ còn lực lượng, dựa vào các căn cứ lớn và tăng thêm lực lượng từ ngoài vào phản công giành lại những vị trí quan trọng và các đô thị lớn – nhất là Sài Gòn. Ba là sau tổng tấn công và nổi dậy, Mỹ tăng cường lực lượng, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, sang Lào và Campuchia, buộc quân giải phóng phải lui về thế thủ hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua về chính trị.
Trong đó Bộ Chính trị quyết tâm cố gắng giành thắng lợi hoàn toàn, tức thực hiện khả năng một.
Đại tá Vũ Ba kể, 13 ngày trước giờ nổ súng, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Lê Duẩn gửi điện cho Trung ương Cục miền Nam (ngày 18-1-1968). “Bức điện đó đại ý nói kế hoạch này chỉ nhằm làm lung lay ý chí xâm lược của địch, buộc địch phải chuyển giai đoạn chiến lược chứ không khẳng định mục tiêu giành chính quyền về tay nhân dân” – Đại tá Vũ Ba nói.
Nhưng khi triển khai thực hiện trên thực tế, ba khả năng của kế hoạch này đã được chuyển dần thành mục tiêu thực hiện trận quyết chiến chiến lược, giành chính quyền về tay nhân dân. Đại tá Nguyễn Ngọc Lân nói: “Khi phổ biến ở dưới thì Trung ương Cục chỉ thị cho các địa phương là chỉ phổ biến khả năng một chứ không phổ biến các khả năng khác để khỏi ảnh hưởng đến quyết tâm. Từ chỗ tính toán các khả năng như vậy, chúng ta dồn sức để dứt điểm. Cho nên chúng ta xài xả láng. Tức là có bao nhiêu xài hết”.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Cụm trưởng tình báo H63, nhớ lại: “Lúc đó có những đồng chí cán bộ nói đánh trận này thôi chứ sau còn giặc đâu nữa mà đánh. Anh em lại bị hút vào cái khả năng một, tức là khả năng lấy luôn Sài Gòn. Lấy luôn và coi như hết giặc”.
Tương quan lực lượng và lòng quyết tâm
Thời điểm giáp tết Mậu Thân 1968, khi người dân miền Nam đang nô nức chuẩn bị đón năm mới cũng là lúc Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam đang tập trung thực hiện “một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị” (như lời Tổng Bí thư Lê Duẩn nói sau này) để tạo bước ngoặt mở ra cục diện vừa đánh vừa đàm tiến tới chấm dứt chiến tranh. Kế hoạch được giữ tuyệt mật đến tận giờ phút cuối và được các đặc phái viên từ Bắc vượt Trường Sơn vào từng chiến trường phổ biến trực tiếp cho các cán bộ chủ chốt ở các địa phương. “Chúng ta làm kế hoạch này rất bí mật. Chúng ta bí mật với cả bạn bè, không ai được biết cả. Và hội nghị trung ương ấy diễn ra vào lúc giáp tết, nếu lỡ có lộ thông tin gì thì lúc ấy Mậu Thân cũng đã khởi động ở phía Nam rồi” – PGS-TS-Đại tá Hồ Khang cho biết.
Theo số liệu thống kê tại Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân đội nhân dân Việt Nam và quân giải phóng miền Nam có 277.000 quân chiến đấu với 220.000 quân chủ lực và 57.000 bộ đội địa phương. Các đơn vị chủ lực được phân bố tập trung tại khu vực giáp ranh khu phi quân sự vĩ tuyến 17, vùng duyên hải miền Trung, khu vực Tây Nguyên và vùng ven Sài Gòn.
Về phía Mỹ và “đồng minh”, theo số liệu trong Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (NXB Chính trị Quốc gia, tập 2, trang 589) thì vào tháng 8-1967, quân Mỹ có 525.000 quân, “đồng minh” Mỹ có 114.735 quân và quân Sài Gòn có 818.000 quân.
Dù có sự chênh lệch rất lớn về tương quan lực lượng và vũ khí, phương tiện chiến tranh, thế nhưng với khát khao thống nhất đất nước, toàn quân, toàn dân ta hăng hái bước vào đợt chuẩn bị lớn cho chiến dịch, trước một cơ hội lịch sử được xem là “ngàn năm có một”. Các đơn vị chủ lực được lệnh gấp rút hành quân về đồng bằng, áp sát ven đô, “vừa chạy vừa xếp hàng” như Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng mô tả…
Lời thề quyết tử
Trong ký ức của những cựu binh từng tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, họ gặp nhau ở một điểm chung thật kỳ lạ. Đó là những khuôn mặt đồng đội rạng ngời niềm tin chiến thắng, là những ánh mắt rực cháy khát vọng giải phóng quê hương đất nước, là quyết tâm tiến về đồng bằng, về đô thị trong lời thề quyết tử trước giờ ra trận. Với họ, giây phút đó thật thiêng liêng và tự hào, với niềm tin giản dị rằng nếu lỡ hy sinh cũng là để con cháu mai này được hưởng độc lập, tự do. Nhớ lại thời khắc lịch sử hào hùng ngày nào, ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, trầm tư: “Tôi biết những anh em thời đó. Người ta giành nhau để đi chứ không ai nghĩ đến chuyện chết sống gì. Sợ nhất là hết cơ hội. Tôi ở trên rừng mà khi huy động đi là anh em giành nhau, không được đi là buồn lắm, tự mình thấy tiếc, coi như một đời không còn cơ hội nữa”. Ông Nguyễn Văn Luyện (Nguyễn Luân), chiến sĩ Đội 5 biệt động Sài Gòn-Gia Định, vẫn nhớ như in thời khắc trước đêm giao thừa năm nào: “Khoảng 