‘Liều thuốc’ nào cho cơn đau bệnh mà TP HCM đang trải qua?

“Khủng khiếp” là đánh giá chung tôi nhận được từ một người từng điều hành doanh nghiệp lớn, một nhà báo thâm niên, một trọng tài kinh tế, và một cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu về tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I của TP HCM.

Tác giả: Huỳnh Thế Du, Tiến sĩ, giảng viên Chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam.

Dù đã dự cảm những khó khăn trong năm 2023, tôi vẫn bất ngờ với con số 0,7% của TP HCM và 3,32% của cả nước.

Số liệu chi tiết cho thấy bức tranh hiện tại và thách thức phía trước.

Ở đầu sản xuất, đóng góp cho tăng trưởng của cả nước gồm: nông nghiệp 8,85%; công nghiệp âm 4,76% và dịch vụ 95,9%. Dịch vụ gánh gần như toàn bộ tăng trưởng của cả nền kinh tế. Các trung tâm công nghiệp như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Vĩnh Phúc tăng trưởng âm hoặc thấp hơn trung bình chung. Tăng 9,65% như Hải Phòng là hiếm hoi.

Ở phía sử dụng sản phẩm cuối cùng, tiêu dùng đóng góp 46% vào tăng trưởng kinh tế quý I, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ, cho thấy tâm lý thận trọng trong chi tiêu của người dân.

Đầu tư là nghiêm trọng nhất. So với cùng kỳ, vốn đầu tư danh nghĩa chỉ tăng 3,7% với vốn nhà nước tăng 18%; tư nhân trong nước 1,8%; và đầu tư nước ngoài giảm 1,1%. Sau khi khử lạm phát thì tổng đầu tư không tăng và đóng góp cho tăng trưởng chỉ có 0,14%. Cả đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đều âm.

Vốn nhà nước tăng cao là một điểm sáng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quý I chỉ đạt 9,69% kế hoạch, thấp hơn đáng kể so với 11,88% năm 2022.

Xuất khẩu ròng đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng quý 1 với 53,75% nhưng phần tăng này là do nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu giảm.

Cả nước là như vậy. TP HCM còn khó khăn hơn, với mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Lần đầu tiên sau khoảng 40 năm, TP HCM rơi vào nhóm 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Cả tiêu dùng và xuất khẩu ròng đều gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đầu tư đang là thách thức lớn nhất của Thành phố khi mức tăng chung chỉ là 4,4% với vốn nhà nước giảm 3,3%; vốn ngoài nhà nước tăng 4,5%; và vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,4%.

Chi ngân sách nói chung, đầu tư từ ngân sách nói riêng đang là điểm nghẽn. Mức chi chung giảm 8,5% và chi đầu tư chỉ có 487 tỷ đồng, đạt 1,1% dự toán, bằng 24,5% so với cùng kỳ. Trong gần 60 ngày làm việc của quý I, con số chi hơn 8 tỷ đồng mỗi ngày cho nền kinh tế có quy mô 1,5 triệu tỷ đồng chỉ như muối bỏ bể.

Đầu tư tư nhân và phát triển doanh nghiệp cũng đầy thách thức với số vốn đăng ký giảm 41%. Đầu tư nước ngoài rất tích cực, nhưng không dễ để duy trì trong cả năm.

Những phân tích nêu trên cho thấy, kinh tế cả nước đang gặp thách thức ở tất cả ba cấu phần (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu). TP HCM thậm chí còn nhiều khó khăn hơn.

Để cải thiện tình hình, tôi đề xuất sáu giải pháp chung và sáu giải pháp cho TP HCM.

Tháo nút thắt động lực và tâm lý làm việc của đội ngũ là một yếu tố quan trọng. Cuộc chiến chống tham nhũng là hết sức đúng đắn và tuyệt đối cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh không phải lúc nào cũng có thể phân định đúng sai, khả năng dễ “vào lò” đang tác động đến tâm lý cán bộ, nhất là ở địa phương. Cần sớm có các cơ chế, đề xuất bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm.

