Mặt trái nguy hiểm trong cách dạy con của người Châu Á

Hầu hết cha mẹ Châu Á đều tin vào logic: “Cha mẹ có quyền chửi rủa, sỉ nhục, chà đạp và phê phán con, nhưng nếu con mà dám mở miệng ra phê phán lại dù đúng tới mức nào là chết với ba má nghe chửa?”.

Vì sao tôi tránh xa cách dạy con của người Châu Á?

Dịch lại theo lời kể thuộc ngôi thứ nhất của Madamecloud. Người dịch: Hoàng Duy.

Tôi thực sự không biết phải bắt đầu từ đâu! Tôi đa thực hiện nhiều nghiên cứu trên bản thân và xã hội xung quanh trước khi viết bài này dựa trên những thứ mà tôi nghiệm ra từ bãn thân và quá khứ của mình.

Mọi chuyện bắt đầu từ khi tôi, bản thân cũng là một người Châu Á, trong một lần vô tinh nghe về cuốn sách nói về cách nuôi dạy con cái của một người với bút danh Amy Chau. Tôi bắt đầu tò mò và dò tìm trên mạng về nội dung cuốn sách. Sau khi đã đọc những dòng bình luận và phê bình của những người trong ngành cũng có một tuổi thơ giống tôi và vài trang đầu của quyển sách, tôi quyết định sẽ không phí tiền mua nó về.

Nội dung sơ bộ của cuốn sách khiến tôi thực sự khó chịu và muốn phê bình thẳng vào mặt người đã viết nó. Vâng có thể tôi không phải là bậc cha mẹ nên tôi không hiểu hết mọi cảm giác tâm lí mà cha mẹ phải trải qua khi nuôi con. Vâng tôi tin rằng hầu hết cha mẹ đều thương yêu con cái mình hết mực, ngoại trừ những người mắc chứng Narcissism (tự yêu bản thân) hoặc hội chứng BDP.

Bản thân tôi được nuôi dạy trong một gia đình Trung Quốc theo giáo lí của Khổng Tử. Cha mẹ tôi luôn muốn tôi phải tiến xa và nhanh trong học tập, cái đó thì không có ý kiến. Khi tôi lớn hơn một chút thì họ dạy tôi phải trở thành một người vợ ngoan hiền, và bắt buộc phải lấy chồng để sau này không chết một mình.

Cho tới khi hoàn toàn trưởng thành, tôi kinh hoàng nhận ra tôi đã trở thành một con người kinh khủng. Vì ngay từ nhỏ cha mẹ tôi đã không ngớt lời chê bai, mắng mỏ, nói xấu tôi ngay trước mặt tôi với hàng xóm, bạn bè mà không hề mảy may nghĩ về vết thương tâm lí mà họ ngày ngày gây ra trong tâm trí tôi. Khi đã bị mắng là đồ “vô dụng”, “ăn hại”, “giặc cỏ”… và những danh hiệu mà không đứa bé hay thanh, thiếu niên nào muốn nhận, nhất là khi chúng đến từ những người đã sinh ra mình.

Kết quả là giờ đây lòng tự trọng của tôi rất thấp, còn lòng tự ti thì nhiều vô kể. Tôi không còn có thể tự tin để làm bất cứ việc gì mà không phải hỏi ý kiến cha mẹ, khiến tôi trông như một đứa con nít lên 3. Chẳng những vậy, tôi không bao giờ cho rằng mình xứng đáng được khen hay xứng đáng được thương yêu, chấp nhận, không xứng đáng làm một người trưởng thành đích thực vì cả đời tôi đã bị vùi lấp bởi những lời lẽ cay độc từ chính những người mà tôi yêu thương.

Nếu vậy chưa đủ tệ, giờ đây tôi cảm thấy tôi ngày càng xa cách,thậm chí là cảm thấy có ác cảm với chính cha mẹ mình vì cách họ “nuôi dạy” tôi. Nhưng những gì Amy Chau viết trong sách, tôi đã bị ép khuôn từ nhỏ, bị buộc làm những thứ tôi không muốn làm ngay từ nhỏ. Họ la mắng, chà đạp, mạt sát chính con đẻ của mình ngay từ nhỏ bằng những lời lẽ cay độc và biện lí do: “Cha mẹ rất thương yêu con và chỉ muốn tốt cho tương lai của con thôi!” mỗi khi họ làm tôi tổn thương.

Thế đứa trẻ lớn lên như thế có thành công không? Hầu hết là có, nhưng cái giá cho cách dạy con đó chính là họ đã để lại một vết sẹo quá lớn trong tâm hồn đứa trẻ. Nó lớn lên bởi sự mạt sát, đòn roi và những câu nói rỉ tai rằng nó là kẻ vô dụng, ăn hại. Nó trở nên thành công là vì nó sợ, không phải vì nó nể phục cha mẹ mình. Như người xưa từng nói, làm cha mẹ là phải làm gương cho con cái, thế thì những bậc cha mẹ Châu Á có mảy may nghĩ về câu nói này khi họ mạt sát và khiến con mình tổn thương hay không? Họ có nghĩ rằng khi con họ lớn lên với một vết sẹo quá lớn trong tâm hồn dù có thành đạt bao nhiêu, giàu có bo nhiêu, họ có nghĩ nó sẽ không có ác cảm với mình không? Họ có nghĩ rằng nó đã trở thành họ, và rằng nó cũng sẽ làm điều tương tự với con mình, nó cũng sẽ mạt sát thằng/cô bé, lăng mạ, quát tháo, sỉ nhục, nói với con của chúng những ngôn từ mà chúng đã phải đón nhận ngay từ nhỏ, và để lại một vết sẹo trong lòng con cái chúng trong tương lai hay không?