11 giờ, trước khi xuất quân, chỉ huy trưởng cụm có đến làm công tác tư tưởng lần cuối. Rằng các anh đến đánh, bây giờ tư tưởng thấy ổn chưa, nếu anh nào không ổn thì cứ nói, đơn vị cho ở lại. 15 anh em, không đứa nào ở lại”. Mang theo tinh thần cảm tử đó, những chiến sĩ quân giải phóng đã bước vào trận đánh trên khắp các mặt trận với một khí thế ngùn ngụt chưa từng có. Mặc cho phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa không ngừng phản công quyết liệt, dùng bom đạn trút bừa bãi xuống khắp các đô thị miền Nam trong cơn hoảng loạn và quyết tái chiếm các thành phố, đô thị bằng mọi giá. Mặc cho kẻ thù chiếm ưu thế tuyệt đối về quân số cũng như về sức mạnh hỏa lực, các lực lượng vũ trang quân giải phóng vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu và hy sinh anh dũng để làm nên một mùa xuân bất tử của lòng quả cảm, của ý chí dân tộc Việt Nam. |
III. Nghi binh Khe Sanh
Mặt trận Khe Sanh năm 1968 là nơi diễn ra cuộc đấu trí, đấu sức vô cùng ngoạn mục và gay cấn mà mục đích thật sự của trận đánh này đến nay vẫn còn là điều bí ẩn với giới nghiên cứu và học giả Mỹ…
Thung lũng Khe Sanh nằm ở vùng rừng núi heo hút phía tây Quảng Trị, được xác định là một trong những địa bàn chiến lược ở khu vực giáp ranh giới tuyến. Năm 1966, tại khu vực nam vĩ tuyến 17 đến đường 9-Khe Sanh, Mỹ đã cho xây dựng tuyến phòng thủ vô hình, lấy tên là hàng rào điện tử McNamara. Ở vị trí “mỏ neo” khu vực ngã ba biên giới, Khe Sanh được định vị là một trong ba mắt thần của hàng rào điện tử McNamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Với tham vọng ngăn chặn quân ta xâm nhập từ miền Bắc vào hoặc từ Lào sang, Mỹ coi đây là bàn đạp để cắt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh của ta.
Tương kế tựu kế
Vào thời điểm đầu năm 1968, có nhiều nguyên nhân khiến người Mỹ tin rằng quân giải phóng sẽ thực hiện trận quyết chiến chiến lược như “một Điện Biên Phủ khác” ở Khe Sanh. Đầu tiên, từ sự tương đồng về yếu tố địa hình và vai trò chiến lược giữa lòng chảo Điện Biên Phủ và Khe Sanh. Tiếp đến, Mỹ tin rằng với sự từ bỏ địa bàn truyền thống nông thôn của ta thì rừng núi sẽ là bàn đạp để ta đánh vào đồng bằng và đô thị. Và trên hết, kế hoạch nghi binh hoàn hảo và sự chuyển hướng chiến lược đầy bất ngờ, táo bạo của quân giải phóng đã khiến Mỹ không thể ngờ.
Cố Trung tướng Nguyễn Đình Ước đã từng hỏi Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng rằng: “Ta có đánh Khe Sanh như Điện Biên Phủ không?”. Và ông nhận được câu trả lời: “Trận này rất khác với Điện Biên Phủ. Nếu chúng ta đánh Khe Sanh thì tất sẽ bị thương vong rất lớn vì quân Mỹ cơ động, lại có bom đạn nhiều. Nếu thất bại, họ có thể dùng đến cả bom nguyên tử chiến thuật”.
Về phía Mỹ, với hệ thống phòng ngự dày đặc và hỏa lực cực mạnh, Khe Sanh được kỳ vọng là thỏi nam châm hút quân giải phóng vào một thế trận “Điện Biên Phủ đảo ngược”, theo đúng kịch bản chiến tranh quy ước kiểu Mỹ. “Cái từ Điện Biên Phủ xuất hiện trong tư duy của phía Mỹ mà Cục II (tình báo) báo cáo lại chính là một gợi ý để chúng ta tương kế tựu kế thực hiện một “Điện Biên Phủ giả vờ” để lừa đối phương, ghìm chặt Mỹ ở chiến trường rừng núi, tạo điều kiện cho đòn tấn công vào các đô thị. Vì vậy sau này phía Mỹ và phương Tây cho rằng Việt Nam là bậc thầy trong việc nghi binh” – PGS-TS-Đại tá Hồ Khang chia sẻ.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), trong các báo cáo do điệp viên Phạm Xuân Ẩn chuyển về, từ cấp chỉ huy cho đến viên đại sứ Mỹ, tất cả đều tin rằng quân giải phóng không đủ sức tấn công vào các thành phố, đô thị mà đó chỉ là “đòn nghi binh”. Theo Mỹ, chiến trường chính nhất định sẽ diễn ra ở Khe Sanh. “Trung ương Cục miền Nam còn làm bộ để rơi những tài liệu vào tay Mỹ để họ tin rằng mình sẽ đánh mạnh trên vùng giới tuyến, nhất là Khe Sanh” – ông Tư Cang nói.
Tâm điểm chú ý của nước Mỹ
Ngày 20-1-1968, 10 ngày trước giờ G của cuộc tổng tấn công và nổi dậy, chiến dịch nghi binh Khe Sanh chính thức mở màn bằng trận đánh quyết liệt trên đồi 881-Nam. Đến 5 giờ 30 sáng 21-1, pháo của quân đội ta đồng loạt pháo kích vào căn cứ Khe Sanh. Ngày thứ hai, kho đạn chính của quân đội Mỹ với sức chứa 1.500 tấn đạn pháo đã bị phá hủy hoàn toàn.
Nhớ lại khoảng thời gian 170 ngày đêm bị vây hãm tại Khe Sanh, trò chuyện với chúng tôi mới đây, cựu binh John Scott Jones vẫn không thôi bị ám ảnh: “Chúng tôi đã ở dưới những căn hầm trú ẩn nhỏ, có rất nhiều bom đạn thả xuống, rất nhiều người chết và bị thương. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn. Chúng tôi không có nước uống và thiếu lương thực trầm trọng, chỉ cố gắng cầm cự để mong sống sót”.