Đầu tư công là điểm nghẽn chắc chắn phải tháo gỡ. Cách thức hợp lý là Chính phủ cũng như từng địa phương và bộ ngành tập trung vào nhóm 20% số dự án chiếm khoảng 80% số vốn để giải quyết trước, ưu tiên những nơi có cán bộ nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm.

Cả Trung ương và các địa phương cần chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cũng như hoạt động kinh doanh hiện hữu của doanh nghiệp. Trong đó, nguồn vốn là yếu tố hết sức quan trọng.

Một mục tiêu rất thực tế là giữ được các hợp đồng hiện tại ở các nước và khai thác thị trường Trung Quốc. Suy thoái kinh tế đang cận kề ở nhiều nước nên việc giữ được mức hiện tại đã là rất tốt. Trung Quốc rất cần tăng trưởng để đạt mục tiêu 5% khi mở cửa sau Covid nên họ đang có những chính sách thúc đẩy giao thương thương mại, tạo ra bối cảnh mà Việt Nam có thể tận dụng.

Vấn đề thứ năm là tăng cường quản lý rủi ro vĩ mô và có những giải pháp ứng phó kịp thời trước bất trắc xảy ra, đặc biệt là với hệ thống tài chính ngân hàng.

Cuối cùng, kích cầu đầu tư và tiêu dùng là giải pháp cần tính đến và có chiến lược cụ thể.

Đối với TP HCM, yếu tố quan trọng đầu tiên vẫn là khích lệ, tạo động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo quan sát của tôi, có lẽ bây giờ là giai đoạn đội ngũ cán bộ công chức Thành phố có nhiều tâm tư nhất. Để xóa tan nghi ngại, các lãnh đạo cấp cao của TP HCM sẽ phải nỗ lực gấp bội để đưa ra thông điệp rõ ràng, khuyến khích đội ngũ chủ động, sáng tạo ứng phó với những khó khăn hiện tại, tạo nên một đợt “phá rào” mới trong phát triển kinh tế.

Thứ hai là tính toán khả năng tăng trưởng cho năm 2023, đặc biệt là các dự án đầu tư công và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ở nhiệm vụ này, lãnh đạo Thành phố cần phân công bám sát để cùng “đếm” kết quả, hướng gần nhất có thể đến mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% đã đặt ra.

Thành phố cũng cần làm việc chặt chẽ với Trung ương để sớm có những cơ chế đặc thù mang tính chiến lược. Trước mắt, chỉ nên tập trung vào một số ít khả thi, thay vì nhiều nhưng khó triển khai, ít tác động.

Việc giải ngân ngân vốn đầu tư và triển khai hiệu quả, tránh cách làm mang tính thi đua, phong trào đối với 50 công trình trọng điểm đã đề ra, cũng sẽ có vai trò quyết định.

Khai thác hiệu quả giá trị từ đất với các cách thức phù hợp, theo kinh nghiệm thành công của những địa phương khác, là một hướng đi triển vọng với bối cảnh lúc này của thành phố.

Thứ sáu, đây là lúc TP HCM cần phát huy vai trò “anh Hai” để liên kết phát triển khi tất cả địa phương trong vùng đang rất cần động lực tăng trưởng mới. Vấn đề này nếu được giải quyết tốt sẽ không chỉ mang lại thành quả kinh tế cho TP HCM mà còn xốc dậy cả một vùng trọng điểm phía Nam của đất nước.

Con số thống kê quý I là những chỉ báo quan trọng để “bắt bệnh” trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước. Nhìn thẳng vào thực tế, bình tĩnh vượt qua cơn sốc để tìm “liều thuốc” cho mình là tâm thế mà cả nước chờ đợi vào “đầu tàu” TP HCM lúc này.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,