Cha mẹ tôi đã từng mắng: “Có thấy cái bản nhạc mà mày kêu khó không? Xem em gái mày chơi dễ như thế nào kìa!”.

Và họ mong rằng tôi sẽ phải quỳ xuống và nói “Vâng, con là thứ lười biếng, ăn hại không ra gì, con sẽ không bao giờ thành tài và cho dù điều cha mẹ nói có sai hoàn toàn chăng nữa, thì cha mẹ vẫn đúng vì cha mẹ là “người lớn” còn con chỉ là đứa con nít gần hơn 20 tuổi!”.

Nhớ lại việc đo khiến tôi buồn nôn. Tôi không quan tâm họ muốn gì cho tôi, tôi chỉ không hiểu nổi vì sao họ nghĩ họ có thể đạt được điều họ muốn cho tôi bằng cách sỉ nhục, lăng mạ, nói xấu con cái mình không thương tiếc. Họ có bao giờ nghĩ rằng tôi có thể học chơi đàn thành thạo nếu họ tỏ ra động viên một chút thay vì chà đạp tôi bằng lời lẽ hay không? Như đã nói trên, con cái họ trở nên thành đạt vì chúng sợ bị lăng mạ, chứ không phải chúng trân trọng cách đối xử và nuôi dạy của họ. Chúng không bao giờ tự tin làm việc gì vì mọi thứ chúng làm đều khiến chúng bị mắng mỏ dù là lớn hay nhỏ. Chúng luôn tự ti là vì cả đời chúng được dạy là chúng là đồ ăn hại vô tích sự. Họ có bao giờ nghĩ tới cảm xúc của con mình hay không? Họ có mảy may cảm thấy áy náy dù chỉ một chút khi gọi con mình bằng những từ ngữ khó nghe đó không? Họ có bao giờ nghĩ rằng phải chăng con mình lớn lên lúc nào cũng to tiếng với mọi người, con cháu của họ, luôn quát tháo họ khi họ về già, hay chẳng mảy may quan tâm tới họ có liên quan tới cách họ đã đối xử với nó hay không?

Đã có rất nhiều người lớn lên trong môi trường không chứa đầy những câu nói sỉ nhục, chà đạp mà vẫn có thể thành đạt. Đó là nhờ sự tự tin của chúng đã không bị phá hủy, sự tự ti thì hoàn toàn không tồn tại trong tâm trí chúng. Nhưng quan trọng nhất là chúng sẽ không xa cách với cha mẹ hay gia đình mình vì trong lòng chúng không có một vết sẹo nào. Chỉ có những câu nói động viên tích cực đã góp phần giúp chúng tiến thẳng tới tương lai.

Nên nhớ, Kiên nhẫn là một đức tính rất khó mài dũa và đòi hỏi thời gian để hoàn thiện nó. Nhiều bậc phụ huynh Châu Á ngày nay lại thích dùng nỗi sợ và lời lẽ cay độc để khiến con mình thành đạt, vì dùng nỗi sợ sẽ nhanh hơn dù hiệu quả của nó cũng ngang với việc dùng lối nuôi dạy con tích cực. Họ dường như cũng không quan tâm tới việc họ đã cắt vào tâm hồn đứa trẻ như thế nào. Không có ai hay cái gì hoàn hảo. Vâng, ngay cả bậc cha mẹ cũng không hoàn hảo đâu, chỉ vì họ là người làm cha làm mẹ không có nghĩa là mọi thứ họ nói, dù đúng hay sai đều tự động trở thành Đúng vì họ tin rằng “Họ là cha mẹ, và cha mẹ thì luôn luôn đúng!”.

Nếu ta nuôi dạy con mình bằng sự thù ghét, sự giận dữ thì cũng đừng mong hay tỏ ra ngạc nhiên khi lớn lên chúng lại trở thành chính thứ mà họ đã gieo xuống đất. Nếu bạn nuôi một hạt giống bằng tình yêu tích cực, đất đai màu mỡ, tưới nước đầy đủ,kiên nhẫn cắt tỉa những góc ngọn bị sai sót thì khi cái cây lớn lên, nó sẽ cho ra bao nhiêu trái ngọt. Còn ngược lại, ta nuôi cái cây bằng đất khô cằn, bỏ bê, tưới nước bữa có bữa không,cứ dùng hóa chất để làm nó lớn nhanh thì kết quả sẽ là trái đắng.

Chưa hết, hầu hết cha mẹ Châu Á đều tin vào logic: “Cha mẹ mới có quyền chửi rủa, sỉ nhục, chà đạp và phê phán con, nhưng nếu con mà dám mở miệng ra phê phán lại dù đúng tới mức nào là chết với ba má nghe chửa?” Họ thực sự nghĩ logic này có thể khiến con họ nể họ ư? Nể phục thì không biết nhưng một điều chắc chắn là khi có gia đình chúng cũng sẽ lập lại cái vòng luẩn quẩn đó và đối xử với con chúng y như cách chúng từng bị đối xử và dạy con bằng cái logic y chang cái logic chúng từng được dạy dù cái logic đó có sai tới mức nào. Chẳng lẽ họ lại nghĩ rằng cách suy nghĩ độc tài đó có thể biến con mình thành một người hiền lành, giàu có, thành đạt? Giàu có, thành đạt thì có thể đấy, nhưng hiền lành thì chưa chắc. Con trẻ cũng như tờ giấy trắng. Hãy suy nghĩ cho cẩn thận trước khi bạn viết lên tờ giấy đó, vì nó không dài vô hạn và những thứ bạn viết lên nó không thể xóa được đâu.

Theo MONNUAGE BLOG

Tags: , , ,