Bằng những nguồn sử liệu xác thực, nhà báo, sử gia Mỹ Stanley Karnow kể: “Tổng thống Lyndon Johnson và Washington đã nghĩ rằng Khe Sanh là một Điện Biên Phủ nữa. Và họ đã làm cả sa bàn Khe Sanh ở Washington. Thậm chí, họ còn yêu cầu tướng Westmoreland – Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam – phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh vì đó là danh dự của nước Mỹ”.
Và rồi trong nỗ lực bảo vệ Khe Sanh bằng mọi giá, Mỹ đã thực hiện chiến dịch Niagara II ném bom rải thảm với hơn 100.000 tấn bom, cày nát 32 km2 chiến trường với mức độ ác liệt và tàn khốc chưa từng có.
Khi cuộc pháo kích lên đến đỉnh điểm, lính Mỹ hồi hộp chờ đợi một cuộc tấn công ồ ạt của quân giải phóng vào căn cứ Khe Sanh. Cựu binh Mỹ John Scott Jones nhớ lại: “Chúng tôi nhận ra rằng họ – quân giải phóng – có kế hoạch tràn qua. Vì vậy, từng đêm từng ngày trôi qua, chúng tôi chờ đợi để chứng kiến điều đó, để chiến đấu một trận sinh tử…”.
Thế nhưng cuộc tấn công mà phía Mỹ hồi hộp chờ đợi đã không xảy ra.
Thay vào đó, quân ta lại tổ chức tấn công và tiêu diệt ở quận lỵ Hướng Hóa, cụm cứ điểm Huội San, Làng Vây và gia tăng sức ép khu vực sân bay Tà Cơn, từ đó siết chặt vòng vây lại. Giữa lúc Khe Sanh trở thành tâm điểm chú ý của nước Mỹ thì các đô thị trên toàn miền Nam đồng loạt nổ súng. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bắt đầu…
Phải giam chân Mỹ ở Khe Sanh Với Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 304, người đã mất con mắt bên trái tại chiến trường Khe Sanh và phải trải qua cuộc phẫu thuật nhớ đời vì không có thuốc gây mê khi mới bước qua tuổi 18 thì ký ức của những ngày đầu xuân 1968 không thể nào quên. Ông kể: “Với một khối lượng bom đạn ác liệt và dữ dội như thế, việc sống sót của những người lính quân giải phóng như ông là một điều kỳ lạ, phi thường. Bằng mọi giá phải giam chân lực lượng cơ động Mỹ, tiêu hao sinh lực địch ở Khe Sanh. Cái đấy nó thấm nhuần đến từng người chiến sĩ. Một đại đội 120-150 người, chỉ trong vài tuần mà còn lại có 30, thậm chí 10-15 người. Nói như thế để thấy cuộc chiến ác liệt đến nhường nào, cái quyết tâm của ta cao đến chừng nào”. Sai lầm chiến lược của Mỹ Trong khi các đô thị trên toàn miền Nam đồng loạt nổ súng vào Xuân Mậu Thân 1968, mặt trận Khe Sanh tiếp tục đánh lớn để phối hợp với các hướng chiến trường chính. Ngày 1-4-1968, phía Mỹ và quân đội Sài Gòn tổ chức cuộc hành quân Pegasus – Lam Sơn 207 để giải vây cho Khe Sanh. Cuộc hành quân này đã bị ta đánh chặn, làm tiêu hao sinh lực nặng. Đến ngày 6-4, lực lượng này mới mở đường máu đến từ hướng đông sân bay Tà Cơn. Tháng 5-1968, Mỹ mở tiếp cuộc hành quân giải vây đợt hai mang tên Scotland II hòng kéo giãn đội hình vây lấn của quân ta. Nhưng rồi họ phải chịu thất bại. Ngày 26-6, quân Mỹ được lệnh rút khỏi Khe Sanh và phá hủy căn cứ này. Đến ngày 25-7-1968, Mỹ hoàn tất việc rút lui khỏi mặt trận đường 9-Khe Sanh. Sai lầm về chiến lược của tướng Westmoreland ở Khe Sanh đã khiến quân đội Mỹ phải trả giá đắt. Không kể những tổn thất về con người, đó còn là danh dự của nước Mỹ và niềm tin của công chúng Mỹ đối với chính quyền Johnson. Cố Trung tướng Nguyễn Đình Ước từng nhận định: “Người ta (công chúng Mỹ – NV) xôn xao lên. Rõ ràng chuyện nói Khe Sanh là một Điện Biên Phủ rồi đổ xô vào đó là một sai lầm về chỉ đạo chiến lược, không thể nào che đậy được công chúng Mỹ”. |
IV. Đòn tấn công bất ngờ, táo bạo
“Điều đầu tiên cần nói về cuộc tổng tiến công là tình báo của đồng minh đã thất bại ngang với trận Trân Châu Cảng năm 1941 và trận tiến công Ardennes năm 1944. Việt Nam đã giành được sự bất ngờ hoàn toàn”.
Sách giáo khoa của Học viện Quân sự West Point (Mỹ) đã viết như thế.
Đêm 29 rạng ngày 30-1, thời khắc lịch sử của giao thừa tết Mậu Thân 1968, trên các đô thị ở bờ nam vĩ tuyến 17, suốt từ Quảng Trị đến Cà Mau rung chuyển vì cuộc tổng công kích đồng loạt của quân giải phóng. Các lực lượng vũ trang đã bất ngờ tấn công vào 5/6 thành phố lớn, 37 thị xã, 64 thị trấn, quận lỵ trên toàn miền Nam.
Đồng loạt nổ súng
Theo kế hoạch, giờ nổ súng (giờ G) trên toàn miền Nam là 2 giờ đêm giao thừa nhưng miền Bắc thay đổi lịch (trong đó tháng Chạp âm lịch chỉ có 29 ngày), đón tết Mậu Thân sớm một ngày so với lịch ở miền Nam. Do đó mới có sự chuệch choạc trong việc chấp hành ngày, giờ diễn ra cuộc tổng tấn công đồng loạt. Kết quả là các lực lượng vũ trang khu V và Tây Nguyên nổ súng sớm theo lịch mới, mở đầu từ Khánh Hòa, thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), tiếp đến là thị trấn Tân Cảnh – Kon Tum, thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)…
Một ngày sau, đêm giao thừa theo lịch miền Nam, khi hiệu lệnh tổng tấn công được mở đầu bằng lời thơ chúc tết của chủ tịch Hồ Chí Minh, các đô thị còn lại đồng loạt tấn công và nổi dậy, từ Sài Gòn-Gia Định, Huế, Kiến Tường, Định Tường đến Bình Dương, Kiên Giang… Riêng TP Đà Nẵng, một trong ba trọng điểm, không nổ súng vì kế hoạch bị lộ ngay trước giờ G.
Vì là đòn tấn công chiến lược rộng lớn và đồng loạt, sử dụng yếu tố bất ngờ nên kế hoạch được giữ tuyệt mật, ngay sát giờ nổ súng mới được phổ biến. Khi được hỏi về sự kiện Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, nguyên Thành ủy viên năm 1968, chia sẻ: “Cảm nhận khái quát nhất đối với Mậu Thân thì thằng địch bất ngờ. Nhưng mà ta là những người trong cuộc cũng bất ngờ”. Đại tá Nguyễn Văn Tòng (Sáu Tòng), nguyên Chính ủy Sư đoàn 9 chủ lực Miền, bồi hồi nhớ lại: “Thư động viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tôi bỏ trong cặp, tới vùng ven mới đánh máy gửi cho đơn vị trước giờ G độ chừng 1 tiếng để anh em đọc”.
Cuộc tổng tấn công đồng loạt và táo bạo của quân giải phóng đã khiến phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) bất ngờ hoàn toàn và không kịp phản ứng. Ông Nguyễn Văn Binh, Quận trưởng quận Gò Vấp – chế độ VNCH, không thể nào quên tiếng điện thoại reo liên hồi trong ngày đầu năm mới. “Tôi có bảy xã, cùng một lúc các tiểu đoàn của tôi báo về đồng loạt bị tấn công hết, mà bị nặng nhất là khu vực Thị Nghè” – ông Binh nói.
Một cuốn sách giáo khoa về lịch sử quân sự in năm 1969 và được các học viên Học viện Quân sự West Point (Mỹ) sử dụng trong việc nghiên cứu chiến tranh Việt Nam, đã viết: “Điều đầu tiên cần nói về cuộc tổng tiến công là tình báo của đồng minh đã thất bại ngang với trận Trân Châu cảng năm 1941 và trận tiến công Ardennes năm 1944. Bắc Việt Nam đã giành được sự bất ngờ hoàn toàn”.
Lực lượng xung kích
Trong Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Sài Gòn-Gia Định được xác định là chiến trường trọng điểm của trọng điểm, nơi có các mục tiêu quan trọng mà bằng bất cứ giá nào ta cũng phải đánh, để đánh thẳng vào ý chí xâm lược của kẻ thù. Nhiệm vụ xung kích, tiên phong được giao cho các chiến sĩ lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Cố Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) từng nói: “Đầu tiên là dùng lực lượng xung kích (biệt động) chiếm lĩnh các mục tiêu. Sau biệt động tới thanh niên, sinh viên để hỗ trợ, trang bị súng cho biệt động giữ mục tiêu. Mục tiêu đây là cửa mở, chiếm cửa mở để đại quân (bấy giờ dùng đại quân nhưng sau này không đúng), các tiểu đoàn mũi nhọn tiếp ứng, vào chiếm hẳn mục tiêu”.
Đúng giờ G, các chiến sĩ biệt động đồng loạt tấn công vào năm mục tiêu chiến lược quan trọng. Đội 3 đánh Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn. Đội 4 đánh chiếm đài phát thanh. Đội 5 đánh Dinh Độc Lập. Đội 6 và 9 đánh Bộ Tổng tham mưu. Đội 11 đánh chiếm Tòa Đại sứ Mỹ. Nhiệm vụ chiếm và giữ cửa mở được lực lượng biệt động Sài Gòn hoàn thành, thậm chí hoàn thành vượt mức thời gian được giao. Thế nhưng vào phút chót, đại quân – các tiểu đoàn mũi nhọn đã không thể xuất hiện để tiếp ứng. Khi buộc phải đơn thương độc mã chiến đấu giữa vòng vây kẻ thù đông hơn gấp bội lần thì sự hy sinh của họ dường như là một tất yếu. 88 chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu thì có đến 56 người đã hy sinh, số ít còn lại hầu hết đều rơi vào tay giặc và bị đày ra Côn Đảo.
Chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định đã làm rúng động cả nước Mỹ và lan rộng khắp thế giới. Đặc biệt, với trận đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ, nơi được mệnh danh là trung tâm chỉ đạo chiến tranh chống cộng lại bị chính Việt cộng chiếm đóng. Một hình ảnh vượt xa trí tưởng tượng của thế giới và của công chúng Mỹ.
Năm mũi tấn công Sài Gòn
Ngoài các mục tiêu trọng điểm trong thành phố do lực lượng biệt động Sài Gòn đảm nhiệm, lực lượng do năm phân khu phụ trách, phối hợp tấn công các mục tiêu ở các quận vùng ven, thực hiện kế hoạch bao vây, cô lập Sài Gòn. Lực lượng quân giải phóng ở năm mũi tấn công tương đương với 14 tiểu đoàn. Vòng ngoài là các đơn vị thuộc các Sư đoàn 5, 7, 9 – chủ lực Miền, làm nhiệm vụ chặn đường các lực lượng Mỹ và VNCH về Sài Gòn tiếp ứng.
Do thời gian hành quân gấp rút, địa hình trắc trở, nhiều đơn vị vừa hành quân vừa đánh địch nên phần lớn không kịp thời gian theo đúng kế hoạch. Thêm vào đó, tuyến phòng thủ của địch ở vùng ven khá mạnh nên dù chiến đấu rất anh dũng nhưng hầu hết các tiểu đoàn mũi nhọn và các đơn vị bộ đội địa phương trên năm mũi tấn công vào Sài Gòn đã không thể thực hiện nhiệm vụ tiếp ứng cho lực lượng biệt động đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong nội thành. Quân số các tiểu đoàn cũng bị thương vong nặng sau mỗi trận đánh, có tiểu đoàn chỉ còn lại 1/5 đến 1/10 quân số.
Đại tá Nguyễn Văn Triết, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 Sư đoàn 9, rưng rưng khi nhớ lại ký ức của trận đánh năm xưa. Vào thời điểm đó, đơn vị ông là tiểu đoàn mũi nhọn duy nhất của Sư đoàn 9 được giao đánh chiếm Trung tâm huấn luyện Quang Trung vào đúng giờ G. Ông kể: “Khi đánh mục tiêu này, tiểu đoàn gặp rất nhiều khó khăn vì đây là một mục tiêu lớn, quân số địch rất đông. Trong khi tiểu đoàn lại chỉ có hai đại đội, thiếu một đại đội do phương tiện vận chuyển không đáp ứng được. Dù vậy, khi giờ G đến, toàn đơn vị nhanh chóng tấn công và chiếm lĩnh được mục tiêu. Khi ta đột vào, cùng với trong nội thành cũng đã tấn công thì nó hoảng loạn lên và kéo ra hàng nhưng ta không đủ lực lượng để giải quyết hàng quân này. Nó thấy vậy nên né dần, rút dần rồi tổ chức phản kích lại ta ngay trong đêm…”.
Đại tá Vũ Ba, nguyên cán bộ tham mưu Miền, kể ngày mùng 5 tết Mậu Thân, tại sở chỉ huy cơ bản đóng ở phía sau, Tư lệnh Hoàng Văn Thái không nhận được báo cáo từ chiến trường gửi về. Biết tình hình chiến trường rất căng thẳng và gây cấn, vị tư lệnh liền phái ông xuống chiến trường gặp tướng Trần Văn Trà để báo cáo nguyên văn rằng: “Dựa vào tin tức của các đài phát thanh phương Tây, như anh đã biết, ta có thể đánh giá là bước đầu cơ bản ta đã giành được thắng lợi. Thắng lợi chiến lược quan trọng. Ý nghĩa thắng lợi to lớn đến đâu, hiện giờ ta chưa có thể hình dung được”.
Tháng 1-1968, có 515.000 lính Mỹ, 1 triệu lính VNCH mà Sài Gòn vẫn không được bảo vệ. Tất cả người dân Mỹ đều nhìn thấy hình ảnh tòa đại sứ nằm dưới tầm lửa đạn trên tivi tại phòng khách mọi gia đình. Họ tự hỏi tại sao điều này lại có thể xảy ra. Tổng thống của chúng ta đã tuyên bố chúng ta đang đi đến khúc ngoặt của cuộc chiến và đang chuẩn bị giành thắng lợi đến nơi rồi. Cuộc tấn công tết bộc lộ ra cho người dân Mỹ thấy rằng toàn bộ cuộc chiến này dựa trên cơ sở của một lời dối trá. Giáo sư sử học Mỹ LARRY BERMAN Nhiệm vụ của họ là xông vào sứ quán Mỹ. Làm được gì ở bên trong sứ quán không quan trọng, mà mục đích là phải xông vào được nơi đó đánh một đòn tượng trưng cho toàn bộ cuộc tiến công… Họ đã thành công hết sức to lớn. DAVE RICHARD PALMER (Tiếng kèn gọi quân) Tuy là một trận đánh nhỏ về số người tham gia nhưng đã kích động mạnh công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý: Sứ quán Mỹ, nơi ngọn cờ sao và vạch (chỉ cờ Mỹ – TS) chính thức cắm trên lãnh thổ Việt Nam là điểm tượng trưng cho mọi cố gắng và quyền lực Mỹ làm cho người ta nghĩ rằng các lực lượng cộng sản mạnh hơn nhiều so với mức mà Chính phủ Mỹ mô tả… DON OBERDORFER (Tet, NXB Doubleday & Company, Inc, Garden City, New York, 1971) |
V. Tấn công, tấn công liên tục
Sau đợt 1, dù lực lượng chiến đấu và cơ sở trong nội đô bị nhiều tổn thất nhưng vì mục tiêu chính trị cần đạt được.
Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã đề nghị Trung ương mở đợt 2 Tổng tấn công và nổi dậy trong mùa hè năm 1968, nối tiếp đà thắng lợi từ đợt 1.
Năm nay đã 84 tuổi nhưng Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) vẫn nhớ như in những cung bậc cảm xúc mà ông đã trải qua trong mùa xuân lịch sử 1968. Khi đó, ở cương vị cụm trưởng cụm tình báo chiến lược H63, ông có nhiệm vụ phải theo dõi sát sao tình hình chiến trận tại Sài Gòn.
“Việt cộng đánh cú này đau quá!”
Ông kể trong thời gian đầu của cuộc Tổng tấn công, các báo cáo ông gửi về căn cứ đều thấm đượm một màu bi quan trước những tổn thất của quân dân ta. Ông như đứt từng khúc ruột khi chứng kiến hình ảnh người nữ bí thư chi bộ Bình Mỹ vừa chôn cất đồng đội vừa nức nở khóc. Nhưng liền sau đó, ông đã có những thay đổi quan trọng trong nhận định, đánh giá về kết quả của trận đánh.
Những ngày cùng điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn đi thăm dò dư luận, thái độ của đối phương ở cơ quan tình báo chiến lược Mỹ, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa (VNCH)…, ông nhận thấy đối phương có một sự hoang mang, chán chường tột độ. Họ bàn luận với nhau: “Việt cộng đánh cú này đau quá, rất là thối động. Mà cái đòn này nó sẽ thấm dần cho tới khi mình bị ngã quỵ”. Kết quả của những thăm dò này đều được ông Tư Cang viết báo cáo, gửi về căn cứ.
Cuối tháng 3-1968, trên cơ sở báo cáo từ các chiến trường và tin tức tình báo, sau khi sơ bộ tổng kết, đánh giá tình hình đợt 1, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã đề nghị với trung ương cho mở đợt 2 tổng tấn công và nổi dậy ở chiến trường miền Đông, nối tiếp đà thắng lợi từ đợt 1. Đề nghị này được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua một tháng sau. Trọng điểm của đợt 2 vẫn là chiến trường Sài Gòn-Gia Định. Các hướng phối hợp là Đường 9, Trị-Thiên, Tây Nguyên, Khu V, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Riêng Huế không tổ chức đợt 2 do tình hình khó khăn ở mặt trận này sau đợt 1, dù đã được tăng viện thêm ba sư đoàn chủ lực miền Bắc.
Vượt lên khó khăn
Sau đợt 1 của Mậu Thân, tháng 3-1968, Mỹ triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia nhằm điều chỉnh chiến lược chiến tranh ở Việt Nam. Để tăng cường bảo vệ khu vực thành thị khỏi nguy cơ của những đợt tấn công mới, quân đội Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “quét và giữ”. Tháng 4-1968, Bộ trưởng Quốc phòng mới nhậm chức Clark Clifford chỉ thị cho Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam tiến hành ba biện pháp cấp bách để ngăn chặn nguy cơ từ những cuộc tấn công mới của quân giải phóng. Tình hình chiến trường miền Nam trở nên khốc liệt, căng thẳng hơn bao giờ hết, đặc biệt là tại chiến trường trọng điểm Sài Gòn.
Với Đại tá Nguyễn Văn Triết, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 Sư đoàn 9, các trận đánh của tiểu đoàn trong đợt 2 Mậu Thân là một nỗ lực phi thường. Bởi theo ông, sau đợt 1, địch đã tăng cường phòng ngự dự phòng rất mạnh từ nội thành ra tới bên ngoài. “53 tiểu đoàn của địch quanh Sài Gòn, chưa nói tới phi pháo của nó. Yếu tố bất ngờ không còn, ta vì yêu cầu chính trị phải tấn công vào” – ông Triết nói.
Đại tá Lâm Văn Chắn, nguyên Chính ủy Tiểu đoàn 3 của ông Triết, kể: “Đợt 2, ngay khi tới vùng lốp rồi, suốt ngày bị bom đạn đánh phá, thương vong cả mấy trăm nhưng tất cả anh em vẫn quyết đi theo đơn vị để chiến đấu. Cái khí thế của anh em trong Mậu Thân là chưa từng có!”.
Công tác chuẩn bị cho đợt 2 dẫu khó khăn gấp bội lần nhưng đã được quân dân ta nỗ lực hoàn thành để chuẩn bị cho trận đánh lớn tiếp theo. “Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp thì lại xảy ra một vụ việc nghiêm trọng. Ngày 19-4, Tám Hà, phó chủ nhiệm chính trị ra đầu hàng địch. Nó khai hết ráo cái ý định mình đánh sao, kỳ này những cái mũi đi như thế nào. Thành ra, Mỹ thả bom B52 sát Sài Gòn, làm cho những khẩu pháo mình chuẩn bị bị dìm trong bùn hết, không còn sử dụng được” – Đại tá Tư Cang nhớ lại.
Nhưng, sau khi cầm trên tay bản khẩu cung của Tám Hà do cụm H63 gửi về cứ, đắn đo, cân nhắc kỹ càng về mọi khả năng, cuối cùng Trung ương Cục và Quân ủy Miền vẫn hạ quyết tâm mở đợt 2 của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam.
Tiến công liên tục
Đúng 0 giờ 30 phút ngày 5-5-1968, cả miền Nam lại rung chuyển bởi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy lần thứ hai của quân giải phóng. Trong tuần lễ đầu, 89 thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ, căn cứ địch suốt từ Trị Thiên đến Cà Mau, các tỉnh đồng bằng ven biển đến Tây Nguyên đồng loạt tấn công và nổi dậy.
Tại chiến trường trọng điểm Sài Gòn, khác với đợt 1, các đơn vị bộ đội chủ lực trực tiếp tham gia chiến đấu, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương trên năm hướng đồng loạt thọc sâu, tấn công vào các mục tiêu trong nội thành như sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cầu chữ Y, cụm ra đa Phú Lâm, ngã ba Hàng Xanh, khu vực Bàn Cờ, Vườn Chuối…
Đến ngày 24-5-1968, quân giải phóng tiếp tục cao điểm 2 của cuộc tổng tấn công, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, bến cảng Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tòa đô chính, Sứ quán Mỹ, tập kích các khu vực Bình Hòa, Hàng Xanh, cầu Phú Định…
Do các đơn vị chủ lực quân giải phóng không thông thuộc địa hình trong thành phố và vũ khí chỉ được trang bị nhẹ nên khi đương đầu với một lực lượng hùng hậu, vũ khí tối tân của Mỹ thì quân số thương vong rất lớn. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Miền đã ra lệnh rút quân. Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đợt 2 chính thức kết thúc từ ngày 13-6-1968. Đến tháng 8 và tháng 9-1968, ta tiếp tục mở cuộc tiến công đợt 3…
Huế 1968 – một cuộc “chiến tranh tâm lý”
Trong Mậu Thân 1968, quân và dân Thừa Thiên-Huế đã làm nên chiến công trong 26 ngày đêm giữ thành, được tặng thưởng tám chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”, góp phần tạo “cơn địa chấn” của sự kiện Mậu Thân đối với chính quyền Mỹ và chế độ Sài Gòn. Nhưng sự khốc liệt của mặt trận này cũng kéo theo đòn “chiến tranh tâm lý” hết sức cay nghiệt suốt mấy mươi năm sau Mậu Thân 1968. Trong trận này, lính Mỹ đã phải trả một cái giá rất đắt về nhân mạng. Và, cũng chính khối lượng bom đạn khổng lồ mà họ trút xuống để tái chiếm lại thành phố này là nguyên nhân dẫn đến những tổn thất ghê gớm của quân và dân ta. “Tổn thất của xuân 1968 rất lớn, ác liệt một cách khủng khiếp. Xung quanh thành đỏ hết. Bom đạn hai bên đánh nhau đỏ chói, khói ngùn ngụt, nhà cửa bom pháo san bằng hết” – ông Nguyễn Văn Quang, nguyên Bí thư Thành ủy TP Huế, nguyên Đội trưởng Đội Công tác chính trị vũ trang quận 1 năm 1968, nhớ lại. Để khỏa lấp thất bại nặng nề tại mặt trận Huế, đồng thời tìm lý do biện minh cho những thiệt hại khủng khiếp về thường dân do những trận bom pháo Mỹ gây ra, Mỹ và chính quyền Sài Gòn dựng lên cái gọi là cuộc thảm sát tại Huế để đổ vấy cho quân giải phóng và từ đó đánh lừa dư luận. GS Noam Chomsky, người có nhiều hoạt động chống lại chiến tranh của Mỹ ở VN và sau này ở Iraq, khẳng định vấn đề thảm sát tại Huế là một sự bịp bợm. “Đó là những thường dân bị chết do những trận bom pháo Mỹ san bằng TP Huế. Rồi sau đó khi Mỹ và VNCH phản kích trả thù lại thời kỳ hậu Mậu Thân cũng giết chóc rất nhiều. Thứ nữa là lực lượng quân giải phóng đã hy sinh trong lúc chiến đấu. Tất cả đều là người Việt với nhau và họ gộp vô hết. Tất cả cái đó họ dựng thành một vụ thảm sát tưởng tượng” – GS Noam Chomsky khẳng định. |
VI. Mỹ phải rút khỏi Việt Nam!
Dù còn có nhiều điều tranh luận, song không thể phủ nhận một sự thật lịch sử hiển nhiên: Nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán Paris 1973 và đi đến kết thúc thắng lợi vào trưa ngày 30-4-1975 lịch sử.
Nhiều học giả, nhà sử học trong và ngoài nước cho rằng tác động lớn nhất của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được cảm nhận rất rõ ở ngay chính nước Mỹ. Với sự tham gia của truyền thông quốc tế, đặc biệt là báo chí Mỹ, đã khiến công chúng Mỹ sống trong bầu không khí của chiến tranh từng ngày một.
Tác động dữ dội tới nước Mỹ
Trò chuyện với người viết, cựu phóng viên tờ Washington Post Don Luce nhớ lại: “Cuộc tấn công Mậu Thân cho người dân Mỹ thấy một sự thật rằng cuộc chiến này thực sự không hề có chiều hướng dịu đi, không hề có chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm và người ta bắt đầu chú ý nhiều đến nó. Thêm vào đó, những người Mỹ tình nguyện (đi lính) bắt đầu phản đối chiến tranh. Kể cả với những người đang ở Việt Nam. Họ viết thư về nhà, họ thật sự công khai phản đối chiến tranh. Và thế là đã có sự dịch chuyển, thay đổi thái độ sang việc phản đối chiến tranh. Nó cứ lớn dần, lớn dần lên…”.
Thời điểm sau tết Mậu Thân 1968, Dick Hughes, diễn viên Mỹ, là một trong số 16 triệu thanh niên Mỹ đã đốt thẻ và chống lệnh đi quân dịch. Ông phải đối mặt với án tù năm năm cho quyết định này. Vài tháng sau đó, Dick Hughes quyết định một mình đến Sài Gòn và tự tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra ở đây. “Cuộc chiến tranh này đã luôn ám ảnh trong tâm trí tôi. Trên tivi, chúng tôi luôn nhìn thấy những trận đánh, những xác người chết và những gì đang diễn ra thật khủng khiếp tại Việt Nam. Tôi quyết định mình phải làm một điều gì đó cho Việt Nam. Thế là tôi tự đến Việt Nam và làm công tác xã hội” – Dick Hughes kể.
Cuộc đời của Dick Hughes và rất nhiều người Mỹ khác đã thay đổi từ sau sự kiện Mậu Thân 1968. Trong “cơn ác mộng” hậu Mậu Thân, tình hình nước Mỹ trở nên hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình của sinh viên Trường ĐH Kent State diễn ra vào ngày 4-5-1970 tại bang Ohio. Trong sự căng thẳng tột độ, lực lượng vệ binh quốc gia đã xả súng vào hàng ngàn sinh viên trong khuôn viên trường đại học, khiến bốn sinh viên thiệt mạng và chín người khác bị thương. Ngọn lửa phản chiến bùng lên dữ dội hơn bao giờ hết, trở thành một cuộc chiến thật sự, một cuộc đối đầu giữa chính quyền và nhân dân Mỹ ở ngay trong lòng nước Mỹ, đẩy quốc gia này vào một sự chia rẽ sâu sắc chưa từng có.
Máu của người Mỹ đã đổ, không chỉ trên chiến trường Việt Nam mà còn ở ngay tại quê nhà trong phong trào phản chiến lịch sử, sau sự kiện Mậu Thân 1968.
Trước áp lực của dư luận trong nước và thế giới, Tổng thống Lyndon Johnson buộc phải xuống thang chiến tranh, “phi Mỹ hóa” cuộc chiến này và tìm kiếm con đường đàm phán, thương lượng hòa bình để rút quân về nước. Khi Tổng thống Nixon vào Nhà Trắng, tiếp nối di sản chiến tranh mà Lyndon Johnson để lại, ông phải đứng trước hai lựa chọn: Một, tiếp tục tăng quân và ném bom hủy diệt miền Bắc Việt Nam; hai, ngừng ném bom miền Bắc và rút quân về nước, thương lượng với Hà Nội để kết thúc cuộc chiến. Nhưng dường như Tổng thống Nixon không có quyền lựa chọn trước con đường đã được vạch sẵn, nếu không muốn đẩy nước Mỹ đến hố sâu của sự chia rẽ nội bộ trầm trọng hơn.
“Hãy ra khỏi Việt Nam đi!”
Dù còn nhiều ý kiến, đánh giá khác nhau về đợt 2 và đợt 3 của sự kiện Mậu Thân 1968 nhưng một sự thật phải được nhìn nhận: Mậu Thân 1968 là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một sự kiện được xem là bước tập dợt trên quy mô lớn của quân và dân ta để chuẩn bị cho những trận đánh lớn sau này, đặc biệt là trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman cho rằng: “Chính sách tăng quân chiến đấu của Mỹ vào Việt Nam đã kết thúc cùng với cuộc tấn công Mậu Thân. Giờ đây, thách thức đặt ra với người Mỹ là làm thế nào để rút khỏi cuộc chiến này trong danh dự. Mậu Thân là một bước chuyển mang tính quyết định, dẫn đến việc chấm dứt leo thang chiến tranh Việt Nam. Bom vẫn tiếp tục rơi nhưng lính Mỹ thì dần được về nhà”.
Còn với nhà báo, sử gia Stanley Karnow thì: “Theo quan niệm căn bản của tôi về cuộc chiến tranh này, đúng là không thể nào có một chiến thắng dành cho chúng tôi, vì một lý do cực kỳ đơn giản. Kẻ thù của chúng tôi đã có một khoảng thời gian dài để bắt đầu tập làm quen với những mất mát tột cùng, không giới hạn. Chính sách của Mỹ khi bắt đầu đặt chân vào Việt Nam là giết thật nhiều người lính đối phương để làm tiêu tan hết lực lượng của họ. Và lính Mỹ đã làm y như vậy, giết chết hàng triệu người, không thể nhớ rõ được. Nhưng họ chẳng bao giờ tìm thấy được điểm dừng của sự giết chóc này. Cuối cùng, họ vẫn cứ tiếp tục đánh nhau và nhận lấy thất bại. Và rồi, Đảng Cộng hòa bắt đầu lên tiếng, rằng nếu chúng ta không thể thắng cuộc chiến này thì hãy ra khỏi nơi đó đi”.
* * *
Cùng với độ lùi của thời gian và lịch sử, tầm vóc to lớn về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, công bằng hơn. Và dù còn có nhiều điều tranh luận, song không thể phủ nhận một sự thật lịch sử hiển nhiên của dân tộc: Nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán Paris 1973 và đi đến kết thúc thắng lợi vào trưa ngày 30-4-1975 lịch sử.
“Ngày đồng đội”
Mất một bàn tay trong cuộc đọ sức dữ dội với kẻ thù ở Mậu Thân đợt 2, bà Nguyễn Thị Huyền Nga (Lê Thị Hồng Quân) – Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng – vẫn cho mình là người may mắn. Ký ức Mậu Thân với bà thật dữ dội và bi tráng, khi bà tận mắt chứng kiến sự hy sinh can trường của đồng đội, từ anh Hà Văn Tiết đến chị Sáu Xuân. “Đặc biệt là em Quang – người đồng đội vô danh, nhỏ tuổi nhất đơn vị mà can đảm lạ thường trước đòn roi tra tấn của kẻ thù. Và em đã hy sinh trong tiếng hát trong trẻo, khẳng khái và hào hùng…” – bà Nga nói. Trong dòng hồi tưởng rưng rưng, người tiểu đoàn phó nghẹn ngào đọc những vần thơ gan ruột tặng những người đồng đội, đồng chí của mình:“Trong khói hương lòng thêm đớn đau/ Sáng từng khuôn mặt sát vai nhau/ Trên đường phố Sài Gòn xưa ấy/ Tiếp bước chân lên những chiến hào/ Bốn mươi năm rồi có phải xa/ Trong tôi vang dội mới hôm qua/ Những nòng thép đỏ trên đường tiến/ Trao lại lời vĩnh biệt thiết tha/ Gọi 5 tháng 5 ngày đồng đội/ Rõ từng khuôn mặt sát vai nhau/ Xin chớ hỏi ai còn ai mất/ Tất cả còn đây đau xót tự hào…”. Đau thương và mất mát Để làm nên chiến thắng vô giá của sự kiện Mậu Thân 1968, quân dân ta đã phải gánh chịu những hy sinh, mất mát to lớn. Theo thống kê của Cục Tác chiến, mặt trận đường 9 có gần 4.000 liệt sĩ, mặt trận Trị Thiên có gần 5.000 liệt sĩ. Con số tương ứng ở đồng bằng Khu 5 là gần 11.000 liệt sĩ, Tây Nguyên gần 3.500 liệt sĩ, Khu 6 gần 1.300 liệt sĩ, Khu 10 gần 500 liệt sĩ, Đông Nam Bộ gần 14.200 liệt sĩ, Khu 8 khoảng 2.500 liệt sĩ, Khu 9 hơn 3.500 liệt sĩ. Tổ quốc và dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, trong đó có gần 45.000 người đã ngã xuống trong Mậu Thân 1968 để Tổ quốc mãi trường sinh. |
Theo LÊ PHONG LAN / PHÁP LUẬT TPHCM
Tags: Chiến tranh Việt Nam, Kháng chiến chống Mỹ, Chiến dịch Mậu Thân 1968